Tháng
10 14, 2012
Cả
hai nhà văn gối đầu giường của tôi, Kafka và Nabokov, đều không và sẽ không bao
giờ lọt tầm ngắm của Giải Nobel Văn chương nữa. Những nhà văn mà tôi khâm phục
cũng thế: James Joyce, Robert Musil, Jorge Luis Borges, Thomas Bernhard,
Roberto Bolaños. Chưa kể những bậc thầy kinh điển: Lỗ Tấn, Lev Tolstoy, Marcel
Proust. Lấy tôn chỉ ấn định trong di chúc của Alfred Nobel năm 1895 ra xét thì
hai tác giả văn học duy nhất – trong đó một người đã tự vẫn – tôi đọc trong năm
vừa rồi, David Foster Wallace với Infinite Jest và Mark Z. Danielewski
với Only Revolutions đều đại diện cho văn học ngoài hành tinh, cách Viện
Hàn lâm Thụy Điển vài năm ánh sáng. Liệt kê dài dòng như vậy và với ưu thế của
một người biết chắc mình không bao giờ thắng xổ số, tôi có thể thoải mái tuyên
bố rằng Nobel Văn chương rơi vào đầu ai thì người đó phải chịu, chẳng liên quan
gì đến tôi; không thay đổi vận mệnh văn chương nhân loại đã đành, lại càng
không ảnh hưởng đến tình yêu văn chương của từng cá nhân. Miễn không phải là
một ông Hoàng Quang Thuận nào đó, còn lại mọi lựa chọn đều xứng đáng như nhau.
Có thể bạn ưu tiên Bob Dylan, tôi ưu ái Thomas Pynchon, nhưng tôi không có gì
bất mãn khi cuối cùng Mạc Ngôn thay vì Ngũgĩ wa Thiong’o hay Murakami
Haruki được chọn. Thế giới này có nhiều nhà văn đáng đọc hơn một đời đọc của
chúng ta có thể kham nổi.
Tác
gia văn chương, chung quy có ba loại. Loại dành cho đồng nghiệp, tác gia của
tác giả. Loại dành cho công chúng, tác gia của độc giả. Và loại dành riêng cho
sự tự mê hoặc của những tác giả tự phong.
Loại
thứ nhất hiếm hoi, là những người không thể thay thế, mất một ai trong số họ là
cơ thể văn chương nhân loại tàn phế một bộ phận trọng yếu. James Joyce, nói
theo lời đồng nghiệp Đức Tucholsky của ông, vô cùng khó nhằn, nhưng chẻ ra thật
nhỏ thì mỗi viên cũng nấu được một nồi súp đầy chất lượng. Kafka là mẫu mực.
Nabokov là trường đào tạo. Borges là kho tàng văn hóa. Thomas Berndhard là vòi
phun cảm hứng… Người không thể thay thế trong văn học Việt Nam theo tôi là
Nguyễn Du, nhà hậu cần ngôn ngữ.
Loại
thứ hai đông hơn và là đối tượng chính của các nhà điểm sách, phê bình và
nghiên cứu văn học. Đánh giá về tài năng và tầm cỡ của họ là việc phụ thuộc chủ
yếu vào khí hậu và môi trường văn hóa. Từ Balzac, Dostoevsky, Sartre, George
Orwell đến Günter Grass, Paul Auster, Dư Hoa, Murakami…, tất cả đều chung số
phận được công chúng này ngưỡng mộ, bị công chúng kia chê bai. Mạc Ngôn là nhà
văn của công chúng, một công chúng về số lượng thậm chí có thể vượt qua cộng
đồng độc giả của cả Harry Potter lẫn Fifty Shades of Grey gộp
lại. Sau khi trúng giải, riêng độc giả Trung Quốc của ông đã có thể chấp thêm
cả cộng đồng Chạng vạng (Twilight) vào đó. Gu văn chương của tôi không
thật hạp với những bàn tiệc ú hụ mà tác giả Phong nhũ phì đồn thường
dọn, đầy ắp đến bội thực hình ảnh, hình tượng, phúng dụ, ngoa dụ, không từ cả
những món đẫm “nước chảy thành mương” đầy khêu gợi, hay những đặc sản sởn gai
ốc như nguyên một chú bé nướng ròn bày trên khay bạc. Nhưng các món mà ông chế
biến tài ba không chỉ khoái khẩu với giới bình dân. Người đọc khe khắt hơn cũng
được ông phục vụ tận tình. Ông là một nhà kể chuyện xuất sắc. Thành tựu của ông, theo Ủy ban Nobel, một “hiện
thực huyễn giác pha trộn cả cổ tích, lịch sử và hiện tại“, tôi thừa nhận
không bàn cãi, chỉ xin thay Faulkner bằng Gabriel García Márquez, Rabelais bằng
Tây du kí trong “kết hợp của Faulkner, Dickens và Rabelais” được
nhắc đến. Giải Nobel Văn chương năm nay không hề làm văn chương xuống giá. Văn
học Trung Quốc đương đại hoàn toàn có quyền tự hào với Mạc Ngôn. Về những gì
đáng bàn ngoài vòng hiện thực huyễn giác của ông, xin đề cập trong một dịp
khác.
Loại
thứ ba đông hơn cả, nhưng chỉ đáng quan tâm ở khía cạnh họ là những kẻ làm ngôn
ngữ xói mòn nhanh nhất, ngốn nhiều giấy mực và byte nhất, và là thủ phạm
chính khiến văn chương bị xóa thành công khỏi danh sách nhu yếu phẩm tinh thần
của con người. Trong khi nhà văn loại thứ nhất có khi cần đến 10 năm, 20 năm để
bỏ dở một tác phẩm thì nhà văn loại thứ ba mỗi ngày đều đẻ nóng vài ba đứa con
tinh thần rồi đem máu thịt của mình đi rải trong thiên hạ, với phương châm thà
bị tống vào thùng rác còn hơn không tồn tại. Tác phẩm của ông Hoàng Quang Thuận
thuộc loại thứ ba này. Đề cử một tác giả như vậy vào Giải Nobel Văn chương
không khác việc đoàn Việt Nam đăng kí mức xà nhảy cao 1m70, là mức
Thế vận hội không biết đến. Thơ ngẩn ngơ nhập đồng đến từ Việt Nam cũng là thứ
mà Giải Nobel Văn chương trong 111 năm lịch sử của mình không lường đến. Câu
chuyện Hoàng Quang Thuận cho thấy nhà văn loại thứ ba ở Việt Nam đã đạt đủ
thành tựu để văn chương ở đất nước này trở thành một tồn tại thứ yếu, không còn
đáng đếm xỉa ngay cả cho các nhà kiểm duyệt.
Tôi
tự thấy mình may mắn đã ra mắt ở một thời điểm mà văn chương còn quan yếu, có
lẽ quan yếu hơn vai trò thật của nó. Trong bối cảnh hiện thời, kẻ thù đáng sợ
nhất của nhà văn Việt Nam không phải là chế độ kiểm duyệt – tuy vẫn tùy tiện và
ngu xuẩn như bao giờ, nhưng đã chểnh mảng và lỏng tay hơn xưa nhiều – mà là sự
thờ ơ chính đáng của xã hội dành cho cái được coi là văn chương quốc gia.
©
2012 pro&contra
No comments:
Post a Comment