Saturday, 1 November 2014

Mừng và lo trong tình hình giá xăng xuống gần $3/gallon (Hà Tường Cát / Người Việt)





HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt (Tổng Hợp)
Friday, October 31, 2014 5:27:15 PM

HOA KỲ - Lúc này, người lái xe ở Mỹ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi ghé trạm xăng với giá đang tiếp tục xuống thấp – trung bình chỉ trên $3/gallon – so với có lúc lên trên $4/gallon.

Nhưng giới đầu tư và những nhà kinh tế không  thoải mái như vậy, giá nhiên liệu xuống thấp có những cái lợi và không ít điều hại đáng phải lo lắng tính toán.
Thị trường năng lượng thế giới là một cơ chế hoạt động phức tạp,  phụ thuộc vào cung, cầu và rất nhiều yếu tố khác. Trong giá xăng, 60% là từ dầu thô.

Giá dầu thấp hiện nay một phần vì mức tiêu thụ kém do nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục sau thời kỳ khủng hoảng. Mặt khác, nhiều loại xe hơi bây giờ dùng những loại động cơ ít tốn xăng, trung bình khoảng 25% so với những năm trước. Ngoài ra, giới đầu tư bán tháo số dầu mà trước đây họ đã dự trữ với ước tính giá dầu sẽ lên, cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến giá cả trên thị trường.

Sản lượng dầu thô có những chuyển biến, trong đó đáng kể nhất là sản xuất nội địa của Hoa Kỳ gia tăng nhờ việc khai thác dầu đá phiến (shale oil) khởi đầu từ năm 2009. Vì vậy, tình thế ở Trung Đông và một số quốc gia sản xuất dầu lửa đã không làm giá dầu thô lên xuống đột ngột và mạnh như thường thấy trước kia.

Tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu lửa, OPEC, không còn nắm được vai trò then chốt trong vấn đề định đoạt giá cả thị trường quốc tế như họ đã  giữ quyền lực ấy trong các thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Ông Abdalla El-Badri, Tổng Thư Ký OPEC, trong một cuộc họp của ngành kỹ nghệ dầu lửa tuần này tại London, dự đoán rằng với mức giá dầu thô trên thị trường xuống thấp hiện nay, sản lượng dầu đá phiến (shale oil hay cũng gọi là tight oil) của Mỹ sẽ phải giảm đi rất nhiều.

Dầu đá phiến được khai thác bằng phương pháp có tên là “fracking,” tiếng tắt của “hydraulic fracturing,” nghĩa là bẽ gẫy bằng thủy lực, kỹ thuật bơm  một hỗn hợp chất lỏng xuống đất để bẻ gẫy các vách đá giữa các mạch dầu. Fracking và khoan ngang là tiến bộ kỹ thuật  phát triển đầu tiên tại Mỹ trong thập niên trước, giúp cho lấy được dầu lửa nằm trong các tầng đá phiến mà người ta đã biết từ lâu nhưng không tìm ra cách khai thác có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém hơn nhiều so với việc đào những giếng dầu kiểu cổ điển.

Dầu thô hạng "brent crude" trên thị trường thế giới lên tới $115 một thùng hồi tháng Sáu khi lực lượng chiến binh quá khích của Nhà Nước Hồi Giáo IS tràn vào xâm chiếm miền Bắc Iraq, hiện nay đã giảm xuống khoảng 20%. Ông El-Badri nhận định: “Nếu giá dầu ở mức $85 thì 50% sản xuất tight oil bị đe dọa.” Tuy nhiên theo ông, tác động của giá cả đối với sản lượng sẽ chỉ thấy vào năm tới vì các hãng khai thác shale oil ở Mỹ đủ khả năng chịu đựng sự rớt giá một thời gian. Ông cũng nói thêm, dù dầu xuống giá, sản lượng của OPEC năm 2015 có lẽ không thay đổi và vẫn ở mức như năm nay, khoảng 30 triệu thùng mỗi ngày. Do đó một số ngân hàng, như Goldman Sachs, tin rằng thị trường dầu lửa chỉ ổn định nếu sản lượng dầu thô Hoa Kỳ giảm bớt đáng kể.

Nhưng các giám đốc công ty Mỹ và phân tích gia tin rằng mức giá như hiện nay chưa đủ làm cho Hoa Kỳ phải giảm bớt sản lượng. Với kỹ thuật mới cải tiến, giá $70-$75 một thùng vẫn còn có lời để khai thác dầu đá phiến và chỉ khi nào xuống dưới $70 thì sản lượng mới có thể phải giảm bớt chừng 150,000 thùng/ngày.
Theo tính toán của hãng tư vấn Rystad Energy, nếu giá dầu Brent crude ở mức $65, nghĩa là thấp hơn hiện nay $25, các công ty khai thác dầu đá phiến Bắc Mỹ vẫn còn có thể sản xuất khoảng 6.4 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Al Walker, tổng giám đốc Anadarko Petroleum, một trong những công ty độc lập đứng hàng đầu về khai thác dầu đá phiến, giá cả hiện nay ít hoặc không có tác động tới kế hoạch sản xuất của họ, và sẽ  chỉ cần xem xét lại chi dụng nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp nữa.

Giá dầu xuống thấp có lợi về mặt kinh tế cho một số nước nhập cảng năng lượng, trong khi  một số nước xuất cảng bị thiệt thòi và có thể chịu những hậu quả  chính trị. Ba nước chịu ảnh hưởng nặng nhất về tình trạng dầu lửa xuống giá là Nga, Iran và Venezuela. Cũng như OPEC, các nước này mong đợi Hoa Kỳ giảm sản lượng.

Venezuela, quốc gia có đường lối chống Mỹ từ thời cố Tổng Thống Hugo Chavez và chủ trương phát động “Cách Mạng Bolivarian” trong khu vực. Ngân sách Venezuela căn bản dựa trên giá dầu $120/thùng và ngay cả khi giá dầu chưa xuống, đã có nhiều khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. Bây giờ ngoại tệ eo hẹp và lạm phát tăng cao khiến người dân Venezuela phải chịu thiếu thốn lương thực cùng với nhiều nhu yếu phẩm khác. Tình trạng này còn ảnh hưởng tới một số quốc gia vùng biển Caribbean vẫn trông nhờ vào viện trợ của Venezuela.

Iran cũng lâm vào tình thế phức tạp. Nước Cộng Hòa Hồi Giáo này cần giá dầu khoảng $140 một thùng để cân bằng ngân sách phù phiếm cho các dự án chi dụng phung phí từ thời cựu Tổng Thống Mahmoud Ahmedinejad. Những biện pháp cấm vận của Tây Phương nhằm kiềm chế chương trình phát triển nguyên tử càng khiến Iran bị khó khăn thêm. Tình hình dầu lửa mất giá ảnh hưởng nặng nề đến Iran mà một số dư luận cho rằng đây là âm mưu của Saudi Arabia hợp tác với Hoa Kỳ để tạo  áp lực với quốc gia đối thủ trong vùng Vịnh.

So với hai nước vừa nói, Nga có điều kiện khứng chịu lâu dài hơn. Một trong những yếu tố đưa đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết năm 1991 là dầu lửa, chiếm 2/3 trị giá xuất cảng, xuống giá từ 1980 đến 1986. Ngược lại, 14 năm cầm quyền của Tổng Thống Vladimir Putin đứng  vững dựa trên giá dầu tăng gần gấp ba. Bây giờ giá dầu thấp, điện Kremlin vẫn còn có thể sử dụng quỹ tiết kiệm từ những năm trước. Có lẽ Nga sẽ có thể đối phó với tình hình từ 18 tháng đến 2 năm nhưng cuối cùng sẽ cạn tiền và ngân sách quốc phòng khoảng 20% chi tiêu sẽ là phung phí. Với những biện pháp trừng phạt của Tây Phương, Nga khó vay nợ, người dân nghèo ít đủ khả năng mua các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm nhập cảng, tâm lý bất mãn đối với chính quyền sẽ tăng lên.

Tại Iran, Tổng Thống đương nhiệm Hassan Rouhani được bầu lên với kỳ vọng nâng cao mức sống cho dân chúng, nếu kinh tế suy sụp thêm, phe cực đoan bảo thủ sẽ mạnh lên. Tại Nga, nguồn lợi xuất cảng giảm sút sẽ làm gia tăng tinh thần dân tộc bài ngoại thể hiện qua cuộc nội chiến Ukraine. Đó là những hậu quả không mong muốn do tình trạng dầu lửa hạ giá.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến từ 2010 đã đưa Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, từ vị trí một nước hoàn toàn nhập cảng dầu khí, đến chỗ có thể xuất cảng. Hai khu vực khai thác dầu khí trong đá phiến quan trọng nhất hiện nay là Eagle Ford miền Nam Texas và Bakken ở North Dakota. Nhiều tiểu bang khác cũng có dầu khí trong đá phiến với trữ lượng lớn nhưng quan trọng nhất là vùng Thung Lũng Trung Ương California, nhưng công cuộc khai thác ở đây mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu vì các giới đầu tư còn nghiên cứu về điều kiện khả thi, cân nhắc giữa phí tổn và hiệu quả kinh tế. (HC)







No comments:

Post a Comment

View My Stats