Thursday, 25 October 2012

LẠM BÀN về TRẦN NHÂN TÔNG ACADEMY (Huỳnh Thục Vy)





Dư luận gần đây bàn tán khá nhiều về sự ra đời của học viện Trần Nhân Tông và “giải thưởng hòa giải Trần Nhân Tông”. Nhân dịp này tôi cũng xin mạo muội chia sẻ vài ý kiến.

Đầu tiên, Trần Nhân Tông Academy ra đời trong hoàn cảnh thế giới chứng kiến và nhiệt thành hoan nghênh những thành tựu đầu tiên của cuộc hòa giải và thay đổi chính trị ngoạn mục tại Burma, nên xem như sự ra đời này có thể là một cách “đánh tiếng” về tương lai chính trị Việt Nam. “Hạ cánh an toàn” và không bị trừng phạt chính là điều họ muốn người dân dành cho các vị lãnh đạo Cộng sản của chúng ta chăng?

Tuy chẳng dám có xét đoán nào về sở học của các vị giáo sư, tiến sĩ trong TNT Academy, nhưng xem qua danh sách nhân sự trong tổ chức này tôi chú ý đến nhiều điểm. Tôi đặc biệt chú tâm đến ông chủ tịch Thomas Patterson- người đã ca ngợi ông Hồ Chí Minh ngang tầm Washington: “sự vô tư không vị kỉ, sự khiêm tốn mà chúng ta tìm thấy ở cuộc đời Hồ Chí Minh hay George Washington”. Sự so sánh khập khiễng đầy dụng ý này chắc chắn không phải xuất phát từ một nhà nghiên cứu vô tư- người có nhiều điều kiện để đạt tri kiến tường minh về sự thật lịch sử hơn phần lớn nhân loại. Trong TNT Academy còn có một số vị học rộng tài cao thuộc hàng ngũ trí thức trưởng thành từ chế độ Cộng Sản hoặc thuộc “thành phần thứ ba” trước năm 1975, cùng các vị trí thức nước ngoài đặc biệt là ở Harvard, Hoa Kỳ. Các vị thuộc thành phần thứ 3 và các vị ở Harvard không hiểu sao cứ làm tôi nghĩ tới phong trào phản chiến, phong trào chống VNCH và ủng hộ Cộng Sản ở Harvard và Hollywood trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Với trình độ tri thức trung bình, một người như tôi, thiển nghĩ, cũng có quyền đặt nghi vấn về những con người này.

Một tổ chức cổ vũ hòa giải mà lại không hề có sự tham gia của thành phần trí thức từng là nạn nhân Cộng Sản. Các vị có thiện chí hòa giải thực sự hay không, tôi chưa dám bàn đến, nhưng khi muốn hòa giải thì điều tối thiểu là phải có đầy đủ các bên liên quan. Ví như có một người A đánh người B bị thương, muốn hòa giải thì trong bàn hòa giải ấy phải có anh A và anh B, cả những người bên A và bên B; chứ không thể chỉ có anh A và những người liên quan đến anh, hay những người bàng quan đứng giữa (thành phần thứ ba) mà thiếu đi sự có mặt của anh B. Chưa nói đến nội dung hòa giải và khả năng hòa giải, thành phần của “hội đồng hòa giải” này cũng khiến người ta ngay từ đầu đã không khỏi nghi ngờ.

Thứ hai, về hình tượng Trần Nhân Tông, theo cách nhìn của cá nhân tôi, Ngài là một vị vua đáng ngưỡng phục, cả với vai trò người đứng đầu quốc gia và tư cách một cá nhân bình thường. Với vai trò người lãnh tụ chính trị, ông đã lãnh đạo cuộc chiến đánh đuổi quân Nguyên thành công, củng cố sự ổn định của chính sự triều Trần và phát triển quốc gia. Ông còn là người góp phần mở rộng lãnh thổ nước Đại Việt về phía Nam. Đứng trên lập trường luân lý công bằng của nhân loại, lấy đất của nước người không thể gọi là Nhân; nhưng với địa vị của một ông vua nước Việt, ông không những không đáng trách mà còn là người có công. Trong chính thể quân chủ, một nguyên thủ quốc gia mà giữ gìn và mở rộng được quyền lợi của đất nước thì đó đã là một người cai trị thành công. Điều đáng nói ở đây là có một khả năng không thể tránh khỏi: giá trị tạo nên một nguyên thủ tốt lại mâu thuẫn quyết liệt với giá trị tạo nên một con người tốt. Bởi vậy, với vị trí một cá nhân, Trần Nhân Tông đã bỏ việc chính trị phiền hà để lên núi xuất gia. Điều này cho thấy một sự nhận thức rõ về thân phận con người trên thế gian và một quyết định dứt khoát chấm dứt mâu thuẫn giữa một bên là một ông vua bất chấp thủ đoạn và một cá nhân bình thường, thiện hảo.

Nhìn vào cuộc đời vị vua này, tôi nhận thấy một diễn tiến mỹ mãn, một kết thúc có hậu và một lựa chọn đứng trên thiên hạ nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tất cả những gì ông làm đều đúng và đều có thể áp dụng cho thời đại chúng ta. Tên tuổi Trần Nhân Tông tất nhiên xứng đáng để đặt cho bất cứ học viện nào, nhưng không phải vì “tinh thần Hòa giải” theo cách mà chúng ta gán ghép cho ông (sẽ nói ở phần sau), mà vì công lao thực sự đối với đất nước (như là một vị vua và một nhà văn hóa).

Con người là luôn sai lầm nên việc ca ngợi ông như một bậc thánh là quá miễn cưỡng, ấy là chưa nói đến việc “thánh hóa” ông để làm bình phong che đậy một dụng ý nào đó. Biến ông thành một tấm gương đạo đức cao cả để định hướng cho một ý đồ của chúng ta là một hành vi lợi dụng lịch sử trắng trợn. Ông đã là một nhân vật lịch sử, xin đừng sử dụng ông trong những vấn đề mà thời đại chúng ta phải đối mặt. Cá nhân tôi luôn đề cao việc sử dụng những giá trị đương đại để giải quyết những vấn đề đương đại. Việc sùng bái cá nhân, chẳng có tác dụng giải quyết triệt để vấn đề hôm nay mà còn gây ra những hệ lụy tai hại trong nhận thức của công chúng. Chúng ta không cần bất cứ tượng đài cá nhân “hậu Hồ Chí Minh” nào nữa.

Thứ đến, xin lạm bàn về câu chuyện mà nhà sư Thích Nhất Hạnh kể về vua Trần Nhân Tông. Chuyện kể rằng, sau khi đánh xong giặc Nguyên, nhà vua đã cho đốt tất cả các tài liệu bí mật ghi về việc các cận thần của ông đã hợp tác với quân Nguyên và nói rằng: “Đất nước ta cần sự hòa giải và hàn gắn chứ không cần sự trừng phạt”. Trước tiên, xin đừng nhìn mọi việc dưới nhãn quan luân lý dễ dãi. Bởi luân lý là quan trọng nhưng không phải lúc nào nó cũng là chìa khóa giải quyết vấn đề của nhân loại.

Thời quân chủ, ông vua chính là luật pháp, là nguyên tắc tối thượng, ông muốn bắt tội ai thì bắt, tha cho ai thì tha. Một khá năng lớn là: những người mà nhà vua không trừng phạt và giấu kín cả hành động phản quốc của họ là hoàng thân quốc thích; cho nên sự ân xá của ông chỉ là để bảo vệ uy danh của hoàng triều. Quả thật, hành động cá nhân tùy tiện của một ông vua chính là đặc trưng của chính thể quân chủ chuyên chế. Ở đây, luật pháp trong tay ông và ý dân có thể là điều ông không cần màng đến. Dù là một vị vua anh minh, có gì đảm bảo quyết định của ông không cảm tính, không phù hợp và không vị nể tình riêng?

