Sunday 22 December 2013

SỨC MẠNH QUÂN SỰ TRUNG QUỐC NHỜ KỸ THUẬT PHƯƠNG TÂY (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát / NGƯỜI VIỆT
Friday, December 20, 2013 6:35:03 PM

Theo một bản tin điều tra đặc biệt của thông tấn xã Reuters, Trung Quốc đã mau chóng tạo dựng được sức mạnh quân sự nhờ vào kỹ thuật Âu Châu từ những quốc gia đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ như Đức, Pháp, Anh.

Trước kia Trung Quốc đã có một số máy bay và chiến hạm do Liên Xô cung cấp nhưng hiện nay Trung Quốc  không mua được các loại vũ khí hoàn chỉnh như vậy nữa và mua từ Âu Châu những trang thiết bị cơ khí và điện tử hoặc bản quyền kỹ thuật để về lắp ráp hay chế tạo trong nước..

Hầu hết chiến hạm nổi tân tiến nhất của hải quân Trung Quốc đều dùng động cơ diesel chế tạo ở Đức và Pháp. Các khu trục hạm chống tiềm thủy đĩnh dùng sonar (máy dò âm thanh) của Pháp. Máy bay chiến đấu Trung Quốc dùng động cơ phản lực của Anh. Máy bay thám thính điện tử mới của Trung Quốc trang bị hệ thống radar mua từ Anh. Trực thăng chiến đấu chế biến theo kiểu mẫu Eurocopter của tổ hợp hàng không và quốc phòng Âu Châu EADS.

Một bài viết gần đây của tạp chí Time đã nói công kỹ nghệ Trung Quốc có thể làm được đủ thứ, nhưng hầu hết đều chỉ là sao chép từ kỹ thuật Tây Phương chứ không có những sáng tạo mới lạ. Bộ quốc phòng Trung Quốc bác bỏ nhận định này, cho rằng sự lệ thuộc của quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc vào kỹ thuật ngoại quốc là một lập luận hơi quá đáng: “Theo thể thức quốc tế, Trung Quốc cũng có những quan hệ và hợp tác với một số nước về vấn đề phát triển vũ khí. Một số người đã chính trị hóa các dịch vụ mậu dịch bình thường này để hạ thấp danh tiếng của chúng tôi”.

Có lẽ lãnh vực có giá trị quan trọng nhất trong chiến lược quốc phòng mà Trung Quốc đã có thể tìm được từ kỹ nghệ Tây Phương là cho ngành hải quân dưới mặt nước: động cơ diesel do Đức chế tạo dùng trên tiềm thủy đĩnh. Mô phỏng kinh nghiệm phát triển hải lực trong thế kỷ trước của Đức, Nhật và Liên Xô, Trung Quốc thành lập hạm đội tiềm thủy đĩnh vào hàng mạnh nhất trong hải quân các quốc gia trên thế giới.

Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc chạy bằng động cơ quy ước và nguyên tử gồm đủ loại, có nhiệm vụ từ phòng thủ đến tấn công, phóng hỏa tiễn chiến thuật hay chiến lược. Theo Reuters, ngoài mấy tàu ngầm nguyên tử chiến lược,  Trung Quốc có 12 tàu ngầm lớp Kilo do Liên Xô chế tạo và 21 táu ngầm lớp Song (Tống) hay Yuan (Nguyên) đóng tại quốc nội, sử dụng động cơ diesel-điện do công ty Đức MTU Friedrichshafen GmbH chế tạo. Đặc điểm của những tàu ngầm này là chạy rất êm, có nghĩa khó bị đối pương phát hiện.

Theo nhận xét của kỹ sư lão thành Hans Ohff, cựu giám đốc điều hành Australian Submarine Corporation, công ty chế tạo tàu ngầm lớp Collins đầu tiên đóng tại Australia, thì “động cơ diesel của MTU là tốt nhất thế giới cho các tàu ngầm”. Tài liệu về mậu dịch vũ khí của viện SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute) cho biết tính đến cuối năm 2012, 56 bộ máy tàu ngầm của MTU đã được cung cấp cho hải quân Trung Quốc.

MTU từ chối giải thích chi tiết liên quan đến các thương vụ đã và sẽ thực hiện cũng như không cho biết về vấn đề hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì. Phát ngôn viên của công ty này tuyên bố: “Tất cả mọi hoạt động của MTU đều tuân hành chặt chẽ luật lệ xuất cảng của Đức”.

Hiện nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn vào hàng thứ nhì trên thế giới chỉ kém Hoa Kỳ và Trung Quốc là một thị trường vũ khí hấp dẫn đối với các công ty kỹ nghệ quốc phòng Âu Châu. Công ty Pielstick của Pháp cùng trong tổ hợp liên quốc gia Man Diesel & Turbo với MTU cũng cung cấp cho Trung Quốc những động cơ diesel loại tân tiến nhất dùng cho các chiến hạm nổi và các loại tàu tiếp vận.

Một số phân tích gia quân sự hoài nghi về phẩm chất trang thiết bị của Trung Quốc. Theo họ khí tài và kỹ thuật mà quân đội Trung Quốc mua về thua kém hẳn một thế hệ so với trang thiết bị đang được Hoa Kỳ cùng các đồng minh Á Châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Australia sử dụng.

Nhưng những phân tích gia khác lại cho rằng hệ thống vũ khí của Trung Quốc không cần phải ngang hàng với các vũ khí của Hoa Kỳ và đồng minh thì mới đối địch được, cho dù có kém đôi chút họ vẫn đạt được mục tiêu chiến lược làm quân lực Hoa Kỳ phải chùn bước. Kevin Pollpeter, chuyên gia về quân sự Trung Quốc ở viện Global Conflict and Cooperation đại học UC San Diego nói: “Tới mức nào mới được coi là đủ tốt? Nếu có nhiều hệ thống vũ khí tương đối tốt thì như thế đã là đủ”.

