Thursday, 18 October 2012

LIỆU CÓ CHUYỆN TRÙ ÚM CẢ DÂN TỘC NÀY HAY KHÔNG ? (Nguyễn Quang Lập - Quê Choa)




18-10-2012

Sau TW6 câu chuyện trù úm được bàn tán trên rất nhiều trên báo lề trái và lề phái, chủ yếu trích dẫn lời của anh Tư. Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Tp HCM gần đây nhất, anh Tư đã phát biểu: “Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm 1 người, 1 nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này!”.

Cái thói hay phản biện buộc mình nghĩ vẩn vơ: Liệu có chuyện trù úm cả dân tộc này không nhỉ?

Mình nghĩ là có, cái này nó nằm trong sự tù mù của khái niệm ” lực lượng thù địch”

Tổng kết TW6 cụ Tổng nói:“Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá”.

Dân chúng sẽ yên tâm nếu như biết chắc chắn lực lượng thù địch là ai, là kẻ nào. Nếu không, người ta sẽ rất lo sợ không hiểu thế nào là” xuyên tạc”, là ” chống phá”.

Đọc bài Hội chứng hoang tưởng của bác sĩ Ngọc ( Tại đây) ông cho biết: “Hội chứng hoang tưởng (paranoid personality disorder, sẽ viết tắt là PPD) là một rối loạn tâm thần với đặc điểm là người mắc bệnh hay nghi kỵ người khác. Người mặc bệnh PPD không có khả năng tin tưởng vào người khác, nhìn người khác như là những người thù địch.”

Theo bác sĩ Ngọc chứng hoang tưởng PPD có 5 biểu hiện sau:
Một là nghi ngờ người khác một cách vô căn cớ, nghĩ rằng người khác đang lợi dụng mình, hãm hại mình, hay lường gạt mình.
Hai là bị ám ảnh bởi những nghi ngờ về sự trung thành và tin cậy của bạn bè, đồng nghiệp. Khi người khác giúp họ thật tình, họ cũng nghi ngờ sự giúp đỡ đó.
Ba là không muốn chia sẻ thông tin với người khác vì họ sợ thông tin sẽ được sử dụng để chống lại hay ám hại mình.
Bốn là lúc nào cũng diễn dịch ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau mỗi thông tin và sự kiện vì họ nghi ngờ rằng thông tin được trình bày chỉ là bề mặt, còn đằng sau là hàm ý ám hại họ.
Năm là lúc nào cũng tỏ thái độ đố kỵ, thù hận. Người mắc bệnh PPD không có khả năng tha thứ, họ luôn tìm cách dìm người khác, nói xấu người khác và khi cần ám hại họ.

Mình tin tưởng sâu sắc ( lại sâu sắc he he) rằng Đảng ta, tức 3 triệu đảng viên ( trong đó có mình), không mắc chứng hoang tưởng PPD, nhưng một nhóm người trong đảng thì mắc chứng này rất trầm trọng. Nhóm người này sợ thay lại có quyền, họ mặc nhiên coi họ là đảng. Vì sự tù mù của khái niệm “lực lượng thù địch”, ” xuyên tạc”, “chống phá” họ sẽ coi những ai phê bình góp ý cho họ là lực lượng thù địch, là bọn người ” xuyên tạc”, ” chống phá” đảng ta.

Những ai phê bình góp ý cho họ? Là cả dân tộc này đó, thưa anh Tư.

Cho nên lời khuyên của anh Tư: “Tôi khuyên cô bác cử tri đừng thụ động, cần mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình, tâm tư nguyện vọng của mình. Nếu ai nói người dân nói sai thì chính người đó đã sai” rất có thể đó là lời khuyên dại.

Nguyễn Quang Lập



No comments:

Post a Comment

View My Stats