Trong thời đại pháp trị này, tất cả mọi người, kể cả một nguyên thủ quốc gia, đều hành xử trong sự điều chỉnh và chế tài của luật pháp. Một vị nguyên thủ dù tài năng xuất sắc cũng không thể đưa ra những quyết định tùy tiện và độc đoán. Một kẻ có tội đáng bị trừng phạt phải do pháp luật quyết định chứ không phải dựa trên quyết định cá nhân của người cầm quyền.

Không biết câu chuyện ấy có thật hay không và được lấy ra từ tài liệu lịch sử nào, nhưng dẫu nó là thật thì việc này cũng chỉ cho thấy tính chất độc đoán của quyền lực quân chủ. Tôi viết những dòng này không nhằm đả kích cá nhân vua Trần Nhân Tông, mà nhằm chỉ ra cái khiếm khuyết tất yếu của nền chính trị quân chủ. Và từ đó, sẽ thấy thật vô lý nếu lại lấy cái giá trị khiếm khuyết đó để áp dụng cho thời đại này, dù nhân danh Hòa giải hay gì đi nữa. Chúng ta không thể lấy cái luân lý cũ, cái nguyên tắc cai trị cũ ra để áp đặt vào thời đại mới, lấy một câu chuyện mang đầy màu sắc quân chủ để cổ vũ hòa giải trong thời pháp trị. Nếu làm vậy, thì một là chúng ta quá vô lý, hai là chúng ta có ý đồ ám muội.

Còn câu chuyện về hòa giải đã tốn khá nhiều giấy mực và dấy lên nhiều cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, tôi không dám bàn đến, chỉ xin nói rằng: Nếu anh A đánh anh B bị thương thì còn bàn đến chuyện hòa giải để mang hai anh lại, cùng ngồi vào bàn nói chuyện với nhau, để anh A nói chuyện xin lỗi và bồi thường cho anh B. Cần phải lưu ý trong chuyện này, anh A phải là người chủ động, có thiện chí thực sự, và phải nhận thức được lỗi lầm của mình. Anh A phải mang tiền thuốc men và thành khẩn đến nhà anh B nói chuyện hòa giải, để mong anh B khỏi kiện ra tòa; chứ không phải cứ trịch thượng ngồi nhà, rồi cho người ra đánh tiếng trước cổng nhà, rêu rao về hòa giải. Còn trường hợp anh A đánh anh B chết thì theo luật pháp, dù gia đình anh B có muốn tha cho anh A cũng không được, vì hành vi của anh A lúc này là tội phạm hình sự không chỉ lấy đi tính mạng của cá nhân anh B mà còn xâm phạm đạo đức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách cư xử bình thường của xã hội. Lúc này, vai trò giải quyết vụ việc phải được giao cho luật pháp, chứ không ai có thẩm quyền bàn đến trừng phạt hay tha thứ. Sau khi Công lý được thực thi thì mới tính đến chuyện hòa giải giữa hai gia đình A và B. Thật vậy, Hòa giải cần một số điều kiện, mà Công lý là điều kiện không thể bỏ quên.

Để kết thức bài viết, tôi xin chia sẻ rằng: học viện Trần Nhân Tông có nhiều nhân sự và cố vấn phương Tây, nhưng điều đó không phải là một bảo chứng hữu hiệu cho uy tín và giá trị của học viện này. Sau buổi trao giải thưởng vắng mặt cho hai chính khách Burma và những phát hiện của công luận về việc đưa thông tin không đúng sự thật của tổ chức này, học viên Trần Nhân Tông xem như đã mở đầu “vở kịch” không được thành công. Và nhân đó, chúng ta cũng cảm nhận được rằng: uy tín của một tổ chức không đến từ thành phần nhân sự khoa bảng bằng cấp đầy mình, mà đến từ thời gian làm việc nghiêm túc trong tinh thần trách nhiệm và tôn trọng sự thật.

Là một người ít học, ít tuổi nhưng lại hay nói thật những điều mình nghĩ, tôi rất mong nhận được cái nhìn bao dung từ độc giả. Thành thật mong rằng, tranh luận không đẩy người ta ra xa nhau mà mang chúng ta đến gần nhau trong tinh thần mưu cầu sự thật.
Tam Kỳ ngày 15 tháng 10 năm 2012
© Huỳnh Thục Vy
© Đàn Chim Việt

-------------------------------------------------------

THEO DÒNG SỰ KIỆN:


Trái với ý định được thông báo trước về lễ trao Giải thưởng Hòa Giải Trân Nhân Tông – The Tran Nhan Tong Reconciliation Award tại Đại Học Harvard ở Boston – Massachusetts vào ngày thứ bảy 22/9/2012, việc trao Giải đã không diễn ra vì 2 chính khách Miến Điện được tặng Giải là bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein đều trả lời là không đến dự được, với lý do: chương trình hoạt động quá bận rộn trong chuyến đi thăm chính thức Hoa Kỳ.

Tuy nhiên trước đó 1 ngày, thứ sáu 21/9, tại phòng họp lớn của the Harvard Faculty Club vẫn tổ chức một buổi họp có chừng hơn một trăm người dự để giới thiệu về việc thành lập Viện Trân Nhân Tông – Tran Nhan Tong Academy thuộc Đại Học Harvard, về Giải thưởng hàng năm Hòa Giải Trần Nhân Tông, về quyết định trao giải đầu tiên năm nay (2012) cho bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein.

Tin 2 vị trúng giải không đến dự được đã bị ghìm lại chắc rằng để không gây nên hụt hẫng cho buổi ra mắt này. Mọi người chờ mong ảnh về lễ trao và nhận Giải, chờ đọc bài phát biểu của 2 vị chính khách quý Miến Điện, mà không thấy. Chuyện không bình thường đã xảy ra.

Đã có hơn mươi người Việt Nam từ trong nước cũng như từ ngoài nước tham dự cuộc họp này, trong đó có các ông Ngô Vĩnh Long, Tạ Văn Tài, Lê Mạnh Thát, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Anh Tuấn… Ở trong nước chỉ có mạng Viet Nam Net và báo Quảng Ninh đưa tin rất sơ sài về buổi họp.

Được biết chủ trương lập Viện Trần Nhân Tông, Giải thưởng Hòa Giải Trần Nhân Tông ở Đại Học Harvard ở Hoa Kỳ được chuẩn bị từ hơn 2 năm nay hiện gặp phải một số trục trặc không nhỏ.

Trước hết là từ giáo sư Thomas Patterson, một cựu sỹ quan Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, một giảng sư kỳ cựu của Harvard, từng nhiều lần sang Việt Nam thăm vùng Yên Tử – Quảng Ninh, đã nảy ra sáng kiến trên đây và được chính quyền trong nước hoan nghênh. Ông T. Patterson là Chủ tịch của Ủy ban xét trao Giải thưởng hàng năm trên đây. Tuy nhiên ông T. Patterson nhiều lần phát biểu cho rằng ông Hồ Chí Minh đã có quan điểm Hòa giải Dân tộc cao quý, và Hồ Chí Minh cũng là nhân vật anh hùng dân tộc, vĩ đại như vua Trần Nhân Tông, ông đã không được đồng tình, còn bị phản đối.

Nhiều người Việt cho rằng ông T. Patterson đã có chung lập trường với giới cầm quyền độc đoán trong nước, mang dư âm lạc lõng của phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ trong thời chiến, và ông giáo sư này đang bị giới cầm quyền trong nước lợi dụng.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Anh Tuấn, từng là tổng biên tập mạng Viet Nam Net thuộc Tổng công ty Viễn thông VN, dưới quyền bộ 4T – Thông tin Truyền thông ở Hà Nội trong hơn 10 năm, nay trở lại Đại học Harvard, đang đảm nhiệm việc dựng lên Viện Trần NhânTông, và cũng là người hoạt động năng nổ nhất trong tổ chức, điều hành cuộc họp nói trên.

Ông Tuấn cũng là người đang hăng hái trong việc quyên tiền để dựng bức tượng đồng lớn Trần Nhân Tông để đặt ở Viện đại học này. Nhiều trí thức trong cộng đồng đặt ra nghi vấn, phải chăng đây là một viên chức CS được biệt phái ra hải ngoại để thực hiện những nội dung của nghị quyết 36 của đảng CS.

Việc này có vẻ giống như bành trướng Bắc Kinh xây dựng nhiều viện Khổng Tử ở nước ngoài.

Rất có thể bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein rất mẫn cảm về chính trị, đã sớm biết những trục trặc liên quan đến Giải thưởng, nên đã trả lời một cách ngoại giao là ‘ bận việc ‘. Thật ra, nếu mặn mà với một giải thưởng cao quý, không khó gì để đến dự trong một buổi, khi Washington DC, New York, Boston cùng ở bờ biển phía Đông, cách nhau chỉ một giờ đường bay. Vì sao trong trả lời, bà Aung San Syu Kyi và ông Thein Sein không có lời cám ơn và lời đánh giá ra sao về giải thưởng này?

Và cũng không phải ngẫu nhiên thày Thích Nhất Hạnh từ Pháp đã nhã nhặn từ chối lời mời đến đại học Harvard – Boston để nhân danh nhân vật tiêu biểu cho đạo Phật trao Giải Thưởng Trần Nhân Tông. Phải chăng thày đã biết về trục trặc gì đó liên quan nên không để mình bị dính vào.

Rõ ràng việc hòa giải giữa người Hoa Kỳ với nhau, hòa giải giữa người Việt với nhau, hoà giải giữa người Việt và người Mỹ, và hòa giải ngay giữa những người tán thành việc phổ cập gíá trị của tư tưởng Trần Nhân Tông, vẫn còn là vấn đề trước mắt. Có điều gì mỉa mai, trớ trêu!

Điều nổi bật nhất là giữa những người nhận ra chân giá trị của vua Trần Nhân Tông – từ bỏ lòng tham quyền, tham hưởng thụ vật chất, tu dưỡng nhân cách, thương dân và có chính sách thư dân, trọng hiền tài chân chính – với những kẻ đương quyền tham hưởng thụ, vô đạo, bất nhân, hèn với giặc, ác với dân, không thể nào hòa giải, đồng lòng, nhất trí được với nhau.

Trong nước một số trí thức dân tộc lúc đầu rất hoan nghênh chủ trương trên đây của Đại học Harvard, nhưng nay lại thận trọng và dè dặt, e ngại bị lôi cuốn vào một mưu đồ chính trị của nhà cầm quyền. Chẳng lẽ những người từng hứa hẹn hòa giải và hòa hợp dân tộc, rồi cố tình « quên » lời hứa danh dự ấy, nay lại lên mặt khoe và dạy thiên hạ vế hòa giải?

Dân tộc Việt Nam đoàn kết đấu tranh để từ bỏ cả hệ thống cai trị độc đảng độc đoán, hòa giải thật sự với nhau, coi đó là mục tiêu ưu tiên, thực hiện trước tinh thần cao quý của Trần Nhân Tông, rồi sẽ đem chuông Hòa Giải đi đấm nước ngừơi, thế mới hợp với lòng dân và lẽ phải trong đời sống quốc tế.

© Đàn Chim Việt






No comments:

Post a Comment

View My Stats