Monday, 30 December 2013

MICHEL TAURIAC & VIETNAM, LE DOSSIER NOIR DU COMMUNISME (Minh Võ)




MICHEL TAURIAC 
Viet Nam, le dossier noir du Communisme
Minh Võ
Saturday, April 01 2006 @ 01:13 PM EST


Minh Võ

Chương 22 :
MICHEL TAURIAC 
Viet Nam, le dossier noir du Communisme

Cuốn Le Livre Noir du communisme – Crimes, terreur, répression do 6 tác giả biên soạn, phát hành năm 1997 tại Paris chỉ dành vỏn vẹn 11 trang ghi về Cộng Sản Việt Nam trên tổng số hơn 800 trang. Có lẽ đây là một trong những lý do thúc đẩy Michel Tauriac, nhà văn và nhà báo nổi tiếng của Pháp viết tác phẩm Viet Nam, le dossier noir du communisme de 1945 à nos jours – Hồ Sơ Đen Việt Cộng, tựa đề Việt ngữ do chính tác giả dịch.(1)

Michel Tauriac là một tác giả Pháp biết rất nhiều về Việt Nam và coi Việt Nam như quê hương thứ hai. Việt Nam đã là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của tác giả như Jade, La Tunique de soie, La Nuit Du Tết... Hầu hết tác phẩm của Michel Tauriac là sáng tác và đã có 3 tác phẩm được giải thưởng văn học.

Viêt Nam, le dossier noir du communisme là tác phẩm thứ 20 của tác giả. Trong tác phẩm này, Michel Tauriac trưng dẫn hàng trăm tác giả và nhân chứng để thiết lập một hồ sơ Cộng Sản Việt Nam về mọi mặt: sinh mạng, tài sản, sự đói khổ, sự mất tự do của dân chúng bên cạnh sự lộng hành, đàn áp, tham nhũng, sa đọa… của các cấp lãnh đạo đảng và chính quyền tại Việt Nam với điểm nổi bật là trách nhiệm trực tiếp của Hồ Chí Minh trước thực trạng trên. Tác giả mở đầu cuốn sách 20 chương, dày 260 trang bằng câu: "Ngày ấy các bạn Việt Nam của tôi đã khóc. Họ đã khóc, kể cả những người không khóc vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi Sài Gòn đầu hàng.

Ngày mà tác giả nhắc ở đây là ngày 30-4-2000, một phần tư thế kỷ sau ngày Sài Gòn thất thủ. Tauriac nói rằng những người bạn Việt Nam của tác giả đã khóc vì những đau khổ triền miên mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng trong thời gian qua, trong khi đáng lý họ phải được hưởng hòa bình hạnh phúc.

Tác giả nhấn mạnh là đã có những người không khóc hoặc còn cười vui trong ngày 30-4-1975, nhưng tới ngày 30-4-2000 thì không ai kìm nổi nước mắt vì sau một phần tư thế kỷ, tất cả đã thấy rõ cảnh sống ác nghiệt lầm than tận cùng của người dân Việt Nam dưới chế độ chuyên chế cực quyền cộng sản.

Nói về sức chịu đựng vô bờ của người dân Việt Nam trước đói nghèo, bệnh tật, khổ nhục, đau thương, chết chóc… tác giả viết: Người Việt Nam có một nghệ thuật và cách thức tài tình để che giấu sự khốn cùng của mình trong chiếc mặt nạ tươi rói.

Dù coi Việt Nam là quê hương thứ hai, Tauriac vẫn chưa vượt nổi cảm quan của người đứng bên ngoài nên đã nghĩ cách biểu lộ đó là cái tài của người dân. Một người Việt Nam sống trong lòng chế độ Cộng Sản hơn nửa đời người là nhà báo Việt Thường thì cho rằng chế độ đã biến người dân thành nô lệ, bảo cười phải cười, bảo khóc phải khóc. Đón rước khách nước ngoài thì mọi người phải nhất trí nhe răng cười, nhất trí vẫy cờ; nhất trí hô khẩu hiệu; đi đứng hàng ngũ chỉnh tề như lính diễn hành. Việt Thường viết: "Chỉ có một tập hợp những nô lệ mới nhất trí trong mọi biểu lộ mà chủ nô quy định.”
Trong chương ba, Michel Tauriac trích lời nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn nói trên đài truyền hình Pháp Quốc số 2, ngày 10-4-1975, đúng 20 ngày trước khi cộng quân chiếm Sài Gòn tiên đoán “Việt Nam sẽ trở thành một nhà tù rộng mênh mông”. (2)

Tauriac nhắc tới nhiều chứng nhân để bác bỏ con số 50 ngàn tù do Hà Nội nêu ra và ghi lại con số tối thiểu được các chứng nhân ước lượng năm 1978 là 800 ngàn trên tổng số 20 triệu dân của miền Nam bị tống vào các trại cải tạo.

