Thursday, 29 December 2016

VÀI CÂU HỎI VỀ NƯỚC MỸ (Nguyễn Trần Sâm)




29-12-2016

Có thể nói: Hơn bất kỳ quốc gia nào, Hoa Kỳ là đối tượng hàng đầu của cái gọi là Thuyết Âm Mưu (Conspiracy Theory). Hàng trăm giả thuyết về âm mưu này nọ được đưa ra để giải thích nguyên nhân của những sự kiện lớn liên quan đến quốc gia này. Nhưng hầu hết những giả thuyết đó đều xoay quanh một “tiên đề” là ở đất nước này có một nhóm “siêu mafia” gồm các nhà tài phiệt. Nhóm tài phiệt này quyết định tất cả hoặc ít ra là những đường hướng chính trong đời sống chính trị của nước Mỹ.

Lý do để Mỹ là đối tượng hàng đầu của Thuyết Âm Mưu là: Hoa Kỳ có nhiều kẻ thù trên thế giới. Và theo chúng tôi thì còn có một lý do nữa: ngay trong lòng nước Mỹ cũng có những lực lượng lớn kình chống nhau.

Lẽ tất nhiên, mỗi giả thuyết trên đều có những người ủng hộ và những kẻ chống đối. Cũng gần như tất nhiên là cuộc tranh cãi giữa hai bên không bao giờ ngã ngũ.

Trong bài viết này, chúng tôi thử thảo luận về một vài giả thuyết của Thuyết Âm Mưu liên quan đến Hoa Kỳ. Cụ thể là thảo luận về những câu hỏi dưới đây:

1 – Chọn ai làm tổng thống là việc của một nhóm (hay tập đoàn) tài phiệt?

2 – Nhóm tài phiệt này quyết định chính sách của chính phủ Hoa Kỳ? Như thế nghĩa là hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ (và dân chúng) không có vai trò (đáng kể) trong việc quyết định chính sách?

3 – Tổng thống và chính phủ của ông ta chỉ quyết định chính sách đối nội, còn đối ngoại do nhóm tài phiệt đó quyết định (hoặc ngược lại)?

Tôi muốn tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên dựa vào hai “tiên đề” sau đây.

Một: Cách tốt nhất để đánh giá giới cầm quyền là dựa vào đời sống của đại đa số dân chúng và những đặc điểm của sinh hoạt xã hội.

Hai: Chính trị không phải là quân sự hay tình báo.

Hai “tiên đề” này chắc là không có ai thấy cần bác bỏ hay nghi ngờ.

***
Về đời sống của dân Mỹ, ai cũng biết rằng đây là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân hàng năm (GDP per capita) vào loại cao. (Xếp trên Mỹ có hơn chục nước nhưng đều là những nước rất ít dân.) Từ năm 2010 đến nay, nó liên tục ở mức trên 50 ngàn dollars. Nhưng nếu chỉ nói đến thu nhập bình quân thì vẫn chưa chứng tỏ được gì nhiều, vì có thể thu nhập quốc dân chủ yếu lọt vào túi bọn người giàu, trong khi mức sống của đa số người lao động vẫn rất thấp. Tuy nhiên, điều này không đúng ở một nước như Mỹ. Trên thực tế, đa số người lao động ở đây đều có mức lương trên 3 ngàn dollars/ tháng, và ngay cả người thất nghiệp cũng có mức trợ cấp khoảng gần 1 ngàn dollars/ tháng.

Thu nhập bình quân cũng chưa nói lên tất cả. Cần nói thêm là ở Mỹ (và Canada, Tây và Bắc Âu) hệ thống an sinh xã hội vận hành gần như hoàn hảo. Cuộc sống và sức khỏe của đại đa số dân chúng được bảo đảm. Một thiểu số gặp bất hạnh, thậm chí không đủ ăn, thực tế vẫn tồn tại, nhưng đó là những trường hợp mà nỗi bất hạnh gần như chính họ gây ra. Nếu có nghề nghiệp được đào tạo thì không mấy ai gặp cảnh ngộ như vậy.

Ở Mỹ vẫn có khá nhiều người lao động nghèo, sống chật vật, nhưng là cái nghèo và chật vật so với xã hội của họ, không phải so với dân đa số các nước khác.

