Tú Anh - RFI
Thứ sáu 12 Tháng
Mười 2012
Nổi tiếng là một nhà văn « thân cận » với chính quyền Trung Quốc, tân khôi nguyên Nobel Văn học 2012
Mạc Ngôn được Bắc Kinh nhiệt liệt khen ngợi, nhưng bị giới ly khai chỉ trích. Là nạn nhân của « Cách mạng Văn hóa » và sáng tác trong chế độ độc tài, nhà văn mang bút hiệu « Không Lời » chứng tỏ ông là người bản lĩnh. Lời tuyên bố đầu tiên của ông là kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba,Nobel Hòa bình 2010, lãnh án 11 năm tù.
Từ Hoa Kỳ, nhà ly khai Ngụy Kinh Sinh
chỉ trích Ủy ban Nobel Văn học tìm cách làm hài lòng Bắc Kinh
khi chọn Mạc Ngôn ,một nhà văn thân chế độ, trao giải thưởng 2012. Nhà tranh đấu được xem là tiên phong trong Phong trào Dân Chủ Trung Quốc, tuy khen ngợi tài năng của Mạc Ngôn, nhưng đặt nghi vấn về một số động thái của khôi nguyên Nobel Văn học 2012, cụ thể là chép tay một đoạn diễn văn của Mao
Trạch Đông, để đăng trong một quyển sách tưởng niệm nhà lãnh đạo độc tài hồi tháng 5 năm nay. Bài diễn văn nổi tiếng này vào năm 1942 là căn nguyên nguồn cội của những đợt thanh trừng, tử hình, cải tạo qua chiến dịch « trăm hoa đua nở ».
Có tiếng là người thân chế độ hiện hành, Mạc Ngôn bị nhiều nhà văn khác của Trung Quốc phê bình là không có tinh
thần đoàn kết với văn nghệ sĩ và các nhà dân chủ bị trấn áp, bị cầm tù.
Sau khi giáo sư Lưu Hiểu Ba, được Ủy ban Nobel Hòa bình trao giải thưởng 2010, Trung Quốc đã nổi giận và trả đũa bằng một đợt đàn áp tại Hoa Lục. Trong số những người phải chạy ra nước ngoài tỵ nạn, nhà văn Dư Kiệt bình luận trên báo chí Đức như sau về giải thưởng dành cho Mạc Ngôn : « Đây là một vụ tai tiếng xấu lịch sử. Trao giải Nobel cho
một nhà văn từng chép tay một văn kiện của Mao Trạch Đông, kẻ đã gây tội ác hơn cả Stalin và
Hitler ».
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị, người đang bị chính quyền trả đòn thù bằng biện pháp « truy thuế » bình luận : Không biết nên cười hay nên khóc vì Mạc Ngôn luôn đứng về phía chính quyền.
Bên cạnh những lời chỉ trích cũng có những lập luận thuận lợi hơn. Thái Linh, một trong
những nữ sinh viên lãnh đạo Phong
trào Thiên An Môn 1989, nay đứng đầu một hiệp hội hải ngoại chống chính sách cưỡng bức phá thai tại Trung
Quốc, lưu ý : Sự kiện chính quyền Trung
Quốc khen
ngợi tác phẩm mới nhất của Mạc Ngôn là một tín hiệu lạc quan. Tác phẩm Oa, hay Ếch nhái, phê bình chính sách một con tại Trung Quốc cũng như biện pháp triệt sản và phá thai ép buộc.
Về phần chính quyền Trung
Quốc, phản ứng trong 24 giờ qua mang tính hoan hỉ hài lòng. Đích thân trưởng ban
tuyên giáo đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Trường Xuân vinh danh « tiến bộ của văn học Trung Quốc » rồi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hồng Lỗi khen ngợi quyết định của Ủy ban Nobel Văn học Thụy Điển. Vào năm 2000, khi Giải Nobel văn học được trao cho nhà văn lưu vong
Cao Hành Kiện thì Bắc Kinh
gọi đây là « thái độ thách thức ». Thái độ của Bắc Kinh đổi khác, vì người được giả thưởng năm nay là đảng viên đảng Cộng sản, giữ chức phó chủ tịch Hiệp hội các Nhà văn Trung Quốc.
Trước những khen chê này, Mạc Ngôn đáp trả rằng, giải thưởng Nobel của ông mang tính văn học chứ không phải là chính trị. Ông cho rằng không phải vì ông có thẻ đảng viên mà không xứng đáng với giải Nobel. Ông lưu ý, các tác phẩm của ông được sáng tác « trong một nước do đảng Cộng sản cầm quyền ». Mạc Ngôn nói thêm là những người phê bình ông không có đọc sách của ông, vì nếu có đọc, họ sẽ thấy ông viết « trong điều kiện bị áp lực cao độ và hiểm nguy cho bản thân ». Các tác phẩm của ông chỉ nhằm « phục vụ con người ».
Theo giới phê bình văn học của Tây phương, các tác phẩm của Mạc Ngôn phê phán rất gây gắt tình trạng tham
ô, lạm quyền và bất công trong xã hội Trung Quốc, nhưng ông tránh đem chính trị vào văn chương.
Cuộc họp báo đầu tiên của Nobel
văn học 2012, từ quê hương Sơn Đông vào ngày hôm nay 12/10/2012 có lẽ sẽ làm cho rất nhiều người, kể cả chính quyền, phải thay đổi định kiến. Nhân cơ hội này , Mạc Ngôn xác nhận có đọc những bài phân tích văn học của Lưu Hiểu Ba và ông gián tiếp kêu gọi chính quyền trả tự sớm cho Nobel Hòa bình 2010, một người đang bị Bắc Kinh xem là kẻ thù đe dọa lật đổ chế độ bằng diễn biến hòa bình.
Thanh Hà – RFI
Thứ sáu 12 Tháng Mười 2012
Chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông François Hollande nhân Thượng đỉnh khối Pháp ngữ, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chỉ trích chính sách khắc khổ của châu Âu là hai đề tài lớn được các báo quan tâm. Nhưng ở phần tin văn hóa, sự kiện nổi bật là Nobel Văn học 2012
về tay nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn.
Các báo Pháp phác họa lại chân dung và hành trình văn học của một nhà văn với bút hiệu rất lạ là « Không Nói – Mạc Ngôn ».
L'Humanité mệnh danh ông là « một Rabelais của Trung Quốc ».Trong lúc chính Ủy ban Nobel lại so sánh tác giả Trung Quốc với những William
Faulkner của Mỹ hay Gabriel Garcia Marquez, tác giả của « Trăm năm cô đơn » và « Tình yêu thời thổ tả ».
« Một giải Nobel đáng ghi nhớ », tựa của tờ Libération. Tờ báo chơi chữ với tính từ « épique ». Trong tiếng Pháp « épique » vừa có nghĩa là « đáng ghi nhớ », vừa có nghĩa là « mang tính sử thi ».
Libération không quên lưu ý độc giả : Mạc Ngôn không phải là văn sĩ Trung Quốc đầu tiên đoạt Nobel, bởi vì trước ông, một nhà văn lớn khác người Trung Quốc là ông Cao Hành Kiện vào năm 2000 đã đăng quang với tác phẩm « Linh sơn ». Thế nhưng, Cao Hành Kiện đã từ bỏ quê hương để sống lưu vong tại Pháp và từ năm 1997 ông đã nhập quốc tịch Pháp. Chính quyền Bắc Kinh ngày đó đã bực mình vì giải thưởng tặng cho Cao Hành Kiện.
Lần này, quyết định của Ủy ban Nobel không gây tranh cãi, do
những tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã được nhìn nhận và đánh giá cao cả ở trong lẫn ngoài nước. Tính từ đầu thập niên 80 tới nay, nhà văn 57 tuổi này đã sáng tác khoảng 80 tiểu thuyết và truyệt ngắn, trong số đó 17 tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp.
« Báu vật của đời », « Hồng cao lương gia tộc », « Tửu Quốc », « Đàn hương hình » là những tác phẩm đưa tên tuổi ông đến với độc giả thế giới. « Hồng cao lương gia tộc » từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa lên màn ảnh lớn qua bộ phim mang tựa đề « Cao lương đỏ ». Bộ phim này từng đoạt giải Gấu vàng của liên hoan điện ảnh phim quốc tế Berlin năm 1988.
Tuổi thơ cơ cực
La Croix nhắc lại tuổi thơ cơ cực của Mạc Ngôn gắn liền với mảnh đất nơi ông sinh ra là huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Ông từng trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966, từng bị đói kém và bị bắt nghỉ học vì lý lịch gia đình. Năm 1976 khi Mao Trạch Đông qua đời, ông nhập ngũ và từ đó trở đi Mạc Ngôn không ngừng sáng tác. Nhưng phải đến đầu những năm 80, ông mới tìm được một chỗ đứng trên văn đàn Trung Quốc.
