Trần Lê Hoa Tranh
Thứ Sáu, 12/10/2012
Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh
Vậy là cuối cùng, giải Nobel Văn chương
2012 đã có chủ, đúng một giáp từ năm 2000 khi Cao Hành Kiện (mặc dù đã bị tước
quốc tịch Trung Quốc nhưng ông là nhà văn Trung Quốc trăm phần trăm) được trao
giải Nobel và bị người Trung Quốc phản đối, cho việc trao giải đó mang tính
chính trị “như là một sự sỉ nhục và cũng là sự khinh thường đối với chúng
ta” (Bắc Kinh Văn báo), “đây là một trò đùa không đúng chỗ, nó sẽ làm
mất uy tín của Ủy ban Nobel dưới con mắt một bộ phận dư luận Trung Quốc”
(Văn hối báo)...Thì nay, chắc là họ hoan hỷ vì Mạc Ngôn là nhà văn xuất sắc
chính thống của họ.
Không phải ngẫu nhiên mà cả Mạc Ngôn và H.Murakami đều
đứng đầu danh sách các nhà văn có khả năng được giải Nobel năm nay. Châu Á đang nóng vì nhiều vấn đề. Những giá trị châu Á
đang được quan tâm. Và cả Mạc Ngôn lẫn Murakami đều thuộc loại nhà văn ăn
khách, phổ biến, nổi tiếng, tác phẩm của họ lại còn được dựng thành phim để đến
gần công chúng hơn… những tiêu chí vốn xa lạ với một giải Nobel bác học, hàn
lâm, xa rời thị trường.
Điều
đó cho thấy tính chính trị và tính đại chúng đang dần dần thống lĩnh hoàn cầu.Chiếm lĩnh cả một giải thưởng văn chương danh giá. Nhiều
người sẽ bảo: Nobel là cái quái gì chứ? Nhưng rõ ràng, con người ta phải tin
vào một cái gì đó, phải có một chuẩn thức, và giải Nobel, vốn do một ủy ban
uyên bác, công bằng, không thuộc một nước lớn mà là của một quốc gia trung lập,
vẫn là đỉnh điểm cao quý của nghề văn.
Tôi dõi theo Mạc Ngôn và Murakami từ khi
sách họ mới vào Việt Nam. Tôi có và đọc gần hết tác phẩm của họ. Cả hai nhà văn
này tôi đều thích, thích ngay từ dòng đầu tiên. Điều này cũng hơi lạ, vì tôi
vốn dị ứng với lối viết hơi dung tục (như của Mạc Ngôn) và rề rà (như kiểu
Murakami). Tôi vẫn thích đọc cái kiểu trong sáng, giản dị, nhẹ nhàng ảnh hưởng
của văn học Pháp và Nga. Nhưng
không hiểu sao, cả Mạc Ngôn và Murakami tôi đều đọc được. Đọc một mạch đến hết.
Có một vài vị thầy của tôi đã nhận xét là cố đọc hai tác giả này chỉ đến 30
trang là bỏ, không tiếp tục được. Đó cũng là một nhận xét của phía độc giả
không yêu thích Mạc Ngôn và Murakami vốn không phải là hiếm trong giới học
thuật.
Công
bằng mà nói, vài năm gần đây, Mạc Ngôn viết xuống tay hẳn. Ba tác phẩm tôi cho
là xuất sắc nhất của ông, thường khuyên sinh viên tìm đọc, làm luận văn… là Cao lương đỏ, Phong nhũ phì đồn (Báu vật của đời)
và Đàn hương hình. Còn lại, đều chỉ thuộc loại tầm tầm.Tứ thập nhất pháo
quá bề bộn. Thập tam bộ, Ếch, Tửu quốc… nhiều motif lặp lại và dài dòng.
Rừng xanh lá đỏ và Cây tỏi nổi giận còn thua Nguyễn Ngọc Tư về
mức độ da diết và khắc khoải. Chiến hữu trùng phùng thì khỏi nói, quá tệ
cả về phong cách lẫn tư tưởng…
Murakami
cũng vậy, càng ngày càng trở nên mang tính “thị trường”. Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót và Kafka bên bờ biển theo tôi cũng
là ba tác phẩm lớn của ông. Xứ
sở diệu kỳ và nơi chốn tận cùng thế giới, tuy mượn kết cấu “phản trinh
thám” nhưng không thành công lắm. Người tình Sputnik và Phía Nam biên
giới, Phía Tây mặt trời chưa đủ sức mạnh về tư tưởng, mang hơi hướm văn học
diễm tình quá. Tôi cũng từng phản biện luận văn về Murakami, và tôi cho rằng,
trường hợp của Murakami nên được xem xét dưới góc độ thành công của văn học đại
chúng hơn là văn học cổ điển, bác học. Vì lẽ tác phẩm của ông như có sẵn công
thức để hấp dẫn mọi giới, cảm giác như mình được bao bọc trong một cái lưới êm
ái, không dứt ra được mặc dù biết là mình đang bị vào tròng.
Nhưng nói như vậy không phải là chê bai họ.
Tôi vốn là người hâm mộ họ. Và đọc họ, vừa với niềm yêu thích, vừa với con mắt
của nhà phê bình.
Về Murakami, nhiều người nhận xét là đã chạm vào những vi tế nhỏ nhất
của cảm xúc. Ông diễn tả tài hoa tâm trạng của Người: về nỗi thống khổ của một
con người sống trong thời đại thừa mứa về vật chất nhưng cô độc và lang thang.
Về những tình yêu dằn vặt. Về cái đẹp mong manh vô thường vốn là cảm hứng của
các nhà văn Nhật Bổn từ cổ chí kim. Về cái chết tự chọn vốn là đặc trưng của
phong cách sống Nhật. Nghĩa là, ông viết về nước Nhật, về người Nhật trong một
xã hội quá gần nhau nên ta thấy bóng dáng của mình trong đó. Người đọc các nước
đã thổn thức với sách ông, than vãn rằng sao ông tài tình nói thay cảm xúc của
họ. Văn ông tài hoa nhưng bình dị. Và điều đó khiến ông nổi tiếng, khiến ông “public”
(phổ biến). Và nó là lực cản khiến ông không đến được với giải Nobel, vốn không
chuộng tính phổ thông, vốn trao giải vì nhiều lý do khác bên cạnh lý do văn
chương (ví dụ như lý do tuổi tác, Murakami còn khá trẻ so với các nhà văn được
giải từ xưa đến nay; lý do regional - vùng miền: thông thường, giải Nobel xoay
vòng từ Âu, Mỹ, Phi, rồi đến Á; lý do chính trị: năm nào có điểm nóng về cái gì
đó, nơi nào đó thì giải Nobel tập trung vào đó)…
Còn Mạc Ngôn, có lẽ là nhà văn Trung Quốc được dịch, được đọc và được
nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới trong thế kỷ 20, chỉ sau Lỗ Tấn. Giữa Mạc
Ngôn và Lỗ Tấn thực ra có nhiều điểm tương đồng tôi sẽ nói sau. Điều đó cho
thấy cũng giống như Murakami, ông là người quân bình, đi chênh vênh giữa hai
thế văn chương bình dân và văn chương bác học. Văn ông thì dân dã, bỗ bã, thậm
chí có lúc suồng sã, dung tục. Nhưng nó kết hợp những huyền thoại, dân gian
Trung Quốc, và tô đậm đời sống Trung Quốc. Nghĩa là, người Trung Quốc có thể tự
hào vì có một nhà văn mang bản sắc nước họ đi “đấm xứ người”. Mạc Ngôn
từng nhiều lần được mời đi nói chuyện, đọc sách, giới thiệu sách ở những trường
đại học lớn trên thế giới. Ông được giảng dạy trong hầu hết các chuyên đề về
văn học Trung Quốc đương đại hoặc văn học châu Á đương đại ở đại học các nước.