Tauriac viết: “Tại miền Nam Việt Nam, nơi mà cứ một gia đình ba người, cách này hay cách khác, đều phải liên hệ đến việc học tập cải tạo cho dù chỉ trong một tháng thôi cũng đủ cho những người dễ tin nhất hiểu rằng thứ chính trị gọi là khoan hồng chỉ  là một cái kế”. (3)
Về đời sống trong tù, Tauriac ghi lại ... “70 hoặc 80 người bị nhét vào một xà lim dành cho 20 người với một cái lỗ đào dưới đất để tiểu tiện, một chút nước với chút gạo đỏ trộn sạn làm thức ăn, nước uống nhiễm độc và rất hiếm hoi, không thuốc men, không một tấm mền che gió bấc lạnh thấu xương ở vài vùng, không thư từ, không thăm viếng ...
Việc lao động khổ sai bất kể tuổi tác (nhiều khi cải tạo già hơn 70 tuổi) dưới mặt trời thiêu đốt hay trong gió mùa khốc liệt... không khác trại trừng giới Xô Viết từng được mô tả trong L’Etat criminel (của Yves Ternon) ...
Kẻ hành hạ “không cần nghe nạn nhân giải thích lý do hành động của mình, cũng không cần nêu bất kỳ lý do nào để cho nạn nhân biết tại sao họ bị giết”. Tại Việt Nam, cán bộ tuyên bố với tù nhân là mình được đào tạo để trừng trị cặn bã của xã hội tư bản bằng cách tận diệt chúng... Đảng đã ra lệnh như thế. Đây chỉ là vấn đề bổn phận”. (4)

Những nạn nhân thoát khỏi nhà tù sau một thời gian nào đó cũng không thể gọi là đã trở về với cuộc sống bình thường.

Bởi vì, ngoài đủ thứ bệnh nan y mà đời sống ngục tù gieo vào thân xác họ, còn là cảnh ngộ bơ vơ, không có một phương tiện nào để sinh sống. Gia đình họ đã bỏ trốn bằng tàu hay đã bị lột sạch của cải, nhà cửa trong lúc họ nằm trong trại cải tạo.

Michel Tauriac kể lại trường hợp chính ông đã gặp trên đường phố Sài Gòn: “Tôi còn nhớ mãi về Phạm mà tôi gặp khi ông ta ngồi trên vỉa hè Sài Gòn với chiếc cân cá nhân đặt trước mặt. Đó là đồ nghề kiếm sống của ông ta. Gầy nhom, lưng khòm, da cháy nắng, mắt kéo mây ngầu đục. Một lão già. Nhưng chỉ mới vừa bốn mươi tám tuổi. Cựu đại úy pháo binh, mười một năm cải tạo. Khi về nhà, không còn vợ con. Họ đã vượt biên trên một chiếc bè và biệt vô âm tín. Không còn mái nhà, không còn đời sống. Tìm được chiếc cân dưới đống lá trong khu vườn hoang của một căn nhà đổ nát là phép lạ. Tôi còn nhớ mãi nụ cười tội nghiệp của ông ta khi tôi nhận lời đặt chân lên chiếc cân ... để cân cái thân hình nuôi dưỡng đầy đủ và hạnh phúc của một nhân chứng hoàn toàn bất lực ...
Những người như thế đầy rẫy ở Sài Gòn mười lăm năm sau “ngày giải phóng”. Họ nằm sát nhau trên các bến của con sông cùng với những người vừa trốn khỏi các “vùng kinh tế mới”... Thỉnh thoảng, người ta đẩy ra một hoặc hai người cuộn tròn trong chiếc chiếu, đặt lên một chiếc xích lô thường do một “cựu cải tạo” như họ để chở họ đi một chuyến cuối cùng” (5)

Nhưng bệnh hoạn, lang thang, đói khổ vẫn chưa phải là điều đáng kể. Bao trùm lên cuộc sống của những người này là cái thân phận đã bị đóng dấu ngụy quân, ngụy quyền hoặc phản cách mạng... để phải co ro sau những bức màn sắt vô hình thường xuyên đe dọa từng cử chỉ, lời nói và bất kỳ lúc nào cũng có thể bị tống trở lại nhà tù. Michel Tauriac đã không giấu nổi cảm giác chua chát khi nhắc tới một điều vẫn được nghe thấy từ cửa miệng nhiều người: “Nếu Hồ Chí Minh còn sống ...”

Michel Tauriac nhắc lại ý nghĩ của cựu đại tá Cộng Sản Bùi Tín là người đã thấy rõ mặt trái lừa đảo của chế độ nên phải bỏ gia đình thân thích trốn đi, nhưng ngay tại Paris vẫn chưa hết thắc mắc “nếu Hồ Chí Minh còn sống tới năm 1975, có thể sẽ không có các trại cải tạo?”

Michel Tauriac đã nêu một loạt tài liệu để xác quyết trên thực tế, người phát minh ra các trại cải tạo chính là Hồ Chí Minh chứ không phải ai khác.

Chương tiếp nối, tác giả nhắc lại cuộc gặp gỡ Nguyễn Thị Bình tại Paris năm 1973. Thuở đó, Nguyễn Thị Bình với tư cách Bộ Trưởng Ngoại Giao Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam đã khẳng định với tác giả: “Không, thưa ông, tôi không phải Cộng Sản”. Theo tác giả tháng 4-1959, khi lên nắm quyền tại Cuba, Fidel Castro cũng tuyên bố với một nhà báo Mỹ: “Tôi nói một cách rõ ràng và khẳng định là chúng tôi không phải Cộng Sản”.

Tác giả nhắc thêm nhiều sự kiện và lời tuyên bố của từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng... tới những thủ hạ cấp thấp như Nguyễn Khắc Viện để xác định nói dối là thuộc tính của Cộng Sản. Trên thực tế, khi cần che giấu thì họ phủ nhận tính chất Cộng Sản, khi không cần hoặc không thể che giấu thì họ dùng lời lẽ tốt đẹp tô điểm cho Cộng Sản những màu sắc tuyệt vời nhất chẳng hạn tờ Độc Lập của Việt Minh số ra ngày 2-9-1945 nói Hồ Chí Minh thuộc một tổ chức cách mạng quốc gia, trong khi tờ Nhân Dân xuất bản tại Hà Nội ngày 27-1-1955 cho biết “Hồ Chủ Tịch tuyên bố đảng cộng sản chẳng những không loại trừ  tôn giáo mà còn bảo vệ nó .

Hồ Chí Minh thuộc tổ chức quốc gia nào không còn là vấn đề cần bàn nên nơi chương 14, tác giả trưng dẫn tác phẩm Le temps des chiens muets của giám mục Paul Seitz, vị giám mục Pháp cuối cùng tại Việt Nam để mọi người thấy rõ cách bảo vệ tôn giáo của Hồ Chí Minh là quốc hữu hóa các chủng viện, chỉ định cư trú cho các linh mục, tống vào nhà tù một số với tội danh gián điệp, phản quốc, trong khi một số khác bị bắt cóc, thủ tiêu và ngăn cấm giáo dân tới các giáo đường ... Tác giả cũng ghi lại lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng với Tổng Giám Mục địa phận Sài Gòn Nguyễn Văn Bình: “Tôi đọc Phúc Âm nhiều lắm. Tôi nhận thấy lời dạy của Chúa Giê-Su hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa xã hội ” (6)
Toàn bộ chương 14 ghi lại các sự kiện thực tế tại Việt Nam đối chiếu với nhiều lời tuyên bố tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân do Hồ Chí Minh và những thủ hạ thân cận đưa ra từ 1945 tới 2000, trong đó có nhiều con số nạn nhân bị tàn sát chỉ vì là tín đồ Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo hoặc Tin Lành ...

Tác phẩm của Michel Tauriac còn nhắc nhiều thảm trạng khác diễn ra dọc thời kỳ lịch sử Việt Nam có sự xuất hiện của Hồ Chí Minh và Cộng Sản. Từ những cuộc thanh toán đẫm máu nhắm vào các phần tử đảng phái không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản hồi 1945 qua cuộc cải cách ruộng đất man rợ 1953-1955 tới những vụ tàn sát kinh hoàng trong chiến tranh năm 1968 tại Huế, Quảng Ngãi, năm 1972 tại Quảng Trị ... rồi trại tù mọc như nấm trên khắp nước, cư dân thành phố được “tái phối trí” bằng cách lùa lên các vùng rừng hoang khô khốc được mệnh danh là “kinh tế mới”, cảnh những người lén lút vượt biên chen chúc nhau trên nhiều bờ bãi bất chấp sự đe dọa của tù đầy và cả cái chết do sóng gió biển khơi  hay hiểm họa hải tặc...

Theo Michel Tauriac, thực ra không chỉ từ 1945, Cộng Sản mới bắt đầu nhúng tay vào máu đồng bào mình mà “cuộc tàn sát bắt đầu từ năm 1931. Nhà cầm quyền thực dân thời đó không thể can thiệp. Các địa chủ phải trả giá trước tiên. Đảng Cộng Sản Đông Dương non trẻ có trụ sở chính ở Hải Phòng đã thúc đẩy đám đông nông dân khốn khổ miền Bắc đến chỗ giết chết mấy trăm địa chủ tại Nghệ Tĩnh, sinh quán của Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi đến nỗi kích động ngay cả bầy trẻ con tham dự ”. (7)  Đó là thời điểm Cộng Sản thúc đẩy các cuộc nổi dậy thực hiện khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ ”.

Tác giả dành hẳn chương 11 nói về những thảm họa chung mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng do cuộc chiến gây nên. Không chỉ có 600 ngàn thương phế binh trong hàng ngũ Cộng quân mà có tới 4 triệu người tàn phế theo ghi nhận của tướng Trần Độ, chỉ riêng về phía Cộng Sản.

Trong khi đó một thảm trạng xã hội chưa từng có trong lịch sử nhân loại đã kéo dài cho tới nay ở Việt Nam: nhiều bà mẹ quá nghèo phải đem con đi bán, nhiều người khác đã cho heo ăn bào thai của mình. Trung bình cứ 100 người mang thai thì 50 người phá. Về giáo dục thì ngay tại Sài Gòn, 26% không được đi học. 400 ngàn thiếu niên không có bằng tiểu học và 200 ngàn hoàn toàn mù chữ.
Theo báo Lao Động của Nhà Nước Cộng Sản, trong năm 1997, vùng châu thổ Cửu Long giầu nhất miền Nam mà có tới 45% thất học và 50% trẻ con trên 5 tuổi không được đi học.

Michel Tauriac nhắc đến vụ thảm sát Mỹ Lai với 500 nạn nhân bị giết bởi một đơn vị lính Mỹ mà cả thế giới nghiêm khắc lên án để thấy tội ác trên chỉ như một chấm nhỏ trên tấm màn đen tội ác mênh mông của chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Tác giả đã phát biểu “không có gì để biện giải cho tội ác Mỹ Lai. Cũng không có tội ác nào dù hung bạo hay ti tiện hơn gấp cả trăm lần có thể xóa bỏ một tội ác khác nhỏ hơn. Nhưng sao lại có sự im lặng lạ lùng trước những tội ác tột cùng của Cộng Sản Việt Nam với đồng bào của họ? Phải chăng vì không thể gán những tội ác này cho mấy cái tên quen thuộc như Hitler hay Pinochet” (8)bởi tất cả đều dính tới một cái tên khác mà nhiều người đã lỡ có lần lớn tiếng ca ngợi?

Michel Tauriac, theo tiết lộ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Qúy chủ tịch Viện Đông Nam Á ở Paris, cho biết cái con người mà nhiều người ca ngợi đó đã chuẩn bị ướp xác cho mình từ hai năm trước khi qua đời, nhưng đến phút cuối vẫn tạo ra một bản di chúc đầy lời lẽ xảo trá để thực hiện màn lường gạt cuối cùng trước dư luận.

Dù tới phút này dư luận chưa chịu thú nhận sự nhẹ dạ cả tin vì bất kỳ lý do gì, nhất là những người đã bị chi phối đậm đà bởi các trò lường gạt thì trước sau sự thực vẫn phải được nhìn nhận là Hồ Chí Minh chính là người chịu mọi trách nhiệm về những thảm cảnh đau thương của dân tộc Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua.

Bom đạn Mỹ, thậm chí hóa chất khai quang hay sóng gió biển khơi và ngay cả những tên hải tặc đều chỉ là các tội phạm thứ yếu do tình huống thực tế đẩy đưa mà thôi.

Tất cả những tội phạm đó không thể xóa nhòa hình bóng của kẻ đã đẩy xã hội Việt Nam vào cảnh ngộ thực tế hiện nay, một xã hội công an lúc nhúc như rắn rết, linh mục bị đàn áp, tăng sĩ bị tấn công, trẻ ăn xin đầy đường phố, giới trẻ không phương hướng, bắt giam người không cần xét xử, nhà văn bị cấm viết những gì cần viết, nhà báo nhận lệnh phải viết bất cứ thứ gì, quan chức tham ô nhét tiền đầy túi trong khi dân chúng luôn quằn quại với cái bụng trống không .... (9)

Michel Tauriac chỉ nhắm ghi lại những sự kiện bi đát đã xảy ra trong cái xã hội đó nhưng tác phẩm Viet Nam, le dossier noir du communisme de 1945 à nos jours, đã chứa đựng lời giải đáp hùng hồn nhất cho những người tới giờ này còn đang quay cuồng với nỗi thắc mắc: Nếu Hồ Chí Minh còn sống ....
 
-------------------------
CHÚ THÍCH

CHƯƠNG 22

(01)  Nxb Plon, Paris, 2001. Bản dịch Việt ngữ của Nguyên Văn xuất bản tại Mỹ năm 2003.
(02)-(03)-(04)-(05) SĐD, bản tiếng Việt, tr. 36, 37, 45, 47-48
(06)-(07)-(08)-(09) SĐD, bản tiếng Việt, tr. 201, 267-268, 285-286, 308
 
Last Updated Saturday, April 01 2006 @ 01:13 PM EST


1 comment:

View My Stats