Đăng ngày 12-12-2016
.
Bản đồ khu vực do Bộ
Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ USPACOM chịu trách nhiệm.Nguồn: USPACOM
.
Nga
đang tìm cách gây thêm ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương, và kết thân với Trung
Quốc, Bắc Kinh không ngừng phủ bóng lên châu Á và Biển Đông, Philippines đang rời
Mỹ để xích lại gần Trung Quốc và Nga. Theo tướng Jean-Vincent Brisset, giám đốc
nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Chiến Lược và Quốc Tế IRIS, trên chuyên san
Atlantico ngày 02/12/2016, các động lực mới trong khu vực có vẻ không thuận lợi
cho cường quốc Thái Bình Dương là Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn của Atlantico, ông Brisset
trước hết cho rằng Nga đang thể hiện ý chí lấy lại vị trí cường quốc thế giới
mà Liên Xô từng có trước đây.
Jean-Vincent
Brisset : Đặc biệt trong những tháng gần đây, người ta
nói rất nhiều về việc nước Nga, vì bị phương Tây trừng phạt vì đã sáp nhập
Crimée, làm dấy lên cuộc xung đột ở Ukraina, và liên minh với Bachar al-Assad ở
Syria, cho nên đã quay về phía Trung Quốc. Nói như vậy có lẽ đơn giản quá.
Trong thực tế, Nga vẫn can dự vào châu Âu, mà họ chắc
chắn là muốn có quan hệ tốt hơn. Tại Syria, Nga vẫn duy trì một sự can dự không
hề giảm, thậm chí đã manh nha phối hợp quân sự với Hoa Kỳ, chứ không chỉ nhằm
giảm nguy cơ đụng độ trên hiện trường. Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, được cụ thể hóa
bằng việc thành lập một tuyến liên lạc trực tiếp, cũng có vẻ được cải thiện, đặc
biệt là kể từ khi chúng đối trọng với những lời lên án Ankara của Liên Hiệp
Châu Âu.
Những sáng kiến mới của Matxcơva hướng về châu Á về
cơ bản là nhằm cụ thể hóa sự trở lại thực thụ của một nước Nga hiện đang có
phương tiện và quyết tâm lấy lại vị trí hàng đầu trong tư cách là một cường quốc
toàn cầu. Quả là chúng ta có thấy một vài tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc,
nhưng hiện chưa rõ là chúng có sẽ thể hiện trong thực tế bằng một sự thay đổi
quan trọng trong quan hệ giữa hai nước hay không. Với Nhật Bản, vấn đề phức tạp
hơn, nhất là sau vụ Nga gần đây đã triển khai tên lửa trên quần đảo Kuril, vốn
vẫn là một vùng tranh chấp. Chuyến thăm sắp tới của Vladimir Putin đến Tokyo có
lẽ sẽ cho phép làm rõ một số điểm.
Tham
vọng của Trung Quốc : Động lực biến đổi cục diện
Tại vùng Thái Bình Dương, động lực thúc đẩy tình
hình biến chuyển phần lớn liên quan đến các tranh chấp chủ quyền, chỉ song
phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa
Đông, và phức tạp và chồng chéo lên nhau ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và
một số rạn san hô khác ở Biển Đông.
Trong trường hợp Senkaku, tranh chấp phần lớn là
song phương, mặc dù Mỹ, để thể hiện quyết tâm hỗ trợ đồng minh Nhật, đã từng thực
hiện một số chuyến bay quân sự trong vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc
thiết lập. Tại Biển Đông, các yêu sách chủ quyền phức tạp hơn, cả về mặt số lượng
lẫn quy mô của những vùng có tranh chấp.
Trong nhiều năm qua, các nước ven biển thành viên
ASEAN đã cố gắng thể hiện một lập trường chung và yêu cầu thông qua một bộ quy
tắc ứng xử có thể ràng buộc Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh đã luôn luôn ngăn
chặn thành công việc thông qua một văn bản như vậy bằng cách “mua chuộc” các nước
ASEAN, cụ thể là Lào và Cam Bốt.
Gần đây, Bắc Kinh rất năng động, cụ thể là đã xây dựng
các căn cứ quân sự thực thụ trên một số rạn san hô và khẳng định chủ quyền trên
hầu như toàn bộ Biển Đông. Sau một đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng Tài ở La
Haye đã lên án Trung Quốc, vốn đã phủ nhận thẩm quyền của tòa án cho dù đã phê
chuẩn Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không chấp nhận phán quyết.
Người ta từng tưởng rằng Manila sẽ dựa trên phán quyết của Quốc Tế (ngày
12/07/2016) để củng cố lập trường của mình. Thế nhưng, trong thực tế, ông
Duterte, đắc cử tổng thống Philippines hai tuần trước đó, đã làm nhiều người ngạc
nhiên khi có thái độ rất khác. Được Bắc Kinh ve vãn, trước hết ông đã tuyên bố
rằng ông xích lại gần Trung Quốc, và giảm đáng kể công cuộc hợp tác với
Washington. Từ đó đến nay, ông liên tiếp có những phát biểu, nhiều khi mâu thuẫn
nhau, và dường như không hoàn toàn được chính phủ của ông tán đồng.
Trong toàn khu vực, Bắc Kinh tiếp tục hành động. Vì
không thoải mái chút nào với tính chất đa phương và với các liên minh, ngành
ngoại giao Trung Quốc, như thường lệ, đã luôn đòi hỏi đối thoại song phương và
xử lý vấn đề tùy theo đối tượng.
Việt Nam vẫn là quốc gia phản đối mạnh nhất các yêu
sách lãnh thổ của Trung Quốc, đến mức càng lúc càng công khai yêu cầu sự giúp đỡ
của Mỹ và mở cửa một lần nữa cho sự hiện diện quân sự của Nga. Tuy nhiên, nền
kinh tế của Việt Nam vẫn gắn chặt với láng giềng to lớn và phán quyết của Tòa
La Haye không thực sự thuận lợi cho Hà Nội.
Atlantico
: Trước việc
Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, Hoa Kỳ phản ứng
thế nào? Có nên “sợ” khả năng Mỹ rút đi hay không? Và nếu Mỹ rút, thì hậu quả
ra sao ?
Jean-Vincent
Brisset : Ngay từ chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2008,
ứng cử viên Obama và ngoại trưởng tương lai Hillary Clinton đã chủ trương Mỹ dấn
thân sâu hơn vào vùng Thái Bình Dương. Điều đó đã được triển khai khá nhanh
chóng, đặc biệt là về mặt quân sự. Thông thường khi quan tâm đến chính sách «
xoay trục » của Mỹ, người ta nghĩ rằng các lực lượng Mỹ đã được rút ra khỏi
châu Âu để triển khai qua vùng Thái Bình Dương. Trong thực tế, sự chuyển hướng
đó đã bị nhiều trở ngại, vừa từ việc cắt giảm ngân sách, cho đến nhu cầu duy
trì một phần lực lượng tại Afghanistan và chiến đấu chống lại tổ chức Nhà Nước
Hồi Giáo ở Irak và Syria.
Trong thực tế, phương tiện được bố trí tại chỗ để chống
lại Trung Quốc, cả về nhân lực đến vật lực, nhìn chung đều không tăng nhiều lắm.
Cái khác là địa bàn triển khai có thay đổi, với một sự giảm nhẹ ở Nhật Bản và
Hàn Quốc, một nỗ lực hướng tới Philippines và Singapore, cùng với việc tạo ra một
căn cứ thủy quân lục chiến ở Úc. Những động thái quân sự đó dĩ nhiên là đi kèm
theo vế ngoại giao, cho phép Mỹ có thêm điều kiện thuân lợi để cho chiến hạm
ghé cảng và có chỗ dừng quân.
Một bước tiến quan trọng hơn nhiều là kế hoạch thành
lập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định thương mại tự do rộng
lớn bao gồm 12 nước (Mỹ, Canada, Mêhicô, Chile, Peru, Nhật Bản, Malaysia, Việt
Nam, Singapore, Brunei, Úc và New Zealand), chiếm 40% GDP của thế giới, nhưng
đã gạt Trung Quốc qua một bên. Hiệp ước đã được ký kết ngày 04/02/2016, nhưng
đã bị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ đòi xé bỏ.
Atlantico
: Donald
Trump nêu bật một cách tiếp cận chính trị và địa chính trị mang tính bảo hộ mậu
dịch và không can thiệp. Cho dù vậy, liệu Mỹ có thể cho phép mình mất đi ảnh hưởng
đối với châu Á hay không?
:Jean-Vincent Brisset : Vào
lúc này, chúng ta chủ yếu vẫn chỉ suy đoán về các chính sách mà ông Donald
Trump sẽ theo đuổi, và khẳng định bất kỳ điều gì cũng đều kiêu căng (và rất
nguy hiểm).
Điều duy nhất mà ta có thể nói là việc nước Mỹ sẽ co
cụm trong một chừng mực nào đó là khả năng có thể xảy ra, nhưng cụ thể như thế
nào thì chưa thể nói được. Điều này lại càng đúng hơn khi ta thấy rằng cũng rất
khó mà dự đoán những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc và quan hệ của Bắc
Kinh với các nước láng giềng.
Rất có khả năng là, nhân danh quyền tự do đi lại và
dựa vào phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, tàu Hải Quân Mỹ sẽ tiếp
tục hiện diện rõ rệt ở Biển Đông. Việc từ bỏ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình
Dương, nếu được xác nhận, có lẽ sẽ là sư đổi hướng quan trọng nhất. Dường như
chính quyền mới tại Mỹ muốn thay thế hiệp định này bằng một loạt quan hệ song
phương.
Quan hệ giữa Washington và từng nước trong vùng do
đó cũng có thể thoát khỏi cung cách tiếp cận toàn cầu và chung chung đang được
áp dụng để hướng tới một cái gì đó riêng biệt hơn. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại
sự linh hoạt và khả năng thích ứng tốt hơn với từng trường hợp, tuy theo mức độ
của các quan hệ chính trị và thậm chí quân sự.
Nhưng ẩn số lớn vẫn là hướng đi của quan hệ với
Trung Quốc, vẫn còn khá khó lường. Điều này đặc biệt đúng trong một giai đoạn
mà bất cứ sự suy yếu nào của nền kinh tế Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng đến sự
ổn định của đất nước, nơi mà quyền lực của ông Tập Cận Bình có thể không phải
là vững chãi như người ta tưởng.
No comments:
Post a Comment