Thứ bảy 21 Tháng Mười Hai 2013
Để tìm hiểu cội nguồn dãy thiên
hà mà trong đó trái đất nhỏ hơn hạt bụi, cơ quan không gian châu Âu trao nhiệm
vụ cho viễn vọng kính tối tân Gaia, vừa được phi thuyền Soyouz của Nga đưa lên
không gian từ căn cứ Kourou tại Guyane của Pháp.
Trung tâm không gian Kourou phóng thành công phi
thuyền Soyouz để đưa Gaia vào vũ trụ - REUTERS /ESA/ATG medialab
Với quỹ đạo nằm cách địa cầu
1,5 triệu km, hy vọng kính viễn vọng Gaia sẽ phát hiện ra những thái dương hệ
tương tự như hệ mặt trời của chúng ta.
Viễn vọng kính Gaia, viên bảo
ngọc của cơ quan không gian Châu Âu, có nhiệm vụ quan sát dãy thiên hà đã được
phi thuyền Nga Soyouz rời dàn phóng ở Guyane, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam
Mỹ ngày 19/12/2013. Tham vọng của Cơ quan không gian châu Âu là vẽ bản đồ dãy
Ngân hà trong không gian ba chiều (3D).
Mười tiếng đồng hồ sau khi rời
mặt đất, viễn vọng kính Gaia mở chiếc dù kim loại có đường kính 10 mét gồm hai
mặt : mặt pin mặt trời hướng về mặt trời để nhận năng lượng và mặt kia là chiếc
dù bảo vệ các máy móc nhạy cảm không bị ánh nắng làm hỏng.
Hôm nay 21/12/2013, viễn vọng
kính tiếp tục hành trình dài một tháng để lên vị trí « cố định » được đặt tên
là « điểm Lagrange 2 », cách trái đất 1,5 triệu km. Từ đây, Viễn vọng kính sẽ
theo trái đất quay chung quanh mặt trời và có thể quan sát dãy Ngân hà mà không
bị trái đất và mặt trăng làm nhiễu.
Nhiệm vụ của Gaia kéo dài 5 năm,
xác định vị trí của hàng tỷ ngôi sao (định tinh) trong dãy Ngân hà và vẽ bản đồ
dãy thiên hà của chúng ta trong không gian ba chiều.
Theo Tổng giám đốc công ty
không gian Arianespace, Stéphane Israel, nhân loại đang bước vào thời kỳ « rạng
đông » trong công cuộc tìm hiểu lịch sử vũ trụ.
Viễn vọng kính Gaia (thần trái
đất theo truyền thuyết Hy Lạp) tiếp nối nhiệm vụ của vệ tinh Hipparcos năm
1989.
Hipparcos cũng là tên của nhà thiên văn đầu tiên, người Hy Lạp, cách nay 2000 năm, vẽ bản đồ vũ trụ bằng mắt thường, định vị khoảng 1000 ngôi sao.
Đến cuối thập niên 1980 đầu
thập niên 1990, viễn vọng kính Hipparcos phát hiện hơn 120.000 ngôi sao. Tổng
phí tổn chương trình Gaia là 1 tỷ euro.
No comments:
Post a Comment