Monday, 30 December 2013

CHUYỆN HIẾN PHÁP & QUỐC HỘI (Thanh Quang - RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-12-30

“Không có vùng cấm” hay “Vùng nào cũng cấm”

Ngay từ những tháng đầu năm 2013, sau khi ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội VN, Ủy viên Ủy ban Sọan thảo Hiến pháp, tuyên bố “không có vùng cấm” nào trong việc góp ý của tòan dân về chuyện tu chính Hiến pháp 1992, thì người dân Việt đã dồn dập góp ý theo lời kêu gọi của nhà nước, từ Thư của Hội Đồng Giám Mục VN, Tuyên bố của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tuyên Bố của Công Dân Tự Do cho tới Tuyên Bố Nguyễn Đắc Kiên; và đặc biệt là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 của 72 nhân sĩ, trí thức, gọi tắt là “Kiến Nghị 72”.

Bản dự thảo Hiến pháp của nhóm nhân sĩ, trí thức đó đã đề nghị bỏ lời nói đầu của bản Hiến pháp VN 1992 vì nó mang "tính chất vi hiến" là bị áp đặt dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh chứ không thực sự phản ánh nguyện vọng nhân dân; đề nghị bỏ tên nước hiện hành "CHXHCNVN"; đổi thể chế Chủ tịch sang Tổng thống chế; cho các đảng phái đối lập đúng nghĩa tham chính; bảo vệ quyền làm người; tôn trọng sở hữu tư nhân về đất đai; "rạch ròi" tam quyền phân lập; lực lượng võ trang phải bảo vệ đất nước, nhân dân, chứ không phải trung thành với đảng CS; cho trưng cầu dân ý về Hiến pháp…

Riêng về Điều 4 Hiến Pháp, ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước TP HCM, người ký tên trong bản kiến nghị dự thảo hiến pháp vừa nói, cho biết:
Tôi thấy rằng họ có thể ghi những điều mà dự thảo yêu cầu, nhưng nếu Điều 4 còn thì nó sẽ phủ định hết tất cả. Vì họ độc quyền lãnh đạo mà nếu họ ghi những điều đó đồng thời với Điều 4 thì Điều 4 sẽ phủ định hết tất cả những gì thay đổi.

Nhưng rồi chuyện tòan dân nghe theo lời kêu gọi của đảng, nhà nước và đã sôi nổi góp ý, bàn cãi, đề nghị, kể cả “sôi nổi” tại diễn đàn Quốc Hội…thì chuyện “không có vùng cấm” lại sớm trở thành “có vùng cấm” khi người cầm đầu đảng là TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ trích những người góp ý, chẳng hạn như đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, là “suy thóai tư tưởng, đạo đức”, trong khi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh cáo về điều gọi là “tuyên truyền chống phá đảng và nhà nước”…

Từ Thanh Hóa, MS Nguyễn Trung Tôn cho biết:
Trước đây chúng tôi cũng rất mừng vì có thể qua sự sửa đổi Hiến pháp thì phần nào đó, Hiến pháp VN sẽ thay đổi, và người dân sẽ có nhiều quyền hơn để rồi có thể góp phần xây dựng Tổ Quốc và đảm bảo sự công bằng xã hội.

Nhưng rồi chuyện “không có vùng cấm” đã nhanh chóng trở thành “có vùng cầm” khiến MS Nguyễn Trung Tôn lưu ý:
Vấn đề Quốc Hội đề ra việc sửa đổi Hiến pháp và lấy ý kiến tòan dân cũng chỉ là, một lần nữa, đảng CS tiếp tục dùng chiêu bài Hiến pháp để mị dân và lừa dối quốc tế. Nhưng thực ra chẳng có điều gì thay đổi cả.

Qua bài “Đảng – Nhà nước, Hiến Pháp”, tác giả Nguyễn Trung không quên lưu ý rằng:
Sửa hiến pháp nhưng bị khuôn vào những nguyên tắc chỉ đạo của Tổng bí thư như sửa gì thì cũng phải trong khung khổ Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của hệ thống chính trị là thống nhất, không có tam quyền phân lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai…, chỉ đạo như thế là đứng trên, là ban cho, là ông chủ của nhân dân, là đứng trên Hiến pháp mất rồi!

Từ Đà Lạt, TS Hà Sĩ Phu khẳng định rằng "chừng nào việc soạn thảo và quyết định Hiến pháp còn do một tập thể mà tuyệt đại đa số (trong tập thể ấy) là người của một phe, một đảng thì… xin đừng tranh biện làm gì cho hoài công !

Một “trò bịp” không hơn không kém

Qua bài “Lan man chuyện hiến pháp”, nhà báo Nguyễn Minh Cần nhắc lại rằng trước khi đưa ra việc lấy ý kiến dân về “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” thì các nhân vật chóp bu trong Bộ Chính Trị, từ tổng bí thư, chủ tịch nước cho tới thủ tướng... đã lớn tiếng “chặn họng” nhân dân rằng “Bỏ điều 4 là tự sát”, “chỉ có quyền sở hữu toàn dân chứ không thể có quyền sở hữu tư nhân về đất đai”, “không thể có báo chí tư nhân”, “không thể có đảng phái đối lập”, “không thể có đa nguyên, đa đảng”, “quân đội và công an là của đảng, không thể khác được”, “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, “nhà nước ta không tam quyền phân lập”... Do đó, theo nhà báo Nguyễn Minh Cần, người dân bình thường có chút suy nghĩ cũng có thể nhận rõ cái việc sửa đổi hiến pháp này chỉ là một “trò bịp” không hơn không kém.

Nhà báo Nguyễn Minh Cần khẳng định:
Mục đích chính của đảng cầm quyền là qua việc lấy ý kiến dân để sửa đổi hiến pháp lần này là để khoác lên chế độ độc tài toàn trị hiện hữu, khoác lên đảng cầm quyền một cái áo choàng “chính thống”,“chính danh” nào đó bằng cách tuyên bố cuộc lấy ý kiến của dân vừa qua đã hoàn toàn thắng lợi, “nó tương đương với một cuộc Trưng cầu dân ý”! Nghĩa là họ sẽ “mập mờ đánh lận con đen” là đảng cầm quyền đã “hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân” trong “một cuộc Trưng cầu dân ý” (!),trong “một Ðại hội Diên Hồng của dân tộc ta trong thời đại mới”(!) và toàn dân đã chuẩn thuận, đã phúc quyết bản hiến pháp sửa đổi, như vậy là toàn dân đã cho phép cái gọi là đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục trường kỳ thống trị nhân dân Việt Nam “muôn năm”.

Blogger Phạm Lê Vương Các cũng bày tỏ lo ngại ngay từ lúc còn “sớm sủa” ấy, tức cả 10 tháng trước khi Quốc Hội VN thông qua bản Hiến pháp sửa đổi với tỷ lệ phiếu thuận gần như tuyệt đối. Blogger Vương Các lúc đó báo động:
Nếu được thông qua, nó sẽ tiếp tục báo hiệu cho những hình ảnh người nông dân ùn ùn kéo nhau đi kiếu kiện đất đai, bất đồng chính kiến lần lược rủ nhau vào tù vì “đe dọa cho an ninh quốc gia và trật tự công cộng”, cho đến việc người dân phải oằn lưng gánh nợ cho sự thua lỗ của các tập đoàn nhà nước, và rồi chúng ta sẽ tiếp tục được nghe những điệp khúc tự chỉnh đốn, phê bình và tự phê bình lên một tầm cao mới.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều bloggers cảnh báo rằng việc giới cầm quyền cho sửa đổi hiến pháp là vô nghĩa, đó là chưa kể các quan mọi cấp lâu nay chứng tỏ bất tuân luật pháp – mà nói theo lời báo Tổ Quốc, “ chính đảng CS cũng không coi hiến pháp ra gì”.

Khi nêu lên câu hỏi là giới cầm quyền “Sửa đổi hiến pháp để làm gì ?”, tờ báo nhắc lại rằng Hà Nội đã 5 lần sửa đổi hiến pháp, nhưng “Tất cả đều chỉ nhắm giải quyết một vấn đề nhất thời của ban lãnh đạo CS, chứ hoàn toàn không liên quan gì tới lợi ích dân tộc” cả.

Biểu ngữ của công an Chỉ biết còn đảng còn mình đã nói lên tất cả.

Và, đúng như những gì mà những người có tâm huyết với quê hương, dân tộc lo ngại, Quốc Hội VN đã thông qua bản Hiến pháp cũ sửa đổi thành Hiến pháp mới 2013 với tỷ lệ phiếu tán thành tới 97,59%, khiến công luận không khỏi liên tưởng đến những “đại diện của dân”, thêm một lần nữa, trở thành “đại diện của đảng”.

TS Hà Sĩ Phu chua chát rằng “ Nếu phải ngụy tạo một ưu thế đẹp thì dù được 100% nghị gật bỏ phiếu cũng nên giảm đi còn 70-80% thôi mới đáng mặt những kẻ nói dối thức thời. Con số 97,59% dù thật hay giả cũng là một con số dại dột trong tuyên truyền, vì nó gây ấn tượng một con số chua chát đáng buồn... cười!”.

