Sunday, 21 October 2012

ĐỊNH NGHĨA CỦA "PHẢN BIỆN" (TS Vũ Quang Việt / Thanh Trúc - RFA)




Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-10-21

TS Vũ Quang Việt, một cựu nhân viên LHQ, hiện là tư vấn cho LHQ và một số tổ chức các nước, góp ý rằng phản biện là từ chỉ có ở Việt Nam, phát sinh sau quyết định 97 của thủ tướng chính phủ, phản ảnh lý luận một cách hòa bình của giới trí thức trong nước.

TS Vũ Quang Việt.  Photo courtesy of diendan.org

Phản đối một cách hòa bình bằng lý luận

TS Vũ Quang Việt: Phản biện là một chữ xuất phát từ Việt Nam và có lẽ chỉ có Việt Nam dung; nó phản ảnh cái hoạt động ở Việt Nam trong thời gian qua, do đó phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ phản biện này.
Tôi nghĩ phản biện có thể hiểu là phản đối một cách hòa bình bằng lý luận của giới trí thức Việt Nam. Tức là không chỉ nói lên ý kiến mà còn đòi quyền có ý kiến. Có nghĩa rằng người trí thức ở Việt Nam không có quyền phát biểu ý kiến một cách rộng rãi trước dân chúng, và đặc biệt phản biện trở thành một hoạt động của những người trí thức về mặt lý luận ở trên Internet và ở khắp các hệ thống gọi là lề trái.

Thanh Trúc: Thưa TS Vũ Quang Việt, ông có nói ở Hoa Kỳ người ta chỉ dùng chữ “public comments” dịch đúng nghĩa là qui trình góp ý có tổ chức của công chúng về những đề án công. Thế thì có thể áp dụng định nghĩa này cho chữ phản biện không, và tại sao gọi là qui trình?

TS Vũ Quang Việt: Public comments không thể dịch là phản biện được, vì public comments ở bên Mỹ có nghĩa bất cứ một công trình gì có ảnh hưởng đến công chúng, có thể lấy đất của công chúng để làm gì đó, có thể dùng ngân sách để làm gì đó …thì phải có một qui trình góp ý kiến của công chúng về đề án công đó.
Nói đến qui trình là nói đến luật, phải ghi ra những đề án được xuất bản để cho mọi người thấy rõ và được quyền đọc, được bao nhiêu ngày sau đó để có ý kiến và được tổ chức góp ý kiến. Nếu là một đề án công của thành phố thì qui trình của ý kiến là phải mời hoặc là loan báo cho mọi người rõ có cái public hearing được thông báo trước.
Nếu đề án xảy ra ở khu phố thì có Hội Đồng Khu Phố phát biểu ý kiến, sau đó sẽ lên quận, quận lên thành phố. Từng qui trình như vậy thì có thời gian rõ ràng là khi nào được phát biểu ý kiến, phải có public hearing tức phải để cho người ta có ý kiến được tổ chức đàng hoàng.
Rồi thì có thể những người làm đề án, hoặc là chính phủ hoặc là những nhóm lợi ích, họ thấy bị phản đối, bị không đồng ý thì họ phải sửa lại và phải tổ chức lại cái hearing cho đến khi nào chủ tịch Hội Đồng Thành Phố thấy rằng không thể thông qua được và không đưa ra bỏ phiếu, hoặc là ông quyết định đưa ra bỏ phiếu nếu thông qua được. Đấy là một qui trình đóng góp được tổ chức và như vậy thì không tạo ra sự chống đối.
Còn ở Việt Nam thì không có qui trình, không cho người ta phát biểu nữa chứ đừng nói đến qui trình. Do đó chữ phản biện ra đời mà đầu tiên là dự án bô xít Tây Nguyên, vì giới trí thức thấy không có lợi về mặt chính trị, kinh tế, môi trường… Họ phải tổ chức ra để có ý kiến.
Vấn đề phản biện này phải hiểu trong cái context của Việt Nam tức là họ đòi quyền tự do có ý kiến. Phải nói nó là một phong trào phản đối bằng lý luận một cách hòa bình của giới trí thức Việt Nam. Không dễ dàng dùng một từ nào tiếng Mỹ mà có thể dịch từ phản biện được.

Thanh Trúc: Kể cả từ “counter argument”?

TS Vũ Quang Việt: Nó không có nghĩa. Counter argument thì bất cứ người nào cũng có thể có counter argument ở bất cứ nơi nào. Nhưng mà chữ phản biện nó có ý nghĩa chính trị, nó phản ảnh hoạt động của giới trí thức Việt Nam chứ không phải của nông dân. Không phải đi biểu tình mà gọi là phản biện, cái này là chống đối một cách hòa bình và bằng lý luận.

Không phải tạo phản

Thanh Trúc: Thủ tướng Việt Nam có quyết định số 97, cho phép người có ý kiến gởi tới nơi có thẩm quyền quyết định, để nói về nguyện vọng của mình. Vậy quyết định 97 đó có ý nghĩa của việc cho phép phản biện hay không?
TS Vũ Quang Việt: Quyết định 97 của thủ tướng không cho giới trí thức có ý kiến ngoại trừ đưa những ý kiến đó thẳng tới những cơ quan có trách nhiệm. Phản biện có nghĩa là phải làm ra phải để cho công chúng biết chứ không phải chỉ được gởi cho người đưa ra đề án đó cho họ đọc và họ vất vào thùng rác.
Mà thông thường ở Việt Nam toàn bộ những ý kiến của trí thức hay của dân chúng là họ vất vào thùng rác hết. Vì họ cũng chỉ nói là mở ra cho ý kiến, nhận được một triệu hay bao nhiêu triệu hoặc mấy trăm ngàn ý kiến thế là chấm dứt. Tức là không phải cái quyền tự do ăn nói. Quyết định 97 nhằm cho đám trí thức ấy không được mở miệng nữa, một hình thức bịt miệng rồi.

Thanh Trúc: Trong thời gian qua người dân Việt Nam cũng như các tổ chức xã hội phải làm quen nhiều với những hoạt động phản biện. Theo ông, phản biện này tiếp nối phản biện khác thì…

TS Vũ Quang Việt: Đó là cái dấu hiệu là nhà nước đó không có một qui trình gì cho người ta có tiếng nói, mà lại là tiếng nói của những người có học, tiếng nói hòa bình, đóng góp vào cho xã hội tốt đẹp hơn.
Như tôi nói bên Mỹ có qui trình cho mọi người góp ý kiến, còn Việt Nam không có qui trình đó mà cơ bản quyết định 97 là không cho phép người ta mở miệng, thì người ta phải phản biện trên Internet, trên blog. Việt Nam coi những cái đó là xấu, coi giống như là diễn biến hòa bình. Cơ bản nó cũng là diễn biến hòa bình thật. Tức là muốn thay đổi xã hội Việt Nam một cách hòa bình chứ không phải là chống đối. Trung Quốc thường dùng chữ tạo phản, người dùng lời nói hay hành động có ý muốn lật đổ chính phủ thì họ gọi là bọn tạo phản. Ở Việt Nam rõ ràng phản biện không phải là hình thức tạo phản.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn tiến sĩ Vũ Quang Việt.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.





No comments:

Post a Comment

View My Stats