Đỗ
Chuyên -
Người Lao Động Online
Thứ Bảy, 06/10/2012 23:38
Đất nước Myanmar đang bước vào tiến trình cải cách dân chủ và hòa
giải dân tộc, mở ra triển vọng “đổi đời” của 51 triệu dân đa sắc tộc.
Tiến trình này được tạp chí Nghiên cứu châu Á xuất bản tại Mỹ nhận
xét là “cuộc lột xác kỳ diệu” mà nhiều nước phương Tây, trước hết là Mỹ và Liên
hiệp châu Âu (EU), tuyên bố sẵn sàng hợp tác “để kiếm lợi từ nguồn tài nguyên
thiên nhiên khổng lồ chưa được khai thác của Myanmar”.
Để quảng bá tiến trình cải cách và nâng cao uy tín đất nước, cuối
tháng qua, Tổng thống (TT) Myanmar Thein Sein cùng nữ nghị sĩ Aung San Suu Kyi,
thủ lĩnh Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập, đã đi thăm Mỹ; trong
khi Chủ tịch Quốc hội Thura Shwe Man đi thăm Úc và Singapore.
Giáo sư
Bridget Welsh, Khoa Chính trị Trường Đại học Singapore, ngợi khen TT Thein Sein
và bà Suu Kyi có “chuyến thăm lịch sử” tại Mỹ và sứ mệnh quảng bá quốc tế của
“bộ ba nhà lãnh đạo Myanmar là chưa từng có trong lịch sử đất nước này nhằm gửi
bức thông điệp chung: Myanmar đang thay đổi”.
Chuyến thăm Mỹ 17 ngày của bà Suu Kyi được giới ngoại giao quốc tế
chăm chú theo dõi và đánh giá cao triển vọng cải thiện quan hệ giữa Mỹ và
Myanmar. Là nhà hoạt động xã hội được tặng giải Nobel Hòa bình, bà đã hội kiến
TT Mỹ Barack Obama và được Quốc hội Mỹ trao tặng huy chương vàng về thành tích
đấu tranh cho tự do - dân chủ.
Bà Suu Kyi, 66 tuổi, đã trở thành thần tượng của lực lượng dân chủ
Myanmar. Bị 14 năm quản thúc tại gia dưới chế độ độc tài quân sự, sau chiến
thắng vang dội của Đảng NLD đối lập tại cuộc tổng tuyển cử năm 1990, bà được
trả lại tự do khi cựu tướng Thein Sein giữ chức TT chế độ mới và đã trúng cử hạ
nghị sĩ trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung tháng 4 năm nay.
Tạp chí Nghiên cứu châu Á viết: “Đúng là có sự lột xác kỳ
diệu vì bà Suu Kyi nghiễm nhiên trở thành nghị sĩ, được cả phe đối lập và người
dân Myanmar hy vọng. Vai trò của người dân trong đời sống chính trị chắc chắn
sẽ được gia tăng”.
Theo hãng AP, bức thông điệp chung của TT Thein Sein và bà
Suu Kyi đã được Mỹ chấp nhận. Washington đã vui mừng hoan nghênh những cố gắng
thực hiện cải cách chính trị của chính phủ Thein Sein. TT Barack Obama đã đồng
ý gỡ bỏ mọi sự trừng phạt kinh tế, kể cả lệnh cấm Myanmar xuất khẩu hàng hóa
sang Mỹ và sớm mở lại sứ quán Mỹ tại Myanmar để chấm dứt 50 năm đóng băng quan
hệ giữa hai nước.
AP viết: Đã có nhiều dấu hiệu nền dân chủ đang được khôi
phục. Hàng trăm tù chính trị đã được trả tự do. Báo chí được tự do hơn trước.
Chính phủ đang cho phép thành lập các tổ chức Công đoàn. Nhiều tổ chức nhân
quyền đã ra đời. Niềm tin của dân tăng lên nhiều. Các nhà đầu tư quốc tế đang
rục rịch trở lại Myanmar.
Tại khóa họp Đại hội đồng LHQ, TT Thein Sein trả lời phỏng vấn đài
BBC: “Tôi sẽ chấp nhận bà Aung San Suu Kyi làm TT nếu bà được nhân dân
Myanmar bầu trong cuộc bầu cử năm 2015. Giữa 2 chúng tôi không có vấn đề gì
trắc trở. Chúng tôi đang cộng tác tốt với nhau”.
Tuy nhiên, ông nói “có một hàng rào ngăn cách” là Hiến pháp
Myanmar hiện nay cấm người nào có quan hệ thân thiết với người nước ngoài giữ
chức vụ cao, trong khi bà Suu Kyi có chồng người Anh (tuy đã mất) và có 2 con
trai không nhập quốc tịch Myanmar. Ông
thẳng thắn nói cần phải sửa đổi hiến pháp để “xóa bỏ rào cản kỳ thị”.
ĐỖ CHUYÊN
No comments:
Post a Comment