Friday, 23 December 2016

TRUMP & PUTIN ĐÒI CHẠY ĐUA NGUYÊN TỬ (Người Việt Online)




December 22, 2016

PALM BEACH, Florida (AP) – Tổng thống tân cử Donald Trump hôm Thứ Năm đột nhiên đưa ra lời kêu gọi nước Mỹ phải “gia tăng mạnh và phát triển khả năng nguyên tử, cho đến khi nào thế giới ý thức được vấn đề vũ khí nguyên tử.”

Tuyên bố ngắn gọn này được gởi ra qua Twitter và không giải thích hành động ông muốn ở Mỹ hay tình hình các nước trên thế giới mà ông thấy là như thế nào.

Bà Hillary Clinton trước kia đã nhiều lần nhận định rằng ông Trump quá thất thường và không thể nào dự đoán về khả năng kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của quốc gia.

Mười cựu chuyên viên điều khiển phóng hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử cũng đã cho rằng ông Trump thiếu tính khí vững vàng, khả năng phán đoán và tài ngoại giao để tránh khỏi một trận chiến tranh nguyên tử.

Chỉ trước đó ít giờ, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, trong cuộc họp của các cố vấn quân sự, cũng cam kết là Moscow sẽ tăng cường lực lượng nguyên tử.

Hai phát biểu này khiến người ta lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường quốc nguyên tử và trở lại sự đối đầu căng thẳng của thời kỳ 40 năm Chiến Tranh Lạnh với kho vũ khí trên 14,000 đầu đạn nguyên tử còn lại đến nay (Mỹ 7,100, Nga 7,300).

Cho đến lúc này, người ta chưa biết, khi vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump có dự định đưa ra một chính sách nguyên tử hoàn toàn đổi mới hay không.

Chính quyền Obama hiện nay đang tiếp tục chương trình tốn kém hàng tỷ đô la để hiện đại hóa các hệ thống sử dụng vũ khí nguyên tử trên không, trên biển, và các giàn phóng hỏa tiễn liên lục địa.

Tuy nhiên, chương trình này trù liệu không tăng số đầu đạn nguyên tử hiện hữu.

Nếu ông Trump có chủ trương đổi mới các vũ khí nguyên tử thì sẽ còn phải tốn thêm nhiều tỷ đô la nữa.

Phát ngôn viên Jason Miller của ông Trump giải thích rằng, vị tổng thống tương lai của Mỹ muốn nêu lên mối đe dọa về tình hình phát triển nguyên tử trên thế giới và nhấn mạnh đến sự cần thiết “hiện đại hóa và gia tăng khả năng răn đe của chúng ta.”

Hai ông Trump và Putin đã nói là việc nhậm chức của ông Trump sẽ là một bước tiến tới quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước. Nhưng cũng có thể coi tuyên bố của ông Putin là một thử thách mà ông đưa ra để đo lường phản ứng từ ông Trump.

Nhu cầu của ông Putin là đưa nước Nga trở lại thành một siêu cường có ảnh hưởng hàng đầu thế giới, chỉ có vậy mới bảo đảm vận mệnh chính trị của ông tại quốc nội.

Do đó, đôi khi ông cần có nhũng hành động nhằm làm cho nước Mỹ có vẻ yếu đi.

Tổng Thống Barack Obama, một chính trị gia giàu kinh nghiệm, đồng thới có lý tưởng và trình độ của một giáo sư đại học, không có phản ứng tức thời trong những trường hợp ấy.
Nhưng ông Trump, với bản tính nóng nảy và nhãn quan của một doanh nhân trong các vấn đề thương lượng, có lẽ cảm thấy cần phải tỏ thái độ nào đó bằng việc trả lời ông Putin.

Hơn nữa, bằng phương cách quen thuộc sử dụng Twitter, một phát biểu ngắn gọn luôn luôn mang tính cách mơ hồ để sau này nếu cần có thể giải thích theo hướng nào cũng được.

Trước đây, ông Trump từng làm Á Châu kinh hoảng khi cho là Nhật và Nam Hàn nên phát triển vũ khí nguyên tử trước việc Bắc Hàn chế tạo bom nguyên tử. Mỹ có hiệp ước với Nhật và Nam Hàn, cam kết cung cấp “chiếc dù bảo vệ chống nguyên tử,” trong điều kiện toàn thế giới đã có hiệp ước cấm phát triển thứ vũ khí nguy hiểm này.

Phát biểu của ông Trump như vậy hoàn toàn đi ngược lại đường lối của Tổng Thống Obama, quyết tâm tiến đến một thế giới phi nguyên tử.

Hiện nay số đầu đạn nguyên tử của Mỹ ít hơn Nga vì hủy bỏ những loại đã lỗi thời. Tuy nhiên, giới quân sự Mỹ tin tưởng rằng, về khả năng, cũng như phương cách và hiệu quả sử dụng, Nga vẫn còn thua kém một bậc.

Phát biểu của ông Trump về vấn đề nguyên tử có lẽ mới chỉ có giá trị là một lời tuyên bố. (HC)




No comments:

Post a Comment

View My Stats