Monday, 30 December 2013

NHỮNG TẤM CHÂN TÌNH NGÀY CUỐI NĂM (Ca Dao - Danlambao)




Ca Dao   
12/30/2013           4 Comments http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

Một năm buồn, một năm vui, một năm hạnh phúc hay một năm đầy những oan khiên, rồi cũng sẽ khép lại, mọi người lại tiếp tục ước mơ, tiếp tục hy vọng, tiếp tục chúc cho nhau những điều mong đợi ở 365 ngày trước mặt.

Trong những ngày cuối năm cuống cuồng vội vã ấy, người ta quên đi một người tù vừa mới nhận bản án nghiệt ngã 15 năm, người ta không để ý đến một người vợ lã chã dòng nước mắt thống thiết gọi tên chồng, người ta không biết ở mãnh đất Phú Yên có hai đứa con trai tủi thân lặng lẽ dìu Mẹ đang oằn người trong nỗi đau, bỏ lại sau lưng người Cha mắt nhìn theo đau đáu một vòng ôm.

Trở về căn nhà dột nát, người con trai trưởng gói trọn những dòng nước mắt của Mẹ, những uất ức của em vào những con chữ trong lá thư gửi cho Cha. Lá thư sẽ không bao giờ đến được tay người nhận. Nhưng hàng chục ngàn người khác đã thay người Cha đọc lá thư này.

"Thư cho Ba trong tù" được đăng trên Dân Làm Báo ngày 27/12/2013. Ngay ngày đầu tiên đã có 17 comments, 3 ngày sau đã có 35 comments. Nhưng, con số comments không phải là chỉ số yêu thương mà nội dung của những comments mới là những thông điệp của tình người.

Hương Giang: “Buồn muốn khóc”.

Thạch Nguyên vò võ một tâm tình: “Đọc thơ em, lòng tôi se thắt, một vài giọt lăn, thương em, thương Mẹ, thương Ba, thương những gương hy sinh cũng như thương cả chính mình...”

Phạm Đức nhắn nhủ “Cháu và Gia đình không đơn độc, những người yêu công lý và cương quyết tiêu diệt ác thú Cộng sản luôn luôn bên cháu và gia đình cháu”.

Và kêu gọi: “Tôi mong tất cả mọi người hãy quyên góp giúp đỡ cho gia đình bác Ngô Hào trong khả năng theo tinh thần “Bầu ơi thương lấy Bí cùng”.

Chu Mot phẩn uất “Một bản án nghiệt ngã, bất công, một người tù vô tội, một gia đình ly tán, một hoàn cảnh não lòng...”

Người đưa tin hy vọng “Bác Ngô Hào sẽ sớm đoàn tụ với gia đình”.

Bà Năm Trầu: “không ngăn được dòng nước mắt”.

Và chắc chắn không phải chỉ có Bà Năm Trầu mà nhiều người đàn ông khác, trái tim tưởng chừng khô khan cũng đã phải vội giấu đi những dòng nước mắt chảy vội bởi những dòng chữ từ con tim của một người con hiếu thảo.

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng hiện đang còn bị quản chế ở Sài Gòn, Ngô Minh Tâm là một học trò giỏi và là một người con hiếu thảo. Những ngày Ba bị bắt và ra tòa sơ thẩm, Tâm đã liên lạc với Giáo Sư Phạm Minh Hoàng, người đã dạy trường Tâm đang học để hỏi thăm kinh nghiệm về nhà tù CSVN, để chia sẻ với thầy Hoàng nỗi đau và sự bất lực của mình trước bản án bất công của chế độ. Tâm đang học cuối năm thứ ba Đại học Bách khoa, ngày đi học, đêm dạy thêm và làm bất cứ việc gì có thể với hy vọng nhỏ nhoi là mãnh bằng đại học sẽ là cứu cánh cho cả gia đình. Mảnh bằng Đại học ở Việt Nam dù nhẹ như mây trời, vẫn là niềm mong ước của bất cứ bậc Cha Mẹ nào.

Lá thư cho Ba ấy không chỉ dừng lại trên khoảng không gian của Dân Làm Báo, nó được chuyển đến các diễn đàn và ở đó, nó cũng đã gợi lên những giọt lăn tăn. Dù người ta chưa từng nghe tên ông Ngô Hào, dù người ta không biết Ngô Minh Tâm là ai. Nhưng người ta đã đau cùng với Tâm một nỗi đau. Những người không quen ấy muốn được san sẻ cùng Tâm nỗi oan nghiệt của một kiếp người, kiếp làm người trong một đất nước Việt Nam bất hạnh.

