Tuesday, 31 December 2013

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT TỔ CHỨC [CHÍNH TRỊ] NÀO LÀ ĐỨNG ĐẮN & LƯƠNG THIỆN ? (Việt Hoàng - Thông Luận)




Được đăng ngày Thứ ba, 31 Tháng 12 2013 16:23

Sau khi bài Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ: Một kho báu đang ngủ yên?” được đăng trên Thông Luận, có độc giả “Tuổi trẻ” đặt câu hỏi rằng: “Theo ông Việt Hoàng, làm sao nhận biết được  tổ chức nào là đứng đắn và lương thiện?” Nhận thấy đây là một câu hỏi chân tình, có thiện chí và nghiêm túc nên tôi xin viết thêm bài này để trả lời cho một câu hỏi tuy rất giản dị với chúng tôi nhưng lại rất khó nhận biết với nhiều người khác.

Trước hết, xin được trình bày thế nào là một tổ chức chính trị đúng nghĩa? Điều này tôi đã trình bày qua bài viết: Thành lập một đảng chính trị dễ hay khó?”  (Bài viết này đã được Thông Luận đăng hai lần vào tháng 2 và tháng 8 năm 2013). Theo chúng tôi thì “Một tổ chức chính trị  là tổ chức của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường để thay đổi xã hội và phụng sự nhân dân. Một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn. Điều kiện cần và đủ của một chính đảng đó là: có một tư tưởng chính trị nghiêm túc; một vị lãnh đạo có hiểu biết, lương thiện và bao dung; một đội ngũ nòng cốt gắn bó và đoàn kết; có những hoạt động thường xuyên, có sự phân công, tổ chức và lãnh đạo rõ ràng; có sự kế thừa; …”.

Trong các việc cần làm đầu tiên, khó nhất và quan trọng nhất đối với một chính đảng thì đó là hai việc: “Xây dựng một tư tưởng chính trị” lành mạnh, có khả thi và phải hướng tới một tương lai tươi sáng cho cả một dân tộc để làm chất keo kết dính mọi người Việt Nam lại với nhau. Thứ hai là việc “xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt” cho tổ chức chính trị đó. Hai việc này cần rất nhiều thời gian, thậm chí mất đến vài chục năm.

Vì sao lại cần nhiều thời gian đến như vậy? Câu trả lời cũng đơn giản nếu chúng ta suy ra từ lĩnh vực kinh tế. Uy tín của một tổ chức chính trị (cũng như thương hiệu của một công ty) không thể nào tự nhiên mà có được. Nó phải được xây dựng và chứng minh bởi thời gian. Tiền bạc có thể vay mượn nhưng uy tín thì không thể nào vay mượn được, nó là thứ phải xây dựng bằng những việc làm cụ thể trong một thời gian dài.

Một tổ chức chính trị đứng đắn là một tổ chức bao gồm những con người đứng đắn, lương thiện, yêu nước, bao dung và có hiểu biết. Tổ chức đó phải có một cương lĩnh rõ ràng, dễ hiểu, trong sáng và khả thi để giới thiệu với quần chúng nhân dân nhằm mục đích động viên người dân tham gia vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ. Tổ chức đó đồng thời phải là một tổ chức đoàn kết và có cùng một ý chí chung trên một mục tiêu chung đó là dân chủ hóa đất nước bằng những phương pháp hòa bình, bất bạo động, với tinh thần hòa giải và bao dung. Hay đơn giản hơn nữa để nhận biết một tổ chức “đứng đắn và lương thiện” là thông qua tư cách các thành viên của tổ chức đó, nhất là người lãnh đạo của tổ chức. Nếu tổ chức đó không có tai tiếng gì trong một thời gian dài về đạo đức hay tiền bạc thì tổ chức đó cũng ít nhiều cũng được xem là một tổ chức  “đứng đắn và lương thiện”. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Một tổ chức chính trị đúng nghĩa phải là một tổ chức hướng tới tương lai, tổ chức đó phải là hiện thân cho một tương lai bắt buộc sẽ đến mà mọi người Việt Nam đều có thể chấp nhận được. Nó hóa giải mọi hận thù bằng sự chân thành và minh bạch. Nó cũng không nhằm tiêu diệt bất cứ một ai trong xã hội dù mới hay cũ mà nó chỉ cố gắng mang lại mọi cơ hội cho tất cả mọi người và mọi thành phần.

Tổ chức đó cũng phải có được sự đồng thuận chung giữa các thành viên, không thể nào “ông nói gà, bà nói vịt” được, chỉ có thế thì những tư tưởng của tổ chức đó mới lan tỏa ra ngoài xã hội, và thông qua tầng lớp trí thức nó mới lan tỏa đến toàn dân. Sự bế tắc của các cuộc cách mạng với tên gọi “Mùa Xuân Ả Rập” ở Trung Đông là một bài học nhãn tiền cho chúng ta. Lật đổ một chế độ độc tài đã là khó, nhưng để xây dựng một chế độ dân chủ còn khó hơn gấp vạn lần.

Làm thế nào để có thể chuyển đổi một chế độ từ độc tài toàn trị sang một chế độ dân chủ và làm thế nào để chế độ dân chủ đó tồn tại bền vững? Câu trả lời chỉ có một: Phải có một tổ chức chính trị đối lập dân chủ hùng mạnh với một tư tưởng chính trị đứng đắn và lành mạnh. Tổ chức chính trị đó hay tập hợp chính trị đó phải nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân Việt Nam kể cả các thành phần đảng viên của chế độ cộng sản hay các cựu “công, binh, cán, chính” của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tất nhiên là không thể nào có được sự ủng hộ 100% trong một thể chế dân chủ, chỉ cần 50% cộng một là được. Việt Nam đã chín muồi cho một sự thay đổi toàn diện và nhất là khi đảng cộng sản Việt nam đã bế tắc hoàn toàn trong mọi địa hạt của đời sống chính trị cũng như kinh tế hay bất cứ một lãnh vực nào khác. Nên nhớ một đất nước có dân chủ là một đất nước có đối lập dân chủ hùng mạnh ngang ngửa với đảng cầm quyền.

Muốn người dân Việt Nam đứng lên tranh đấu để thay đổi cuộc đời của họ và của cả dân tộc thì phong trào dân chủ đối lập phải nhanh chóng hình thành và xuất hiện một tổ chức chính trị như là một “giải pháp thay thế” cho đảng cộng sản hiện nay. Chừng nào chưa có một “giải pháp thay thế” khả thi mà người dân có thể thấy được và hy vọng thì ngày đó chế độ độc tài toàn trị vẫn còn nguyên đó như là một thách thức đối với trí tuệ và lương tri của cả dân tộc Việt Nam.

Công cuộc dân chủ hóa đất nước là một cuộc đấu tranh bằng trí tuệ và sự hiểu biết, bao dung và chân thành, nó không phải là cuộc đấu tranh bạo động như đảng cộng sản đã làm vào năm 1945 và 1975. Vì thế cuộc đấu tranh này phải do giới trí thức tinh hoa Việt Nam dẫn dắt và lãnh đạo. Cuộc đấu tranh này tốt nhất là không có đổ máu, nó phải là một cuộc đấu tranh vừa từ bên trên xuống và vừa từ bên dưới lên, nó phải là cuộc thay đổi toàn diện trong xã hội, xóa bỏ những định kiến cũ đã lỗi thời và nguy hiểm để thay thế bằng một thể chế văn minh theo các tiêu chuẩn chung của Liên Hiệp Quốc.

Dưới bất cứ một chế độ độc tài nào thì ban lãnh đạo phong trào đối lập dân chủ ban đầu nên đặt ở hải ngoại để tránh sự đàn áp của nhà cầm quyền, và khi có điều kiện thuận lợi sẽ có mặt tại quốc nội để lãnh đạo phong trào. Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ là một cộng đồng có tiềm năng nhất về mọi mặt, từ con người cho đến tài chính. Họ cần phải thay đổi tư duy tự nhận họ chỉ là người hậu thuẫn còn người dân trong nước mới là người quyết định hoàn toàn việc dân chủ hóa Việt Nam. Bất cứ một tổ chức đối lập nào được thành lập và lãnh đạo bởi người Việt ngay tại trong nước thì trước sau gì cũng sẽ bị chính quyền vô hiệu hóa, không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Việc ông Lê Thăng Long, người sáng lập phong trào Con Đường Việt Nam vừa tuyên bố rút lui khỏi phong trào này để gia nhập vào đảng cộng sản Việt Nam một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy được sự khó khăn và phức tạp trong việc hình thành những tổ chức, phong trào dân chủ đối lập (và độc lập) tại Việt Nam. Lời khuyên của chúng tôi là những người yêu nước trong cộng đồng người Việt tại Mỹ nên tìm đến với một tổ chức chính trị đã có thâm niên và uy tín tại hải ngoại, như vậy thì sẽ tốt hơn. Vấn đề quan trọng không phải là người trong nước hay ngoài nước mà vấn đề là người đó, tổ chức đó đã và sẽ làm được gì cho đất nước.

Đến đây, hy vọng độc giả “Tuổi trẻ” có thể hình dung ra được thế nào là một tổ chức chính trị “đứng đắn và lương thiện”. Và có lẽ bạn là người mới làm quen với trang Thông Luận, nếu không bạn đã có thể biết được rằng tôi là một thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Và với tôi thì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị “đứng đắn và lương thiện” mà tôi tự hào là một thành viên. Điều quan trọng nhất tôi nhận thấy ở tổ chức này đó là sự chân thành, minh bạch, cởi mở, sự bao dung và trên hết đây là tổ chức dân chủ đối lập hướng tới tương lai. Một tương lai chung cho cả dân tộc Việt Nam. Một tương lai mà mọi người Việt Nam sẽ nhìn nhận nhau như là anh em, mọi thành phần dân chúng đều có một chổ đứng ngang nhau, sẽ không có một thành phần nào bị gạt ra ngoài sự phát triển chung của đất nước... Chính vì lẽ đó mà chúng tôi đã không chọn lá cờ vàng làm biểu tượng cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam và cũng vì lẽ đó mà chúng tôi vẫn chưa nhận được sự ủng hộ đáng có và cần thiết của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Chúng tôi hy vọng là quãng thời gian 38 năm qua cũng đủ để làm thay đổi tư duy của cộng đồng này và hy vọng lớn nhất của chúng tôi là từ các bạn trẻ, hoặc trung tuổi, là những người không bị gánh nặng của quá khứ đè lên đôi vai mình.
Hãy tìm hiểu về chúng tôi, hãy tiếp xúc với chúng tôi để cùng đồng hành với chúng tôi. Chúng tôi tin rằng nếu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Mỹ thì phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam sẽ bước sang một trang sử mới. Những gì chúng tôi có được đó là sự hiểu biết, tình đoàn kết, lòng yêu nước, tính lương thiện và tinh thần bao dung. Ngoài ra chúng tôi còn là một tổ chức cầu tiến, biết lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ. Minh bạch và đứng đắn là tiêu chí hoạt động của chúng tôi.

Việt Hoàng


1 comment:

View My Stats