Thursday 29 December 2016

HOA KỲ CHÍNH THỨC TRỪNG PHẠT NGA VỀ VỤ CAN THIỆP VÀO BẦU CỬ MỸ (tin tổng hợp)




Người Việt Online
December 29, 2016

Mỹ trừng phạt Nga, trục xuất 35 nhà ngoại giao

.
Ba thượng nghị sĩ Mỹ, từ trái, Lindsay Graham, John McCain, và Amy Klobuchar, cùng Tổng Thống Raimonds Vejonis của Latvia tại cuộc họp báo ở thủ đô Riga, nói về vụ tin tặc Nga. (Hình: AP Photo/Vitnija Saldava)
.
WASHINGTON, DC (AP) – Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Năm chính thức đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, trong một vụ trả đũa mà chính phủ Mỹ gọi là Moscow có “các hoạt động tin tặc vô cùng nguy hiểm.”

Các biện pháp này bao gồm trục xuất hàng chục người và đóng cửa một số cơ sở của người Nga, buộc họ phải rời khỏi Hoa Kỳ.

Một cách cụ thể, có 35 người Nga được coi là “không được hoan nghênh” phải rời Hoa Kỳ trong vòng 72 giờ.

Ngoài ra, hai cơ sở tình báo của Nga tại Maryland và New York phải đóng, cùng với hoạt động của sáu người Nga và năm hoạt động của chính phủ Nga phải ngưng lại.

“Tất cả người Mỹ nên cảnh tỉnh với các hành động của Nga,” Tổng Thống Barack Obama nói qua một tuyên bố, trong lúc ông đang nghỉ ở Hawaii. “Các hoạt động như vậy đều lãnh đủ hậu quả.”

Hoa Kỳ cũng công bố bản báo cáo chi tiết về mạng lưới tin tặc của Nga, và nói rằng, được đưa ra để giúp các chuyên viên điện toán đề phòng không bị tin tặc đột nhập vào nữa.

Ông Obama nói sẽ còn một số biện pháp trừng phạt nữa.

“Các hành động này không phải là chỉ có vậy, đối với các hoạt động gây hấn của Nga,” ông Obama cho biết.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, nói rằng, các biện pháp này cho thấy “sự khó đoán của ông Obama và, nếu tôi có thể nói, là một chính sách ngoại giao gây hấn” và nhắm làm mất uy tín Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump.

“Chúng tôi nghĩ rằng những hành động này của chính quyền Mỹ được đưa ra trong lúc chỉ còn ba tuần trước khi chuyển giao quyền hành cho thấy hai chuyện. Đó là làm tệ hại hơn quan hệ Nga-Mỹ, mà hiện đang ở mức rất thấp, cũng như, một cách rõ ràng, là tìm cách phá hoại các kế hoạch chính sách ngoại giao của chính quyền sắp tới của vị tổng thống đắc cử,” ông Peskov nói với các nhà báo ở Moscow.

Ông Peskov cũng nói rằng “Nga rất tiếc Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt, và đang cân nhắc các hành động trả đũa.”

Trước khi Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại Giao Nga có cho biết họ sẽ có hành động trả đũa đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, nếu điều này xảy ra.

Tòa Bạch Ốc cũng hứa sẽ đưa ra một bản báo cáo trước khi ông Obama mãn nhiệm, cho thấy chi tiết về hoạt động tin tặc của Nga đối với bầu cử ở Mỹ, một hành động có thể trả lời cho những cáo buộc của Moscow là Washington lâu nay cứ tố cáo mà không đưa ra bằng chứng.

Dù vậy, Mỹ vẫn ra lệnh trừng phạt hôm Thứ Năm, mặc dù bản báo cáo này chưa được công bố.

Và các giới chức chính quyền Obama nói rằng, danh sách các cơ sở Nga bị trừng phạt cho thấy rõ, cá nhân nào mà Hoa Kỳ tin rằng đứng đằng sau các vụ tin tặc vào các tổ chức của đảng Dân Chủ, rồi ăn cắp email của ông John Podesta, chủ tịch ủy ban vận động của bà Hillary Clinton.

Trong sắc lệnh hành pháp do ông ký, Tổng Thống Obama ra lệnh trừng phạt hai cơ quan tình báo GRU và FSB của Nga, cộng với các công ty mà Hoa Kỳ nói rằng có làm việc với GRU.

Một công ty an ninh mạng do Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Dân Chủ mướn điều tra vụ tin tặc email xác định hồi đầu năm rằng, các hoạt động tin tặc này xuất phát từ nhóm Fancy Bear, mà nhiều người cho rằng có hợp tác với GRU.

Lệnh trừng phạt cũng phong tỏa bất cứ tài sản nào của các cơ sở hoặc cá nhân người Nga nào tại Hoa Kỳ được nêu tên, và cũng ngăn cấm người Mỹ có hoạt động kinh doanh với họ.

Hiện chưa biết các lệnh trừng phạt này có ảnh hưởng ngay lập tức với các hoạt động tình báo hay không.

FSB là cơ quan tình báo chống khủng bố chính của Nga, được thành lập sau khi Liên Xô sụp đổ, vào lúc mà KGB được tách ra làm hai, một là FSB và cơ quan kia là cơ quan tình báo ngoại quốc SVR. GRU là cơ quan tình báo quân đội Nga.

Lệnh trừng phạt cũng nhắm vào Thiếu Tướng Igor Korobov, giám đốc GRU, và ba người phụ tá của ông. Các cá nhân khác bị trừng phạt bao gồm ông Alexei Belan và ông Yevgeny Bogachev, hai công dân Nga nằm trong danh sách truy nã của Nga vì bị tố cáo hoạt động tin tặc trong nhiều năm.

Hôm Thứ Ba, trong lúc công du tại các quốc gia vùng Baltic, Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, và Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cũng tố các hoạt động tin tặc của Nga và hứa sẽ mở các cuộc điều trần về vấn đề này khi trở về Mỹ.

“Có 100 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, và tôi có thể nói rằng 99% chúng tôi tin rằng người Nga có can thiệp vào bầu cử, và chúng tôi sẽ làm một điều gì đó về chuyện này,” Thượng Nghị Sĩ Graham nói với nhà báo Jim Sciutto trong chương trình “The Situation Room” của đài CNN.

Hành động của ông Obama hôm Thứ Năm đẩy Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump vào một vị trí phải quyết định có thay đổi sắc lệnh hành pháp này hay không, một khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Các giới chức Mỹ thừa nhận rằng, ông Trump có quyền làm như vậy.

Sau khi biết Hoa Kỳ đưa ra lệnh trừng phạt Nga, ông Trump nói rằng nước Mỹ nên “lo cho tương lai của mình đi” và hứa sẽ gặp các lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ để tìm hiểu thêm.

Các tố cáo của Mỹ là người Nga đột nhập vào hệ thống điện toán trong suốt cuộc bầu cử lâu nay tạo ra một cuộc tranh luận nóng bỏng về cách hành xử của ông Trump muốn nhích lại gần với Nga và không chấp nhận đánh giá của tình báo Mỹ là chính phủ Nga chịu trách nhiệm trong các vụ tin tặc này, với mục đích giúp ông thắng cử bà Clinton.

Mặc dù nhiều nhà lập pháp Mỹ lâu nay kêu gọi ông Obama phải cứng rắn hơn với Nga, một số chính trị gia đảng Cộng Hòa thấy rằng điều này nay ít cần thiết hơn, vì ông Trump hiện đang đề nghị một thay đổi chính sách, có quan hệ gần gũi với Moscow hơn.

“Trong khi hành động của hành pháp đưa ra hôm nay là chậm, đó là cách thích hợp để chấm dứt tám năm của một chính sách thất bại đối với Nga,” Dân Biểu Paul Ryan (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, nói.

Ông Obama nói hoạt động tin tặc này “chỉ có thể thực hiện được với sự ra lệnh của các giới chức cao cấp nhất của Nga,” một luận điểm mà Hoa Kỳ sử dụng bấy lâu nay, với ngụ ý rằng cá nhân Tổng Thống Putin có liên quan.

Mặc dù Tòa Bạch Ốc thông báo lệnh trừng phạt cùng lúc với yêu cầu người Nga rời khỏi Mỹ và đóng cửa các cơ sở, bản thông cáo cho biết thêm đây là phản ứng đối với cách cư xử có vấn đề của người Nga, đó là, cảnh sát và giới chức Nga quấy rầy các nhà ngoại giao Mỹ.

Ông Obama cho biết, 35 người bị trục xuất là nhân viên tình báo Nga. Họ bị coi là “không được hoan nghênh,” và phải rời Mỹ trong vòng 72 giờ.

Bộ Ngoại Giao Mỹ chưa công bố danh tánh những người này.

Về hai cơ sở bị đóng cửa, Tòa Bạch Ốc nói rằng Nga đã được thông báo rằng họ sẽ không vào được các cơ sở này, bắt đầu từ trưa Thứ Sáu.

Moscow cũng bác bỏ tố cáo của chính quyền Obama nói rằng các giới chức cấp cao nhất của Nga tìm cách ảnh hưởng bầu cử tổng thống Mỹ, một đánh giá mà ông Donald Trump gọi là nực cười. (Đ.D.)

--------------------------
30.12.2016
.
Tư liệu - Tổng thống Barack Obama đề cập đến những vụ tấn công tin tặc của Nga nhắm vào cuộc bầu cử Mỹ trong buổi họp báo cuối cùng của năm tại Toà Bạch Ốc, ngày 16 tháng 12 năm 2016.
.
Chính quyền Obama vừa loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga để đáp lại những cáo buộc Nga tấn công tin tặc và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11.
Tổng thống gọi hành động này là "sự đáp trả cần thiết và thỏa đáng trước những nỗ lực gây tổn hại những lợi ích của Mỹ vi phạm những chuẩn mực hành vi quốc tế có từ lâu nay."

Chính quyền Obama muốn những biện pháp này đi vào hoạt động trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20 tháng 1.

Những chế tài này bao gồm sắc lệnh của tổng thống trục xuất 35 nhân viên tình báo của Nga trong vòng 72 giờ và những biện pháp trừng phạt nhắm vào hai cơ quan tình báo hàng đầu của nước này.

Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã lên án việc Mỹ áp đặt những chế tài mới.

"Thành thật mà nói, chúng tôi đã mệt mỏi về những lời nói dối về 'tin tặc Nga' vẫn tiếp tục phát đi từ hàng ngũ chóp bu của chính phủ Mỹ," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư. "Chính quyền Obama đã phát động chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lạc này cách đây nửa năm trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy ứng cử viên ưa thích của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Không đạt được kết quả mong muốn, giờ họ đang tìm kiếm cái cớ cho sự thất bại của chính mình, vì thế giáng một đòn kép vào mối quan hệ Nga-Mỹ," tuyên bố nói thêm.

Thậm chí nếu những chế tài mới được áp đặt thành công, vẫn chưa rõ liệu chúng có được tiếp tục duy trì bởi chính quyền Trump sau khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 hay không.

Sean Spicer, người sắp trở thành phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc của ông Trump, kêu gọi trưng ra bằng chứng cho thấy Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử.

"Rất nhiều người thuộc phe tả tiếp tục làm suy yếu tính chính danh của chiến thắng của ông ấy, quả là điều đáng tiếc," ông Spicer nói. "Nếu Mỹ có bằng chứng rõ ràng cho thấy bất cứ ai can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta thì chúng ta nên công khai cho mọi người biết."

Lindsey Graham, một thượng nghị sĩ Cộng hòa có tiếng, nói rằng Nga chắc chắn đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và sẽ phải chịu những chế tài mạnh tay của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Graham hôm thứ Tư nói rằng Quốc hội Mỹ vào năm 2017 sẽ điều tra về sự dính líu của Nga trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11. "Tôi cho rằng sẽ có những chế tài nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng mà sẽ đánh mạnh vào Nga, đặc biệt là cá nhân [Tổng thống Vladimir] Putin," ông Graham nói mà không cho biết thêm chi tiết. "Giờ là lúc Nga cần hiểu là đã quá đủ rồi," ông Graham nói.

*
LIÊN QUAN


--------------------

Báo Dân Trí
30/12/2016 05:57 GMT+7

Theo đó, các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm trục xuất những người bị nghi là nhân viên tình báo Nga và chế tài đối với hai cơ quan tình báo của nước này

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Reuters)

Mỹ áp chế tài mới với Nga
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua 29/12 đã yêu cầu trục xuất 35 người nghi là tình báo Nga, đồng thời áp lệnh trừng phạt lên 2 cơ quan tình báo của nước này do cáo buộc Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Chính quyền của Tổng thống Obama muốn các lệnh trừng phạt này có hiệu lực trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1 tới.

Những chế tài này được đưa ra sau khi giới chức Mỹ cho rằng Nga đứng sau các vụ tấn công mạng các tổ chức chính trị Mỹ nhằm chi phối kết quả bầu cử tổng thống. Giới tình báo Mỹ thậm chí cáo buộc đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp can dự vào.

“Những hành động này diễn ra sau hàng loạt cảnh báo kín lẫn công khai của chúng tôi dành cho chính phủ Nga. Những hành động này là cần thiết và là sự đáp trả thích đáng những nỗ lực nhằm làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ”, ông Obama nói.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có duy trì các lệnh trừng phạt này hay không sau khi ông nhậm chức vào tháng 1 tới.

Theo báo Independent của Anh, ông Trump trước đó ngỏ ý Mỹ nên ngừng điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử. Ông cũng từng nhiều lần hoài nghi về cáo buộc của giới tình báo cho rằng Nga có liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào bầu cử Mỹ.

Nga chưa vội đáp trả
Về phía Nga, Điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. "Chúng tôi coi những hành động này của chính quyền Mỹ hiện thời là sự biểu hiện của chính sách ngoại giao khó đoán và thậm chí là khiêu khích. Chúng tôi rất tiếc về việc chính phủ Mỹ và bản thân Tổng thống Obama đưa ra quyết định này. Như đã nói trước đó, chúng tôi coi quyết định đó và những lệnh trừng phạt là không công bằng, không tuân thủ luật pháp quốc tế", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Ông Peskov cho biết, Tổng thống Nga sẽ chỉ thị các biện pháp đáp trả thích đáng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Nga sẽ chưa vội đáp trả. "Xét đến việc Mỹ hiện ở giai đoạn chuyển giao chính quyền, chúng tôi vẫn hy vọng rằng chúng tôi có thể tránh được những hành động khó chấp nhận này... Chúng tôi sẵn sàng có những bước đi chung để tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương với Mỹ".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án việc Mỹ áp đặt các chế tài mới. "Thành thật mà nói, chúng tôi đã mệt mỏi về những lời nói dối về tin tặc Nga vẫn tiếp tục phát đi từ hàng ngũ cấp cao Mỹ. Chính quyền Obama đã phát động chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lạc này cách đây nửa năm trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy ứng cử viên ưa thích của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Không đạt được kết quả mong muốn, giờ họ đang tìm kiếm cái cớ cho sự thất bại của chính mình, vì thế giáng một đòn kép vào mối quan hệ Nga-Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

Dân trí

TIN LIÊN QUAN
30/12/2016 06:05 GMT+7




No comments:

Post a Comment

View My Stats