Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 12-12-2016
.
Donald Trump, trên
tạp chí ở Trung Quốc và dòng chữ '' Doanh nhân Donald Trump sẽ thay đổi thế giới
như thế nào''. Ảnh 12/12/2016. GREG
BAKER / AFP
.
Những
lời đe dọa đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để giữ công ăn việc
làm cho người Mỹ của tổng thống tân cử Donald Trump có thể sẽ gây hậu quả cho
chính kinh tế Mỹ, vốn đang phải vất vả cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa
hiện nay. Đó không chỉ là nhận định của các nhà quan sát mà còn là mối lo ngại
ngày càng tăng trong giới doanh nghiệp Mỹ.
Từ trong cuộc vận động tranh cử, Donald Trump đã nhiều
lần tuyên chiến với Trung Quốc khi thì bằng những lời đe dọa đánh thuế đến 45%
vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, lúc thì lên án Bắc Kinh thao túng
nhân dân tệ để có lợi trong xuất khẩu…. . Sau khi đắc cử, ông Trump liên tiếp
tung ra các tuyên bố thách thức quan hệ Trung –Mỹ, từ thương mại cho đến ngoại
giao.
Giới quan sát lo ngại nhận thấy, nếu những tuyên bố
của tổng thống tân cử nhắm vào Trung Quốc thành hiện thực thì một cuộc chiến
thương mại Mỹ -Trung sẽ là điều không thể tránh khỏi, chưa nói đến các quan hệ
địa chính trị khác. Ngay từ giờ, phác thảo về một chính sách bảo hộ mậu dịch của
chính quyền Trump đã gây lo ngại cho chính giới doanh nghiệp Mỹ.
Ông David Shogren, chủ công ty International Food, một
doanh nghiệp cỡ trung bình, đang rất lo ngại về một viễn cảnh Trung Quốc phản
công chính sách bảo hộ của ông Trump. Từ 5 năm nay, công ty của ông Shogren là
nhà cung cấp các sản phẩn nông sản cho các siêu thị ở Trung Quốc. Khách hàng
Trung Quốc chiếm một nửa doanh thu của International Food, trong khi doanh số
trên thị trường nội địa Mỹ chỉ có 5%.
Công việc làm ăn với Trung Quốc đang phát đạt, nhưng
nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, International
Food sẽ mất tất cả. Ông Shogren giải thích : khi đó « các khách hàng của
chúng tôi có thể sẽ quay sang các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi là các công
ty của châu Âu, Úc, New Zeland hay Nhật Bản ».
Ông chủ International Food cũng cho biết đang phải
tính chuyện phòng xa, thăm dò một số thị trường mới như Việt Nam, Cam Bốt,
Malaysia, Singapore hay Philippines. Tuy nhiên theo ông Shogren, phải mất nhiều
năm mới có thể tìm được đối tác mới thay thế các khách hàng quen thuộc Trung Quốc.
Còn các công ty lớn, các đại tập đoàn, biểu tượng
cho sự thành công kinh tế Mỹ, có bị ảnh hưởng bởi « kịch bản phản
công » của Bắc Kinh ? Ngay sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ,
tờ báo Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo đã cảnh báo, nếu những đe dọa về quan hệ
làm ăn với Trung Quốc của tổng thống tân cử thành hiện thực thì « một
loạt các đơn đặt hàng với Boeing sẽ được thay bằng Airbus, các mặt hàng
iPhones, xe hơi Mỹ tại Trung Quốc sẽ lĩnh ngay hậu quả, việc nhập khẩu đậu
tương và ngô Mỹ sẽ bị ngừng… »
Lấy thí dụ trường hợp của tập đoàn chế tạo máy bay
Boeing, nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ với 70% thu nhập từ nước ngoài. Theo
Boeing, trong tổng số 495 chiếc Boeing 737 được giao trong năm 2015, có tới 1/3
được chuyển tới khách hàng Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng lao động tại Mỹ
chiếm tới 90% trên của tổng số 150 000 nhân công của Boeing trên toàn cầu.
Trong lĩnh vực xe hơi, General Motor (GM) sẽ có thể
bị mất rất nhiều vì cuộc chiến thuế quan Trung – Mỹ. Chỉ trong 8 tháng đầu năm
nay, General Motor xuất sang Trung Quốc 2,38 triệu đầu xe, trong khi đó tại thị
trường nội địa, con số này chỉ có 1,96 triệu. GM cũng là tập đoàn bắt đầu cho
đóng xe tại Trung Quốc để đưa trở lại thị trường Mỹ nhằm hạ giá thành sản phẩm
để cạnh tranh với làn sóng xe Nhật, Hàn Quốc đang tràn vào Mỹ.
Càng gần đến ngày chính thức bước vào Nhà Trắng,
Donald Trump càng chứng tỏ ông không nói đùa trong việc thực hiện một chính
sách bảo hộ kinh tế với mục tiêu đầu tiên là nhằm vào cường quốc kinh tế thứ 2
thế giới. Thế nhưng, thị trường rộng lớn Trung Quốc đang là mảnh đất màu mỡ cho
các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn của Mỹ.
Người Trung Quốc sẽ không mấy khó khăn để tìm ra biện
pháp trả đũa. Khi đó thì các công ty Mỹ sẽ là nơi hứng chịu hậu quả trực tiếp
đe dọa việc làm của người Mỹ. Ý tưởng bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ của
ông Trump rất có thể sẽ là trái bóng đá phản lưới nhà.
-----------------------------
VOA Tiếng Việt
12.12.2016
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang thu xếp cho nhóm
chuyển giao quyền lực khối thương mại làm việc với các tập đoàn thép hàng đầu
Hoa Kỳ để các đối phó với Trung Quốc.
Điều này báo hiệu một cách tiếp cận tích cực hơn để
Hoa Kỳ khiếu kiện Trung Quốc trong việc trợ giá không công bằng cho xuất khẩu
và tạo rào cản nhập khẩu.
Các chuyên gia thương mại ở Washington cho biết rằng
nhóm này được lãnh đạo bởi ông Wilbur Ross, một nhà đầu tư và tỷ phú ngành thép
vừa được ông Trump đề cử cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, ông Dan DiMicco, cựu
Giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất thép Nucor Corp, và ba luật sư kỳ cựu
trong ngành thương mại thép. Nhóm này dự kiến sẽ tập trung vào cắt giảm thâm hụt
mậu dịch của Hoa Kỳ.
Dựa trên những nỗ lực trước đây, chính sách này có
thể tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động thương mại của Trung Quốc thông qua Tổ
chức Thương mại Thế giới (WTO) và làm nảy sinh thêm nhiều vụ kiện chống bán phá
giá và chống trợ giá do chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng, chống lại các sản phẩm
Trung Quốc. Vấn đề chống bán phá giá và chống trợ giá sẽ phải được tranh luận
trước Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ - một diễn đàn mà ngành công nghiệp thép
đã có những thành công đáng kể .
Ông Ross, ông DiMicco và các nhà lãnh đạo khác của
nhóm Big Steel là những người tiên phong trong cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ
chống lại siêu cường xuất khẩu của thế giới.
Do bị ảnh hưởng bởi giá thép rẻ nhập khẩu từ Trung
Quốc và các nước khác, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã lập 16 hồ sơ khiếu kiện
trong ba năm qua, yêu cầu Bộ Thương mại áp thuế suất trừng phạt việc chống trợ
cấp bán phá giá đã làm giá thép sản suất ở Hoa Kỳ giảm giá đến mức thấp lịch sử
vào năm ngoái, buộc các nhà máy thép của Mỹ phải sa thải công nhân.
Các chuyên gia thương mại nói rằng nhóm này sẽ không
ngừng tăng cường các giới hạn hợp pháp trong quy định của Tổ chức Thương mại Thế
giới để bảo vệ lợi ích thương mại của Hoa Kỳ.
Ông Lighthizer, người cùng với ông DiMicco có thể là
những ứng cử viên mạnh để đảm nhận vị trí Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ. Ông
Lighthizer, từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Reagan, đã gây sức ép với
Nhật Bản về vấn đề hạn chế xuất khẩu tự nguyện.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo rằng nếu
ông Trump áp đặt bất kỳ mức thuế mới nào sẽ dẫn đến sự trả đũa chống lại hãng
máy bay Boeing, điện thoại di động iPhone của tập đoàn Apple và ngô, đậu nanh của
Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment