Thursday 22 December 2016

THỰC TRẠNG BỆNH VIỆN CÔNG HIỆN NAY (Anh Vũ - RFA)




Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016-12-22

Tình trạng các BV công quá tải bệnh nhân diễn ra đã nhiều chục năm nay, tình trạng người bệnh nằm ghép trên một giường là chuyện hết sức phổ biến.

 Quá tải

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong 10 năm qua nhiều bệnh viện công đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90-110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường. Một phòng có 4 giường, nhưng cả chục bệnh nhân nằm điều trị là điều thường thấy, tại hầu hết các bệnh viện của nhà nước.

Điều đáng nói là, tình trạng bệnh nhận phải nằm ghép đến nay được coi là chuyện đương nhiên, và người bệnh phải chấp nhận.

Ông Thành quê ở Thanh Hóa, hiện đang chăm sóc con điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết:

“Bệnh viện đông quá, phải nằm 02 cháu một giường, nhưng do các cháu ốm đau nhiều quá thì phải chấp nhận như thế, biết làm sao được?”

Dưới nhan đề "Người dân vây Bộ trưởng Y tế tại Bệnh viện K vì bức xúc ", báo VnExpress ngày 9/12/2016 cho biết, sáng 8/12, khi đi thị sát Bệnh viện K (Hà Nội), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được nhiều bệnh nhân vây quanh phàn nàn về tình trạng nằm ghép giường và nhiều khoản chi "khó nói"...

Theo đó, tại khoa Nội 2, Bộ trưởng Tiến đã hết sức bức xúc khi chứng kiến có tới 4 bệnh nhân ngồi chung nhau trên một giường bệnh. Lập tức bà Bộ trưởng đã chỉ trích lãnh đạo Bệnh viện rằng, “Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh 4 người ngồi trên cùng một giường bệnh cá nhân này, các anh có chịu được không? Đến người khoẻ còn không chịu đựng nổi nữa là bệnh nhân".

Truyền thông nhà nước ở VN đã không ít lần báo động tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay đã ở mức nghiêm trọng, nhất là mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Nói về tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay, BS Đông ở bệnh viện Ung bướu TP. HCM cho biết:

“Từ trước đến giờ bệnh viện luôn quá tải, nguyên nhân là do nguồn bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên thêm tới 60-70%. Theo định biên thì bệnh viện có 1.300 giường nhưng chỉ có 700 giường nội trú thôi, nhưng số bệnh nhân nội trú luôn là 1.700-1800 người, kể cả bệnh nhân ngoại trú là 8.000 người. Vì thế tình trạng một giường nằm 2-3 người thậm chí không phải là nằm nữa, mà gọi là ngồi.”

Ngành y nói gì?

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bệnh viện công quá tải hiện nay, Bác sĩ Thắng một bác sĩ tại Khoa Khám bệnh một Bệnh viện Trung ương ở Hà nội cho biết:

“Tính từ năm 1975 dân số của chúng ta đã tăng gấp đôi nhưng số lượng bệnh viện lại không tăng bao nhiêu, thêm vào đó lượng khách vãng lai, lao động ngoại nhập vào làm các công trình, nên càng làm nhu cầu khám bệnh tăng cao vì vậy dẫn đến quá tải bệnh viện. Thêm vào đó quá trình ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thức ăn nhiễm hóa chất lại càng làm người dân mắc bệnh nhiều hơn.”

Theo báo Người Lao động, TS. Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)  cho rằng, các BV đang tồn tại 2 tình trạng là quá tải thật và quá tải “ảo”. Quá tải “ảo” là do người bệnh vượt tuyến điều trị trong khi bệnh tình không đáng phải vậy. Song theo ông, điều đáng lo là trên thực tế, nhiều BV không muốn giảm tải, vì quá tải sẽ mang lại thu nhập cho bệnh viện. Theo ông, Bộ Y tế cần phải quy định rõ danh mục cơ bản mà tuyến trên phải làm, những danh mục còn lại thuộc tuyến dưới.

Theo Bác sĩ Thắng, hiện nay tình trạng người bệnh cứ ốm là vượt tuyến để khám, không cần biết bệnh nặng hay nhẹ diễn ra rất phổ biến, theo ông có nhiều ca bệnh nhân mắc bệnh thông thường, mà các cơ sở tuyến dưới thừa sức giải quyết. Ông giải thích:

“Năng lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng - rất nhiều bệnh viện tuyến huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế giỏi chuyên môn..., trong khi điều kiện kinh tế người dân các tỉnh ngày càng khá, họ có xu hướng lên tuyến trên điều trị...”

Khi được hỏi làm thế nào để có thể nhanh chóng giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải tại các bệnh viện công?

Cần tăng cường chất lượng điều trị, một Bác sĩ thuộc Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đề nghị dấu danh tính cho biết:

“Đầu tiên là phải nâng cao chất lượng điều trị, làm thế nào để giảm số ngày nằm viện càng ít càng tốt, bằng cách chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn được nằm viện một cách chặt chẽ, không cho nhập viện một cách ồ ạt. Đối với các bệnh nhân không xứng đáng phải nằm viện thì chúng tôi sẽ chuyển xuống tuyến dưới hoặc cho họ điều trị tại nhà với các tư vấn thật là chi tiết.”

Giải quyết cách nào?

Theo Bác sĩ  Thắng, muốn giải quyết triệt để tình trạng quá tải cần đầu tư nhiều hơn cho ngành y, giải quyết tận gốc, toàn diện và triệt để, cả về tổ chức nhất là con người và chính sách đầu tư, đãi ngộ cho y, bác sĩ. Bắt đầu bằng cải cách tiền lương, phân bố hợp lý lực lượng nhân sự hiện có, tránh tình trạng cán bộ giỏi và trang thiết bị hiện đại dồn lên tuyến trên. Ông khẳng định:

“Theo tôi, muốn chống quá tải thì Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn cho ngành y về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là con người có chuyên môn thật tốt, và phải được đào tạo bài bản thì mới có thể giảm quá tải ở các bệnh viện.”


Chúng tôi đã liên lạc tới Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế để tìm hiểu về chủ trương của Bộ Y tế trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng không nhận được sự trả lời.

Theo báo Tuổi trẻ, TS-BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, đã không cầm được nước mắt khi cho biết, “Chúng ta tự hào tay nghề bác sĩ cao, tự hào điều trị khỏi được những căn bệnh rất đặc biệt, nhưng người bệnh vào bệnh viện phải nằm ghế bố, hành lang, thậm chí phải nằm gầm giường. Sản phụ sinh xong như cua mới lột xác, cần nằm nơi kín gió, không có ánh mặt trời nhiều nhưng có người vẫn phải nằm hành lang, nằm ghế bố. Tôi thật sự rất đau lòng”. Phát biểu của Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết có lẽ còn là một câu hỏi đặt ra đối với trách nhiệm của những nhà quản lý trong ngành y tế.



No comments:

Post a Comment

View My Stats