Saturday, 13 October 2012

NGÃI VỊ VỊ CHẾ NHẠO THÁI ĐỘ CỦA BẮC KINH ĐỐI VỚI GIẢI NOBEL (RFA)




RFA
13.10.2012

Ông Ngãi Vị Vị, một nghệ sĩ bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc ngày hôm nay lên tiếng chế nhạo thái độ của Bắc Kinh đối với giải Nobel Văn học mà Mạc Ngôn vừa nhận.

Tuyên bố với hãng tin AFP ông Ngãi Vị vị cho rằng thái độ bắt giam khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba và chống đối giải Nobel của Đức Đạt Lai Lạt Ma của chính phủ Trung Quốc hoàn toàn đối lập lại với hành động ca tụng giải Nobel Văn học của Mạc Ngôn. Hành động này dưới cái nhìn của Ngãi Vị Vị cho thấy có một sự nhượng bộ nào đó của nước trao giải khi Lưu Hiểu Ba vẫn còn bị giam giữ trong tù.

Ý của nghệ sĩ Ngãi Vị Vị là Na Uy đã nhượng bộ sau khi Bắc Kinh phản ứng quyết liệt giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba bằng cách trao giải Văn học cho Mạc Ngôn năm nay và Bắc Kinh ngay lập tức thỏa mãn một cách lố bịch.

Tuy nhiên ông Mạc Ngôn, người thắng giải Văn học năm nay được Ngãi Vị Vị đánh giá cao sau khi ông này lên tiếng công khai yêu cầu chính quyền trả tự do cho khôi nguyên Lưu Hiểu Ba ra khỏi nhà giam vì bản án bất công mà chính quyền áp đặt lên ông này.

Mạc Ngôn là người Trung Quốc thứ hai nhận được giải thưởng Nobel văn học. Trước đó ông Cao Hành Kiện cũng nhận được Nobel Văn học nhưng ông là người Hoa mang quốc tịch Pháp nên không được xem là công dân Trung Quốc đầu tiên đoạt giải.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

-------------------------------------------


Hân Hân  -  ktdt.com.vn
Cập nhật lúc: 13/10/2012-17:29:16

http://www.ktdt.com.vn/Images/News/20121011192703_Mac%20Ngon%201.jpg
KTĐT - 12 năm sau khi Cao Hành Kiện - nhà văn người Pháp gốc Trung Quốc vinh dự được trao giải Nobel Văn học, Mạc Ngôn một lần nữa khẳng định mình là "báu vật" của văn đàn Trung Quốc khi vượt qua hàng chục ứng cử viên nặng ký khác để trở thành chủ nhân mới của giải thưởng văn chương uy tín nhất thế giới.

Nhà văn Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, vùng đất đã trở thành bối cảnh quen thuộc trong rất nhiều sáng tác của ông. Hầu hết các tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt như: Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Rừng xanh lá đỏ, Tổ tiên có màng chân, Cây tỏi nổi giận… Trong số này, Cao lương đỏ đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim cùng tên và được trao giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Riêng cuốn Báu vật của đời sau khi được chuyển ngữ sang tiếng Việt đã gây tiếng vang đến mức tháng 11/2001, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức một hội thảo quy mô lớn để bàn luận về cuốn sách này.

Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, Mạc Ngôn được xướng tên tại giải Nobel Văn học năm nay vì bút pháp vô cùng đặc sắc khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với những câu chuyện dân gian với lịch sử và đương đại. Trong khi nhiều nhà phê bình cho rằng, tác phẩm của Mạc Ngôn gợi nhớ tới các tác giả lừng danh khác như: William Faulkner và Gabriel Garcia Marquez, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển Peter Englund lại cho rằng bút pháp của Mạc Ngôn là "thứ gì đó rất riêng", vì ông là "người kể chuyện bẩm sinh, rất biết cách lồng yếu tố siêu nhiên vào những thứ thông thường”.

