Wednesday 21 December 2016

"THỦY ĐIỆN XẢ LŨ, NGƯỜI DÂN LÃNH ĐỦ!" (Trần Phong Vũ)




Bàn loạn cùng Leo
Trần Phong Vũ
Posted by adminbasam on 22/12/2016

Trong một clip video có tên “Lũ lụt và Đàm Vĩnh Hưng” của diễn viên hài độc thoại Dưa Leo tôi vừa nghe được trên mạng đã giúp mở mắt, mở trí và tâm hổn tôi để cảm nhận được đến tận cùng cảnh ngộ thương đau, khốn khó mà đồng bào miền Trung phải gánh chịu trong những trận lũ lụt hàng năm. Nhớ về hơn bốn chục năm dài quá khứ trên quê hương, tôi chỉ hiểu đấy là do thiên tai gây ra cho đồng bào tôi như lời bản nhạc thời tiền chiến: “Trời làm cơn lụt mỗi năm!” Gần đây qua những tin tức trên mạng, trên báo tôi mới vở lẽ tai họa này còn do chính con người góp phần.

Tuy vậy, phải chờ tới khi được nghe, được nhìn Dưa Leo luận bàn bằng tất cả tri thức và trái tim nhạy bén đầy ắp yêu thương của anh, được thấy tận mắt cảnh lũ lụt tàn phá quê hương cùng những trang báo ở quốc nội post kèm minh họa trên màn hình, tôi mớt thật sự thấm thía những góc tối tiềm ẩn bên trong.

Chuyện lũ lụt và danh tính người ca sĩ được một lớp người nào đó hâm mộ ở Việt Nam do Dưa Leo đưa lên làm tiền đề rồi giải đề ở phút cuối, với nhiều người có thể coi như lạc lõng. Riêng tôi, tự thâm tâm tôi cảm nhận tuồng như diễn viên hài độc thoại Dưa Leo có dụng ý riêng tương tự như những lần anh phê phán các clip video phơi bày thân xác để kiếm like của những ai đó trong một tình huống không bình thường của quê hương hôm nay. Nhưng đây là chuyện riêng của anh. Xin miễn “bàn loạn”.

Bây giờ mời độc giả cùng dõi theo 13 phút 51 giây clip video hài này.

Đàm Vĩnh Hưng và Lũ Lụt - Bình loạn với Leo
Dưa Leo   -   Published on Dec 16, 2016

Xả lũ theo đúng quy trình
Sau phần nhập đề… (nhưng chẳng rõ nhập vào đâu?), Leo nói.
“Trước tiên tôi muốn nói với các bạn là qua báo chí, cái chuyện lũ lụt ngoài miền Trung nó chưa kết thúc đâu… bây giờ nó vẫn còn tiếp tục, vẫn mạnh mẽ như cũ, và lại y chang như cũ: ‘Thủy điện xả lũ, người dân lãnh đủ’”.

(Leo ngừng lời trong khi màn hình hiện lên trang mạng VietNam.Net với hàng tít: 4 Thủy điện dồn dập xả lũ nhấn chìm hạ du. Tiếp theo là biển nước mênh mông, một người đàn ông nước ngập ngang ngực dò dẫm bước tới). Anh tiếp lời.
“Trong khi ngoài đó vẫn một luận điệu ‘xả nước theo đúng quy trình. Xả lũ là phải xả thôi, chứ như bây giờ hồ chứa nhỏ quá lại đang mưa lớn mà không xả thì hồ sẽ bể, đập sẽ vỡ thì làm sao? Các bạn muốn có thủy điện thì phải đánh đổi một chút xíu chứ![1]’”
Leo đưa tay lên cao, kêu Trời!

Bắt chước giọng nói miền Trung của ai đó như muốn hạch hỏi anh.
“Mi không ở miền Trung, mi biết chi mô mà mi dám…”
Trả lời câu hạch xách trên đây, Leo cho rằng những kiểu lập luận như vậy là ngụy biện. Theo anh, cái ngụy biện lớn nhất là: nếu không xả lũ thì bể hồ, vỡ đập! Nghe qua có vẻ như hợp lý để chấp nhận đánh đổi những rủi ro do hành vi xả lũ. Nhưng vẫn theo suy nghĩ của diễn viên hài độc thoại này thì vấn đề đâu chỉ có hai lựa chọn giản đơn như thế. Mà điều tệ hại là cả hai lựa chọn kiểu này đều dẫn tới hệ quả xấu. Xả thì tiếp trợ cho lũ lụt lớn hơn, tai hại hơn. Không xả thì bể hồ, vỡ đập!

Vẫn theo quan điểm của Leo thì có rất nhiều lựa chọn. Như chuyện mời bạn gái đi ăn. Đâu chỉ có bánh cuốn, bánh canh. Còn biết bao nhiêu món ngon khác nữa. Anh tự hỏi tại sao không nghĩ tới chuyện năm nào cũng có mưa lũ làm tràn hồ chứa để nhận ra một sự thật là dung tích hồ chứa quá nhỏ để thấy nhu cầu phải xây hồ bự hơn?

Giải pháp và những chọn lựa
Dưa Leo nêu lên những câu hỏi rốt ráo: tại sao nước ngoài vào mùa khô người ta xả nước chứa trong hồ để tưới cho những cánh đồng khô hạn và đến mùa mưa người ta trữ nước? Trong khi ấy người Việt mình làm ngược lại. Mùa khô thì trữ nước còn mùa mưa lũ lại xả nước ra để người dân lãnh đủ!? Tại sao trên đầu nguồn cây rừng bị đốn hết đến khi lũ tràn về không có gì ngăn chặn để đến nỗi muốn tránh vỡ đập phải xả lũ?

Chưa hết, Leo nêu câu hỏi tiếp.
“Tại sao phải làm thủy điện hoài như vậy trong khi còn có nhiều phương thế khác như nhiệt điện, phong điện, điện hạt nhân, điện năng lượng mặt trời?
Khi tôi nói như vậy ắt có đứa nhảy vô nói: ‘Ê! mày biết cái khỉ khô gì mà nói? Nhiệt diện, điện hạt nhân, điện năng lượng mặt trời đâu phải dễ làm hả?’”

Leo đồng ý với phản biện hàm ẩn trong câu chất vấn trên. Anh từ tốn trả lời: với tư cách người dân ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước nên vì quá xót xa cho thân phận đồng bào miền Trung mỗi khi mùa lũ trở về nên anh bắt buộc phải lên tiếng. Với tư cách một diễn viên hài độc thoại, anh chỉ muốn bày tỏ ước muốn được thấy đất nước mình ngày một tốt hơn. Riêng chuyện đường lối, chính sách phải làm sao cho tốt thuộc về những người có trách nhiệm trực tiếp chứ không phải là anh. Nếu anh nhảy đại vào những lãnh vực không phải của mình thì theo anh, hành vi đó gọi là “nhiệt tình cộng thêm ngu dốt, chính là phá hoại!”

Dưa Leo nói.
“Tôi chỉ đưa ra những nhận xét cho mọi người thấy là có rất nhiều giải pháp chứ không phải chỉ có hai. Một là xả nước ra để bảo toàn hồ chứa và hai là giữ nước để phải chấp nhận hồ bị bể, dân chịu khổ!”

Vấn đề “chọn lựa” hay “đánh đổi”?
Dự kiến có người không đồng tình với anh, Leo nhái giọng miền Trung:
“Mi biết chỉ mô mà nói? Mi có sống ở miền Trung mà biết chi mô? Muốn có thủy điện thì phải đánh đổi…”
Rồi anh tự trả lời.
“Muốn có thủy diện thì phải đánh đổi! Bạn vừa nói câu đó phải không? Bạn hãy dọn nhà tới ngay cái vùng bị xả lũ tàn phá nặng nề nhất để ở. Lúc ấy mà bạn còn nói được câu đó thì tôi chắp tay xá bạn, tôn bạn lên là Thánh Sống luôn!

