Saturday, 10 December 2016

OBAMA RA LỆNH ĐIỀU TRA VỤ NGA CÓ THỂ LÀM ẢNH HƯỞNG CUỘC BẦU CỬ (Người Việt Online)




December 9, 2016

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Sáu ra lệnh xét lại toàn bộ việc Nga tin tặc, khiến ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Mỹ, tính từ năm 2008. Trong khi đó, CIA cho rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử nhằm giúp cho một ứng cử viên này lợi thế hơn ứng cử viên kia.

CNN trích lời bà Lisa Monaco, cố vấn chống khủng bố và nội an Tòa Bạch Ốc, nói với các phóng viên hôm Thứ Sáu rằng “tổng thống ra lệnh các cơ quan tình báo tiến hành việc xét lại toàn bộ chuyện gì xảy ra trong tiến trình bầu cử năm 2016.”

Bà thêm: “Việc này ăn khớp với phần việc chúng tôi đã thực hiện hồi mùa Hè nhằm gây sự chú ý của Quốc Hội về những mối đe dọa mà chúng tôi chứng kiến.”

Ông Eric Schultz, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, sau đó góp ý rằng, việc duyệt xét lại cũng liên hệ cả đến cuộc bầu cử hồi năm 2008.

Theo ông Schultz, cần phải công bố cho công chúng biết càng nhiều càng tốt.

Tất cả thượng nghị sĩ phe Dân Chủ thuộc Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện cũng từng kêu gọi Tổng Thống Obama nên công bố những tài liệu tình báo mật liên quan đến các hoạt động của Nga trong thời gian bầu cử.

Cuộc điều tra dự trù được thực hiện xong trước khi tổng thống tân cử Donald Trump làm lễ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng tới.

Phản ứng trước tin này, chính phủ Nga đòi chứng cớ chứng minh rằng họ có liên quan, đồng thời phủ nhận cáo buộc của Hoa Kỳ.

Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga, nói: “Chúng tôi rất muốn hiểu về điều mà Nga bị cáo buộc. Đã nhiều lần Bộ Ngoại Giao và Bộ Trưởng Lavrov từng yêu cầu phía Mỹ cung cấp đầy đủ thông tin nhưng không bao giờ được phúc đáp.”

Trong thời gian bầu cử, chính phủ Mỹ từng tố cáo rằng nhiều cuộc tấn công tin học do cấp lãnh đạo chính quyền Nga chủ xướng nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử, gồm việc tin tặc các tổ chức của đảng Dân Chủ như Ủy Ban Dân Chủ Toàn Quốc (DNC).

Các tài liệu và email nội bộ thuộc các tổ chức của đảng Dân Chủ và của chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Hilary Clinton, liên tục bị tiết lộ trong nhiều tuần và nhiều tháng trước ngày bầu cử, mang lại hậu quả tai hại cho đảng Dân Chủ.

Người ta cũng quan tâm đến âm mưu tấn công vào hệ thống ghi danh bầu cử ở cấp tiểu bang và địa phương, mặc dù giới tình báo chưa bao giờ nói có chứng cớ cụ thể rằng Nga có liên hệ.

Kho dữ liệu ghi danh bầu cử cũng là mục tiêu hấp dẫn đối với tin tặc muốn thủ lợi về tài chánh.

Hiện người ta vẫn còn thắc mắc về qui mô của việc tin tặc và chủ ý của người Nga.

Trong khi giới tình báo không nghĩ việc tấn công để nhằm gây thuận lợi hơn cho ông Trump, nhưng hậu quả của nó thực sự có gây thiệt hại nhiều hơn cho đảng Dân Chủ và cho bà Clinton.

Về phần tổng thống tân cử Donald Trump, ông liên tục phủ nhận vai trò của Nga trong vụ tin tặc, mặc dù hầu hết các công ty an ninh tình báo tư nhân và các cơ quan tình báo Mỹ đều khẳng định Nga có liên hệ.

Theo báo Washington Post, ngay các thành viên trong cùng đảng của ông Trump cũng mạnh mẽ cho Nga là thủ phạm, trong đó hai thượng nghị sĩ, John McCain (Arizona) và Lindsey Graham (South Carolina, đứng đầu trong số những người thuộc đảng Cộng Hòa đòi phải có cuộc điều tra về vụ tin tặc.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của đài CNN, ông Graham nói: “Tôi nghĩ rằng họ (Nga) là một trong những kẻ gây ảnh hưởng nhiều nhất làm xáo trộn chính trường thế giới, tôi tin là họ đã can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, và tôi muốn cá nhân ông Putin phải trả giá cho hành động đó.”

Dân Biểu Devin Nunes (Cộng Hòa-California), chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, nói rằng việc Nga xen vào việc nội bộ của nước Mỹ là chuyện có thật, nhưng bên hành pháp lại phản ứng quá chậm.

“Việc Nga tấn công tin tặc không là điều mới mẻ gì đối với Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện. Tiếc rằng chính phủ Tổng Thống Obama làm ngơ trước những lời kêu gọi của vô số thành viên của ủy ban, đòi phải có hành động cứng rắn đối với hành động gây hấn của Nga,” ông Nunes nói thêm.

Tuyên bố của Tổng Thống Obama lập tức gặp phải sự ca ngợi của phe Dân Chủ, đồng thời áp lực ông Trump thay đổi giọng điệu.

Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), lãnh tụ khối thiểu số Hạ Viện, phát biểu qua một văn bản: “Bảo vệ cuộc bầu cử của chúng ta để không bị nước ngoài xen vào là việc làm quan trọng hơn mọi thuận lợi hay bất lợi chính trị của đảng.”

Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California), thành viên cao cấp Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, ca ngợi quyết định của chính phủ Obama và kêu gọi Tòa Bạch Ốc giải mã các hồ sơ mật càng nhiều càng tốt.

Ông Schiff nói: “Do tổng thống tân cử Trump không chịu lắng nghe đến báo cáo của giới tình báo của chúng ta, cũng như không chấp nhận rằng Điện Kremlin đứng đằng sau các hành động tin tặc, chúng ta cần gấp rút điều tra lại toàn bộ trước khi Tổng Thống Obama rời khỏi chức vụ vào tháng tới.”

“Hơn thế nữa, chính phủ cần phải có từng bước để đáp lại thật cứng rắn đối với hành động xen vào nội bộ trắng trợn này, đồng thời cùng làm việc với các đồng minh của chúng ta ở Âu Châu, nơi cũng từng là mục tiêu của những cuộc tấn công tương tự, để Điện Kremlin phải trả giá; nếu chúng ta không làm, trong tương lai gần chúng ta sẽ gặp thêm những hành động như vậy,” Dân Biểu Schiff nói thêm.

Thượng Nghị Sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon), thành viên Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, gọi quyết định của tổng thống là có tính cách “xây dựng” và rằng ông không nghi ngờ về vai trò của Moscow.

Trong khi đó, bà Lisa Monaco nói rằng bà chưa có kết luận nào cho đến khi cuộc tái điều tra hoàn tất.

CIA: Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ

Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) vừa kết luận trong một bản đánh giá bí mật rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 để giúp ông Donald Trump thắng cử, chứ không chỉ tìm cách làm mất uy tín hệ thống bầu cử của Mỹ, theo nhật báo The Washington Post hôm Thứ Sáu, trích lời các giới chức tường thuật về chuyện này.

Các cơ quan tình báo Mỹ cũng xác nhận một số cá nhân, có liên hệ với chính quyền Nga, cung cấp tin cho WikiLeaks với hàng ngàn email lấy cắp được của Ủy Ban Quốc Gia Đảng Dân Chủ và những tổ chức khác, bao gồm cả của ông John Podesta, chủ tịch Ủy Ban Vận Động Hillary Clinton, theo các giới chức.

Những giới chức mô tả các cá nhân này là những người mà cộng đồng tình báo đều biết, và họ là một phần trong chiến dịch của Nga, nhằm hỗ trợ cho ông Trump và gây thiệt hại cho cơ hội bà Clinton làm tổng thống.

“Đây là đánh giá của cộng đồng tình báo, mà mục đích của Nga ở đây là thiên vị một ứng cử viên này hơn ứng cử viên kia, để giúp ông Trump đắc cử,” một giới chức Mỹ cao cấp nói trong một báo cáo tình báo trước các thượng nghị sĩ Mỹ. “Đó là quan điểm chung.”

Chính quyền Obama mấy tháng qua tranh cãi về việc làm thế nào để phản ứng với vụ Nga bị tố cáo xâm nhập vào hệ thống bầu cử, mà trong đó, Tòa Bạch Ốc lo ngại gia tăng căng thẳng với Moscow, và có thể bị tố cáo là tìm các giúp ban vận động của bà Clinton.

Hồi Tháng Chín, trong một buổi báo cáo bí mật cho các nhà lãnh đạo Quốc Hội, Thượng Nghị Sĩ Mitch Mcconnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối đa số Thượng Viện, nghi ngờ tính xác thực của tình báo Mỹ, theo các giới chức có mặt cho biết.

Washington Post cho biết, nhóm chuyển quyền của ông Trump không trả lời khi được hỏi về chuyện này.

Ông Trump liên tục bác bỏ tin mà cộng đồng tình báo Mỹ nói rằng Nga có xâm nhập vào email.

“Tôi không tin họ can thiệp” vào cuộc bầu cử, ông nói với tạp chí Time tuần này. Vụ xâm nhập, ông nói, “có thể là Nga. Và có thể là Trung Quốc. Và có thể là một ai đó có nhà ở New Jersey.”

CIA chia sẻ đánh giá mới nhất này với một số thượng nghị sĩ quan trọng trong một cuộc họp kín ở Quốc Hội hồi tuần trước, mà trong đó, các giới chức của cơ quan này dẫn chứng tin tức liên quan ngày càng nhiều từ nhiều nguồn tin tình báo khác nhau. Các giới chức nói với các vị dân cử là bây giờ “khá rõ” rằng ông Trump đắc cử là mục tiêu của Nga, theo các giới chức, nói với Washington Post trong điều kiện ẩn danh, vì đây là vấn đề thuộc về tình báo.
Tuy nhiên, sự trình bày này của CIA không thuyết phục bằng chuyện đánh giá chính thức của 17 cơ quan tình báo Mỹ trước đây.

Một giới chức cao cấp Mỹ nói rằng có một số khác biệt liên quan đến đánh giá lần này của CIA, trong đó có một số câu hỏi chưa được trả lời.

Ví dụ, tình báo Mỹ không thể chứng minh giới chức nào trong Điện Kremlin “chỉ đạo” việc chuyển email của đảng Dân Chủ cho WikiLeaks, một giới chức khác cho biết.

Những nhân vật này, theo một giới chức, thường “không trực tiếp” nhận chỉ đạo, và không phải là nhân viên chính phủ. Trong quá khứ, Moscow thường dùng người “môi giới” để tham dự các hoạt động tình báo, thành ra, họ có thể bác bỏ tố cáo là họ trực tiếp liên quan. (TP, Đ.D.)










No comments:

Post a Comment

View My Stats