Tuesday, 31 December 2013

BẠO LỰC CÁCH MẠNG, CÙNG ĐƯỜNG RỒI CHĂNG ? (Trần Minh Thảo)




Trần Minh Thảo
Posted by adminbasam on December 31st, 2013

Chính trị hưng thịnh thì có những việc làm, triệu chứng của hưng thịnh. Chính trị bại vong hoặc đang bên bờ bại vong thì có những việc làm, triệu chứng của bại vong. Sở dĩ có câu hỏi ‘cùng đường rồi chăng?’ vì thời gian qua, ở Việt nam  xuất hiện nhiều hiện tượng mang bản chất của chính trị cùng đường. Trong số đó có hai việc ‘gây bão’ trong dư luận xã hội: cho phép nổ súng trấn áp và nhập xuất cái chết trắng.

1/bạo lực và bạch phiến:

Một cách ngẩu nhiên hai sự vụ sau đây xuất hiện cùng thời điểm gây ra tâm trạng bất an,lo âu, công phẫn trong xã hội: Cho phép nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người và buôn bán bạch phiến số lượng lớn.

- Bạo lực cách mạng: Bản tin ngày 24/12 của báo Lao động điện tử cho biết: “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) thông qua tại phiên họp thứ 23 – ngày hôm qua (23.12)”: Cho phép nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người.

Trích vài đoạn: “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) thông qua tại phiên họp thứ 23 – ngày hôm qua (23.12), với việc CSCĐ được trang bị máy bay, tàu thủy và các vũ khí tối tân khác…Theo ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh (QPAN) của QH – do tính chất đặc thù, CSCĐ ngoài việc được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, còn được trang bị, sử dụng một số loại vũ khí khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh đó và được trang bị, sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng”.

Trong một bản tin tổng hợp của trang BBCVietnamese (Cảnh sát VN có thêm quyền nổ súng), cho biết: “Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, nhà nước Việt Nam thông qua các quy định liên quan tới việc tăng cường quyền của các lực lượng an ninh, trong đó công an, trong xử lý các vấn đề liên quan trật tự, trị an trong xã hội”.

Lần đầu là: Nghị định 208/2013/ND-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành vào ngày 17/12 và có hiệu lực từ ngày 01/2/2014 viết:
“Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí … thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực… hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.

Trang BBC tiếng việt cho biết:
“ luật sư Nguyễn Văn Miếng, từ văn phòng luật sư Hồng Đức, trong một trao đổi mới đây với BBC cho rằng nghị định này đã “vượt quá giới hạn phòng vệ”.Ông nói: “Người ta chống cự mình như thế nào thì mình chỉ được chống lại theo một cách tương đương, chứ không thể vượt quá giới hạn chính đáng được. Nếu người ta chống bằng tay không mà anh lại nổ súng, thì đó là sai rõ ràng.”
Còn luật sư Hoàng Văn Hướng, thuộc văn phòng luật sư Hoàng Hưng, nói với BBC cần phải có quy định cụ thể trong trường hợp nào thì được phép nổ súng.
“Cái cơ bản là quy trình tác nghiệp của người thi hành công vụ. Phải đặt ra dấu hỏi là nổ súng vào ai, chứ không phải ai vi phạm cũng nổ súng”, ông nói.
Hôm thứ Tư, bình luận về cả hai văn bản Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động và Nghị định 208/2013/ND-CP, một chuyên gia về luật nhân quyền từ Việt Nam không muốn tiết lộ danh tính nói:
“Nếu không có chế tài phù hợp, các quy định pháp luật mới này có thể dễ dàng tạo ra điều kiện và cho phép các sai sót, sai phạm trong lĩnh vực nhân quyền,mặt khác, ranh giới giữa đâu là những hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị trấn áp và những người vô tội được xem là chưa hoàn toàn rõ ràng, tường minh, có thể dẫn tới việc nhiều quyền cơ bản của công dân như tự vệ chính đáng, biểu tình, biểu đạt chính kiến, khiếu nại v.v… sẽ bị trấn áp, đe dọa bằng bạo lực một cách sai trái và nghiêm trọng” ý kiến quan sát này nói với BBC”.