Ngoài những con số khô khan, có thể tìm hiểu về cuộc sống ở Mỹ thông qua câu chuyện của những người Việt bên đó. Khi so sánh cuộc sống của họ với người Việt ở châu Âu, người Việt ở Mỹ đa số khẳng định họ sống tốt hơn.

Vật chất là một chuyện. Về cuộc sống tinh thần, người dân Mỹ có quyền làm mọi việc, trừ việc phạm luật. Và hàng ngày, chẳng có ai bắt ép họ làm những việc họ không muốn làm. Không có ai quấy rầy cuộc sống của họ. Nói tóm lại, người Mỹ được hưởng tự do theo đúng nghĩa của từ này.

Bây giờ thử hỏi: Nếu có một nhóm tài phiệt có thể thao túng cuộc sống của cả xã hội Mỹ thì cuộc sống của hàng trăm triệu người có thể được như thế chăng? Có lẽ không thể chứng minh được là không thể. Biết đâu, có một nhóm tài phiệt có đủ sức mạnh như thế nhưng gồm toàn những người tốt thì sao?

Nếu chấp nhận giả thuyết về sự tồn tại của một nhóm người như vậy, thực chất  ta sẽ có một mô hình nhà nước độc đảng. Và nếu nhóm tài phiệt đó qua hàng thế kỷ vẫn tốt với dân, làm cho cuộc sống xã hội tốt đẹp như vậy thì chẳng hóa ra độc đảng cũng tốt hay sao?

Từ thực tế tồn tại của các thể chế độc đảng, khó có thể tin rằng khả năng trên là đúng. Nghĩa là khó có thể có một nhóm tài phiệt thao túng xã hội mà xã hội đó vẫn phát triển tốt đẹp.

Một khía cạnh khác của cuộc sống xã hội Mỹ là các cuộc bầu cử, mà tiêu biểu là bầu tổng thống.  Cho dù việc ai thắng cử là dựa trực tiếp vào lần bỏ phiếu của cử tri đoàn, nhưng rõ ràng muốn thắng cử thì ứng viên đều phải tìm mọi cách để thu được nhiều nhất các phiếu phổ thông. Điều này rõ ràng có nghĩa là số phận ứng viên phụ thuộc chủ yếu vào sự tín nhiệm của hàng chục triệu công dân.

Tất nhiên, một nhóm tài phiệt có thể ủng hộ tiền cho một ứng viên nào đó để nhân vật này mua thêm nhiều phiếu. Đó cũng là lẽ thường. Nhưng không thể có chuyện bầu bán một đường, kết quả cuối cùng một nẻo và phụ thuộc quyết định của nhóm tài phiệt.

Vì lẽ đó, câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi thứ nhất là phủ định. Một nhóm tài phiệt chỉ có thể gây ảnh hưởng, chứ không sắp xếp trước được ai sẽ là tổng thống.

Tất nhiên, đây không phải là một phép chứng minh hoàn toàn logic, thứ không thể có trong xã hội học.

***
Khi nói chính trị không phải là quân sự hay tình báo, chúng tôi muốn nhấn mạnh vào khía cạnh sau đây. Trong quân sự và đặc biệt trong tình báo, điều quan trọng hàng đầu để giành thắng lợi là mưu lược, là yếu tố bí mật, bất ngờ. Trong chính trị, nói chung người ta không thể làm như vậy. Những kẻ tham gia những trò đấu đá, sát phạt lẫn nhau trong chính trường có thể phải dùng đến những chiêu lừa nhau, nhưng đường hướng chính của một chính phủ phải được công khai. Ngoài ra, có thể ở một vài thời điểm hoặc một giai đoạn, kẻ thực sự nắm quyền (nhất là trong chế độ độc tài cá nhân) có thể giấu mặt, nhưng không thể có một tập đoàn cầm quyền có thể “tàng hình” trong suốt một thời đại, kiểu như “nhóm tài phiệt chi phối chính trường nước Mỹ”.  

