Sunday 14 October 2012

MẠC NGÔN & GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2012 (Đào Trung Đạo)




Đào Trung Đạo
14.10.2012

Không phải là hội viên “Hội Đọc Sách những nhà văn nhà thơ được trao giải Nobel Văn chương” gồm những kẻ sẵn sàng chờ dịp vỗ tay ca ngợi khi một nhà văn được trao giải, hạnh phúc ra mặt và có thể kiêu hãnh ngầm vì đã đọc những nhà văn nhà thơ được lãnh giải Văn Chương Nobel cho nên tôi thường không mấy quan tâm tới việc hàng năm cứ vào tháng 10 Hàn Lâm Viện Thụy Điển công bố tên tuổi nhà văn được trao giải. Thế nhưng năm nay khi Mạc Ngôn nhà văn Trung Quốc được nhận giải Nobel Văn chương khi theo dõi các luồng ý kiến về Mạc Ngôn tôi nhận thấy những phán xét về mặt chính trị có phần phủ lấp những nhận định nghiêm túc về giá trị văn chương nên tôi không khỏi đưa ra một vài nhận xét ngoài văn chương. Trên hết thảy yếu tố chính trị phủ lấp yếu tố văn chương này là một sự kiện không bình thường. Và sự không bình thường này lại chỉ xảy ra mỗi khi một nhà văn hiện đang sống trong chế độ cộng sản hay độc tài được trao giải Văn chương Nobel trong khi một nhà văn sống ở các nước tự do dân chủ thì các luồng ý kiến phê bình thường dành cho giá trị văn chương của các tác phẩm của nhà văn được trao giải. Solzhenitsyn, Joseph Brodsky, và Cao Hành Kiện trước đây là những thí dụ.

Hẳn ý thức được sự không bình thường này nên ngay khi được tin mình được trao giải Mạc Ngôn đã lập tức tuyên bố với thế giới Âu-Mỹ đề nghị nhà cầm quyền Trung Quốc trả tự do cho đồng hương của ông là nhà văn Lưu Hiểu Ba khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010. Và còn có thêm một sự kiện không bình thường khác cộng với sự không bình thường kể trên là hầu như các báo đài luồng chính của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không nhắc đến tuyên bố của Mạc Ngôn đòi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba!

Trước hết hãy thử tìm hiểu việc tại sao Mạc Ngôn lại lên tiếng đòi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.

Có hai lý do:

- Thứ nhất, về quan điểm chính trị Mạc Ngôn bị các nhà văn ly khai, “lề trái” ở Trung Quốc đả kích cho rằng Mạc Ngôn là một thứ “phê phán vinh thân”. Nhất là mới đây Mạc Ngôn tham gia vào việc chép lại bài nói của Mao Trạch Đông trong Hội Nghị Diên An năm 1942 đặt ra cương lĩnh chỉ đạo văn học nghệ thuật nhằm kiểm soát, “đặt vòng kim cô”, “trói tay” giới văn học nghệ thuật trong nhiều thập niên và việc kiểm soát này hiện cũng còn kéo dài cho tới ngày nay tuy có kém phần lộ liễu, gay gắt hơn trước đây. Giới truyền thông Âu-Mỹ cũng biết rõ Mạc Ngôn là một đảng viên cộng sản trung thành chứ không phải là một người bất đồng chính kiến. Để bênh vực thái độ của mình Mạc Ngôn có lần đã tuyên bố: “Một nhà văn phải bày tỏ sự phê phán và nổi giận cái mặt đen tối của xã hội và sự xấu xa của nhân tính, nhưng chúng ta không nên dùng cùng một cách bày tỏ giống nhau. Một số nhà văn muốn hét toáng lên ở ngoài đường phố, nhưng chúng ta cũng phải dung thứ những nhà văn ẩn kín trong phòng và dùng văn chương để nói lên ý kiến của họ.”

Vào năm 2009 Mạc Ngôn cũng bị chỉ trích vì đã đến dự Hội chợ Sách Frankfurt trong khi chính quyền Trung Quốc đã cấm một số nhà văn ly khai khác không được tham dự. Thêm nữa, vào đầu năm 2012 khi cùng với một nhóm nhà văn Trung Quốc sang Anh dự Hội chợ Sách London khi được tạp chí Granta phỏng vấn về kiểm duyệt ở Trung Quốc Mạc Ngôn đã tuyên bố: “Rất nhiều cách tiếp cận tới văn chương mang màu sắc chính trị, chẳng hạn trong đời sống thực của chúng ta có thể có nhưng vấn đề nhạy cảm họ [chính quyền] không muốn chúng ta động chạm tới. Trong tình cảnh này một nhà văn có thể truyền trí tưởng tượng của mình vào tác phẩm để tách rời những vấn đề này ra khỏi cuộc sống thực hoặc cũng có thể cường điệu hoàn cảnh lên …” và tiếp theo nhấn mạnh thêm: “Do đó tôi tin tưởng rằng những giới hạn hay kiểm duyệt là rất quan trọng cho sáng tạo văn chương.” Lời tuyên bố này rõ ràng là của một nhà văn phục vụ Đảng, một nhà văn phê phán nhưng trung thành.

