Friday 23 December 2016

DONALD TRUMP & VÕ KHÍ NGUYÊN TỬ (Nguyễn Văn Khanh)




Nguyễn Văn Khanh
December 22, 2016

Rõ ràng nước Mỹ không biết ông Donald Trump muốn gì. Rõ ràng cả thế giới cũng đang thắc mắc không hiểu vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ nghĩ gì. Cũng thật rõ ràng, đã có người lo âu, sợ chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra trong thời gian ông Trump làm chủ Tòa Bạch Ốc.

Chuyện ông Trump và võ khí nguyên tử là đề tài được bàn tán đã từ lâu, trước ngày ông tỷ phú New York được cử tri chọn để lãnh đạo quốc gia. Tháng Ba đầu năm nay, khi vẫn đang vất vả tranh cử sơ bộ, ông Trump nói một trong những mối âu lo nhất của ông là thế giới có quá nhiều võ khí nguyên tử. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ The New York Times, ông cho biết “nguyên tử và bành trướng võ khí nguyên tử” chính là trở ngại hàng đầu của thế giới,” để người nghe hiểu rằng nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ là người đi xây dựng hòa bình, ngăn cản tất cả hiểm họa chiến tranh.

Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump khiến mọi người phải ngạc nhiên chi ông nêu ý kiến nên để cho Nhật, Nam Hàn và ngay cả Saudi Arabia có võ khí nguyên tử để những quốc gia này “tự bảo vệ an ninh quốc phòng,” không phải trông chờ vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Phát biểu của ông tức khắc gây chấn động, đặc biệt tại Nhật, là quốc gia từng trải qua thảm họa do bom nguyên tử gây nên, khiến Thủ Tướng Shinzo Abe phải lên tiếng trấn an mọi người, nhấn mạnh “Nhật không bao giờ muốn trở thành một cường quốc nguyên tử.” Lời trấn an đó không đủ xóa tan nỗi âu lo của những người nghĩ rằng nếu trở thành tổng thống Hoa Kỳ, có thể ông Trump sẽ khơi mào một cuộc chạy đua võ trang, dẫn cả thế giới đến chỗ phải âu lo, sợ hãi hơn, vì sẽ có nhiều quốc gia tìm cách có loại võ khí kinh hoàng nhất.

Chỉ trong 48 giờ đồng hồ qua, mối âu lo này tăng gấp bội phần. Chiều Thứ Tư, 21 Tháng Mười Hai, đồn đãi chính trị ở thủ đô Wahington, DC cho hay, trong một cuộc thảo luận với các nhà phân tích chinh trị và những viên chức từng hoạch định chính sách cho các chính quyền Hoa Kỳ cũ, ông Trump nêu câu hỏi “tại sao không nhà lãnh đạo Mỹ nào nghĩ đến chuyện sử dụng võ khí nguyên tử để giải quyết những điểm nóng trên thế giới?” Đến trưa hôm sau, đích thân ông gửi lời nhắn qua mạng xã hội Twitter, với nội dung “nước Mỹ phải tăng sức mạnh nguyên tử của mình” và chỉ dừng lại khi nào “thế giới hiểu được thế nào là võ khí nguyên tử.” Điều đó tức khắc được hiểu là sau khi nhậm chức, Tổng Thống Donald Trump sẽ ra lệnh chế tạo thêm bom nguyên tử. Cũng tức khắc, dư luận chống đối nổi lên từ nhiều phía.

Theo lời ông Joe Cirincione, chủ tịch tổ chức Ploughshares, chuyên vận động giải trừ võ khí nguyên tử, câu nói của ông Trump, hàm ý cho thấy “một cuộc chạy đua võ khí nguyên tử” sắp thành hình, giải thích thêm “Hoa Kỳ và Nga hiện đang có 95% tổng số võ khí nguyên tử toàn cầu, vượt xa hẳn số võ khí những quốc gia khác có. Phát biểu của ông Trump khiến mọi người nghĩ rằng, dưới quyền lãnh đạo của ông, nước Mỹ sẽ có thêm võ khí nguyên tử, và những nước khác sẽ không ngồi yên, bảo rằng nếu anh có võ khí nguyên tử thì tôi cũng được quyền chế tạo loại võ khí đó.”

