Viên Linh
Wednesday,
October 10, 2012 2:20:35 PM
Trong vòng non một năm nay, giới văn nghệ hải ngoại rời bỏ cõi
đời theo một nhịp độ có hơi gấp gáp. Trước đó, trong sự im lặng, vắng tiếng,
vắng hình, độc giả có thể đoán chừng nhà văn nhà thơ họ hâm mộ đang hoàn tất
một tác phẩm nào đó, sau rồi mới biết là không có tác phẩm nào được hoàn tất.
Nhà
thơ Phan Phong Linh (1911-1956), chết với hoài vọng dở dang. (Hình và tài liệu
của Viên Linh)
Có
thể là có, mà sự đoán chừng không được trả lời, hay chưa được trả lời. Bây giờ
là tháng 10, 2012, đúng tháng này năm ngoái, ngày 11 tháng 10, 2011, người ra
đi là thi sĩ Hà Thượng Nhân (1922-2011).
Hơn 3 tháng sau đến lượt thi sĩ Cao Tiêu
(1929-2012). Hai vị ra đi ở tuổi bát tuần, kể là đại thọ, để lại sự thương
tiếc cho hầu hết thi văn giới, vì các ông là những bậc trưởng thượng, và suốt
đời sống trong thi ca, báo giới, nhiều người biết tên biết tuổi, hơn nữa lại
còn được quen biết, thân thuộc, hay làm việc với ông trong các ngành sinh hoạt
như: giáo dục, thi ca, trong và ngoài báo giới, đài phát thanh quốc gia hay đài
quân đội.
Thế
nhưng sau đó, ba bốn người trẻ hơn liên tiếp lìa đời: các nhà văn Tuấn Huy, Nguyễn Mộng Giác, Ðịnh Nguyên, và mới đây nhất: Nguyễn Chí Thiện. Cả bốn người này đều
là cư dân Quận Cam, nhiều năm sinh sống và viết lách ở Little Saigon. Ðó là
chúng tôi không kể tới nghệ sĩ Lữ Liên, mất vào tháng 7 vừa qua, một đại lão
nghệ sĩ thọ 95 tuổi. Chúng ta đang nói về những nhà văn mới ra đi, với ước đoán
là họ có để lại những hoài vọng nào chăng, vì so với mức trường sinh trong đời
sống ở Hoa Kỳ, thì ra đi vào tuổi vừa 70 là có hơi sớm, và trên 60 là còn quá
trẻ.
Người
viết bài này còn nhớ khoảng giữa thập niên '50, nhà thơ Phan Phong Linh mất ở tuổi 45, “ấm ức” vì hoài vọng không
thành. Ông là con trai của danh sĩ Phan
Mạnh Danh, tác giả hai thi tập nổi tiếng: Bút Hoa và Xuân Mộng. Phan Phong
Linh xuất hiện trong Nhóm Thế Kỷ ở Hà Nội hồi 1951, 52 với những Triều Ðẩu, Trúc Sĩ, Bùi Xuân Uyên, Tạ Tỵ,
Thạch Trung Giả. Các nhà văn nhà thơ nổi tiếng này khi đặt chân tới Saigon
đã gây dựng ngay được một tờ nhật báo khét tiếng: tờ Tự Do. Họ cũng thành lập
được nhà xuất bản Tự Do, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Hợp lại thành quả
của Tự Do, với danh hiệu gọi là Cơ sở Báo chí và Xuất bản Tự Do, giới đồng
nghiệp lớp sau và các độc giả của hai mươi năm văn học miền Nam hẳn còn nhớ
những tác giả qui tụ quanh cơ sở đó: Tam
Lang, Mặc Ðỗ, Ðinh Hùng, Như Phong, Mặc Thu (Ban chủ trương với tên năm
người này in trên mặt báo) và phía sau là Phan Phong Linh (1911-1956), Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Ðỗ Thúc Vịnh, Thanh
Lãng, Vi Huyền Ðắc, Phạm Mạnh Viện, Nguyễn Duy Cần, Phạm Việt Tuyền và cũng
cơ sở này đã giới thiệu với độc giả tác phẩm của “giới trẻ” lúc đó: Dòng Sông
Ðịnh Mệnh của Doãn Quốc Sỹ (1959, in lần đầu, sau mới nhập Sáng Tạo và in lại
1963), và Mưa Ðêm Cuối Năm của Võ Phiến (in lần đầu 1958, sau mới lập Thời Mới
và in lại 1962). Sách âm nhạc có Nhạc sỹ Danh tiếng Hiện đại của Lê Hoàng Long, 1959.
