Thursday 15 December 2016

HOA KỲ : CHỚ DÙNG CHÍNH SÁCH "MỘT NƯỚC TRUNG TRUNG HOA" ĐỂ MẶC CẢ (Reuters)




14.12.2016

Tòa Bạch Ốc ngày 13/12 nhấn mạnh chớ nên dùng chính sách “một nước Trung Hoa” như một lá bài để mặc cả với Bắc Kinh sau khi Tổng thống tân cử Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ không cần thiết bị ràng buộc bởi lập trường lâu nay rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Đưa ra những dấu hiệu thêm cho thấy ông Trump sẽ gặp chống đối tại Washington nếu ông nỗ lực đảo ngược một nguyên tắc đã kéo dài hơn 4 thập niên về mối liên hệ Mỹ-Trung, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói cá nhân ông ủng hộ “chính sách một Trung Quốc” và không ai nên vội vàng kết luận rằng Tổng thống tân cử sẽ bỏ nguyên tắc này.

Ông Trump đã gây bão ngoại giao khi phát biểu trên kênh truyền hình Fox News đại ý rằng cớ gì Mỹ lại bị ràng buộc bởi chính sách “một nước Trung Hoa” mà không có điều kiện, kể cả điều kiện về thương mại. Tuyên bố này được đưa ra tiếp sau một vụ phản đối trước đây của Trung Quốc về việc Tổng thống tân cử điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 2 tháng 12 vừa qua.

Đây là vấn đề rất nhạy cảm đối với Trung Quốc vốn xem Đài Loan như một tỉnh khó trị, và Bắc Kinh đã bày tỏ “quan tâm sâu sắc” đối với bình luận mới đây của ông Trump.

Trung Quốc gọi chính sách “một nước Trung Hoa” là căn bản trong mối quan hệ Mỹ -Trung, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo những động thái làm thiệt hại “những quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc rốt cuộc sẽ là ‘gậy ông đập lưng ông’.

Một số nhà phân tích cảnh báo là ông Trump có thể khiêu khích một cuộc đối đầu quân sự nếu ông đưa vấn đề Đài Loan đi quá xa.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói Hoa Kỳ cam kết tuân thủ nguyên tắc “một nước Trung Hoa” và sẽ không dùng Đài Loan để chiếm lợi thế trong bất cứ thỏa thuận nào với Bắc Kinh.

Sau cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan, chính quyền Obama cho hay các cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc đã nói chuyện với các giới chức Trung Quốc để trấn an họ là chính sách “một nước Trung Hoa” vẫn không thay đổi.
Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, trong một bài bình luận ngày 13/12 viết rằng rõ ràng là ông Trump không hiểu chính sách này.

---------------------------------------

BBC Tiếng Việt
12 tháng 12 2016

Với việc Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ Donald Trump tỏ ý cho thấy chính sách "Một Trung Quốc" có thể bị đặt câu hỏi, BBC giải thích chính sách hết sức nhạy cảm này.

"Một Trung Quốc" là gì?
Đó là sự công nhận trên phương diện ngoại giao quan điểm của Trung Quốc rằng chỉ có duy nhất một quốc gia Trung Quốc, còn Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Theo chính sách này, Hoa Kỳ có quan hệ chính thức với Trung Quốc thay vì có quan hệ với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc luôn coi là một tỉnh ly khai và rồi sẽ có một ngày trở về với Trung Hoa đại lục.
Theo chính sách này, Washington duy trì một mối quan hệ không chính thức nhưng gắn bó với Đài Loan, gồm cả việc tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc.
Chính sách thừa nhận quan điểm Một Trung Quốc không những là nền tảng then chốt trong quan hệ Trung - Mỹ mà còn là nền tảng cho việc hoạch định đường lối chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền Đài Bắc tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập với tên gọi "Trung Hoa Dân quốc", bất kỳ nước nào muốn có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều phải cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan.
Điều này dẫn đến Đài Loan bị cô lập về mặt ngoại giao trong cộng đồng quốc tế.

Chính sách này bắt nguồn từ đâu?
Chính sách này có từ 1949, vào lúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc. Quốc dân đảng thất bại, chạy về Đài Loan và lập chính phủ riêng, trong lúc phe Cộng sản tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đại lục. Cả hai đều tuyên bố mình đại diện cho toàn bộ Trung Quốc.
Kể từ đó, Trung Quốc đã đe dọa dùng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập một cách chính thức. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng duy trì chính sách ngoại giao mềm dẻo hơn với Đài Loan trong những năm gần đây.
Lúc đầu, chính phủ nhiều nước kể cả Hoa Kỳ công nhận Đài Loan và xa lánh Trung Quốc cộng sản.
Nhưng rồi làn gió ngoại giao đã đổi hướng khi Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có nhu cầu phát triển quan hệ với nhau trong đầu thập niên 1970. Nhiều nước đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để lập quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy vậy, nhiều nước vẫn tiếp tục quan hệ không chính thức với Đài Loan qua những văn phòng thương mại hay viện văn hóa, và Hoa Kỳ vẫn là đồng minh an ninh quan trọng nhất của Đài Loan.

Hoa Kỳ bắt đầu theo chính sách Một Trung Quốc từ khi nào?
Sau nhiều năm có quan hệ nồng ấm hơn, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter.
Kết quả là Hoa Kỳ phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan và đóng cửa sứ quán tại Đài Bắc.
Nhưng năm đó, Hoa Kỳ cũng thông qua Luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act), theo đó đảm bảo giành sự ủng hộ cho hòn đảo này. Về cơ bản, điều luật này quy định Mỹ phải giúp Đài Loan tự vệ - đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện không chính thức ở Đài Bắc thông qua Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan, một công ty tư nhân qua đó Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động ngoại giao.

Kẻ thua người thắng là ai?
Bắc Kinh rõ ràng là bên hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này, chính sách đã đẩy Đài Loan ra khỏi các kênh ngoại giao chính thức.
Đa số các nước trên thế giới, thậm chí cả Liên Hợp Quốc, không công nhận Đài Loan là một nước độc lập.
Đài Loan phải thực hiện nhiều động thái nỗ lực chỉ để được tham dự vào các sự kiện và tổ chức quốc tế như các kỳ Thế vận hội và Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chẳng hạn đoàn Đài Loan thi đấu tại Thế vận hội được gọi là Trung Hoa Đài Bắc (Chinese Taipei) chứ không phải Trung Hoa Dân quốc.
Nhưng ngay cả khi bị cô lập, Đài Loan cũng không hoàn toàn là người thua cuộc.
Đài Loan duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa năng động với các nước láng giềng, và dùng mối quan hệ nhạy cảm với Hoa Kỳ làm đòn bẩy để đạt được nhượng bộ.
Đài Loan tận dụng một nhóm nhỏ các nhà vận động hành lang có quyền lực ở Washington DC, trong đó có cựu Thượng nghị sĩ Bob Dole, người được truyền thông Mỹ đưa tin là đã giúp dàn xếp quan hệ dẫn đến cuộc điện thoại gần đây giữa ông Trump và Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan.
Về phía Hoa Kỳ, nước này hưởng lợi từ mối quan hệ chính thức với Trung Quốc - đối tác cho vay và thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ - trong khi vẫn lặng lẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan.
Chính sách Một Trung Quốc là một động thái cân bằng rất tế nhị mà Hoa Kỳ đã hoàn thiện trong những thập niên qua. Chính sách này sẽ tiếp tục được áp dụng ra sao dưới thời ông Trump là điều cần phải được chờ xem.

----------------------------
BBC Tiếng Việt
15 tháng 12 2016
.
Đặng Tiểu Bình và Jimm Carter: Hoa Kỳ chuyển sang công nhận chỉ có một nước Trung Quốc năm 1979 .  GETTY IMAGES
.
Nhân các diễn biến mới nhất quanh các phát biểu của Tổng thống tân cử Donald Trump về chính sách "Một nước Trung Quốc", BBC điểm lại năm thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ Hoa Kỳ với Trung Quốc và Đài Loan.

Năm 1979: Hoa Kỳ công nhận Trung Quốc:
Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Jimmy Carter đã chuyển quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) sang công nhận Trung Quốc. Đáp lại, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Quan hệ với Đài Loan - Taiwan Relations Act, để bắt buộc Hành pháp có động tác bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công.

Triệu Tử Dương đón Ronald Reagan thăm Trung Quốc . GETTY IMAGES

Năm 1982:Thông cáo 17 tháng Tám và Sáu Đảm bảo An ninh
Hoa Kỳ thời Tổng thống Ronald Reagan và Trung Quốc ra Thông cáo chung 17 tháng Tám (August 17 Communique') về quan hệ hai bên liên quan đến Đài Loan.
Trung Quốc muốn Hoa Kỳ cam kết sẽ giảm dần và ngưng bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng với sự tham gia trực tiếp của Phó Tổng thống George H. Bush, hai bên đồng ý về ngôn từ khá chung chung của văn bản. Theo đó, CHND Trung Hoa cam kết duy trì hòa bình trong quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, và Hoa Kỳ cam kết tôn trọng chủ quyền Trung Quốc và chính sách 'Một nước Trung Hoa'.

Cùng lúc Tổng thống Reagan đã đưa ra sáu đảm bảo an ninh cho chính phủ Đài Loan.
Còn gọi là Sáu Không, ông Reagan cam kết Hoa Kỳ sẽ:
Không đặt ra thời điểm ngưng bán vũ khí cho Trung Hoa Dân quốc.
•Không đồng ý tham vấn trước với Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Trung Hoa Dân quốc
•Không đóng vai trò trung gian đàm phán giữa CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc
•Không lật lại Luật Quan hệ với Đài Loan
•Không thay đổi chính sách về chủ quyền liên quan đến Đài Loan
Không gây sức ép lên Trung Hoa Dân quốc để buộc họ đàm phán với CHND Trung Hoa

Lý Đăng Huy, Bill Clinton và Giang Trạch Dân . GETTY IMAGES

1995-96: Khủng hoảng xuyên eo biển Đài Loan:
Tháng 6/1995, Trung Quốc bắn thử một loạt hỏa tiễn về phía Đài Loan, rơi xuống vùng biển cách đảo Bành Gia do Đài Loan kiểm soát chỉ 50 km. Bắc Kinh muốn cảnh cáo những người theo xu hướng độc lập ở Đài Loan và phản đối chuyến thăm của ông Lý Đăng Huy sang ĐH Cornell, Hoa Kỳ tháng trước khi ông phát biểu về 'Tiến trình dân chủ hóa Đài Loan'.

Căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan bùng lên năm 1995-96 và 2002 . GETTY IMAGES

Đài Loan tiếp tục vận động xin gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc trong làn sóng ủng hộ ông Lý ra tranh cử tổng thống.
Tháng 3/1996, căng thẳng không giảm và Trung Quốc bắn hai hỏa tiễn M9 có khả năng chở đầu đạn hạt nhân qua Đài Loan. Một trái bay qua bầu trời gần Đài Bắc và rơi xuống điểm ngoài biển cách Cao Hùng chỉ 30 hải lý.
Ngay lập tức, Tổng thống Bill Clinton điều hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Independence tới gần Đài Loan. Tàu USS Nimitz đã đi xuyên qua eo biển để thị uy, cùng lúc Hoa Kỳ ra thông báo nói về nhu cầu "có biện pháp thận trọng". Sau khi thắng cử tổng thống, Lý Đăng Huy phát biểu 'hạ nhiệt' cho căng thẳng xuyên eo biển và tình hình trở lại như cũ.

Tổng thống Trần Thủy Biển từng nung nấu đường lối Đài Loan độc lập . GETTY IMAGES

2002: Xu hướng Đài Loan độc lập:
Tổng thống Trần Thủy Biển của Dân Tiến Đảng tại Đài Loan (thắng cử hai năm trước) có bài phát biểu tại Tokyo, nêu ra chính sách 'Nhất biên nhất quốc' (One Country on each side) nhất mạnh vào sự tồn tại song song nhưng riêng biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc yêu cầu giải thích.
Bà Thái Anh Văn, phụ trách chính sách Hoa lục của chính phủ Trần Thủy Biển phải sang Hoa Kỳ giải thích ý của ông Trần không phải là "tuyên bố độc lập". Hoa Kỳ tái xác nhận với Trung Quốc về chính sách 'Một nước Trung Quốc' và rằng Washington phản đối Đài Loan độc lập.
Tuy thế, báo giới quốc tế ghi nhận đây là bước ngoặt về bản sắc Đài Loan với ngày càng nhiều người Đài Loan không muốn theo đuổi cả biểu tượng 'Trung Hoa Dân quốc', lẫn về thống nhất với Trung Quốc cộng sản. Họ tuần hành dưới khẩu hiệu tiếng Anh 'Taiwan is not China' ( Đài Loan không phải Trung Quốc) để nói cho thế giới biết cảm xúc của mình.

Bất kể chính sách của Hoa Kỳ ra sao, Đài Loan phải tiếp tục củng cố quốc phòng. GETTY IMAGES

2016: Donald Trump và chính sách 'Một nước Trung Quốc':
Ông Donald Trump thắng cử tại Mỹ và đặt câu hỏi về chính sách 'Một nước Trung Quốc' sau cuộc điện đàm 'vô tiền khoáng hậu' với tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan.
Trung Quốc phản đối và cảnh báo nếu Hoa Kỳ không tôn trọng chính sách 'Một nước Trung Quốc', nền tảng của quan hệ Trung - Mỹ, hòa bình xuyên eo biển không được bảo đảm.
Chủ đề quan hệ ba bên trở lại Mỹ - Trung - Đài nóng với các hệ quả chưa ai lường trước hết.

*
Tin liên quan






No comments:

Post a Comment

View My Stats