Thursday, 22 December 2016

"TÔI XIN TIẾT LỘ VỚI QUÝ VỊ . . ." (Phạm Chí Dũng)




22.12.2016

Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một Ngân hàng Thương mại yếu kém (bị mua lại với giá 0 đồng) của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các Ngân hàng thương mại yếu kém” - hầu như là lần đầu tiên từ khi nhậm chức thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc phát ra một thông tin có vẻ bất ngờ và hãnh diện trước rất nhiều đối tác quốc tế tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016 vào tháng 12/2016.

Nếu từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam bắt đầu hô hào về một chiến dịch bán nợ xấu ngân hàng cho nước ngoài nhưng không hề đề cập đến việc bán ngân hàng trong nước cho quốc tế, thì nay lần đầu tiên được một thủ tướng xác nhận chính thức.

Những thông tin ngoài lề cho biết Thủ tướng Việt Nam muốn bán không chỉ 1 ngân hàng mà cả 3 ngân hàng trong nước - những địa chỉ đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng vào các năm 2015 và 2016.

Vì sao Chính phủ lại quyết định “nhả” ngân hàng trong nước cho nước ngoài vào thời điểm này?

Những quan hệ đen tối
Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như tiến bước vào chu kỳ phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18.000 tỷ đồng. Vào tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP), số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Chưa kể Ngân hàng Đại Dương của “tư sản đỏ” Hà Văn Thắm đã bị bắt…

Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng - một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.

Chính vào thời gian đó, bất chấp lối tuyên truyền một chiều về chiến dịch mua lại ngân hàng thương mại với giá 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước và được giới tuyên giáo trung ương nhiệt tình hỗ trợ, một tờ báo trong nước vẫn nhận định: “Rất khó nhận diện ngân hàng 0 đồng bởi nhiều ngân hàng không công bố số liệu và cũng chưa hẳn công bố chính xác”. Xét về mặt quy mô, hiện nay vẫn còn khoảng 11 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ nhỏ hơn 5.000 tỷ đồng. Bề ngoài có thể “hào nhoáng,” nhưng ẩn sâu trong đó là câu chuyện sở hữu chéo dẫn đến vốn ảo, cho vay “sân sau” với nền tảng nợ xấu lớn. Với bài học của ngân hàng mang vỏ bọc đẹp đẽ Ocean Bank, sẽ không ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời nào đó có thêm một ngân hàng được đặt trong tình huống mua lại với giá 0 đồng tương tự”.

Năm 2015, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng đã khiến nảy sinh mối nghi ngờ rất lớn về những quan hệ đen tối nào đó giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với các ngân hàng được không cho phá sản, để sau này nhiều người lại muốn “hồi tố” về động cơ thật sự của ông Nguyễn Văn Bình, đặc biệt việc ông Bình luôn vận động và đã suýt dùng tiền ngân sách để “xử lý” các ngân hàng đã rơi vào tầm phá sản.

Không chỉ 3 ngân hàng được mua lại 0 đồng, một số ngân hàng thương mại nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào “danh sách đen”. Chẳng hạn như Ngân hàng HD Bank là loại nhỏ, hay Ngân hàng Agribank thuộc loại lớn.

Trong khi đó, sau gần 3 năm hình thành nhưng hầu như không giải quyết được vấn đề gì về nợ xấu, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đành thúc thủ. Hàng loạt biện pháp xử lý nợ xấu lại được nêu ra, nhưng tất cả đều chỉ mang tính lý thuyết. Cho đến giờ, toàn bộ nợ xấu mà VAMC mua lại đều chỉ bằng… giấy.

Thực tế khốn quẫn là tỷ lệ nợ xấu thực ở một số ngân hàng nhỏ, cũng là những ngân hàng mà vào thời gian từ năm 2007 đến năm 2011 đã cho vay bạt mạng với lãi suất cắt cổ cùng hàng loạt vụ án ngân hàng, đang cực kỳ xấu, có nơi tỷ lệ nợ xấu chiếm đến hơn phân nửa tổng nợ cho vay.

Những cái xác vật vờ
Ngay sau Đại hội XII của Đảng cầm quyền với di họa bắt nguồn từ nhiệm kỳ Chính phủ trước, đã xuất hiện khá nhiều thông tin về tình trạng nợ xấu tăng đột biến tại nhiều ngân hàng thương mại. Nói cách khác, nếu như trước đây Ngân hàng Nhà nước tìm cách “phù phép” để đẩy các khoản nợ đặc biệt xấu và không thể thu hồi được lên những nhóm nợ cao hơn (có thể thu hồi), thì nay do chẳng có gì thu hồi được nên nợ xấu vẫn còn y nguyên và vẫn hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con, toàn bộ “công tác xử lý nợ xấu” của VAMC từ trước đến nay hầu như vô nghĩa.

Trong khi đó, ngân sách lại khốn quẫn và chẳng còn khoản kết dư nào để trút ra mua nợ xấu. Nếu có, chỉ có thể là một khoản nhỏ để dành để cứu những ngân hàng lớn có cổ phần chi phối của nhà nước, còn các ngân hàng nhỏ sẽ phải tự xoay sở. Đó là lý do mà việc “tái cơ cấu ngân hàng” sẽ có thể trở nên mạnh mẽ bất ngờ trong thời gian tới. Nếu trước đây đã từng có kế hoạch kéo giảm số lượng ngân hàng thương mại từ trên 30 tổ chức xuống còn khoảng 15 tổ chức, thì tới đây có nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải làm điều này mà không còn lối thoát nào khác.

Chính phủ không “nhả” cũng không được. Trong thực tế, một số ngân hàng chỉ còn là những cái xác vật vờ …

Không thể khác, lý do chính mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bắt buộc phải nói đến việc “thí điểm phá sản ngân hàng” vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 là tình trạng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đã hầu như vô phương cứu chữa. Nếu vào cuối năm 2014, con số nợ xấu thực đã lần đầu tiên được Thống đốc Bình thừa nhận là vào khoảng 500 ngàn tỷ đồng, thì đến nay con số này hẳn phải lên đến ít nhất 600 ngàn tỷ đồng, với tốc độ “tăng trưởng” đều đặn 60-80 ngàn tỷ đồng mỗi năm.

2016 đã vụt qua rất nhanh. Hơn hai chục tỷ USD nợ xấu lại móc xích với vài trăm tỷ USD nợ công. Tất cả vẫn bế tắc!

Bài học cho Thủ tướng Phúc
Dường như khi tuyên bố về việc nước ngoài sẽ mua ngân hàng trong nước, thủ tướng “cờ lờ mờ vờ” của Việt Nam có vẻ tự hào như trút được một gánh nặng đã đè lên vai ông quá lâu, đặc biệt trong một nhiệm kỳ Chính phủ bị quá nhiều dư luận xem là “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”.
Nhưng dường như Thủ tướng Phúc đã chẳng nhìn ra được một thực tế phũ phàng mà Ngân hàng Nhà nước đã khoe khoang từ năm 2014 về “các tổ chức nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ xấu của Việt Nam”: cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn vô vọng, không có bất kỳ hồi âm chính thức nào.

Nếu cả VAMC mà còn không thuyết phục nổi những doanh nghiệp cá mập trong nước “ôm” lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy “của nợ Việt Nam”.

Khi còn tại vị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có một chuyến xuất ngoại đến Úc để “khuyến mãi” nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi Thủ tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam.

Đến giờ phút này, nợ xấu ngân hàng Việt Nam vẫn không khác gì một thể dịch hỗn tương của căn bệnh ung thư nửa mùa.

Tuyên bố “Tôi xin tiết lộ với quý vị…” của Thủ tướng Phúc lại được đưa ra trong bối cảnh Bộ Công an vừa bắt ông Trần Phương Bình của Ngân hàng Đông Á, tạm kết thúc một năm “đại hạn” cho “ngành kinh tế mũi nhọn” chỉ chăm bẳm mua thật thấp bán thật cao. Thời thế đã khác hẳn 5 năm trước khi lúc giới ngân hàng chỉ ngồi mát ăn bát vàng và đua nhau tung tác những cú đầu cơ lộn ruột xã hội.

Ngay cả lối thoát sang ADB cũng dễ kẹt đầu. Từ nhiều tháng qua, tổ chức tài chính bậc nhất châu Á này luôn “càm ràm” về nợ xấu và ngân hàng mà Thủ tướng Phúc muốn bán vẫn còn quá cao giá…

Một luật sư ở Sài Gòn cho biết rằng chưa bao giờ ông nhận được nhiều đơn đặt hàng về tư vấn phá sản ngân hàng như bây giờ…

Tất cả đã quá muộn. Có lẽ chẳng bao lâu nữa, giới chủ ngân hàng sẽ phải khóc thét lên vì khối u nợ xấu phát nhiễm toàn thân khiến gây hại trầm kha cho “sự tồn vong của chế độ”.
__________

* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats