Sunday 22 December 2013

VAI TRÒ CỦA PHÁP Ở PHI CHÂU (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát / NGƯỜI VIỆT
Thursday, December 19, 2013 5:48:31 PM

Trong năm nay, hai lần Pháp đưa quân đội đến Phi Châu can thiệp vào nội tình ở Mali và Cộng Hòa Trung Phi. Tổng Thống Francois Hollande đảng xã hội cánh tả tỏ ra có khuynh hướng can dự vào Phi Châu hơn cả cựu Tổng Thống Nicolas Sarkozy đảng cánh hữu bảo thủ, tuy nhiên bằng một đường lối khác qua sự phối hợp với các quốc gia Phi Châu.

Nhưng tại sao ngày nay Pháp chủ trương tích cực tham dự trong những vấn đề ngoại quốc, đặc biệt ở Phi Châu như vậy, là nghi vấn mà nhiều quan sát viên và bình luận gia quốc tế đã nêu lên.

Truyền hình Al-Jazeera đặt câu hỏi: Phải chăng Pháp đóng vai  “sen đầm” ở Phi Châu. Nhắc lại rằng từ 1960 khi Pháp trao trả độc lập cho các thuộc địa cũ ở Phi Châu, quân đội Pháp đã 48 lần can thiệp vào khu vực Nam sa mạc Sahara, trong đó 8 lần ở Cộng Hòa Trung Phi.

Gần đây, tình hình bạo động gia tăng giữa các phe nhóm ở Cộng Hòa Trung Phi, và giao tranh xảy ra làm hàng trăm người thiệt mạng ở thủ đô Bangui. Ngày 5 tháng 12, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng thanh chấp thuận nghị quyết cho phép Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình của các quốc gia Phi Châu, với sự hỗ trợ của quân Pháp, can thiệp để ổn định an ninh trật tự.  Pháp cho biết sẽ nhanh chóng tăng viện thêm ít nhất 1,000 quân cho 400 quân Pháp đã hiện diện tại đây từ nhiều tháng.

Nhưng theo Al-Jazeera, sau vụ 2 quân nhân Pháp chết tuần trước, sự ủng hộ của dân chúng đối với chiến dịch này giảm từ 51% xuống còn 44%.. Mối quan tâm của dân chúng Pháp là: “Tại sao luôn luôn chúng ta phải có mặt?”

Đối với họ, đây là một miền đất xa lạ với những biến động không liên quan gì đến nước Pháp. Công Hòa Trung Phi, diện tích 600,000 km2, dân số 5 triệu, nằm giữa lục địa không có bờ biển, đất thuộc địa của Pháp từ thế kỷ 19. Được trao trả độc lập năm 1960 và trở thành một nước Cộng Hòa,  nhưng trong hơn ba thập niên sau đó, quốc gia này trên thực tế không có một thể chế chính trị rõ ràng, quyền lực nằm trong tay người nào chiếm được bằng sức mạnh.

Dân Việt Nam thật sự chỉ nghe nói đến Cộng Hòa Trung Phi do từ quốc vương Bokassa, qua câu chuyện ly kỳ ông này tìm đứa con rơi tại Việt Nam khi là trung sĩ trong quân đội Pháp thời chiến tranh năm 1953. Như chuyện thần thoại, người con gái bỗng chốc trở thành công chúa và được đón từ Việt Nam về nước năm 1971. Nhưng ít lâu sau đó, bất ngờ tờ báo Trăng Đen ở Sài Gòn qua một cuộc điều tra tường tận tìm ra một người con gái thứ nhì được xác nhận mới đúng là con của Bokassa, và cả hai cô được Bokassa chấp nhận đưa về Trung Phi, xứ sở nghèo đói thường  chỉ được nói đến vì có nhiều tài nguyên thiên nhiên kể cả mỏ kim cương chưa được khai thác đúng mức.

Đại tá Jean-Bedel Bokassa cầm đầu cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng Thống Dacko cuối năm 1965, sau đó bãi bỏ thể chế cộng hòa và tự xưng là hoàng đế. Tới 1979, cuộc đảo chính do Pháp hỗ trợ hạ bệ Bokassa, hồi phục vị trí Tổng Thống cho Dacko và hai năm sau ông này lại bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự khác. Sự can thiệp vào một đất nước luôn luôn biến động như vậy không thể bảo đảm đưa đến một kết quả bền vững lâu dài và trong khi Pháp còn nhiều khó khăn về mặt kinh tế, quyết định triển khai quân đội đến Cộng Hòa Trung Phi là thắc mắc mà dư luận đặt ra. Có giả thuyết cho rằng thành công tương đối ở Mali cho đến lúc này là một yếu tố khiến Tổng Thống Francois Hollande ở vị thế thuận lợi để quyết định hơn.

Còn theo ông Hollande, nếu Pháp không can thiệp bằng quân sự thì Cộng Hòa Trung Phi sẽ có thể đi đến thảm kịch nhân đạo bởi xung đột tôn giáo và chủng tộc. Ông khẳng định là quân Pháp sẽ mau chóng chuyển giao trách nhiệm cho Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình của Phi Châu khi tình hình đã ở trong vòng kiểm soát.  Cũng có tin tức cho rằng có thể sự can dự trở thành cấp thiết hơn vì những nhóm loạn quân khủng bố như Boko Haram và AQIM (Al-Qaeda in the Islamic Maghreb) đã đến đặt căn cứ hoạt động ở đây.

Lính nhảy dù Pháp trong chiến dịch mang tên “Operation Sangaris” đang tổ chức các cuộc tuần tiễu trên đường phố thủ đô Bangui, đi từng nhà lục soát truy tầm và tịch thu tất cả mọi loại vũ khí từ súng cá nhân tới dao mã tấu. Bản thông cáo của phủ tổng thống Pháp nói rằng cần phải vãn hồi an ninh trật tự không chỉ tại thủ đô mà trên toàn thể đất nước Cộng Hòa Trung Phi để các đoàn cứu trợ nhân đạo có thể trở lại hoạt động. Khoảng 460,000 dân chúng đã phải bỏ nhà cửu lánh nạn và trên 1 triệu người sống nhờ vào phẩm vật cứu trợ nhân đạo.

Từ tháng 3 vừa qua, nhiều vụ xung đột xảy ra giữa các nhóm dân quân Thiên Chúa Giáo, chiếm khoảng 80% dân số Cộng Hòa Trung Phi, và Hồi Giáo, sau khi loạn quân Hồi Giáo Seleka lật đổ Tổng Thống Francois Bozize.

Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Phi Châu đã triển khai khoảng 2,500 quân ở Cộng Hòa Trung Phi và ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi tăng quân đội quốc tế tăng lên tới 6,000.  Tuy nhiên quân lực này không đủ khả năng hoàn thành sứ mạng nếu không được thêm sự hợp lực của quân Pháp gồm những binh sĩ thiện chiến và có kinh nghiệm hoạt động hơn.

Đài phát thanh NPR nói rằng trên màn ảnh của các đài truyền hình Pháp đầy rẫy hình ảnh  dân chúng địa phương hoan nghênh các đoàn quân đội Pháp với lời đón chào “Vive la France”. Trước Mali đầu năm nay, năm 2011 quân Pháp cũng đã đến Ivory Coast trợ lực cho vị Tổng Thống được bầu lên qua một cuộc bầu cử dân chủ. Những sự kiện ấy khiến có những dư luận hoài nghi là Pháp muốn trở lại vai trò sen đầm ở Phi Châu.

Nhưng Harold Hyman, phân tích gia về chính sách đối ngoại của kênh truyền hình Pháp BFM TV bác bỏ lập luận ấy. Theo ông: “Một thế hệ trước, Pháp có thể ủng hộ các nhà độc tài. Ngày nay hoàn cảnh đã đổi khác. Nếu Pháp không có mặt tại một quốc gia đang trong tình trạng hỗn loạn và sụp đổ thì sẽ xảy ra những cuộc biểu tình ở đó với lời phiền trách: Tại sao không đến giúp chúng tôi lúc này? Vì vậy chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm của một nước đàn anh”. Hyman cũng cho rằng quần chúng đã quen thuộc với các chiến dịch của Pháp ở Phi Châu và hầu hết ủng hộ, có sự khác biệt hoàn toàn giữa Pháp và Hoa Kỳ trong các sứ mạng này”.

Tổng Thống Hollande cũng nói rằng nếu Pháp không can thiệp thì sẽ không có nước nào khác can thiệp vào thảm trạng này, Ông đề nghị các nước Âu Châu tài trợ cho sứ mạng vì đó cũng là nhu cầu ngăn chặn khủng bố lan tràn tại Phi Châu. Roland Marchal, chuyên gia về khu vực Nam Sahara cho biết xung đột giữa dân quân Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo ở Cộng Hòa Trung Phi đã làm hàng trăm dân chúng thiệt mạng và một vụ diệt chủng có thể xảy ra. Nhắc lại sự kiện ở Rwanda 20 năm trước, 1 triệu dân Tutsi bị sát hại trong khi quân đội Pháp có mặt không can thiệp, ông cho rằng đó là một kinh nghiệm để ngày nay Pháp phải đưa quân đến Cộng Hòa Trung Phi”.

Năm 1994 tại Rwanda, quân đội Pháp được đưa tới với mục đích trợ giúp dân tị nạn, nhưng đã hành động như người che chở cho những kẻ diệt chủng rút chạy qua biên giới về Zaire, Cộng Hòa Congo ngày nay. Pháp không bao giờ thừa nhận sự kiện này nhưng Tổng Thống Nicolas Sarkozy năm 2008 đã nói là “Pháp có lầm lỡ ở Rwanda”.

Ngoại trưởng Alain Juppe lúc đó cũng nhận ra sai lầm ấy và sau này khi trở thành Thủ Tướng đã đề ra chủ trương thay đổi chính sách tại Châu Phi bằng sự can dự chủ động hơn. Tổng Thống Sarkozy đắc cử năm 2007 đẩy mạnh chủ trương một bước nữa với kế hoạch triển khai thường trực quân đội Pháp và duyệt lại hiệp ước phòng thủ song phương với các nước đồng minh Phi Châu, từ bỏ cam kết bảo vệ các chính quyền thân hữu đương nhiệm.

Nhưng trong vụ Libya năm 2011, Tổng Thống Sarkozy đã làm thất vọng nhiều nước Phi Châu khi dứt khoát đứng về phía Mỹ và Anh  trợ lực cho quân nổi dậy chống Muammar Gaddafi,  mà không ủng hộ Liên Hiệp Phi Châu về một giải pháp thương thuyết hòa bình. Tổng Thống Francois Hollande kế đó thận trọng hơn, không để Pháp ở vị trí tự ý quyết định, mà luôn luôn tìm sự phối họp với các quốc gia Phi Châu trước khi  hành động.

Bằng việc đưa quân đến Cộng Hòa Trung Phi trong lúc can thiệp quân sự ở Mali chưa hoàn toàn kết thúc và sự truy diệt AQIM ở vùng Sahara hãy còn là một công tác lâu dài, Pháp sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn về mặt quân sự cũng như chính trị. Chiến dịch Sangaris chưa thể chấm dứt trong 6 tháng như tuyên bố lạc quan của chính phủ Pháp. Hơn nữa để tạo lập được một chính quyền dân chủ và ổn định ở Cộng Hòa Trung Phi không phải là điều đơn giản.

Người ta cũng còn nhớ rằng năm 1979 khi lính nhảy dù Pháp trong chiến dịch Barracuda lật đổ quốc vương Bokassa, hành động này đã bị dư luận quốc tế gọi là “Cuộc viễn chính thuộc địa cuối cùng của nước Pháp”. Trong mọi trường hợp, Pháp không thể có thêm một cuộc viễn chinh nữa bây giờ và trong tương lai. (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats