Viễn
Đông - VOA
12.12.2016
Trung Quốc mới đây đã triển khai máy bay ném bom tầm
xa vần vũ ở biển Đông, ít ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ
trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp này, cũng như điện đàm với Tổng
thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6 của Trung
Quốc bay dọc đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò hôm 8/12,
chương trình Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.
Đây được coi là lần đầu tiên Bắc Kinh bay dọc theo
đường ranh giới mà Trung Quốc tự lập ra để tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ
biển Đông, nhưng đã bị Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ hồi tháng Bảy năm
nay.
Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên được trích lời nói rằng
động thái chứng tỏ sức mạnh của Trung Quốc nhằm “phát đi một thông điệp cho tân
chính quyền của Tổng tống đắc cử Donald Trump”.
Khi được hỏi liệu các tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump
đối với Bắc Kinh thời gian qua có thể “đổ thêm dầu vào chảo lửa biển Đông”, hay
“thổi bùng căng thẳng” ở vùng biển tranh chấp này như một số nhận định trên mạng
xã hội, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
đặt tại Singapore, nói:
“Tôi nghĩ rằng cũng
có thể những hành động mạnh mẽ của ông Donald Trump, nếu mà xảy ra, có thể sẽ
kích động Trung Quốc hơn, và như vậy dẫn tới căng thẳng gia tăng hơn. Tuy
nhiên, cũng phải xét tới khía cạnh còn lại, đó là sự cứng rắn của ông Donald
Trump có thể làm Trung Quốc cảm giác bị kiềm chế và họ sẽ phải cân nhắc hơn
trong hành động của mình, đặc biệt là những hành động mang tính chất khiêu
khích và mang tính chất phiêu lưu. Họ có thể sẽ phải cân nhắc hơn về phản ứng của
ông Donald Trump cũng như chính quyền Hoa Kỳ. Những phản ứng cứng rắn có thể sẽ
có lợi hơn cho tình hình khu vực vì các nước cứ tiếp tục nhún nhường, Trung Quốc
sẽ càng lấn tới, và họ lấn tới đâu thì càng khó có thể đảo ngược được tình thế
tới đó. Chính vì vậy, tốt hơn là phải có sự răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để mà
tình hình không đi tới mức không thể khắc phục, không thể đảo ngược”.
Hồi mùa hè vừa qua, Trung Quốc cũng từng đưa máy bay
ném bom bay qua các đảo tranh chấp ở biển Đông, nhưng không bay xa như lần mới
nhất, theo tin tức từ Hoa Kỳ. Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết rằng
trong các chuyến bay tầm xa này, thậm chí các chiến đấu cơ cũng đã được triển
khai để hộ tống máy bay ném bom.
Ngoài ra, kênh truyền hình của Mỹ còn dẫn thông tin
từ các vệ tinh tình báo của Mỹ cho thấy rằng Bắc Kinh chuẩn bị dùng tàu vận
chuyển các tên lửa đất đối không ra các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.
Trong những ngày gần đây, theo Fox News, các vệ tinh
tình báo của Mỹ đã phát hiện các bộ phận của hệ thống tên lửa SA-21 của Trung
Quốc tại cảng Yết Dương ở đông nam Trung Quốc, nơi các quan chức nói rằng Bắc
Kinh đã thực hiện các vụ vận chuyển các thiết bị quân sự tương tự trong quá khứ
tới các đảo ở biển Đông.
Không
thể tách rời
Trung Quốc gần đây đã phản đối việc ông Trump nhận
điện thoại của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh lâu nay vẫn coi Đài
Loan là một tỉnh không thể tách rời của mình.
Theo tờ The Wall Street Journal, các máy
bay ném bom của Trung Quốc đã vần vũ trên bầu trời Đài Loan trong một cuộc tập
trận cuối tháng trước, ít lâu trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng đây là một hành động “chưa từng
có” của Bắc Kinh.
Reuters hôm 12/12 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng
Đài Loan cho biết rằng trong một phần của các cuộc diễn tập tầm xa, các máy bay
quân sự của Trung Quốc hôm 10/12 đã bay qua các tuyến hải lộ gần Đài Loan, lần
đầu tiên kể từ cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn. Tuy nhiên, theo
Bộ này, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không bay vào vùng nhận dạng phòng
không của Đài Loan.
Tổng thống đắc cử
Donald Trump (phải) được nhà báo Chris Wallace của chương trình "Fox News Sunday"
phỏng vấn tại tòa nhà Trump Tower ở New York, ngày 10 tháng 12, 2016.
Hôm 11/12, trả lời chương trình “Fox News Sunday”,
ông Trump đặt dấu hỏi về chuyện liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu
nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không.
Tổng thống đắc cử Mỹ được trích lời nói: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách ‘một Trung Quốc’,
nhưng tôi không biết lý do vì sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách
‘một Trung Quốc’, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ
khác như thương mại”.
‘Xu
hướng hiếu chiến hơn’
Quan sát từ Singapore, Tiến sỹ Hiệp cho rằng những động
thái mới nhất của ông Trump đối với Trung Quốc “cũng có thể coi là một dấu hiệu
cho thấy rằng ông sẽ cứng rắn với Bắc Kinh trong tương lai, chứ không phải mềm
mỏng với Trung Quốc như một số nhà quan sát dự đoán”.
Nhà nghiên cứu này nói rằng đó là “điều dễ hiểu và hợp
lý” vì “về truyền thống, Đảng Cộng hòa có xu hướng cứng rắn hơn và hiếu chiến
hơn”.
Tiến sĩ Hiệp nói tiếp:
“Xét về dài hạn,
Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ, và có lẽ là cường quốc duy nhất
có đủ khả năng, đủ sức mạnh để thách thức vị thế siêu cường của Hoa Kỳ ở trên
thế giới cũng như tại khu vực. Chính vì vậy mà sớm hay muộn Mỹ cũng phải tìm
cách để mà đối phó hay là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vừa rồi có động
thái ông Trump có thể đề cử ông tổng giám đốc điều hành của Exxon Mobil vào vị
trí ngoại trưởng. Ông này có tiếng là quan hệ gần gũi với Nga. Tôi cũng như một
số nhà quan sát mà tôi nói chuyện nhận định rằng có thể dưới thời của ông
Trump, Hoa Kỳ có thể cải thiện quan hệ với Nga. Đó là một cách để tách Nga, và
Trung Quốc ra khỏi nhau, và tiến thêm một bước trong việc cô lập Trung Quốc nhiều
hơn”.
Người Việt thời gian qua từng bày tỏ hy vọng rằng những
tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt áp lực của
quốc gia đông dân nhất thế giới đối với các nước cũng tuyên bố chủ quyền ở biển
Đông như Việt Nam, nhất là sau khi ông gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa
biển Đông hôm 4/12.
Ông
Nguyễn Đình Hà, một nhà hoạt động trẻ ở trong nước, từng nói với
VOA Việt Ngữ rằng ngoài việc đề cập tới biển Đông trong đoạn tweet chỉ trích
các chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc, cuộc điện đàm giữa ông
Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn “giống như một cái tát vào mặt Trung
Quốc”.
Mới đây, một nhóm cố vấn về biển Đông có trọng lượng
ở Trung Quốc cảnh báo rằng Trung Quốc “có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng
không ở biển Đông, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng tuần tra và trinh thám tầm thấp” ở
vùng biển được coi là có trữ lượng dầu khí lớn này.
--------------------------
VOA Tiếng Việt
13.12.2016
Ấn Độ và Indonesia ngày 12/12 chính thức nêu vấn đề
tranh chấp Biển Đông, thúc giục các bên chứng tỏ tôn trọng Công ước Liên hiệp
quốc về Luật Biển UNCLOS, văn kiện thiết lập trật tự pháp lý quốc tế về các
vùng biển và đại dương trên thế giới.
Lời kêu gọi này được xem là cấp thiết trước thái độ
của Trung Quốc từ chối không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế
hình thành theo Công ước UNCLOS qua đó tòa bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc
Kinh trên 90% diện tích Biển Đông trong vụ kiện của Philippines.
“Về vấn đề BIển
Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các
phương cách hòa bình, theo các tiêu chí của luật quốc tế được thế giới công nhận
kể cả UNCLOS,” theo tuyên bố chung của hai nước sau cuộc họp giữa
Thủ tướng Ấn, Narendra Modi, và Tổng thống Indonesia, Joko Widodo.
Cho tới nay, Ấn đã có các cuộc họp thượng đỉnh nhắc
tới vấn đề Biển Đông với Mỹ, Nhật, và Việt Nam. Truyền thông Ấn cho hay New
Dehli đã đề nghị một cuộc họp tương tự với Singapore trước cuộc gặp giữa Thủ tướng
Modi và người đồng nhiệm Lý Hiển Long của Singapore hồi tháng 10 nhưng Singapore
không đồng ý.
Trong tuyên bố chung hôm nay, Ấn và Indonesia cũng
kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp ôn hòa, tránh đe dọa hay
dùng võ lực và tự chế trong hành động, chớ hành động đơn phương làm tăng căng
thẳng.
“Hai nhà lãnh đạo
công nhận tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không trên các vùng
biển, quyền thương mại hợp pháp không bị cản trở,” tuyên bố hợp tác hàng hải giữa Indonesia và Ấn Độ ghi rõ.
Theo The Time of India, The Economic Times
No comments:
Post a Comment