Thượng Nghị Sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) cũng dùng trang mạng Twitter để nhắn gửi người sắp sửa lãnh đạo nước Mỹ, viết rằng “ông Trump ơi, Tổng Thống (Cộng Hòa) Ronald Reagan và ngay cả Tổng Thống (Cộng Hòa) Richard Nixon biết rõ về sự nguy hiểm của võ khí nguyên tử hơn ông. Chạy đua võ khí nguyên tử đồng nghĩa với nguy hiểm, tốn kém, hoàn toàn không có lợi gì cho nước Mỹ cả.” Một nhân viên dưới quyền của thượng nghị sĩ này nhắc lại, chính vì nhìn thấy hiểm họa của một cuộc chiến nguyên tử có thể xảy ra nên “Tổng Thống Reagan đã thúc đẩy lãnh tụ Mikhail Gorbachev của Liên Xô ký kết những bản hiệp ước giới hạn số đầu đạn nguyên tử mà mỗi nước có thể có.” Điều đó cho thấy, viên chức này nói tiếp, “hiểm họa nguyên tử lúc nào cũng đe dọa con người, trách nhiệm của lãnh đạo là phải tháo bỏ hiểm họa đó, giúp người dân an tâm làm ăn, không phải lo âu về cuộc chiến nguyên tử sẽ tiêu diệt cả nhân loại,” bảo thêm ngay từ khi ông Trump ra tranh cử, “đã có biết bao nhiêu chính trị gia, chuyên gia của đảng Cộng Hòa cánh báo là phải coi chừng, người bộp chộp như ông Trump mà ngồi sát nút bấm bắn đầu đạn nguyên tử thì nguy hiểm lắm.”

Nhưng tại sao ông Trump lại nhấn mạnh tới chuyện Hoa Kỳ “phải tăng sức mạnh nguyên tử” của mình? Câu trả lời nghe được từ nhiều người: Lỗi tại Tổng Thống Nga Vladimir Putin.
Một trong những người có suy nghĩ đó là bà Kelsey Davenport, hiện đang điều hành tổ chức mang tên Hiệp Hội Kiểm Soát Võ Khí. “Sáng Thứ Năm ở Moscow, ông Putin họp báo duyệt xét lại thành quả quân sự đạt được trong năm 2016, bảo rằng khả năng chiến đấu của quân đội Nga ngày một tốt hơn, nhưng nước Nga vẫn phải tăng cường khả năng đối phó với võ khí nguyên tử mà những nước khác đang có. Chẳng ai ngạc nhiên khi nghe ông Putin nói điều này, vì trong những năm qua ông tìm đủ mọi cách để phô trương sức mạnh quân sự với Hoa Kỳ và những nước NATO. Đâu dè khi nghe ông Putin nói Nga phải tăng sức mạnh quân sự bằng võ khí nguyên tử, ông Trump nhảy ngay vào cuộc, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.”

Nhưng cũng có người lên tiếng bênh vực ông Trump, chẳng hạn như ông Wayne Thomas, từng làm việc với Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, nói rằng vị tổng thống đắc cử của Mỹ “không bộp chộp như một số người lầm tưởng.”

Theo nhận xét của ông Thomas, “từ ngày đầu, ông Trump đã tỏ ý cho thấy muốn cải thiện quan hệ với Nga, sẵn sàng xem ông Putin như một người bạn, nhưng khi nghe ông Putin lên tiếng có vẻ muốn dọa dẫm, ông Trump cũng lên tiếng đối đáp lại ngay, để cảnh báo ông Putin rằng có thể dọa ai chứ không thể nào dọa được nước Mỹ.” Vì thế, vẫn theo nhận xét của ông Thomas, “cần phải hiểu điều ông Trump nói ra nhắm vào mục đích để nước Mỹ luôn luôn ở thế thượng phong trong tất cả những cuộc thương thuyết, kể cả cuộc thương thuyết với Tổng Thống Putin mà ông Trump sẵn sàng xem là bạn.”
  


No comments:

Post a Comment

View My Stats