Tuesday, 31 December 2013

VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY 31-12-2013 (HT.ĐT.VRNs)




HT.ĐT.VRNs
Đăng ngày: 31.12.2013

VRNs (31.12.2013) – Sài Gòn –

Năm 2013, VN tiêu thụ khoảng 2,9 tỉ lít bia
Tuổi Trẻ đưa tin, trong buổi công bố tình hình ngành công nghiệp thương mại năm 2013 ngày 30.12, Bộ Công thương cho biết, cả năm qua VN đã sản xuất được khoảng 2,9 tỉ lít bia các loại, tăng 7,4% so với năm 2012. Trong đó, bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 531,1 triệu lít, bia thương hiệu Sài Gòn đạt khoảng trên 1,33 tỉ lít.
Theo một quan chức Bộ Công thương, về cơ bản, bia được tiêu thụ hết…
Trong một bài viết khác, tờ VTC đặt câu hỏi: “Người Việt uống 3 tỷ lít bia/năm: Nên vui hay buồn?”
Bài báo cho biết, mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2013 đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng nhiều ngành cũng phải đối mặt với thua lỗ, GDP giảm sút. Trong bối cảnh ấy, ngành sản xuất bia trong nước được coi như một điểm sáng khi vẫn tăng trưởng đều đặn ở mức 10%/năm với sản lượng đạt khoảng 3 tỷ lít trong năm 2013.
Con số 3 tỷ lít bia lại gần như chỉ phục vụ cho thị trường nội địa. Tính trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 32 lít bia trong năm – khiến Việt Nam trở thành “quán quân uống bia” ở khu vực ASEAN và thứ ba châu Á.
Bài báo cũng đưa ra một thực tế gần như nghịch lý: “Kinh tế khó khăn dường như không hề tác động đến ngành Bia – Rượu – nước giải khát ở nước ta”.
Cũng trong một bài viết về tình hình bia năm ngoái, tờ Tiền Phong đã đặt ra nhiều vấn đề, niềm vui của các doanh nghiệp sản xuất bia rượu với thành tích khủng về ăn nhậu của người Việt có đồng nghĩa với hàng tỷ nỗi lo?
Có thống kê được bao nhiêu người nghiện rượu, bao nhiều gia đình tan nát, bao nhiêu bi kịch và bao nhiêu cái chết từ bia rượu không? Đây mới chỉ là thống kê của riêng bia, còn rượu nữa chưa thống kê! Nếu thống kê đầy đủ, rất nhiều thứ đã ném hết vào bia với rượu.

Quản lý vay nợ của doanh nghiệp không được bảo lãnh
Theo Thông Tấn Xã loan tin, chính phủ vừa ban hành Nghị định số 219/2013/NĐ-CP về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
Nghị định gồm 3 chương 19 điều quy định rõ về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.2.2014. Bãi bỏ Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 1.11.2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay, trả nợ nước ngoài và Mục 4 Chương III Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28.12.2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối.