Thật quá dễ để nói câu phải đánh đổi khi người đánh đổi không phải là mình! Tôi không thể nào nói được câu đó. Mà tại sao phải đánh đổi một cách vô lý như vậy, đặc biệt là chuyện này đã xảy ra biết bao nhiêu năm rồi. Năm nào cũng vậy cứ đến mùa mưa lũ là dân lãnh đủ vì thủy diện xả lũ! Tại sao vậy? Tôi không nghĩ phải đánh đổi như thế! Tại sao không có cách nào, giải pháp nào để cho hậu quả của lũ lụt tác hại tới sinh mạng và thiệt hại vật chất của người dân nhỏ nhất? Hả? Tại sao??? Xin đừng có nói không làm được! Đừng có nói rằng địa hình miền Trung nó kỳ cục nên khó làm lắm!”

Ngay sau đó anh đưa ra dẫn chứng về vị trí địa dư của một đất nước bên trời Tây để đối chiếu với “cái khó, cái kỳ cục” về địa hình miền Trung người ta viện ra để thoái thác.
“Hà Lan là một đất nước nằm dưới mực nước biển. Nó là cả một đất nước, còn mình chỉ có một miền thôi. Tại sao nó làm được còn mình thì làm không được? Tại sao? Tại vì nó mướn những người có tinh thần trách nhiệm, có năng lực thích hợp với vị trí đó để làm được chuyện đó. Nếu không làm được thì để người khác làm. OK!”

Theo quan điểm của Dưa Leo, muốn là làm được hết. Vấn đề là có muốn hay không, nhất là có biết đặt để nhân sự có tinh thần trách nhiệm và có năng lực vào những công việc quan trọng cần làm hay không? Bất chợt trí tưởng tượng bật ra trong óc anh lời phê phán cay nghiệt của ai đó.
“Mày làm như mày giỏi lắm! Mày có biết học làm Kỹ sư Thủy điện vất vả khổ cực như thế nào không mà mày nói nghe ngon quá!?”

Leo từ tốn tự trả lời là quả thật anh không rõ việc học hành để trở nên một KS Thủy điện khổ cực ra sao. Nhưng theo suy nghĩ của anh, việc học hành khổ cực để có mảnh bằng dù có thực, nhưng nó không phải là lý do để biện minh cho sự bất tài, vô dụng của đương sự khi làm việc. Anh nêu lên một thí dụ trong đời thường để chứng mình.
“Một ông bác sĩ học hành trong 5, 6 năm trường cũng vất vả, khổ cực vô cùng mới tốt nghiệp chuyên khoa phẫu thuật. Nhưng khi hành nghề, mổ ai là người đó chết! Nếu bạn mang người thân của bạn đặt vào tay ông bác sĩ đó. Ông nói, ‘tôi học khổ cực lắm trong suốt 5, 6 năm, cho nên tôi mổ, nhưng chuyện mổ ra sao xin ráng chịu thôi nha!’ Các bạn có muốn để ông bác sĩ đó mổ cho người thân của bạn không?”

Trước nan đề, giải thích hay giải quyết?
Trở về với những vấn đề lớn hơn liên quan tới thân mệnh quê hương và dân tộc, diễn viên hài độc thoại Dưa Leo nói.
“Khi đất nước có vấn đề thì phải tìm ra phương thức khả thi để giải quyết vấn đề đó cho hiệu quả. Nhưng thực tế mỗi khi có vấn đề tuồng như người ta chỉ biết ‘giải thích’ mà không lo chuyện ‘giải quyết’!”

Ngay sau đó anh kêu lên “A há! Sao mắc cười như vậy?” rồi nhân tiện nêu lên một dẫn chứng cụ thể khác.
“Các bạn thử tưởng tượng một đội bóng khi thi đấu lúc nào cũng ở cuối bảng, do đó phải tìm một huấn luyên viên mới. Lúc đầu mọi người tung hô. Nhưng cuối cùng đội banh đó cứ đá là thua, đá là thua. Thua hoài! Nếu có ai hỏi nguyên do thì nhận được câu trả lời: ‘đội nó mạnh thì mình phải thua thôi chứ’, ‘gặp sân cỏ mọc dài, mà cầu thủ của đội mình chân ngắn nên có thua cũng phải chịu thôi’. Như thế bạn có muốn cha đó tiếp tục làm huấn luyên viên cho đội banh của bạn không?”

Nhắc tới thái độ của một số người quen trưng dẫn một cách khiên cưỡng những trường hợp đặc thù mà các quốc gia tân tiến phải đương đầu để biện minh cho trường hợp của mình, Leo cho biết, có người nêu lên câu hỏi là đã nhìn thấy cảnh lũ lụt ở nước Mỹ trắng đồng, trắng nước chưa rồi lên tiếng biện giải cho cảnh lũ lụt Việt Nam. Leo nói.
“Thật ra, lũ của Mỹ là lũ lịch sử, lâu lâu mới xảy ra một lần. Còn lũ của mình mỗi năm mỗi có mà có người kêu là lũ lịch sử!? Lịch sử gì mà lập đi lập lại hàng năm là lũ yearly rồi còn gì. Các bạn biết tiếng Anh yearly là hàng năm. Như vậy lũ ở nước ta không thể gọi là lũ lịch sử được.”

Trước khi kết thúc, diễn viên hài Dưa Leo bày tỏ những suy tư sâu sắc của anh về tình liên đới giữa người và người, nhất là giữa đồng bào ruột thịt với nhau. Theo anh, chuyện xảy ra cho người Việt ở miền Nam cũng là chuyện của người Bắc. Cũng thế, không thể thấy đồng bào miền Bắc phải đối diện với hiểm họa cá chết đe dọa tới sinh mạng mà người dân miền Nam có thể thờ ơ. Những người giầu có không thể vô cảm đến độ nghĩ rằng mình có dư tiền để mua hải sản nhập cảng làm thực phẩm an toàn cho gia đình mình để làm thinh trước cảnh ngộ của dân nghèo phải chấp nhận hiểm nguy khi biết tôm cá nhiễm độc mà vì chẳng đặng đừng phải ăn trong những bữa ăn hàng ngày. Nói rộng hơn, theo Dưa Leo trước nguy cơ của đất nước, dù kẻ giầu người nghèo, kẻ Bắc, người Nam. tất cả đều phải chia chung phần trách nhiệm.

Vài suy nghĩ của người viết

Mỗi lần mở coi và lắng nghe những clip video của Dưa Leo tôi không khỏi xúc động khi liên tưởng tới những người trẻ khác như cô giáo Trần Thị Lam, như cô Hân Phan, như nhạc sĩ Tuấn Khanh. Cũng như danh hài độc thoại này, họ là những người đã thành danh, có đời sống được coi là vững chắc giữa một xã hội mà chỉ một hành vi, một cử chỉ, thậm chí một lời nói là có thể gặp khó khăn (được mời lên Công an “làm việc”, bị bắt, bị khủng bố, bạo hành, bị đưa ra tòa, bị tống ngục hoặc tệ hơn là chết thảm cùng vợ con như trường hợp tác giả kịch phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trong một vụ đụng xe đầy nghi vấn năm nào).
Nhưng bất chấp, không nghĩ tới bản thân, họ vẫn can đảm ngẩng mặt dõng dạc cất lên những tiếng nói công chính.

Sau buổi “làm việc” với Công an hôm 12-12, trong clip video đầu Leo tự hứa sẽ không nói những gì có thể bị coi là làm chính trị nữa. Anh sẽ chỉ đề cập những vấn đề liên quan tới những khía cạnh tiêu cực trong xã hội mà thôi. Quả thật, trong chừng mực nào đó, Leo đã giữ đúng cam kết của anh. Vì ở cách xa quê hương tới nửa vòng trái đất, tôi không rõ diễn viên hài độc thoại này có phải là Kitô hữu không. Và nếu là Kitô hữu thì tôi cũng không biết anh đã đọc Tông Huấn “Người Tín Hữu Giáo Dân”[2] của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chưa?

Nếu anh không phải là tín hữu Thiên Chúa Giáo và cũng chưa hề biết tới tập sách kể trên của vị Giáo Hoàng thứ 263 của GHCG thì quả thật đây là sự gặp gỡ của những tư tưởng lớn, phát xuất từ những tâm hồn nhân ái luôn nhìn sự vật chung quanh qua nhãn quan rộng mở được củng cố bằng tinh thần liên đới và yêu thương giữa người và người.

Khi kết thúc bài viết tôi nghe được bản tin sau đây trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
“Cơ quan chức năng Việt Nam hôm thứ Hai 19-12 cho hay mưa bão gây lũ mấy ngày qua đã làm ít nhất 24 người chết và 9 người mất tích ở khu vực các tỉnh miền Trung. Mưa lũ làm ngập một khu vực rộng lớn, kể cả phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo báo chí trong nước, hơn 32.000 hecta hoa màu và cây trồng bị phá hủy và mức độ thiệt hại lên tới 32 triệu đô la.”

Thêm một tin không vui cho người dân vùng đất “cày lên sỏi đá”!
______

[1] Phát biểu này gợi nhớ tới lời tuyên bố ngạo mạn, xấc láo của Chu Xuân Phàm -Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh- hôm 25-4-2016: “phải biết chấp nhận mất mát vì không thể có được hai điều cùng một lúc: Cá hay Thép?” sau vụ tổ hợp gang thép này xả thải hóa chất độc hại xuống Vũng Áng gây nên thảm họa cá chết hàng loạt dọc theo 250 cây số bãi biển bốn tình miền Trung.

[2] Trong Tông Huấn “Người Tín Hữu Giáo Dân” câu 42 nói về “Đời sống Xã hội: Cho mọi ngưởi và vì con người” cố GH JP2 viết:
“Để đem đời sống Kitô hữu vào trật tự trần thế, nghĩa là ‘đem Đạo vào Đời’ theo ý nghĩa là phục vụ con người và xã hội, người tín hữu giáo dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào ‘chính trị’, nghĩa là vào các hoạt động nhiều sắc thái như kinh tế, xã hội, văn hóa có mục tiêu cổ võ công ích một cách có cơ chế (…) Vì thế các tổ chức chính trị chỉ hiện hữu vì công ích. Chính công ích là lý do tồn tại, ý nghĩa và là căn bản pháp lý cho các tổ chức chính trị. Công ích nói ở đây bao gồm tất cả các điều kiện của đời sống xã hội, nhờ đó, cá nhân, gia đình và đoàn thể có cơ hội phát triển trọn vẹn và dễ dàng hơn” (Trích TH/NTHGD trang 100/101 bản dịch của cố Đức Ông Philhipphê Trần Văn Hoài từ nguyên tác Christifideles Laici, do Phong Trào Cursillo ngành Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản và tạp chí Đường Sống phát hành năm 1998).
Qua tư tưởng này ta thấy cái nhìn của vị Giáo Chủ về chính trị hoàn toàn khác với quan niệm lệch lạc của những thứ “con buôn chính trị”, những kẻ cố tình gắn liền chính trị với những trò lừa đảo, ma mị kể cả những thủ đoạn bất nhân, tàn ác để mưu đồ lợi ích phe nhóm. Và chính điều này, với tư cách vị lãnh đạo tối cao của GHCG hoàn vũ ngài không ngần ngại kêu gọi các tín hữu giáo dân của ngài phải có trách nhiệm tham gia chính trị -một thứ chính trị chân chính vốn được hiểu là một nghệ thuật sắp xếp, bố trí trật tự trần thế về phương diện xã hội nhằm phục vụ thiện ích và phúc lợi của con người.
Phải chăng vì có chung một nhãn quan như thế nên tuy cam kết không dây vào chính trị, -Leo muốn ám chỉ thứ chính trị giữa bối cảnh đất nước hôm nay-, để hướng vào mục tiêu đả phá những hiện tượng tiêu cực trong xã hội quanh mình vì nó chính là con đẻ, là hài nhi song sinh của một thể chế chính trị què quặt, bất toàn.



No comments:

Post a Comment

View My Stats