Các vị luật sư và chuyên gia về luật nhân quyền nêu ý kiến rất đúng nếu các vị nói về luật trong các quốc gia pháp trị. Trong các quốc gia như Trung quốc, Việt nam, bắc Triều tiên… nơi mà hiến pháp quốc gia phải phục tùng cương lĩnh của đảng thì e không đúng.

Trước đây, khi chưa có pháp lệnh, nghị định cho phép nổ súng thì cũng đã có nhiều người dân bị bắn chết, bị đánh chết hoặc tự treo cổ chết trong các vụ tụ tập đông người hay từng người bị bắt về đồn công an.

Sau khi có pháp lệnh, nghị định cho phép bắn thì người bị bắn chết, bị đánh chết nhất định trong tay hoặc trong người có một thứ vũ khí nóng lạnh nào đó.

Câu hỏi cần đặt ra cho việc thi hành nghị định và pháp lệnh nêu trên là: tiền đâu?

- Chính trị bạch phiến: trong một bản tin tổng hợp, báo Đất Việt điện tử ngày 28/11/2013 cho biết: Qua điều tra vụ 600 bánh heroin (229 kg) trên một chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất sang sân bay Đào Viên (Đài Loan), bước đầu cơ quan điều tra đã xác định được đường đi của số heroin này. Theo đó, 600 bánh heroin trên nghi có xuất xứ từ Trung Quốc” (Ma túy từ Việt sang Đài: Xuất xứ từ… Trung Quốc?)

Hơn hai tạ bạch phiến đi xuyên Việt rồi đáp máy bay sang Đài loan mà chẳng ai hay. Có người nói đó là vụ xuất khẩu hơn 200 tử tù vì theo luật Việt nam cứ mang một ký bạch phiến thì phải chịu tử hình. Dư luận ‘nổi sóng’ vì vụ xuất khẩu hơn ‘200 tử tù’ bốc mùi ‘chính trị bạch phiến’ vì xảy cùng thời gian với luật ‘cho phép bắn’. Có ý kiến nói, sân bay Đào Viên bắt chuyến heroin này chỉ là đòn cảnh cáo hay yêu sách của Đài loan với ai đó (Trung quốc hay Việt nam?), nếu không đáp ứng sẽ còn bắt tiếp.
Chính trị bạch phiến (the politics of heroin) được đề cập đến trong cuốn sách “The Politics Of Heroin In South East Asia” của sinh viên ban tiến sĩ Alfred W.Mc Coy, nhà xuất bản Harper 8c Row, 1972, Hoa kỳ (có thể xem nội dung sách này tại đây).

Chương năm của cuốn sách Chính Trị Bạch Phiến Ở Đông Nam Á nói về buôn bán bạch phiến ở miền nam Việt nam, được Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng Để Cứu Nước Và Kiến Tạo Hoà Bình đưa vào cáo trạng số 1 ngày 8/8/1974 để luận tội chính quyền Nguyễn văn Thiệu: buôn bán bạch phiến. Một người quen ở Sài Gòn cho biết chương 5 của cuốn sách cũng được dịch trọn vẹn, đăng tải trong tạp chí Đứng dậy (tức Đối Diện) số 63 tháng 11/1974.

(Tóm lược vài giòng về chương này: Chính quyền Ngô đình Diệm  giử được bàn tay sạch trong mấy năm đã làm cho VNCH trở nên trù phú, lành mạnh. Một trong những biện pháp mạnh tay là cấm Nha phiến trong phong trào chống ‘tứ đổ tường’. Nhưng khi tình hình an ninh nguy ngập nhất là từ 1959-1960 trở đi buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải tăng cường lực lượng trị an (quân đội, cảnh sát, chỉ điểm…) và mua sắm vũ khí, phương tiện quân sự, trả lương cho bộ máy đàn áp… Do cần tiền, Cố vấn Ngô đình Nhu đã làm sống lại mạng lưới buôn bán bạch phiến (heroin). Các chính quyền tiếp sau càng khoách trương mạng lưới này để có tiền cho nhu cầu trị an và làm giàu cá nhân cho đến khi trở thành bên thua cuộc. Đằng sau mạng lưới buôn bán bạch phiến thời VNCH thấp thoáng bóng dáng của một số Hoa kiều Chợ lớn).

Chính trị bạch phiến là thứ tội ác kinh tởm nhất mà loài người phạm phải. Nó làm cho hàng triệu, trăm triệu gia đình (kể cả các gia đình của chế độ cầm quyền) lâm cảnh đau thương, tan nát, làm cho xã hội rối loạn vì tệ trộm cướp, giết người… Chính trị bạch phiến là cách nói khác của sự cấu kết giữa quyền lực cai trị và bọn tội phạm ghê tởm nhất của loài người vì nhu cầu quyền và tiền. Vì nhu cầu quyền và tiền nên bộ máy cai trị không từ một thủ đoạn nham hiểm, xấu xa nào kể cả cung cấp heroin cho người dân, cho cả con em mình.

2/Sinh tồn hay diệt vong?

Chưa thể nói Trung quốc, Triều tiên hay một nước xã hội chủ nghĩa nào đó đang điều hành đất nước bằng nền chính trị bạch phiến mà chỉ căn cứ vào hơn hai tạ heroin đi xuyên Việt rồi lên máy bay sang Đài loan. Nhưng cũng không thể phản bác hoàn toàn tâm trạng lo âu, hoài nghi, phẫn nộ của xã hội về một nền chính trị bạch phiến vì vài tép ma tuý ngoài luồng thì bị bắt mà hàng tạ (có thể là hang tấn) trong luồng thì tự do đi lại và kết hợp với việc nhà nước chủ trương bắn dân.

Đảng cai trị dù có muốn muôn năm trường trị thì cũng phải nghĩ đến một nước Việt tan nát, lệ thuộc vì nhu cầu quyền tiền khi lâm cảnh khốn cùng lại đẻ ra nền chính trị bạch phiến phá hoại từng gia đình kể cả gia đình đảng viên.

Đảng cai trị cũng phải hiểu khi nhân dân đứng dậy đòi quyền tự do dân chủ một cách ôn hoà (phong trào xã hội dân sự chẳng hạn) để xây dựng đất nước thì khác với việc nhân dân đứng dậy với vũ khí trong tay dù cho cả hai kiểu đứng dậy đều xuất phát từ nhu cầu sinh tồn của bản thân, gia đình, dân tộc, đất nước.

Đảng cai trị cũng có nhu cầu sinh tồn, tránh bị diệt vong cho nên cũng rất cần đọc và suy ngẫm về cuốn sách “Chính Trị Bạch Phiến Ở Đông Nam Á” của một người Mỹ cách đây hơn 40 năm.

Người viết thấy rằng một nền chính trị ưa bạo lực bắn giết nhân dân vì nghiện quyền, tiền thì tất yếu trở thành con nghiện bạch phiến (đó là kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận chỉ có nhà nước mới làm được). Để không trở thành ‘con nghiện bạch phiến’, khi đang có quyền lực, đảng cai trị nên làm gì? Quyết tâm đẩy mạnh bạo lực cách mạng hay mạnh dạn hoà giải với nhân dân? Hoà giải với nhân dân thì khó hơn bắn dân vì phải trả lại cho dân nhiều thứ. Đó mới là bản lãnh chính trị đích thực của một đảng chính trị cầm quyền có bản lãnh.

Quy luật tất yếu của lịch sử loài người là khi  quyền lực cai trị sa vào ‘chính trị bạch phiến’ thì quyền lực đó nhất định bị diệt vong dù đó là một Trung hoa vĩ đại.




1 comment:

View My Stats