Thursday 29 December 2016

KÉT SẮT CỦA QUAN, MANH CHIẾU CỦA DÂN (FB Bạch Hoàn)





Thu nhập trung bình của người VN đã đạt 2.200 USD/người. Con số này vừa được công bố cùng với các thành tích kinh tế của năm 2016. Nhìn một cách tổng quan, chưa bao giờ dân mình có được mức thu nhập như hôm nay.

Tuy nhiên, tôi nhẩm tính phải mất 80 năm, một người dân VN mới làm ra được số tiền tương đương khoản tiền 4 tỉ đồng một lãnh đạo quá cố của tỉnh Yên Bái để trong két sắt ở phòng làm việc. Thậm chí, phải mất tới 100 năm mới làm ra được số tiền 5 tỉ đồng trị giá chiếc Lexus biển xanh mà Trịnh Xuân Thanh sử dụng.

Những khoản tiền ấy ở đâu ra, tôi không suy đoán. Nhưng phía sau một dự án cấp cho doanh nghiệp là ruộng vườn, đất đai của người dân bị giải toả và quan chức xây biệt thự mới, mua xe hơi mới... Thực tế này không còn xa lạ.

Chỉ là, thấy xót xa khi quan ung dung ngồi trong xe hơi 5 tỉ đồng, còn người dân phải dùng xe máy chở người chết từ bệnh viện về nhà. Xót xa khi quan có 4 tỉ đồng nhàn rỗi để trong két sắt, thì những người nông dân nghèo ở Thanh Hoá rơi vào cảnh nợ nần khốn khổ vì bị tận thu thuế phí.

Con số 2.200 USD/người/năm là kết quả phép tính trung bình thu nhập của một số kẻ ăn không hết với vô số người lần chẳng ra. Giữa hai kiểu thân phận con người đối lập đến trần trụi ấy là những nhà máy thua lỗ ngàn tỉ, những dự án đầu tư ngàn tỉ bỏ hoang...

Xét về thu nhập, có những người VN đang tách ra khỏi những người VN khác. Nhưng dẫu thành tích kinh tế cao thì cũng không thể an ủi được những người đang bị bỏ lại phía sau trong hành trình này. Suy cho cùng, đích đến của phát triển kinh tế phải là phục vụ cho đời sống nhân dân.

Đất nước có thể chưa thành những Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... nhưng cũng không thể là đất nước mà ở đó, nhà quan thì thừa mứa còn nhà dân thì bần hàn. Tài sản của quan chức cần phải được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và minh bạch. Nếu có sai phạm cần xử lý ngay chứ không để đến khi về hưu mới phê phán trước toàn dân.

Trong cuốn Cuộc đào thoát vĩ đại, Angus Deaton - nhà kinh tế đạt giải Nobel năm 2015, khẳng định, bất bình đẳng về kinh tế càng nghiêm trọng thì mối đe doạ về chính trị càng lớn.






No comments:

Post a Comment

View My Stats