Wednesday, 21 December 2016

ĐÀI LOAN MẤT ĐỒNG MINH NGOẠI GIAO LÀ DẤU HIỆU VỀ SỰ GIẬN DỮ CỦA TRUNG QUỐC (Ralph Jennings - VOA)




22.12.2016
.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan David Lee (giữa) phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi Sao Tome and Principle cắt đứt quan hệ với Đài Loan, ở Đài Bắc, ngày 21/12/2016.
.
Sự đổ vỡ bất ngờ trong mối quan hệ giữa Đài Loan và một đồng minh hiếm hoi thể hiện thái độ giận dữ đang tăng cao ở Trung Quốc đối với các lãnh đạo ở Đài Bắc và các nhà phân tích nói Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục có những động thái tương tự để răn đe Đài Loan. Thông tín viên Raph Jennings gửi về bài tường trình sau đây từ Đài Bắc…..

Sao Tome and Principle, một đồng minh ở Tây Phi của Đài Loan từ năm 1997, hôm thứ 4 đã bất ngờ cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Ngay sau đó, Đài Loan giải tán đại sứ quán của nước này ở Đài Bắc và đình chỉ một loạt các trao đổi ngoại giao. Hội đồng các vấn đề đại lục của chính phủ Đài Loan nói Trung Quốc đã sử dụng đường lối “ngoại giao bằng tiền” để thúc đẩy quốc Sao Tome and Principle huỷ bỏ quan hệ với Đài Loan.

Việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan diễn ra tiếp theo sau cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và phát biểu của ông Trump sau đó nói rằng ông không thấy sự cần thiết phải tuân thủ cam kết của Mỹ sẽ chỉ công nhận Trung Quốc, chứ không công nhận Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đảo tự trị Đài Loan và tìm cách kiềm chế mối quan hệ quốc tế của nước này.

Các nhà phân tích chính trị nói Trung Quốc dùng thủ đoạn để lôi kéo quốc gia Sao Tome tách ra khỏi Đài Loan. Một số nhà phân tích cho rằng sẽ có nhiều đồng minh khác nữa của Đài Loan quay sang với Bắc Kinh trong năm tới. Theo bộ ngoại giao Đài Loan, Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc diễn tập không quân gần vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan sau cuộc điện đàm với ông Trump.

Ông Liu Yi-jiun, giáo sư về quan hệ công chúng của Đại học Fo Guang ở Đài Loan, nói:
“Họ sẽ chỉ muốn làm tăng thêm áp lực đối với tổng thống Thái Anh Văn. Đây không phải là một sự kiện cắt đứt quan hệ ngoại giao duy nhất. Sẽ có thêm 3 đến 5 nước nữa (làm như vậy), giống như hiệu ứng domino.”

Đài Loan có 21 đồng minh ngoại giao so với con số 170 nước công nhận Trung Quốc. Hầu hết các đồng minh của Đài Loan là những quốc gia nghèo ở châu Phi, Trung Mỹ, Caribe và Nam Thái Bình Dương. Các nước này chủ yếu tìm kiếm ở Đài Loan sự trợ giúp phát triển và trước năm 2008, Đài Loan và Trung Quốc thường cạnh tranh với nhau trong việc tung tiền ra để thuyết phục các nước về phe với họ.

Bộ ngoại giao Đài Loan cho biết, Đài Loan đã giúp Sao Tome and Principle, một quốc đảo phụ thuộc vào dầu lửa với số dân 190.000 nằm gần bờ biển với Gabon, cắt giảm lớn tỷ lệ mắc bệnh sốt rét. Đổi lại Đài Loan tìm kiếm ở các đồng minh một tiếng nói trong Liên Hiệp Quốc.

Đài Loan ra khỏi LHQ năm 1971 và Trung Quốc sẽ không để cho Đài Loan quay trở lại tổ chức quốc tế lớn nhất này.

Trả lời một câu hỏi về sự cắt đứt mối quan hệ của Sao Tome and Principle với Đài Loan, Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói sự ra đi của Đài Loan là một khẳng định rằng “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất cho toàn Trung Hoa.”

Trước cuộc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và ông Trump, nữ tổng thống Đài Loan đã làm Bắc Kinh khó chịu vì làm Bắc Kinh mất mặt. Bà Thái Anh Văn mưu tìm một mức độ tự trị cao hơn cho Đài Loan nếu 2 bên thương thảo với nhau.

Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc tới Đài Loan đã giảm hẳn kể từ khi bà Thái A nh Văn nhậm chức. Từ tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã yêu cầu các quốc gia khác gửi cho họ các nghi can Đài Loan ở nước ngoài phạm tội gian lận đối với các công dân Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Đài Loan Lin Tai-wei nói tại một buổi họp báo hôm thứ 4 rằng ông sẽ không theo chân Trung Quốc dùng tiền để đổi lấy đồng minh ngoại giao.

Trả lời một câu hỏi về việc Sao Tome and Principle đã yêu cầu Đài Loan cung cấp 200 triệu đô la trước khi cắt đứt quan hệ, người đứng đầu ngành ngoại giao Đài Loan nói:
“Cách tiếp cận thực tiện của chúng tôi đối với các mối quan hệ nước ngoài, chúng tôi không dùng các chiêu trò dùng tiền để đổi lấy quan hệ ngoại giao.”

Ông Lin nói: “Chúng tôi muốn hỗ trợ một số kế hoạch để tăng cao phúc lợi con người, những thứ mà người dân Sao Tome có thể cảm nhận. Nhưng chúng tôi không tin là đất nước chúng tôi có trách nhiệm lấp đầy lỗ đen tài chính của một nước khác, chúng tôi sẽ không làm như vậy.”./.

-------------------------
21.12.2016
.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
.
Trung Quốc phản đối Tổng thống Đài Loan quá cảnh Hoa Kỳ trên đường đi Châu Mỹ Latin vào tháng sau không làm trì hoãn kế hoạch chuyến đi và các địa điểm quá cảnh của nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ sớm được thông báo trong vài ngày tới.

Văn phòng bà Thái Anh Văn ngày 20/12 loan báo Tổng thống Đài Loan sẽ lần lượt ghé thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador trong chuyến công du này. Bà sẽ rời Đài Loan vào ngày 7/1 và trở lại vào ngày 15/1.

Khi được hỏi liệu trong số các địa điểm quá cảnh của bà Thái có Hoa Kỳ hay không, phát ngôn nhân văn phòng Tổng thống Đài Loan từ chối trả lời, chỉ cho biết danh sách các điểm quá cảnh sẽ được công bố trong vài ngày tới vì Bộ Ngoại giao đang làm việc với các nước đối tác.

Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ chớ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh. Bắc Kinh xem đảo tự trị Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.

Đáp câu hỏi liệu mọi việc có bị trì hoãn do áp lực từ Trung Quốc hay không, ông Alex Huang khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó.

Mỹ thường không tiếp đón các Tổng thống Đài Loan vì Washington duy trì chính sách ‘một nước Trung Hoa’.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhắc lại Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ không để cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh và ‘chớ gửi tín hiệu sai lệch nào tới các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan.’

Truyền thông Đài Loan trước đây loan tin bà Thái có ý định gặp các nhân sự trong toán chuyển tiếp quyền lực của ông Trump nếu quá cảnh Mỹ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats