Saturday 1 November 2014

Chưa hết chuyện Ebola (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)
Thursday, October 30, 2014 5:50:56 PM

WESTMINSTER (NV) - Dịch bệnh Ebola đã là mối lo ngại lớn cho toàn thế giới từ 3 tháng nay và chưa thể chấm dứt cho đến đầu năm tới, theo như tiên liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization).

Một số sự kiện mới, đáng chú ý hiện nay là:

- Mức độ lây lan đã giảm tại Liberia, một trong ba nước Tây Phi chịu dịch bệnh nặng nhất.

- Hoa Kỳ chứng tỏ có đủ khả năng đánh bại chứng bệnh này, thể hiện qua việc một số nhân viên y tế nhiễm bệnh đã được cứu sống, nhưng cần phải chặn đứng dịch bệnh tận gốc ở Phi Châu thì mới bảo đảm an toàn toàn cầu.

- Người ta nghi ngờ đã có trường hợp bệnh Ebola tại những nước khác như Trung Quốc hay  Ấn Độ, và đây sẽ là rủi ro đáng kể vì mạng lưới y tế phòng chống chưa chắc đủ hiệu quả ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Bác sĩ Peter Piot, hiệu trưởng London School of Hygiene and Tropiacal Medicine (trường y tế London về vệ sinh và y khoa nhiệt đới), người góp phần trong việc tìm ra siêu khuẩn Ebola, hôm Thứ Năm bày tỏ mối quan tâm là dịch bệnh có thể lan tới Trung Quốc do có nhiều công nhân lui tới Phi Châu. Theo ông, không thể nào ngăn chặn mọi người trên thế giới đi lại, và Trung Quốc là nơi dễ bị nguy hiểm nhất. Như tôi đã từng thấy khi đến thăm một vài chỗ, sự kiểm soát nhiễm trùng ở đây rất kém.”

Bộ y tế Trung Quốc xác nhận từ tháng 8 đến nay hơn 8,600 người đã từ vùng dịch Ebola  trở về Quảng Đông và mỗi tháng có hàng chục chuyến bay. Tất cả những người này được theo dõi tình trạng sức khỏe trong 3 tuần lễ và nếu có triệu chứng nóng lạnh sẽ bị cách ly ngay. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn có những sơ hở.

Tân Hoa Xã cho biết chưa xảy ra trường hợp bệnh Ebola nào tại Trung Quốc, tuy nhiên nhiều trường hợp nghi ngờ đã được đưa tới bệnh viện để săn sóc theo dõi. Những người từ vùng bệnh ở Phi Châu trở về phải kiểm tra thân nhiệt tại phi cảng và sẽ được đưa tới bệnh viện nếu có nhiệt độ cao hơn 37.3 độ C. Những ai không có triệu chứng nóng lạnh nhưng đã có tiếp cận với người bệnh sẽ được kiểm tra thân nhiệt 2 lần mỗi ngày trong 3 tuần lễ. Những ai không từng tiếp cận với người bệnh được yêu cầu tự nguyện cách ly, cô lập ở nhà riêng trong 21 ngày.

Trung Quốc viện trợ $86 triệu cho ba nước Tây Phi và gởi tới khoảng 200 nhân viên y tế. Cho đến nay, Nhật Bản cũng hứa hẹn viện trợ $40 triệu cho công cuộc chống Ebola nhưng ông Piot cho là còn cần thêm nhiều nữa.

WHO nhìn nhận đã không có nỗ lực hiệu quả để ngăn chặn Ebola ngay từ đầu cho đến khi dịch bệnh bùng phát rộng. Lý do là nhân sự không đủ năng lực và thiếu thông tin. Bác sĩ Peter Piot cho biết mãi tới tháng Tám, nghĩa là 5 tháng sau khi chớm phát dịch bệnh và đã có 1,000 bệnh nhân thiệt mạng, WHO mới tuyên bố Ebola là hiểm họa y tế khẩn cấp toàn cầu.

Hôm 30 tháng 10, Bắc Hàn loan báo biện pháp cách ly 3 tuần lễ để theo dõi tình trạng y tế tất cả mọi công dân nước ngoài, bất cứ là người nước nào và từ đâu tới. Những người này sẽ được cách ly ở một khu khác khu của người từ vùng dịch bệnh đến. Địa điểm cách ly có thể là khách sạn và các nhân viên ngoại giao đoàn hoặc cơ quan quốc tế được phép  lưu ngụ tại nhà riêng. Đây là lệnh cách ly chặt chẽ nhất so với các quốc gia khác mặc dầu cho đến bây giờ chưa xảy ra trường hợp Ebola nào ở Bắc Hàn.
Tại Hoa Kỳ, nữ y tá Kaci Hickox, 33 tuổi, tình nguyện làm việc cho MSF, từ Phi Châu trở về, đã bày tỏ sự bất mãn với biện pháp cách ly của các tiểu bang chặt chẽ hơn đòi hỏi của CDC và quy định của liên bang (Trung tâm phòng chống dịch bệnh ở Atlanta). Cô bị cách ly hai ngày ngay sau khi đặt chân xuống  phi cảng quốc tế Newark, New Jersey, mặc dầu không có triệu chứng bệnh (nóng lạnh, tiêu chảy, nôn mửa) và thử nghiệm sơ khởi âm tính với vi khuẩn Ebola. Ngày Thứ Hai tuần này, Hickox được đưa về nhà ở Fort Knox, Maine, và tiểu bang này yêu cầu cô tiếp tục tự nguyện cô lập tại gia và không tiếp xúc với người khác cho đến 10 tháng 11 nghĩa là đủ thời gian 21 ngày cách ly.

Nhưng hôm Thứ Tư, Hickox bước ra khỏi nhà trong một khoảng thời gian ngắn và tổ chức cuộc họp báo không chuẩn bị trước cùng với người bạn trai. Cảnh sát canh giữ ngôi nhà đứng nhìn từ bên kia đường, không can thiệp, và các giới chức tiểu bang cho biết sẽ xin án lệnh tòa để bắt giữ cô.

Sáng Thứ Năm Hickox và người bạn đi xe đạp kéo theo một nhóm cảnh sát và các phóng viên dạo một vòng qua các đường phố giữa những cây lá đổi màu sặc sỡ của mùa thu miền Đông Bắc. Cô nói rằng đây là cuộc tranh đấu cho những mục tiêu khác hơn là bản thân mình, một chuyến đi xe đạp vì khoa học và dân quyền. Ebola không thể lây nhiễm nếu chưa phát sinh triệu chứng gì ở người bệnh và không hợp pháp nếu hạn chế tự do cá nhân chỉ vì sự lo sợ của đám đông.

Thống Đốc Maine không chấp nhận lập luận ấy nhưng ông cho biết đã không thể thương lượng với Hickox và buộc phải nhờ sự can thiệp của tòa án.

Bà Samantha Power, đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc vừa đi thăm 3 nước Tây Phi trở về. Theo lời bà sự đáp ứng toàn cầu với dịch bệnh Ebola hứa hẹn đem lại nhiều “hy vọng và khả năng.” Số trường hợp nhiễm khuẩn mới đã giảm đi từng ngày, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều tài nguyên nhân vật lực.

Hôm Thứ Tư, Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel ban hành lệnh cưỡng bách cách ly 3 tuần lễ tất cả các quân nhân trở về sau một thời gian phục vụ ở Tây Phi hỗ trợ cho việc chống Ebola, dù rằng những người này không chữa trị hay tiếp cận với bệnh nhân.

Một nhóm quân nhân, trong số có cả một Thiếu Tướng Lục Quân từ Phi Châu trở về Ý được lệnh cách ly tại căn cứ Vicenza, thành phố cách Venice 40 km về hướng Đông Bắc. Tuy nhiên hôm Thứ Tư, thống đốc tỉnh Veneto nói với tờ nhật báo La Republica rằng những người này nên về nước vì “nước Ý chúng ta không có lý do gì trở thành một bệnh viện người cùi và chứa chấp những binh sĩ nhiều rủi ro này.”
Biện pháp cách ly chặt chẽ áp dụng cho quân đội khắt khe hơn đối với các nhân viên y tế dân sự. Chính quyền liên bang theo hướng dẫn của CDC chỉ quy định biện pháp cách ly trong trường hợp cá nhân có triệu chứng bệnh, những người khỏe mạnh bình thường chỉ phải kiểm tra y tế 2 lần một ngày trong thời gian ba tuần lễ. Tuy nhiên New York, New Jersey, Illinois và nhiều tiểu bang khác đòi hỏi sự tự nguyện cách ly, không chấp nhận quy định của liên bang mà họ coi là thiếu an toàn.

Tổng Thống Obama hôm Thứ Tư nói Hoa Kỳ không thể nào là vô nhiễm với Ebola, “chúng ta không nên khóa kín bưng với bên ngoài và để ngăn chặn dịch bệnh phải chống trả ngay tại những nơi xuất phát tại Phi Châu.” Ông cho rằng đừng nên làm nản lòng các nhân viên y tế tình nguyện phục vụ bằng những biện pháp kiểm soát cách ly quá khắt khe khi họ trở về. Th

Nhận định của Tổng Thống được đưa ra giữ lúc có nhiều tranh luận giữ chính quyền liên bang và một số tiểu bang về sự khác biệt đường lối ứng xử trong những trường hợp này, ngoại trừ chính sách riêng với quân đội.

Dịch bệnh Ebola trở nên một đề tài chính trị vào thời điểm cuộc bầu cử sắp tới. Cựu Thống Đốc Jeb Bush tiểu bang Florida, một nhân vật nhiều triển vọng là ứng cử viên Tổng Thống Cộng Hòa năm 2016, trong cuộc nói chuyện ở trường đại học Vanderbilt, chỉ trích Tổng Thống Obama là “thiếu năng lực” trong vấn đề đương đầu với Ebola với đường lối không rõ ràng gây nên những lộn xộn.

Nhưng theo một thăm dò dư luận của Washington Post/ABC News thì Ebola đã làm Tổng Thống phục hồi uy tín trở lại sau một giai đoạn mức tín nhiệm ông xuống rất thấp. Thăm dò này đưa ra kết quả 49% dân chúng Mỹ tán thành chính sách của Tổng Thống và 41% không đồng ý. Nhưng về biện pháp hạn chế đi lại để giảm thiểu nguy cơ lan nhiễm bệnh, vẫn còn 70% ý kiến cho rằng Hoa Kỳ nên giảm sự đi lại đến vùng Tây Phi.

Hôm Thứ Năm, WHO cho biết số trường hợp nhiễm siêu khuẩn Ebola đến nay đã lên tới 13,700 và  trên 5,000 bệnh nhân tử vong. Bác sĩ Bruce Ayward của WHO nói rằng tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh là 70% nhưng trong số những người đến các trung tâm điều trị thì tỷ lệ này thấp hơn nhiều. (HC)






No comments:

Post a Comment

View My Stats