Nhưng người Trung Quốc hiện lên trong tác phẩm của ông thật đáng thương. Tôi
không hiểu nhà nước chính thống ở Trung Quốc tự hào về ông, một nhà văn quân
đội ở điểm nào, chứ còn, cái làm cho Mạc Ngôn vĩ đại, và gần với Lỗ Tấn, là ở
việc khắc họa được thân phận của người Trung Quốc, tao loạn, tan tác vì lịch sử
và biến cố, số phận của họ bị vùi dập, bị quăng quật còn hơn cả con muỗi. Con
muỗi còn có vũ khí, còn họ, họ hoàn toàn bị động và chìm khuất trong những va
đập của lịch sử, của chính trị. Tuy vậy, như bản chất của người Trung Quốc, họ
chịu đựng, và quật cường. Người ta thích đọc Mạc Ngôn vì lẽ đó. Nếu như
Murakami chú trọng đến tế vi cảm xúc thì Mạc Ngôn đem đến những giằng xé dữ dội
của kiếp người. Không ai khổ như nhân vật của Mạc Ngôn, mà cũng không ai dai
dẳng, bền bỉ sức sống như nhân vật của Mạc Ngôn. Đó là phong cách Trung Quốc.
Người Trung Quốc vốn lạc quan chứ không bi quan như người Nhật. Người Trung
Quốc không hay tìm đến cái chết như người Nhật. Người Trung Quốc gắng gỏi sống,
ráng mà sống. “Phải sống”[1]. Như cuộc sống nó vốn là.
Điểm Mạc Ngôn gần Lỗ Tấn, còn là sự dũng cảm. Để viết, và in, và nổi tiếng mà vẫn giữ được cái cốt lõi
muốn nói trong tác phẩm của mình ở một đất nước còn chế độ kiểm duyệt xuất bản,
thật không dễ. Đọc Phong nhũ phì đồn, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Thập
tam bộ… thấy ông khá mạnh tay phê phán. Thành ra, dù là một nhà văn quân đội
chính thống, cơ hồ Mạc
Ngôn không hề ca ngợi chế độ, không trở thành “bồi bút” mà đã nói lên
được điều cốt lõi nhất: số phận Trung Quốc tao tác qua những biến thiên lịch
sử, thời đại. Điểm này Murakami sướng hơn Mạc Ngôn. Tôi hay tưởng tượng,
Murakami vừa thảnh thơi, vừa đi bộ, vừa viết, như một niềm yêu thích, như một
thú vui tao nhã. Còn Mạc Ngôn, vừa viết, vừa canh chừng trước sau rình rập,
giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây, căng thẳng, hồi hộp, một là đến bờ vinh
quang, hai là tan xác…
Về sự dũng cảm này, khi đưa Mạc Ngôn và Murakami lên bàn
cân giải Nobel, tôi nghĩ, chọn Mạc Ngôn là đúng.
Nhưng một nhà văn lớn của thời đại, một nhà văn xứng tầm
Nobel, danh giá nhất hành tinh, theo tôi, phải là một nhà văn nhân loại. Nghĩa là, nhà văn đó
phải thực sự vượt qua ranh giới quốc gia không chỉ theo nghĩa hẹp là sách được
xuất bản khắp nơi, mà còn là theo nghĩa rộng: vượt qua những hiềm khích dân
tộc, vượt qua sự hẹp hòi của “dân tộc chủ nghĩa”, nhất là ở một đất nước
như Trung Quốc, dân tộc tính, chủ nghĩa đại Hán vốn là thâm căn cố đế. Thì Mạc
Ngôn, chưa đạt đến mức nhân loại.
Với Chiến hữu trùng phùng (Ma chiến hữu),
viết về cuộc chiến tranh Trung - Việt năm 1979 mà Mạc Ngôn gọi là “cuộc
chiến vệ quốc”, tuy bằng giọng văn ôn hòa, không đến nỗi hiếu chiến, nhưng
rõ ràng Mạc Ngôn vẫn đứng trên lập trường nước mạnh, nước lớn “cả vú lấp
miệng em”. Nếu muốn xứng tầm là một nhà văn Nobel, rõ ràng, Mạc Ngôn nợ
Việt Nam một lời xin lỗi.
No comments:
Post a Comment