Saturday 24 December 2016

SẮC MÀU GIÁNG SINH (Hoài Dịu - RFI)




Thứ Bảy, ngày 24 tháng 12 năm 2016

Một mùa Giáng sinh nữa lại về. Đừng chần chừ gì nữa, hãy tận hưởng cốc chocolat nóng khi tiết trời ngoài kia băng giá, hãy trao cho nhau tình yêu nồng ấm khi nhân loại nơi nơi vẫn còn nhiều khổ đau. Và đặc biệt cùng nhau lắng nghe những giai điệu Giáng Sinh là khoảnh khắc không thể thiếu vào dịp cuối năm. Tạp chí âm nhạc xin trân trọng giới thiệu đến quý thính giả những bản nhạc Noel nổi tiếng ở nhiều dòng nhạc khác nhau, là cái không khí linh thiêng của giáo đường hay nhịp chuông rộn ràng trong nhạc jazz, pop và rock.



Carol of the bells song, với giai điệu náo nức là tác phẩm khá nổi tiếng trong danh mục nhạc Giáng Sinh cổ điển truyền thống, do nhạc sĩ người Ukraina, Mykola Leontovych sáng tác năm 1914. Phiên bản dành cho hợp xướng có nhạc đệm của bài hát này đã được sử dụng nhiều trong điện ảnh và nổi tiếng nhất trong bộ phim Ở Nhà Một Mình do John Williams chuyển soạn, hay trong bộ phim mang tên The Santa Clause do hãng Disney ấn hành năm 1994.

Thật khó tin khi sự thành công của Carol of the Bells chỉ xuất phát từ một motif với bốn nốt nhạc hát theo lối nhắc lại trên bè Soprano (motif ostinato), đan xen với tiết tấu đều đặn, miêu tả tiếng chuông của những bè khác, cũng chỉ trên bốn nốt nhạc, đã thực sự mang Giáng Sinh ngày càng gần đến với chúng ta.

Nếu như All I Want For Christmas Is You được coi là bản ngợi ca Giáng Sinh độc quyền của Mariah Carey trong nhiều năm, với lối diễn đầy ngẫu hứng của mình, thì kể từ khi bộ phim “Love Actually” (Yêu Thực Sự) được trình chiếu, người ta lại thích nghe phiên bản trong sáng của ca sĩ trẻ Olivia Olson.

Tuy nhiên, cũng không nên phủ nhận thành công rực rỡ của Mariah Carey sau khi ca khúc được phát hành trong album Merry Christmas năm 1994. Giai điệu tràn đầy hưng phấn đó đã trở thành chuẩn mực trong thể loại ca khúc Noel pop rock kể từ khi phát hành đến nay. Giáng Sinh đã tràn ngập khắp muôn nơi với tiếng chuông lục lạc réo rắt, nhịp điệu mời gọi, và thật khó cưỡng, đôi chân cứ muốn chạy theo những chú tuần lộc, mơ về một mùa Noel thơ trẻ.

Nhắc đến Giáng Sinh là nhắc đến lễ hội ngập tràn sắc màu, là màu đỏ rực rỡ của lá cây poinsettia, là màu đằm thắm của những rặng thông xanh và màu mênh mông của những bông tuyết trắng rơi lặng lẽ. Hãy tận hưởng hương vị Noel ngọt ngào, có chút giá lạnh, cùng âm hưởng Jazz xưa cũ, với ca khúc Let it snow do Frank Sinatra trình bày.

Được xem là một trong những gương mặt nghệ sĩ lớn của lịch sử âm nhạc nước Mỹ, Sinatra bắt đầu sự nghiệp bằng những điệu hát swing và nổi tiếng qua nhiều ca khúc như My Way, New York New York… Let It Snow của ông được viết không phải dành cho lễ Giáng Sinh nhưng có lẽ mùa đông băng giá trú ngụ trong ca từ và những ngọn lửa tí tách nhảy múa bên lò sưởi mà ta có thể nghe thấy trong tiết tấu của bài hát, đã làm tâm hồn con chiên thổn thức. Và từ bao giờ, người ta dành cho Let It Snow một chỗ quan trọng không thể thiếu bên gốc thông Noel thanh bình.

Và tại sao chúng ta không chúc mừng lễ Giáng Sinh bằng một bài hát đậm chất Mỹ La tinh? Feliz Navidad của Jose Feliciano mang thông điệp của lời cầu chúc một mùa Giáng Sinh an lành và một năm mới yên vui, thịnh vượng. Với điệp khúc ngắn gọn bằng tiếng Tây Ban Nha “ Feliz Navidad…” (Chúc Giáng Sinh an lành …) và một đoạn ca từ bằng tiếng Anh, ca khúc như lời reo vui của trẻ nhỏ khi năm cũ sắp qua và đón mừng năm mới đang về. Âm điệu sống động bên bờ Caribe này đã đưa Jose Feliciano vào danh sách của 25 ca khúc được biểu diễn nhiều nhất hành tinh, theo đánh giá của Ascap.

Cuối cùng xin được khép lại bằng một dấu lặng: Happy Xmas  do John Lenon, Yoko Ono và hợp xướng Harlem Community trình diễn. Tháng 12 năm 1969, trong chiến dịch đấu tranh vì hòa bình, phản đối chiến tranh Việt Nam, ở 12 thành phố trên khắp thế giới từ Paris, New York, Los Angeles, Toronto, Rome, Athens, Amsterdam, Berlin, London, Tokyo, Hong Kong và Helsinki, người ta thấy xuất hiện những biển hiệu lớn “Chiến tranh kết thúc! Nếu bạn muốn điều đó. Lời chúc Giáng Sinh từ John và Yoko”.

Hai năm sau họ đã trở lại với ý tưởng đó, bằng cách cho ra đời tác phẩm Happy Xmas (Was is over). Đây là ca khúc phản chiến, cùng với Imagine, Give Peace A Chance, nó đã trở thành bản tuyên ngôn mẫu mực vì hòa bình cho loài người. Với John Lenon, Yoko Ono, âm nhạc lúc nào cũng giản đơn, chân thật nhưng có sức mạnh vô cùng diệu kì, xuyên thấu hàng triệu trái tim những ai đã lắng nghe nó, dù chỉ một câu nhạc.

Từ bao giờ, Giáng Sinh luôn là thời khắc thiêng liêng, nơi mà mọi niềm tin tinh thần, lòng nhân ái và sự sẻ chia, quy tụ về. Âm nhạc cũng là một thứ gia vị đặc biệt giúp con người nhìn lại chính mình một cách tự tại hơn. Tĩnh tâm để bao dung, mở lòng để hướng thiện, đã trở thành thông điệp của những lời ca Giáng Sinh, mà hầu như những người nghệ sĩ thực thụ nào cũng muốn nhắn gửi thế gian.




No comments:

Post a Comment

View My Stats