Câu hỏi mà đã từ lâu, và đặc biệt là bây giờ, được mạnh mẽ nêu lên là đại biểu Quốc Hội VN có thực sự do người dân bầu chọn và thật sự đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của dân hay không ? Hay họ dưới hình thức cơ quan lập pháp để làm công cụ và phục vụ cho đảng ?

Blog Dân Làm Báo cho biết “đối với một Quốc hội có đến 500 đại biểu đều là đảng viên CS thì ai cũng biết trước kết quả…”.

TS Hà Sĩ Phu cũng không quên lưu ý rằng “đa số trong Quốc hội với 95% đảng viên chính là một ‘nhóm lợi ích’ khổng lồ mà quyền và lợi gắn chặt với điều 4 và với ‘sở hữu toàn dân” thì đa số ấy chỉ là đa số của một phe nhóm”. TS Hà Sĩ Phu nhân tiện trích dẫn lời nhà khoa học Albert Einstein từng khẳng định “Chúng ta không thể thắng được lũ ngu bởi chúng quá đông .

Lên tiếng với Đài ACTD, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cho biết:
Quốc hội hiện nay không đáp ứng được nguyện vọng của rất nhiều quần chúng. Rất nhiều người không tán thành việc Hiến pháp được thông qua… Họ là những người mà quần chúng mất hết sự tin tưởng.

Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh xem chừng như không “dằn được bực tức” mà phải thốt lên rằng “ Đến cái cơ quan gọi là lập pháp cũng không được quyền công khai góp ý sửa đổi hiến pháp” và “người ta dựng ra cả một hệ thống cơ quan dân cử từ trung ương xuống tận xã, phường để ngồi họp bàn và thông qua những vấn đề mà người ta đã quyết định sẵn từ trước. Người ta có thể huy động toàn dân một cách tốn kém vào việc góp ý để thay đổi hiến pháp nhưng rồi hiến pháp vẫn cứ như xưa”.

Sai lầm về lý luận lẫn thực tiễn

Như vậy là xã hội VN sẽ vẫn tiếp tục dưới “ánh sáng chỉ đường của chủ nghĩa Mác-Lê” dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây cảnh báo “ đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa”; đảng CS vẫn là lực lượng lãnh đạo xã hội, luật đất đai vẫn thuộc sở hữu tòan dân; quân đội vẫn trung thành với đảng; không có chuyện tam quyền phân lập…Đó là chưa kể, cũng theo lời lãnh đạo đảng, “ Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng”, nghĩa là một văn kiện “hạng hai sau cương lĩnh đảng” – tiếp tục dọn đường cho vai trò mà nhà báo Hạ Đình Nguyên gọi là “thế thiên hành đạo” của ĐCSVN quyết định số phận của người dân Việt “vô hạn định qua Điều 4”.

Blogger Quê Choa cho rằng “bảo vệ Đảng như rứa càng làm mất uy tín Đảng, càng làm cho người ta thấy Đảng đang đuối lý và quanh co”. Rồi blogger Quê Choa, tức nhà văn Nguyễn Quang Lập, nêu lên câu hỏi và tự trả lời:
Vì sao không tam quyền phân lập?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!
Vì sao đất đai phải sở hữu toàn dân?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!
Vì sao quân đội phải trung thành với Đảng?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!
Vì sao không được bỏ điều 4?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!

Blogger Trương Nhân Tuấn lưu ý rằng giới cầm quyền trong mấy thập niên qua đã không hoàn thành nhiệm vụ lịch sử được rầm rộ quảng bá là làm cho “dân giàu nước mạnh”, mà lèo lái đất nước “đi từ thất bại này đến thất bại khác”: Nền kinh tế kiệt quệ, tài nguyên bị khai thác bừa bãi, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, đạo lý xã hội suy đồi, con người hư hỏng, đất nước bị phương Bắc đe doạ, lãnh thổ không còn nguyên vẹn như Tiền Nhân để lại… Tác giả xem chừng như không dằn được bực tức rằng “ Hiến pháp Việt Nam vẫn khẳng định con đường đã thất bại từ hơn ba thập niên qua”.

Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Quản lý Kinh doanh Hà Nội, cựu Phó Thủ tướng, khẳng định “chủ nghĩa Mác – Lênin là sai lầm cả về lý luận và thực tiễn, là nguy hại, phải dứt khoát từ bỏ khỏi các văn kiện của đảng và nhà nước”, và “ghi chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội trong hiến pháp không những là sai lầm mà còn là lừa dối, là bịp bợm, khi cả thế giới đã từ bỏ, chôn vùi những học thuyết sai lầm này rồi”

Tạp chí Điểm Blog xin dừng lại ở đây. Và trước thềm Năm Mới 2014, Thanh Quang kính chúc quý vị mọi điều may mắn.



1 comment:

View My Stats