Tháng Mười 8, 2012
Phát hiện ra được một “con sâu” là việc
khó, rất khó. Nhưng ngay cả khi đã phát hiện được thì việc xử lý thế nào để
người dân tin tưởng vào sự nghiêm minh, có lẽ, cũng chẳng dễ dàng...
Nghị quyết TƯ 3 (khóa VIII) năm 1996 của Đảng đã cảnh báo: “Tệ quan liêu,
tham nhũng và suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên
làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng,
đối với chế độ bị xói mòn, các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước bị
thi hành sai lệch dẫn tới chệch hướng”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) năm 2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì
chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một
số cán bộ cao cấp… sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy
theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy
tiện, vô nguyên tắc… Giữa hai đánh giá này là đường đồ thị đi lên giữa “Một bộ
phận” và “Một bộ phận không nhỏ”.
Nhưng trong suốt
16 năm qua, “Một bộ phận” đó là ai, đơn vị nào, ngành nào, cấp nào thì đến giờ
vẫn chưa ai đưa ra câu trả lời. Có lẽ, đó cũng chính là lý do vì sao “một bộ
phận” sau 16 năm, giờ đã thành “một bộ phận không nhỏ”.
Hôm qua, 5 tháng sau khi bị kỷ luật Đảng, Chủ tịch tỉnh
Đăk Lăk, ông Lữ Ngọc Cư đã được thuyên chuyển sang để “mang ghế” sang ngồi tại
Ban chỉ đạo Tây Nguyên. Khuyết
điểm, sai phạm của vị quan đầu tỉnh này liên quan đến những dự án trồng rừng,
đến việc nâng cấp chỉnh trang đô thị, đến một số nguồn tiền tài trợ từ các tổ
chức trong và ngoài nước, rồi cả việc bổ nhiệm cán bộ… Đặc biệt là việc “đứng
tên vay ngân hàng với số tiền lớn… để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất, không
báo cáo đầy đủ việc làm trên của vợ với tổ chức đảng, vi phạm Quy định về những
điều đảng viên không được làm”. Những khuyết điểm của ông Cư, so với đánh giá của NQ 4 “chủ nghĩa cá
nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị,
cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”, có lẽ, cũng chẳng còn
thiếu thứ gì. Đây cũng là những
khuyết điểm, vi phạm được Ủy ban Kiểm tra TƯ đánh giá là “Nghiêm trọng, gây
thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của
tổ chức đảng và uy tín của cá nhân”. Nguyên
Phó Chủ nhiệm UBKT Vũ Quốc Hùng bình luận về những khuyết điểm của vị quan đầu
tỉnh Lữ Ngọc Cư như sau: “Đó là những sự vụ lợi mà thực ra những điều này thì
ngay một học sinh phổ thông cũng nhận biết được đó là việc xấu”.
Nhưng ông Cư có phải là một trong “bộ phận không nhỏ”? Và khi đã phát hiện
sai phạm thì liệu điều chuyển “một trong bộ phận không nhỏ” từ cơ quan này sang
cơ quan khác có phải là hình thức “xử lý”? Câu trả lời có lẽ là nên dành cho
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tháng 5 năm ngoái, khi tiếp xúc cử tri Quận 1,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định với cử tri sẽ rà soát, để thay đổi,
tất cả các khâu, thể chế, tổ chức, con người nào chưa đáp ứng được mục tiêu đẩy
lùi tham nhũng, lãng phí: “Trước đây chỉ
một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ,
không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu
hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết” cái
đất nước này”.
Phát
hiện ra được một “con sâu” là việc khó, rất khó. Nhưng ngay cả khi đã phát hiện
được thì việc xử lý thế nào để người dân tin tưởng vào sự nghiêm minh, có lẽ,
cũng chẳng dễ dàng. Bởi việc thuyên
chuyển đối với những cá nhân đã sai phạm rành rành và nghiêm trọng đến như vậy,
có khác gì bỏ con sâu từ cái cây này sang cái cây khác. Thời phong kiến có câu “Hình bất thượng đại phu”, tức
hình luật chẳng bao giờ phạm được tới quan quyền. Không lẽ câu đó đúng cả ngay
trong một xã hội vẫn vỗ ngực cho mình là “thượng tôn pháp luật”?
No comments:
Post a Comment