Hãy nhìn vào những cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở lưỡng viện quốc hội và sự đấu tranh trong việc thông qua các chính sách giữa Nhà Trắng và quốc hội. Sự giằng co ở đây là có thật, và không có dấu hiệu nào đặc biệt rõ về sự can thiệp của một nhóm người thực chất cầm quyền. Một nhóm như vậy chỉ có thể làm cho cán cân nghiêng về bên này hoặc bên kia trong những thời khắc cụ thể. Về cơ bản, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ là hai thế lực lớn. Nhà Trắng và lưỡng viện quốc hội là ba thế lực lớn. Tổng thống và chính phủ không có uy lực tuyệt đối, nhưng là một thế lực tham gia quyết định chính sách. Và đó là câu trả lời cho câu hỏi thứ hai nêu trên.

Nếu có một nhóm tài phiệt mạnh, dù là nhóm mạnh nhất, thì nhóm đó cũng chỉ là một thế lực nữa mà thôi. Cùng lắm nó có thể làm cho chính phủ gặp những khó khăn đáng kể chứ không thể lấn át hẳn chính phủ.

***
Về câu hỏi thứ ba, xin trả lời bằng một câu hỏi khác: Nếu nhóm tài phiệt này quyết định được chính sách đối ngoại, thì sao nó không quyết định luôn chính sách đối nội, một lĩnh vực ít nhất không kém quan trọng hơn lĩnh vực kia?

***
Cuối cùng là hai câu hỏi: Nếu có một nhóm tài phiệt chi phối chính trường nước Mỹ như vậy thì hiện nay và trước kia nó gồm những cá nhân nào? Và sao nó lại chịu giấu mặt suốt mấy chục năm, thậm chí hàng trăm năm như vậy?

Đặc điểm của những kẻ thích quyền lực là phải để người ta biết đến mình. Nếu họ phải giấu mình thì chỉ là trong từng thời điểm thôi. Vì vậy, hỏi cũng đã là trả lời rồi.

***
Trong những giả thuyết về âm mưu liên quan đến nước Mỹ, từng có giả thuyết giật gân rằng cái chết của minh tinh màn bạc Marilyn Monroe là do anh em Kennedy gây ra để giấu những bí mật ghê gớm của chính trường nước này. Nhưng gần đây, những nhà phân tích tỉnh táo đã chỉ ra rằng đó chỉ là giả thuyết dùng cho việc bán báo mà thôi. Không có chứng cớ nào cho một âm mưu như vậy. Hơn thế, giả thuyết đó phi lý trên nhiều bình diện.

Một giả thuyết khác nói rằng người Mỹ chưa hề lên Mặt Trăng. Chỉ cần nhìn quốc kỳ Mỹ bay phấp phới là thấy rõ như vậy, vì nếu là trên Mặt Trăng thì không thể có gió, do không có khí quyển. Tuy nhiên, điều này thật thô thiển. Chỉ nhìn qua cũng thấy là cờ căng ra không phải vì gió, mà nó được làm bằng polymer, Còn nó “phấp phới” được là do tay người cắm rung lên thôi.

Hẳn quý vị cũng biết đến giả thuyết nói rằng vụ 11 – 9 (2001) chính là do chính quyền Bush (con) dàn dựng. Không có gì chứng minh được điều này, thậm chí không có gì tào lao bằng giả thuyết này. Một vụ dàn dựng như vậy, nếu có, chỉ là một vụ tự sát chính trị. Thế mà cũng có khá nhiều người tin vào nó.

Xã hội Mỹ là một xã hội có đầy những người thông minh tài giỏi, và trong số đó có những người sẵn sàng xả thân để vạch ra sự thật. Một nhóm tài phiệt không thể lừa được tất cả họ. Ngay dân chúng cũng khó mà bị lừa. Chỉ cần nhìn vào những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam đã gây áp lực ghê gớm buộc chính phủ phải đi đến quyết định rút quân cũng đủ thấy không có nhóm người nào có thể thao túng tùy tiện sinh hoạt xã hội ở đây.

Mặc dù tôi không tin rằng Donald Trump có thể làm được nhiều việc tốt cho nước Mỹ, thậm chí tin rằng ông ta sẽ gây ra những xáo trộn không tốt, nhưng tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng nước Mỹ về cơ bản vẫn được dẫn dắt bởi lương tri.

NGUYỄN TRẦN SÂM




No comments:

Post a Comment

View My Stats