- Thứ nhì, Mạc Ngôn hiểu rằng muốn “câu thêm” độc giả (tiếp tay làm PR cho những nhà xuất bản Âu-Mỹ) cho sách dịch của mình thì không gì bằng sử dụng lá bài nhân quyền, lên tiếng bênh vực một nhà văn đồng hương nổi tiếng đang bị cầm tù. Và chắc hẳn việc đưa ra lời tuyên bố này của Mạc Ngôn là có tính toán, làm theo chỉ thị của Đảng hoặc đã được “ngã giá” (chúng tôi nói “ngã giá” vì chính quyền Trung Quốc hiện đang muốn được thế giới nhìn nhận như một siêu cường – như nhận xét của Kenneth G. Lieberthal một chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Brookings ở Washington: “Việc trao giải này được coi như một dấu chỉ rằng Trung Quốc đã đi ra thế giới”). Vì vây chính quyền cọng sản đã dùng giải Nobel Văn chương được trao cho Mạc Ngôn nhằm làm tăng uy thế của Trung Quốc. Thế nhưng, việc ngã giá nằm ở chỗ lời tuyên bố này chỉ được phổ biến ở ngoài nước (quá lắm là ở Hương Cảng) chứ không thể ở trong nước, nhất là Mạc Ngôn hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc! Và truyền thông báo chí luồng chính tuyệt đối không được nhắc tới lời tuyên bố của Mạc Ngôn đòi chính quyền trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.

Chúng ta hẳn còn nhớ hai năm trước đây khi nhà văn bất đồng chính kiến hiện đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba được nhận giải Nobel Hòa Bình chính quyền Trung Quốc đã lồng lộn phản đối, ra lệnh xóa bỏ thông tin này trên Internet, ngăn chặn dân chúng trong nước truy cập thông tin này bằng bức tường lửa, lên án việc trao giải của Hàm Lâm Viện Thụy Điẩn là một sự xúc phạm, cho rằng hành vi này phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của Tây phương với ý đồ làm nhục và gây bất ổn cho việc cai trị của Đảng Cọng sản Trung quốc. Ngoài ra giới thẩm quyền Trung quốc còn trả đũa thụy Điển bằng cách từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho các quan chức nước này, cố tình trì hoãn việc bốc rỡ cá hồi nhập vào Trung Quốc của các tàu Thụy Điển mục đích để cho cá ươn thối. Nay chính quyền Trung Quốc lại hết lời ca ngợi giải Nobel Văn chương dành cho Mạc Ngôn, rầm rộ ăn mừng như ăn mừng một sự kiện có tính cách quốc gia, ra lệnh cho đài truyền hình quốc gia CCTV ngưng chương trình quan trọng thường lệ để báo tin Mạc Ngôn được trao Nobel Văn chương, tờ Hoàn Cầu Thời Báo bản trên mạng dán lên cả một mảng “Tường trình đặc biệt” về Mạc Ngôn và giải Nobel Văn chương 2012, tờ Nhân Dân Nhật báo vội vã đưa ra nhận định giải thưởng này là một “sự chứng nhận và cũng là một sự khẳng định – hơn thế nữa đó còn là một bước khởi đầu mới (của Trung Quốc).” Sự kiện vừa nêu chứng tỏ quả thực người cộng sản không có ký ức. Vì ký ức gắn liền với liêm sỉ cho nên họ là những kẻ không còn liêm sỉ.

Nhưng những ông Hàn Thụy Điển khi quyết định trao giải Nobel Văn chương cho Mạc Ngôn lại có ký ức khá tốt. Trước hết họ muốn “xí xóa’ với chính quyền Trung Quốc về việc trước đây đã trao Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba. Sau đó còn là mục tiêu kinh tế để tránh sự trả thù như đã xảy ra. Sau hết là làm một động thái có tên gọi là “cân bằng”. Vì vậy khi bị phê phán việc trao giải cho Mạc Ngôn là một động thái chính trị thì Peter Englund thư ký thường trực của Ủy ban Nobel đã chống chế: “Về căn bản việc này cũng giản dị thôi. Khi chúng tôi tặng giải thưởng văn chương là căn cứ trên giá trị văn chương. Những ảnh hưởng và hậu quả chính trị không ăn nhập gì tới việc quyết định trao giải.”

Thực ra ở các nước Âu-Mỹ người ta biết đến Mạc Ngôn nhiều hơn qua cuốn phim “Red Sorghum” do Trương Nghệ Mưu thực hiện năm 1987 được biên kịch từ cuốn tiểu thuyết Hồng Cao Lương Gia Tộc của ông hơn là đọc sách của Mạc Ngôn. Người đọc truyện Mạc Ngôn cũng như một số nhà văn ngoại quốc hiện đang sống ở những xứ chế độ cộng sản hay độc tài cai trị trước hết là vì sự hiếu kỳ muốn biết những gì đã xảy ra ở những xứ này. Còn về giá trị văn chương thì xem ra những nhà văn này ít được chú ý. Thật chua chát khi đọc những đánh giá văn chương của giới điểm sách Âu-Mỹ khi họ viết về những nhà văn của các xứ không phải là Âu-Mỹ theo như: nhà văn X này có thể so sánh với Dickens, nhà văn Y kia có thể so sánh với Faulkner v.v…[ĐTĐ]

* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment

View My Stats