Đức Tâm - RFI
Thứ sáu 05 Tháng
Mười 2012
Khi quyết định đem ông Bạc Hy
Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh ra xét xử, đảng Cộng sản Trung Quốc muốn làm cho mọi người tin rằng đây là một thắng lợi đối với chính sách độc đoán chuyên quyền và họ đủ khả năng loại bỏ một vài con sâu mọt trong nội bộ Đảng.
Thế nhưng, trên thực tế, việc hạ bệ một trong những chính trị gia hàng đầu của Đảng và công bố chi tiết những tội danh của ông Bạc Hy
Lai như «
tham nhũng quy mô lớn », « quan hệ tình dục bất chính với nhiều phụ nữ », « phạm sai lầm nghiêm trọng và lạm quyền » trong vụ sát hại ông Neil Heywood một doanh nhân Anh…đã gây ra những tác động ngược lại với mong muốn của Bắc Kinh : Người dân Trung Quốc và thế giới thấy rằng sự thối nát đã thấm sâu không chỉ ở các quan chức cấp thấp mà ở cả giới lãnh đạo chóp bu.
Trong ba thập niên qua, kể từ khi Trung Quốc mở của, tiến hành cải cách kinh tế, đảng Cộng sản Trung Quốc rất chú ý đến việc tạo dựng và duy trì nhận thức, theo đó, tình trạng tham
nhũng, lạm dụng quyền lực, hành động sai trái chỉ có thể xẩy ra trong hàng ngũ quan chức cấp thấp, giới hạn ở một vài nơi. Chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đủ khả năng xử lý, làm trong sạch hàng ngũ và những lãnh đạo tối cao của đất nước chỉ biết suốt đời làm việc phục vụ nhân dân.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc, các kế hoạch xóa đói giảm nghèo hàng trăm triệu đô la, việc giữ bí mật thông tin về giới lãnh đạo cao cấp, tất cả những yếu tố này đã làm cho một bộ phận dân chúng Trung Quốc tin tưởng như vậy.
Cách nay một năm, khi người dân làng Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông nổi dậy phản đối nạn tham nhũng của các quan chức địa phương và chống lại công an, họ vẫn tin vào các tuyên truyền chính thống và bày tỏ sự trung thành với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Thậm chí, nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống bất công, tham nhũng chỉ vì họ tin rằng nếu lãnh đạo ở trung ương biết thì mọi việc sẽ được giải quyết.
Một quan chức ngoại giao phương Tây đã nghỉ hưu, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc từ 30 năm nay, nói với báo Financial Times rằng vụ Bạc Hy Lai đã làm lộ rõ thực tế là những lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng « nhúng chàm » như giới quan chức địa phương.
Sau vụ này, việc báo chí quốc tế tiết lộ hàng loạt danh tánh các quan chức cấp cao Trung Quốc có tài sản kếch sù, đã cho thấy, trường hợp Bạc Hy Lai không phải là duy nhất và bất bình thường.
Khi đưa ông Bạc Hy
Lai ra trước vành móng ngựa, đảng Cộng sản Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng, không một ai,
không một phe nhóm nào đứng trên pháp luật. Thế nhưng, vụ việc này diễn ra trong lúc Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi thế hệ lãnh đạo và cuộc tranh giành quyền lực trong bóng tối diễn ra rất quyết liệt.
Vụ bê bối còn làm rõ một thực tế : Giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc không hề có đủ khả năng tự sửa chữa những sai lầm của mình và họ đứng trên pháp luật. Các cáo buộc nhắm vào ông Bạc Hy Lai chỉ được đưa ra trước công luận sau khi cựu lãnh đạo công an Trùng Khánh, ông Vương Lập Quân, vốn là tay phải của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, đã chạy vào lãnh sự Mỹ ở Thành Đô hồi tháng Hai vừa qua ;
ông mang theo nhiều hồ sơ và bằng chứng liên quan đến vụ bà Cốc Khai
Lai, vợ ông Bạc Hy
Lai, dính líu đến vụ giết doanh nhân Anh.
Trong các cuộc gặp riêng, nhiều quan
chức Trung
Quốc, Anh
Quốc và Hoa Kỳ nói rằng nếu không có « yếu tố nước ngoài » trong vụ giết hại doanh nhân người Anh, vụ việc có thể sẽ không bao giờ bị phanh phui và thậm chí, ông Bạc Hy Lai còn được lựa chọn vào Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giờ đây, người dân Trung Quốc có quyền đặt câu hỏi : Liệu còn bao nhiêu vị lãnh đạo cấp cao của Đảng giống như ông Bạc Hy Lai mà chưa bị lộ ?
No comments:
Post a Comment