Theo như lời dịch giả Sylvie Gentil, người đưa những tác phẩm của ông đến với độc giả Pháp, điểm son của Mạc Ngôn là ông « thấm nhuần và làm chủ được vặn học ngoại quốc (Nhật, Nga), để từ đó tạo ra một ngôn ngữ riêng biệt ». Năm 2009 trong một buổi nói chuyện dành cho báo La Croix, giải Nobel Văn học tương lai Trung Quốc này đã thổ lộ : « Ông nghiện viết như người ta nghiện rượu, càng viết lại càng say ». Chính vì thế mà tờ báo Pháp La Croix cho rằng : « Thế giới hư cấu của Mạc Ngôn thấm đẫm lịch sử xã hội và nhân văn Trung Quốc ».
Chứng nhân của lịch sử đương đại Trung Quốc
Với văn phong đa sắc thái, ông đã vạch trần « thái độ hèn nhát của những cán bộ cộng sản Trung Quốc, hay sự tàn bạo trong guồng máy chính trị » trên quê hương mình. Nhưng bên cạnh đó thì « mỗi nhân vật của Mạc Ngôn đều rất giàu lòng nhân ái và rộng lượng ».
Bản thân nhà văn Mạc Ngôn thường bị chỉ trích thân
chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Về điểm này, La Croix bênh vực cho tác giả khi cho rằng : « Ở cương vị một nhà văn, ông đã thành công ít nhất trên một điểm, đó là không đem văn học để phục vụ Đảng và Nhà nước. Mạc Ngôn là một nhân chứng của thời đại, và những tác phẩm của ông nói lên những thay đổi đột ngột mà xã hội Trung Quốc đã và đang trải qua ».
Hai lần trả lời báo Cộng sản L'Humanité vào năm 2004 và 2009, Mạc Ngôn đã khẳng định : Ông viết văn không phải để phê bình chế độ hay xã hội. Đó không phải là mục đích ông hướng tới. Bởi lẽ ông không đại diện cho một ai. Năm năm sau buổi nói chuyện đầu tiên với phóng viên của tờ L'Humanité, cũng nhà văn người Trung Quốc này nhắc lại : « Trong sách, tôi nghiêm khắc với guồng máy hành chính quan liêu, nhưng tôi chỉ phê bình với tư cách của một người viết văn. Những phê bình đó chỉ phản ánh qua những gì tôi viết hay kể lại trong sách. Tôi không phải là một nhà văn muốn can thiệp trực tiếp vào các hoạt động chính trị. Làm như thế không có ích ».
Mạc Ngôn, một nhà văn thân chế độ ?
Thông tín viên của báo Libération tại Bắc Kinh cho biết là cách nay không lâu, khi được hỏi ông nghĩ gì về việc giải Nobel Hòa bình năm 2010, Lưu Hiểu Ba bị lãnh án 11 năm tù, tác giả « Báu vật của đời » đã trả lời là ông không hay biết chuyện đó và không muốn bình luận nhiều về trường hợp của nhà bất đồng chính kiến họ Lưu.
Cũng vì muốn tránh làm phật lòng Bắc Kinh, ông Mạc Ngôn đã hai lần từ chối ra nước ngoài tham dự hội chợ sách quốc tế. Lần thứ nhất là vào năm 1989, vài tháng sau biến cố Thiên An Môn, và lần thứ nhì là vào năm 2009. Vào năm 2009, hai nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc là khách mời của hội chợ sách Frankfurt. Nhìn đến sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn, thì tới nay,
chỉ có một cuốn sách duy nhất của ông bị « kiểm duyệt », đó là « Báu vật của đời » với lý do tác phẩm này có nhiều « tình tiết nóng » !
Le Figaro trở lại với câu hỏi Trung
Quốc đón nhận thế nào giải thưởng Nobel năm nay ? Mọi người còn nhớ, mới chỉ cách nay 2 năm (tức là vào năm 2010) khi Ủy ban Nobel trao tặng giải thưởng Hòa bình cho nhà đấu tranh nhân quyền Lưu Hiểu Ba, thì chính quyền Bắc Kinh đã « nổi cơn thịnh nộ » và gọi các thành viên Ủy ban này là « những thằng hề ». Lần này, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc đã không che giấu niềm tự hào khi ghi nhận « Đây là giải Nobel Văn học đầu tiên được trao tặng cho một nhà văn Trung Quốc. Các văn sĩ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đã đợi quá lâu » để được vinh dự này.
Le Figaro lưu ý độc giả rằng Nhân Dân nhật báo quên mất sự kiện ông Cao Hành Kiện được vinh
danh cách nay đúng một con giáp.
No comments:
Post a Comment