Nói
về Tự Do như thế để thấy rằng Phan Phong Linh đã chết đột ngột chỉ 2 năm sau
khi Tự Do được thành lập, và hoài vọng của ông là một hoài vọng không thành,
hay chỉ mới bắt đầu. Ðó là hoài vọng sưu tập, phẩm bình những bài thơ viết về
các danh lam thắng cảnh của đất nước, nhan đề là “Thắng Cảnh Việt Nam qua Thi
Ca.” Ông sửa soạn viết năm 1952, sách đang in thì ông mất. Trong sách ông viết
về hoài vọng của mình như sau: “Từ lâu
chúng tôi đã có ý định sưu tập những tài liệu lịch sử, địa lý nói về những
thắng cảnh của nước ta. Những tài liệu đó xét ra rất cần thiết vì không gì bẽ
bàng bằng đứng trước những cảnh đẹp của đất nước mà không hiểu ai xây dựng nó
và xây dựng từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào. Không ai chối cãi được rằng những
thắng cảnh, thứ nhất là những lâu đài miếu mạo là những vết tích ghi bước tiến
hóa của cả một dân tộc qua từng thời đại một. Những vết tích ấy quí báu là
nhường nào, không lẽ ta không tìm hiểu để làm tăng lòng yêu mến mà cố sức giữ
gìn lấy nó dù rằng có phải hy sinh đến cả máu xương.”
Tiếc
thay ông mới chỉ hoàn tất cuốn đầu, khổ lớn dầy non 200 trang, thì mất vì bệnh
gan tái phát. Chính vì thế bạn ông mới viết đó là một cái chết ấm ức. Nhà văn Bùi Xuân Uyên viết “Tưởng Niệm”
Phan Phong Linh có những dòng như sau: “Với
Phan Phong Linh, kết toán trọn đời có lẽ còn lại hai chữ: ấm ức. Những người đã
gặp Phan Phong Linh trong năm 1955 và đầu Xuân 1956 có ai ngờ nổi anh chẳng còn
bao nhiêu ngày để sống... Những người thân của anh quên sao nổi cái dáng người
tuy thấp nhưng cân đối ấy, lanh lẹ trong cử động và vững vàng trong dáng đi.
Chiếc xe máy cũ kỹ của anh đã chạy dọc ngang trên khắp nẻo đô thành (Saigon)
bất kỳ vào giờ phút nào để đưa anh đi tìm bạn văn nghệ.” Nhưng cuộc đời văn
nghệ ấy không uổng. Phan Phong Linh đã để lại một tác phẩm giá trị cho đời sau.
Ông đã trích dẫn thơ của hàng trăm thi sĩ khi nói đến hàng trăm thắng cảnh của
đất nước, nhất là những thắng cảnh lịch sử và các nhân vật lịch sử. Xin tạm kể
các thắng cảnh trong sách của ông: Ðền Mị Châu, Ðền Hùng Vương, vịnh tượng Ngô
Thời Sĩ, Hồ Hoàn Gươm, Tây hồ, Văn Miếu, Loa thành, chợ Kỳ Lừa, Bạch Ðằng
Giang... Còn nhiều lắm, không thể kể hết trong một trang báo, và trong mỗi
thắng cảnh, Phan Phong Linh trích thơ của nhiều người, như Tam Lang, Phan Mạnh
Danh, Nghẻ Dụ, Nhàn Văn Ðình, Ba Giai, Tản Ðà, Liễu Hạnh, v.v...
Ông
cũng kêu gọi độc giả hãy thay ông để viết về những thắng cảnh ông không biết,
hay không tìm được những bài thơ vịnh liên hệ. Người viết bài này xin chuyển
đến bạn đọc lời kêu gọi đó: “Những vị lịch lãm nhiều, kiến văn rộng, đã từng
biết những danh lam thắng cảnh chúng tôi chưa từng được biết [hãy] hăng hái làm
thay chúng tôi công việc này... thì là một điều mà chúng tôi mong mỏi vô cùng.”
(Phan Phong Linh, Thay Lời Tựa)
Xin kết bằng một bài
thơ của chính Phan Phong Linh “Tổng luận truyện Mị Châu Trọng Thủy”:
Oán
trách làm chi truyện đã rồi
Ân
tình hai chữ nước buông xuôi
Nỏ
rùa móng đổi lòng chua xót
Lông
ngỗng tay gieo ruột rối bời.
Thân
phó giếng trong làn gió thoảng
Máu
loang cát trắng bóng trăng soi
Mấy
nghìn năm cũ thiên bi sử
Bên
hiếu bên tình lẽ vẹn đôi?
(P.P.L.,
Saigon 1956)
No comments:
Post a Comment