Và, chỉ có ở đây, chỉ có lúc này người ta mới thấy được tình người nở rộ, ngay cả trong những giây phút tất bật của những ngày cuối năm. Những email được chuyển đi vội vã, và cũng rất nhanh, tấp nập những email phản hồi, nhắn hỏi: 

- Xin cho địa chỉ gia đình cháu Tâm để tôi gửi chút quà biếu.
- Gửi về đây có an toàn không? có nhận được không?
- Cho tôi địa chỉ hội Thương Phế Binh để tôi chuyển thư cho họ.
- Bên tôi sẽ tổ chức gây quỹ!...
- Tôi muốn giúp đỡ, phải làm sao, đồng đội của tôi mà!
- Ông Hào không phải đồng đội của tôi, tôi không đi lính, nhưng đồng hương. Tội quá!
- Bà vợ ông Hào bệnh nặng quá, gửi chút tiền cho bả trị bệnh, trong thư thằng nhỏ nói thuốc gửi, tháng có, tháng không...

Và tôi cũng khóc, khóc vì những giọt chân tình của người- người gửi cho một người không quen. Niềm tin về con người tưởng đã ngủ yên sau những trăn trở về lòng người nay bỗng thức giấc. Như một ngôi vườn được tưới mát sau một trận mưa rào, tình người trở dậy, rực rỡ trong nắng mai. Vẫn còn đó những trái tim, vẫn còn đó những chân tình của con-người dành cho con-người, không mất mát, nó chỉ cần được đánh thức đúng lúc, đúng nơi.

Tâm ạ, hãy tạm quên đi những gương mặt vô cảm, quên đi những nụ cười lạnh lùng, tàn ác của những bộ đồng phục màu xanh trong tòa án Phú Yên. Hãy biết rằng, bên cạnh những tâm hồn rừng rú ấy vẫn còn nhiều, nhiều lắm những tấm chân tình từ xa, xa lắm nhưng cũng gần, gần quá bên em. Hãy dìu dắt nhau bằng những tấm chân tình này. Và từ những vòng tay ấm đó, sẽ cho chúng ta niềm hy vọng chan hòa vào một ngày trên đất nước Việt Nam sẽ không còn những nhà tù giam giữ những con tim biết yêu thương.

30/12/2013

-----------------------------------------------

Ngô Minh Tâm
28/12/2013

Những viên công an cấp thấp có thể chỉ chăm chú thi hành lệnh cấp trên, có thể bị nhồi sọ đến mức thực sự tin rằng những tù nhân lương tâm như ông Ngô Hào là “kẻ thù” của đất nước, có thể đã trở thành những robot vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại. Nhưng các vị ở cấp điều hành, các vị nghĩ gì khi đọc những dòng chữ đau đớn oán hận của em nhỏ này? Các vị có hiểu rằng sự nhẫn tâm tàn bạo của các vị khi trấn áp những người bất đồng chính kiến đã gieo mầm uất hận trong lòng xã hội, cái mầm ấy sẽ mọc thành cây tầm vông như đã được sử dụng trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm nào. Hay các vị cứ ăn ngon ngủ yên, vì nghĩ rằng đến lúc ấy thì các vị đã cao chạy xa bay, có gì thì… con cháu các vị lãnh hộ? 

Hoàng Hưng 

------------------------------------

Ngô Minh Tâm

Tuy Hòa ngày 24/12/2013
 Kính thưa Ba,

Hôm nay, sau đúng một ngày họ xử Ba vì tội danh âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 vì những lý do hết sức vô căn cứ và phiến diện mà nhà nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa đã áp đặt cho Ba, bắt Ba phải ở tù 15 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Ngày xử án Ba, bên ngoài tòa án cũng như bên trong tòa, chỉ có Mẹ và hai anh em con cùng với một hàng rào công an hơn 50 người. Không băng rôn, biểu ngữ của bà con, không một bạn bè, người thân nào đến để chia sẻ cùng 3 Mẹ con và Ba. Bước vào căn phòng xử án chỉ có Mẹ, con và em Trí, một cảm giác cô đơn lạc lõng và rất buồn, chung quanh gia đình chỉ toàn là công an với khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm. Bao trùm lên không gian phòng xử án là một bầu không khí lạnh tanh, trong phòng chỉ có tiếng của Hội đồng xét xử vang vang, còn Ba thì không được phép nói gì ngoài hai chữ “ Có” và “Không”.

Đã nhiều lần trong lúc xử án Ba, con liếc nhìn xuống phía dưới căn phòng mong tìm được một người quen, nhưng đáp lại điều mong chờ của con là một nỗi thất vọng rất lớn, đến khi kết thúc phiên tòa, vẫn không một ai thân quen đến chia sẻ cùng gia đình. Hai đứa con buồn và tủi thân vô cùng Ba ơi…!!!
Ba thân yêu,

Ba biết không! Hôm đó, khi nghe tòa tuyên án: “Xử y án sơ thẩm bị can Ngô Hào 15 năm tù và 5 năm quản chế về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân”, Mẹ đã gào khóc rất nhiều, con và em đều không biết làm cách nào để giúp mẹ bớt đau khổ hơn cả. Chung quanh gia đình lúc đó chỉ có công an và công an. Đã thế, lúc Mẹ gào khóc họ còn quay phim và thậm chí cười mỉm nữa, con không biết nụ cười đó của họ là có ý gì, làm sao mà họ có thể cười trước một gia đình ly tán, đau khổ như vậy, không biết họ có được đi học không? Những bài học giáo dục công dân dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa đã dạy họ những gì mà họ có thể vô cảm trước nỗi đau khổ của đồng loại như thế?

Ba ơi! Mấy ngày trước khi họ xử án Ba, Mẹ lại lên cơn bệnh nặng, vì chứng bệnh ung thư giai đoạn cuối của mẹ đã phát tán trong những ngày Mẹ buồn và lo lắng cho Ba, kèm theo là thời tiết giá lạnh, nay Mẹ lại bị thêm chứng sỏi thận, gai cột sống nữa. Ngồi trong phòng xử án mà 2 tay, 2 chân Mẹ run cầm cập, Mẹ lại bị đờm chặn ngay cuống họng không cho thở, Mẹ phải chạy vào nhà vệ sinh để lấy đờm ra nhưng không được, con đã xin Mẹ để con chở Mẹ về nhưng Mẹ không chịu, Mẹ muốn tận dụng từng giây từng phút để đứng cạnh Ba, cổ vũ tinh thần Ba. Từ ngày Ba bị bản án sơ thẩm giam đến nay, Mẹ không được gặp mặt Ba, nên bây giờ, dù bệnh thế nào Mẹ cũng muốn tận dụng những giây phút bên Ba dù họ không cho Mẹ đến gần Ba.

Hôm đó trời rất lạnh, con thấy sức khỏe Ba đã yếu đi rất nhiều so với lần gặp trong phiên sơ thẩm trước đây, Ba đi không vững, trả lời tòa mà Ba phải ngồi trên ghế chứ đứng không nổi. Từ ngày Ba bị bắt tới giờ, con thấy Ba xanh xao hơn, tóc Ba đã bạc trắng. Hôm đó, con nhìn thấy chân Ba đã teo đi nhiều chỉ còn nhìn thấy da bọc xương và bên ngoài là đôi còng sắt. Đến ngày ra tòa mà họ vẫn còn còng chân Ba. Không biết họ nghĩ gì? một người năm nay đã 65 tuổi, lại bị bệnh, sức đâu mà đối chọi với hơn 50 công an? vậy mà họ vẫn còng chân Ba. Thấy đôi chân gầy còm, ốm yếu của Ba trong đôi còng sắt, con không cầm được nước mắt, Ba ơi!

Mùa mưa năm nay nhà mình dột nhiều lắm, không biết mái nhà sẽ trụ được bao lâu, nhà mình trước đã yếu nay lại xuống cấp nhiều. Mái nhà đã bị cơn bão lúc trước làm cho yếu đi, mưa dột nhiều không có chỗ nằm, con phải lấy thau hứng nước mưa dột vì chưa có tiền để lợp lại mái nhà. Chắc năm nay nhà mình không có Tết rồi Ba ạ. Ba thì ở tù, Mẹ thì bệnh nặng, tụi con không biết xoay xở vào đâu để có mâm cơm cúng Ông Bà ngày Tết. Xin Ba tha lỗi cho tụi con.

Ba ơi, đất nước mình là đất nước tự do mà sao mình chỉ lên tiếng nói những điều đúng, bảo vệ những người bị áp bức bất công thế mà bị tội vậy? Vậy còn gì là tự do nữa. Ba ơi! Những việc Ba làm con thấy không có gì là sai hết đâu ạ. Ba ơi, Ba mãi là Ba của con, là tấm gương kiên cường cho 2 anh em con.

Con của Ba
Ngô Minh Tâm
DT: 01669069937

VIDEO CLIP :
Tiếng kêu khóc của người vợ trước bản án bất công

HÌNH :
Bà Nguyễn Thị Kim Loan – vợ ông Ngô Hào sau phiên tòa xử.

Nhà gia đình ông Ngô Hào

Ngôi nhà dột nát…

Ông Ngô Hào trước khi bị tù


TIN LIÊN QUAN :

Phiên tòa phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Ngô Hào:

Ông Ngô Hào bị 15 năm tù vì tội “lật đổ”:

Đơn kêu cứu của vợ ông Ngô Hào:



1 comment:

View My Stats