Cả nước đã xử lý được gần 400 cơ sở gây ô nhiễm
Thông Tấn xã loan tin, theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, cuối năm 2013, gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có biện pháp xử lý ô nhiễm, đạt 86,1%.
Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cho hay, việc kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và cải thiện môi trường làng nghề, các lưu vực sông, khu-cụm công nghiệp đã có những bước thay đổi lớn.
Thế nhưng, trong bài viết “U ám làng chì” của tác giả Hoàng Châu được đăng trên báo Công Thương cho biết: “thủ phủ” tái chế chì ở miền Bắc, làng Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên như u ám hơn bởi đầu làng cuối xóm, từ ngoài đồng đến nhà dân, đâu đâu cũng chỉ thấy một mầu xám của chì, màu đen của than, vỏ bình ắc quy cũ vương vãi khắp nơi.
Tác giả Hoàng Châu cho biết, công việc lao động chính của bà con làng Đông Mai là tái chế chì từ bình ắc quy cũ hỏng.
Tác giả Hoàng Châu cho biết thêm, trong quá trình tái chế bình ác quy để thu gom chì thì có một phần lượng axit trong bình ác quy còn xót lại “được xúc rửa và đổ thẳng xuống cống, rãnh, ao, hồ. Vỏ bình nhựa màu trắng được nghiền và bán cho các cơ sở tái chế, còn vỏ nhựa đen thì bị bỏ đi, chất đống ở bất cứ nơi nào có thể. Trong quá trình nấu chì, một lượng khói, bụi than và bụi chì, xỉ than, đồ phế thải… không qua bất cứ công đoạn xử lý nào được thải trực tiếp ra môi trường. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển chì và các loại phế thải nhiễm chì… theo các phương tiện vận chuyển không được che chắn phát tán khắp nơi. Đặc biệt, nhân công làm việc không được trang bị đồ bảo hộ lao động, với áo quần nhiễm chì và hóa chất, vô hình trung trở thành nguồn gây ô nhiễm chì cho chính bản thân và những người trong gia đình”.
Về sức khỏe của người dân làng Đông Mai, tác giả Hoàng Châu cho hay: “Hàng nghìn người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trong làng hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp bị nhiễm độc chì. Rất nhiều trẻ em đang phải hứng chịu những tác động không mong muốn đến hệ thần kinh cùng những di chứng, như: chậm phát triển trí não, còi cọc… do hàm lượng chì trong máu vượt quá ngưỡng cho phép.”
Ngoài ra, theo báo Người Lao Động đưa tin, việc hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp trong thời gian ngắn ở Quảng Nam đã gây tác hại xấu đến môi trường.
Báo Người Lao Động nhận định, khu công nghiệp Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam thường xả chất thải trong đêm tối hay lúc trời mưa lớn, theo đường cống chảy lênh láng ra đồng ruộng, vào tận khu dân cư. Người dân đi làm đồng về thường bị ngứa, trâu bò uống nước kênh mương cũng mắc bệnh, còn cá thì chết trắng bụng. Có gần 50 người tại đây chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư gan và phổi.
Còn hàng trăm hộ dân ở 2 thôn An Hải Đông và Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành cũng liên tục kêu trời vì bụi than các-bon đốt từ lốp xe cao su ở nhà kho của Xí nghiệp cảng Kỳ Hà. Và, người dân huyện Đại Lộc cũng bức xúc vì ô nhiễm môi trường từ các nhà máy sản xuất gạch men, thức ăn chăn nuôi làm lúa chết đầy đồng.
Ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, trong năm 2013, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã “tung” gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với hơn 1.400 tổ chức. Nhờ đó, ngành đã xử lý triệt để các hành vi vi phạm trên toàn bộ các lĩnh vực, giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tồn đọng kéo dài.
Trong khi đó, tác giả Hồng Châu với bài viết “U ám Làng chì” cho một nhận định khác về cách xử lý các cơ sở gây ô nhiễm của cấp chính quyền địa phương tỉnh Hưng Yên như sau: “Nhưng đến nay, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có những động thái quyết liệt.”
Những con số mà nhà cầm quyền đưa ra là “gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có biện pháp xử lý ô nhiễm, đạt 86,1%” có vẻ như để làm yên lòng người dân, hay để che lấp sự yếu kém về việc khắc phục tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở VN hiện nay.

Báo chí trong nước đồng loạt xóa bỏ thông tin: ‘Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK’
Theo nội dung bài viết còn sót lại của Vietnamnet được đăng tải trên trang nguyentandung.org thì vào chiều 30.12, trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê kiến nghị đưa việc phổ biến kiến thức về Biển Đông và chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông.
Đồng tình với đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”.
Ông ủng hộ việc đưa những nghiên cứu đã rõ, đã được khẳng định về Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, thống nhất về cấp học, mức độ để đưa rõ vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa khi tiến hành chương trình đổi mới xây dựng sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.
Thông tin trên đã được nhiều báo đài loan tin, trong đó có tờ Dân Trí, Pháp Luật thành phố hay Vietnamnet … Tuy nhiên, các nội dung trên đã bị gỡ bỏ ngay sau đó. Nếu độc giả dùng cụm từ khóa ‘Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK’ để tìm kiếm với Google thì sẽ thấy vô số kết quả, nhưng khi truy cập vào các trang trên thì chỉ thấy còn một trang trắng.
Đài Á Châu Tự Do cũng đưa tin về vụ việc này với bài viết: “Chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được đưa vào SGK
Câu hỏi cần nêu ở đây là: Tại sao các báo đài lại loại bỏ một thông tin quan trọng như thế ? Đây là một biện pháp đáng lẽ phải có từ lâu, để giáo dục cho các thế hệ tương lai của Việt Nam về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Và nếu các báo đài loại bỏ thông tin trên vì nội dung không đúng sự thật, thì một vấn đề cần đặt lại nữa là: Tại sao nội dung đáng lẽ phải có từ lâu lại không được đưa ra bàn thảo ?
Hay Việt Nam còn né tránh trong việc khẳng định chủ quyền của chính mình ?
Đài Á Châu Tự Do cũng cho biết thêm trong bài viết, Trung Quốc đã xâm chiếm đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974 sau một trận hải chiến với Hải quân VNCH. Còn một số đảo và bãi đá thuộc Trường Sa thì Trung Quốc đã lấn chiếm sau đó vào năm 1988 sau khi đánh bại Hải quân Nhân dân Việt Nam.


HT.ĐT.VRNs




1 comment:

  1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK, ngài khẳng định:

    [ “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”.]

    - Cha chả, lời đâu nghe mà sướng cái lỗ tai, có điều:

    "Nói với Làm, hai đàng trái ngược,
    Vốn xưa nay vẫn được múa hoài.
    Trên thông: giữa kẹt rất tài,
    Dưới kêu: trên ngoảnh, ông trời ngó lơ!"

    ReplyDelete

View My Stats