Trên nguyên tắc, Liên Hiệp Âu Châu đã chính thức cấm bán vũ khí cho Trung Quốc từ sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989 và Hoa Kỳ thi hành các biện pháp hạn chế khắt khe hơn trong sự chuyển nhượng kỹ thuật quân sự. Tình trạng này khiến Trung Quốc tìm cách gia tăng hoạt động buôn lậu và do thám.

Cấm vận của Âu Châu không được chặt chẽ vì tùy theo lối giải thích cùng luật lệ và quy định riêng ở từng quốc gia. Trong vòng 10 năm đầu thế kỷ này, giấy phép được cấp cho việc xuất cảng trị giá 3 tỷ euros ($4.1 tỷ) hàng quân sự qua Trung Quốc, theo số liệu do Chiến Dịch Chống Buôn Bán Vũ Khí, trụ sở ở London, đưa ra.

Michael Mann, một phát ngôn viên của EU ở Brussels, giải thích rằng biện pháp của EU không cấm việc bán những sản phẩm “lưỡng dụng”, nghĩa là có thể dùng cho cả hai mục đích quân sự cũng như dân sự. Do đó, mặc dầu các nước Âu Châu không được bán cho Trung Quốc máy bay chiến đấu, hỏa tiễn, nhưng có thể bán động cơ máy bay phản lực, động cơ diesel dùng cho chiến hạm cũng như tàu dân sự.
Pháp đã cấp phép bán khoảng 2 tỷ euros hàng hóa như vậy, Anh Quốc 600 triệu euros, Ý 161 triệu euros. Trị giá vũ khí Anh và Đức đã đưa sang Trung Quốc không có số liệu rõ ràng. Cùng thời gian này Đức cấp phép chuyển nhượng kỹ thuật chỉ vào khoảng 30 triệu euros, và chuyển nhượng kỹ thuật về những sản phẩm lưỡng dụng không bao gồm trong số này. Trong năm 2012, trị giá mậu dịch Âu Châu xuất cảng qua Trung Quốc là 144 tỷ euros và không có tài liệu nào để xác định trong số đó sản phẩm mang tính quân sự là bao nhiêu.

Biện pháp cấm vận tuy nhiên cũng gây nhiều khó khăn phiền toái cho Bắc Kinh và họ đã nhiều lần kêu gọi bãi bỏ, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì. Do đó Trung Quốc không thể mua được những vũ khí hoàn chỉnh như là máy bay chiến đấu đa năng Eurofighter của Âu Châu, tàu ngầm của Đức hay hàng khng6 mẫu hạm của Tây Ban Nha đóng.

Chính sách lâu dài của Trung Quốc là khuyến khích sáng tạo và sản xuất nội địa. Nhưng thực tế hầu hết . kỹ nghệ Trung Quốc chỉ biến chế, lắp ráp với những bộ phận mua từ nước ngoài, sản xuất theo hợp đồng chuyển nhượng kỹ thuật hoặc sao chép trái phép sản phẩm ngoại quốc, đặc biệt là của Nga.

Tàu ngầm dùng động cơ quy ước diesel-điện giúp hải quân Trung Quốc có khả năng và sức mạnh đáng kể. Khi dùng động cơ điện dưới mặt nước, tàu ngầm này êm hơn tàu ngầm nguyên tử rất nhiều. Hải quân Hoa Kỳ hiện nay chỉ sử dụng tàu ngầm nguyên tử, có lợi thế là tầm hoạt động vô giới hạn trên mặt nước cũng như khi lặn.

Năm 2006 một tàu ngầm lớp Ming (Minh) của hải quân Trung Quốc đã gây lo ngại bất ngờ cho Hải Quân Hoa Kỳ khi nổi lên mặt nước chỉ cách xa hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk chưa đầy 5 hải lý, trong tầm tác xạ bằng ngư lôi hay hỏa tiễn hải-hải. Các giới chức Hoa Kỳ nhìn nhận rằng tàu ngầm này đã theo dõi mẫu hạm cùng những chiến hạm hộ tống từ lâu mà không bị phát hiện.

Nhưng tàu ngầm hải quân Trung Quốc cũng đã từng gặp tai nạn trầm trọng. Năm 2003, một tàu ngầm bị ngập nước gần chìm, trôi dạt trên biển Bột Hải (Bohai Sea), một vịnh của Hoàng Hải miền Đông Bắc Trung Quốc. Khi được cấp cứu, thấy toàn thể thủy thủ đoàn 70 người đều đã chết. Truyền thông nhà nước Trung Quốc giải thích rằng tai nạn do trở ngại kỹ thuật và cuộc điều tra không bao giờ được công bố kết quả.

Theo dự đoán của các chuyên gia về tàu ngầm, chiếc tàu do Trung Quốc chế tạo theo mẫu của Liên Xô có lẽ bị trục trặc vì máy diesel. Thủy thủ đoàn chết ngạt, hoặc do hơi thải từ máy diesel đã  kẹt lại trong tàu không thoát ra ngoài, hoặc là vì tàu đã không tắt kịp động cơ diesel khi lặn xuống nước khiến cho trong vòng ít phút máy hút hết không khí để thở. Từ khi sử dụng đông cơ mua của Đức, hải quân Trung Quốc chưa lần nào gặp tai nạn như vậy.  (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats