Lê Phan
December 10, 2016
Trong cái thời đại của không gian ảo, không còn mấy
ai nhớ đến những văn kiện vốn đã là nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Trong thời
đại của Twitter, khi cuộc tranh luận được tóm gọn trong 140 chữ, những cuộc
tranh luận bằng văn bản của các cha già dân tộc Hoa Kỳ, hẳn theo nhiều người,
đã trở thành lỗi thời.
Nhưng mới đây, hôm 5 Tháng Mười Hai, ông
Christopher Suprun, một trong các thành viên của cử tri đoàn, những người
mà trên nguyên tắc nhân danh nhân dân Hoa Kỳ bầu lên tổng thống, đã viết một
bài bày tỏ lập trường tại sao ông sẽ không bỏ lá phiếu cử tri đoàn của mình cho
ông Donald Trump.
Ông Suprun, xin phép mở ngoặc, là một nhân vật khá đặc
biệt, không những chỉ vì ông là người duy nhất trong số 538 thành viên của cử
tri đoàn đã công khai bày tỏ sự băn khoăn suy nghĩ của mình về nhiệm vụ sắp tới.
Ông Suprun đặc biệt bởi cách đây 15 năm, là một nhân viên cứu hỏa, ông đã là một
trong những người đầu tiên đến cấp cứu cho vụ tấn công 11 Tháng Chín. Ông
Suprun viết: “Cuộc tấn công đó và cuộc bầu
cử năm nay có thể không liên hệ, nhưng đối với tôi liên hệ đó ngày càng hiện
rõ.”
Ông giải thích tại sao “Tổng Thống George W. Bush là một người
không hoàn hảo, nhưng ông đã lãnh đạo chúng ta qua những ngày bi thảm sau cuộc
tấn công. Sự lãnh đạo của ông đã cho thấy Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại. Và đó
cũng là lần cuối tôi nhớ là quốc gia của chúng ta đoàn kết. Tôi đã chứng kiến ông Trump thất
bại trong việc đoàn kết Hoa Kỳ và đã tạo nên một sự chia rẽ giữa chúng ta…
Ông Trump tweets ngày đêm,
nhưng chờ hai ngày sau mới bày tỏ chia buồn cho cộng đồng ở Ohio State sau cuộc
tấn công ở đó. Ông không khuyến khích đối thoại tử tế, mà chọn thúc đẩy sợ hãi
và tạo tức giận. Điều này không chấp nhận được. Đối với tôi, Hoa Kỳ là
thành phố sáng chói trên đồi mà Ronald Reagan đã nhìn thấy. Nó có vấn đề. Nó có
thách thức. Những điều đó có thể đối phó và vượt qua như khi đất nước chúng ta
vượt qua 11 Tháng Chín.”
Và ông đã viện dẫn lý luận của The Federalist
Papers.
Thời nay chắc không mấy ai nhớ đến loạt 85 bài lý luận
để biện minh cho việc thông qua Hiến Pháp Hoa Kỳ được đăng trên ba tờ nhật báo
của thành phố New York trong thời gian từ Tháng Mười năm 1787 đến Tháng Tám năm
1788 do các ông Alexander Hamilton, James Madison và John Jay là đồng tác giả.
Người Úc thường nói nước Úc là “lucky country,”
nhưng thực ra quốc gia may mắn nhất phải là Hoa Kỳ bởi những vị cha già của Hoa
Kỳ là những người chín chắn và trong khả năng của mình họ đã cố gắng hết sức để
đặt ra một thể chế đầu tiên “của dân, do dân và vì dân.”
Đây là những vị đã phân vân đặt câu hỏi như được đưa
ra trong bài đầu tiên của The Federalist Papers “Người ta đã thường nói, có vẻ như đã dành riêng cho người dân của nước
này, qua hành động và thí dụ, để quyết định nhưng câu hỏi quan trọng, rằng xã hội
con người thực sự có khả năng hay không, để thành lập chính quyền tốt qua suy
nghĩ và lựa chọn, hay là họ phải vĩnh viễn chịu số phận lệ thuộc, cho các định
chế chính trị của mình, dựa trên tình cờ và vũ lực.”
Điều mà ông Suprun dẫn ra từ The Federalist papers
mà ông coi rất quan trọng là bài thứ 68 do ông Hamilton viết. Alexander
Hamilton, vị bộ trưởng kinh tế đầu tiên của Hoa Kỳ, là người mà nếu không có
thì nền Cộng Hòa Hoa Kỳ đã sụp đổ, bởi nếu không có ràng buộc kinh tế thì Liên
bang đã không đứng vững. Bài 68 mà ông viết là về “Cách bầu tổng thống,” để biện
minh cho điều khoản trong Hiến Pháp về việc thiết lập cử tri đoàn.
Hamilton giải thích để tránh rối loạn và bất ổn cũng
như khỏi bị lũng đoạn, sự lựa chọn “Nhà cai trị chính của Hoa Kỳ” phải được chọn
không bởi một số người có sẵn mà một số người được bầu lên cho mục đích đó, một
lần ở thời điểm đặc thù đó thôi. Các vị cha già của Hoa Kỳ không tin cậy vào sự
khôn ngoan của đám đông. Hamilton lý luận: “Một
nhóm nhỏ người, được chọn bởi các công dân từ đám đông, chắc sẽ sở hữu những
thông tin và nhận thức cần thiết cho một cuộc điều tra phức tạp như vậy.”
Hamilton cũng sợ rối loạn và mất trật tự, một điều rất
đáng ngại trong việc bầu lên chức vị vô cùng quan trọng là Tổng thống Hoa Kỳ.
Ông tin là “Sự lựa chọn một số người, để
thành lập một cử tri đoàn, sẽ khó gây xáo trộn trong công cộng với bất cứ những
phong trào bạo động hay bất thường này, hơn là sự lựa chọn Một người mà tự mình
là mục tiêu cuối cùng của ước muốn cộng đồng.” Ông còn thêm: “Và các thành viên, chọn trong từng tiểu
bang, tụ tập và bỏ phiếu trong tiểu bang họ được chọn, tình hình tách rời và
phân chia sẻ ít khiến họ bị ảnh hưởng bởi sự nóng giận và hăng say, mà có thể
được gửi đến cho họ từ nhân dân, hơn là nếu họ họp cùng một lúc ở một nơi.”
Nhưng điều
quan trọng nhất trong lý luận của các vị cha già dân tộc mà thành viên cử tri
đoàn Suprun cảm thấy cần thiết cho thời hiện đại là Cử tri đoàn phải “quyết
định nếu một ứng viên có khả năng hay không, có theo đuổi mỵ dân hay không, và
có độc lập với các ảnh hưởng ngoại quốc hay không?” Hamilton quả rất lo ngại là một thế lực ngoại bang có thể thao túng việc
bầu cử, và vì thế cho rằng qua Cử tri đoàn, bầu lên một lần rồi giải tán, không
ai có thể mua chuộc được những người sẽ bầu lên tổng thống Hoa Kỳ.
Thành viên cử tri đoàn Suprun chỉ ra: “Hamilton cũng nhắc nhở chúng ta là một tổng thống không thể là một kẻ mị
dân. Ông Trump đã khuyến khích bạo
động đối với những người phản đối tại các cuộc meeting trong khi vận động tranh
cử. Ông nói đến trả thù những người chỉ trích ông. Ông đã bao quanh mình với những
cố vấn như Stephen K. Bannon, người ca ngợi những kẻ hung tàn và sự thèm muốn
quyền lực…” Và “Sau cùng, ông
Trump không hiểu là Hiến Pháp đặc biệt cấm một tổng thống nhận tiền hay quà từ
các chính phủ ngoại quốc. Chúng ta có tin tức là tổ chức của ông Trump có liên
hệ kinh doanh với Argentina, Bahrain, Đài Loan và các nơi khác. Ông Trump có thể
bị luận tội ngay từ năm đầu với phản ứng bất chấp về tranh chấp quyền lợi tài
chánh. Ông đã chơi trò ú tim với pháp luật trong nhiều năm…”
Và vì những lý do đó, ông Suprun kêu gọi các vị
elector như ông hãy suy nghĩ lại. Ông bảo ông đã được yêu cầu bỏ phiếu cho một
người mà hàng ngày chứng tỏ ông không đáng được bầu vào chức vụ đó.
Lời yêu cầu của ông Suprun rất chân thành nhưng liệu
nó có được các vị cử tri viên khác hỗ trợ hay không thì đó là vấn đề của họ.
Điều đáng nói ở đây là những trăn trở của các vị cha
già dân tộc về việc bầu cử đã dẫn đến việc thành lập cử tri đoàn. Hamilton và
các vị cha già dân tộc tin là các electors sẽ bảo đảm là chỉ những người có khả
năng mới trở thành tổng thống. Họ tin là với cử tri đoàn, không ai có thể thao
túng các công dân. Nó sẽ là một cách để kiểm soát một khối cử tri mà có thể bị
đánh lừa. Hamilton và các vị cha già dân tộc đã không tin tưởng là dân chúng có
thể có được những lựa chọn đúng. Phải đến Tổng Thống Abraham Lincoln mới là người
nói đến “một chính thể của dân, do dân và vì dân.”
Cử tri đoàn cũng được thành lập như là một biện pháp
dung hòa ở Hội Nghị Lập Hiến để làm hài lòng các tiểu bang nhỏ qua sự đại diện
của khối các tiểu bang miền Nam đưa ra. Hệ thống Cử tri đoàn cho mỗi tiểu bàng
cùng một số cử tri như là họ có dân biểu, thành ra không tiểu bang nào có ít
hơn ba cử tri viên. Kết quả của hệ thống này đã dẫn đến sự việc là ngày các tiểu
bang nhỏ càng có nhiều quyền hơn. Thành ra như trong kỳ bầu cử này, tiểu bang
Wyoming bỏ 210,000 phiếu, tức là mỗi cử trị viên đại diện cho 70,000 cử tri,
trong khi California có khoảng 9,700,000 lá phiếu cho 54 cử tri viên thành ra mỗi
elector đại diện cho 179,000 lá phiếu. Việc này như vậy rõ ràng đã khiến cho
các cử tri ở các tiểu bang nhỏ có những lá phiếu quan trọng hơn là các lá phiếu
của các tiểu bang trung bình và lớn.
Thêm một điều nữa là trong hệ thống cử tri đoàn, người
thắng ăn cả. Thành ra dầu cho thắng một tiểu bang chỉ có 50.1% hay là 80% thì ứng
cử viên cũng nhận được cùng một số phiếu cử tri đoàn. Đây là công thức cho sự
việc là một ứng cử viên có thể thắng một số tiểu bang rất lớn và thua ở một số
tiểu bang rất nhỏ, dẫn đến kịch bản như năm nay là ứng cử viên thắng lớn trong
phiếu bầu trực tiếp, phiếu phổ thông, lại thua phiếu cử tri đoàn của một ứng cử
viên thắng rất khít khao ở một số nhiều tiểu bang hơn.
Nhưng cho đến nay, hệ thống bầu gián tiếp qua cử tri
đoàn đã giúp Hoa Kỳ chọn những lãnh tụ mà không phải qua huyết thống hay vũ lực.
Ở thời nay, chuyện đó không có gì đáng ngạc nhiên cả, nhưng khi Hoa Kỳ chào đời,
cả thế giới không có một quốc gia nào mà không có vua, dầu cho là một vị vua
trong một chế độ Quân Chủ Lập Hiến như ở Anh. Hoa Kỳ cũng đã có thể có vua, nếu
Tổng Thống George Washington chấp nhận lời khẩn cầu của Quốc Hội và dân chúng
lên làm vua. Vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ không tham quyền cố vị nên tổng
thống chế mới ra đời.
Hy vọng là truyền thống đó sẽ được tiếp tục.
No comments:
Post a Comment