Mạc Ngôn được đánh giá cao vì ông có thể viết tốt ở nhiều thể loại và được giới phê bình văn học thế giới đánh giá cao khi thường xuyên lọt vào danh sách các tác phẩm kinh điển của văn đàn quốc tế. Hồi tháng 2 vừa qua, nhà báo Paul Mason của tờ Guardian đã xếp tiểu thuyết Báu vật của đời ở vị trí thứ 2, chỉ sau tác phẩm kinh điển AQ của văn hào Lỗ Tấn. Trước khi giải thưởng văn học danh giá bậc nhất thế giới được công bố, tờ New York Times đã nhận định: “Mạc Ngôn là một trong 3 nhà văn đương đại được giới phê bình quốc tế trông cậy là sẽ góp phần làm giảm ưu thế đang nghiêng hẳn về châu Âu của Nobel Văn học những năm gần đây”. Lý giải về sự thành công của mình, trong một buổi giao lưu với độc giả ở Bắc Kinh năm 2010, Mạc Ngôn cho rằng mình có nhiều độc giả quốc tế vì các nhân vật trong tác phẩm của ông là "người bản địa, ngôn ngữ in đậm dấu ấn Trung Quốc". Có lẽ vì thế mà Mạc Ngôn đã vượt qua 45 ứng cử viên nặng ký khác, trong đó có những tên tuổi đình đám của châu Á như nhà văn Murakami Haruki (Nhật Bản), nhà thơ Ko Un (Hàn Quốc) để trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học 2012.
Hân Hân


Huyền Trang (theo Xinhua)
13/10/2012 17:08

(VTC News) - Với phần thưởng cao quý này, nhà văn Mạc Ngôn đã đem lại cơ hội làm ăn và thu lợi nhuận tuyệt vời cho ngành công nghiệp văn hóa và truyền thông Trung Quốc.


Hiệu sách là những nơi đầu tiên đón nhận tác động tích cực từ giải Nobel Văn học của tác giả "Cao lương đỏ" với doanh số bán hàng tăng vọt. Ge Fei, phó giám đốc Nhà sách Wangfujing có trụ sở tại Bắc Kinh - một trong những nhà sách lớn nhất đất nước Trung Quốc - hào hứng cho biết, các tiểu thuyết như "Cao lương đỏ" và mới đây nhất là "Ếch" đã được bán hết veo trước 10 giờ sáng - chỉ một tiếng đồng hồ sau giờ mở cửa nhà sách. Trong khi đó, các đơn đặt hàng tiểu thuyết Mạc Ngôn cũng tới tấp đổ về.

Rất nhiều giám đốc nhà sách, chủ tiệm sách ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác trên khắp đất nước Trung Quốc cũng tận hưởng niềm vui vì doanh thu bán hàng khởi sắc. Ngay các gian hàng sách trên mạng cũng nô nức độc giả đặt mua tiểu thuyết Mạc Ngôn. Kho tác phẩm của ông trên trang Dangdang.com - nhà sách trực tuyến lớn nhất Trung Quốc - hiện đã hết hàng.

Kết quả là, cổ phiếu của các công ty kinh doanh lĩnh vực văn hóa và truyền thông trên sàn chứng khoán Thượng Hải đều tăng cao. Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ qua, 12/10, Shanghai Xinhua Media Co. Ltd đạt mức tăng trưởng vượt giới hạn ngày là 10,1% và chốt phiên với giá 6,23 nhân dân tệ/cổ phiếu.

Li Daxiao, giám đốc công ty Yingda Securities tại Thâm Quyến, bày tỏ: "Tôi chỉ có thể nói rằng các nhà đầu tư Trung Quốc thực sự rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm cơ hội thu lời từ những tin tức tốt lành như giải Nobel của nhà văn Mạc Ngôn. Xét ở khía cạnh tốt nhất, chiến thắng của Mạc Ngôn sẽ gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp văn hóa vốn lâu nay vẫn được xem là cái ao lặng".

Theo dự đoán của nhiều giám đốc công ty truyền thông - văn hóa, doanh thu bán hàng từ các tiểu thuyết của Mạc Ngôn sẽ tăng từ 15-30%. Kể từ khi xuất bản năm 2009, tiểu thuyết "Ếch" của ông đã bán được gần 200.000 bản. Đây cũng chính là tiểu tác phẩm đã đem lại cho nhà văn Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn - giải thưởng văn học cao quý nhất Trung Quốc - vào năm 2011.

Huyền Trang (theo Xinhua)



No comments:

Post a Comment

View My Stats