Monday 15 October 2012

LÀM SAO MÀ TRÁCH MẠC NGÔN ĐƯỢC? (Nguyễn Văn Thiện)





Chủ nhật, ngày 14 tháng mười năm 2012

Sau khi nhà văn Mạc Ngôn được giải thưởng Nobel, có nhiều phản ứng khác nhau tại ngay trên đất nước Trung Quốc, trên thế giới và cả Việt Nam. Trong số rất nhiều ý kiến khác nhau đó, có một số ý kiến của người Việt Nam phê phán tư tưởng Đại Hán của Mạc Ngôn gắn liền với một cuốn tiểu thuyết của ông ta về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, đó là cuốn Chiến hữu trùng phùng, được dịch và in tại Việt Nam với tên gọi là Ma chiến hữu.

Tác giả Trần Lê Hoa Tranh trên tạp chí Văn hóa Nghệ An cho rằng “Mạc Ngôn còn nợ Việt nam một lời xin lỗi”.

Nội dung cuốn sách này kể về linh hồn của những người lính Trung Quốc tham gia chiến tranh và bị chết. Họ gặp nhau trên đường vất vưởng về quê và hồi tưởng lại những sự kiện trước đó. Truyện không dày, nghệ thuật cũng không có gì đáng kể nếu như so với các tác phẩm khác của chính Mạc Ngôn. Trong cuốn sách này cũng không có những lời chửi bới nhục mạ kẻ thù nhưng vẫn thể hiện quan điểm của chính quyền Trung Quốc khi nói rằng cuộc chiến tranh 1979 với Việt Nam là cuộc “chiến tranh vệ quốc”.

Từ một góc độ khác, chúng tôi lại thấy rằng, khó mà trách Mạc Ngôn được.

Thứ nhất, ông là một nhà văn quân đội thứ thiệt của Trung Quốc, lại đang là lãnh đạo chủ chốt của Hội nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn không thể hiện quan điểm của chính quyền Trung Quốc thì không lẽ lại đi thể hiện quan điểm của chính quyền Việt Nam?

Thứ hai, về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, chính phía Việt Nam bao nhiêu năm nay cũng ngậm tăm không nhắc đến, tránh không dám động đến với cả nhân dân trong nước với cả nhân dân thế giới. Chúng nó xâm lược mình, miệng hô to, chúng tôi đang tự vệ, còn mình bị xâm lược mà không dám nói to lên, để bao nhiêu oan hồn chết trong uất hận, bây giờ lại đòi hỏi nhà văn nọ phải công bằng, thế có được không?

Nói đến đây lại thấy thương quá các nhà văn Việt Nam trong dòng văn học chính thống của nhà nước, từ bấy đến nay không ông bà nào dám hé răng lấy nửa tiếng về cuộc chiến tranh xâm lược này.

Từ sau bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng của nhà thơ Dương Soái năm 1979 đến nay, im tịt. Hay là có nhà văn nhà thơ nào viết rồi mà chưa công bố, công bố đi cho bạn đọc biết, thế giới biết, cho Mạc Ngôn biết, rồi biết đâu đến lượt mình lại đi lĩnh giải Nobel!

Mình không nói, bây giờ thì lại đi trách nhà văn nước họ thì trách làm sao được, đúng không?




No comments:

Post a Comment

View My Stats