Lê Phan
Saturday, December 21, 2013 4:27:40 PM
Cái thời còn mồ ma ông Stalin ở Nga và ông Mao ở Trung Quốc, các nhà phân tích thường bận rộn mỗi lần chế độ tổ chức các nghi lễ. Ai đứng cạnh ai, ai còn ai mất trên khán đài trở thành những chỉ dấu duy nhất để tìm hiểu những gì xảy ra trong những chế độ này. Giai đoạn đó đã không còn nữa ngay cả ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng có một quốc gia mà chuyện đó vẫn đúng.
Quốc gia đó dĩ nhiên là Bắc Hàn. Trong tuần lễ mà
Bắc Hàn đã làm cả thế giới sửng sốt khi chính thức thông báo việc xử tử ông
dượng ruột của lãnh tụ, người vốn đã được chính thân phụ của lãnh tụ gửi gắm
chăm nom cho cậu con trai trong giai đoạn mới lên nắm quyền. Ðột nhiên câu hỏi
của mọi người là “chuyện gì đang xảy ra ở Bắc Hàn?”
Ðể trả lời một phần nào, các chuyên gia phải trở lại
những kỹ thuật của các chuyên gia chuyên theo dõi điện Kremlin hồi Liên Xô chưa
đổi mới. Ðịa chỉ BBC Online hôm giữa tuần có cho đăng một bài phân tích của chủ
bút của một website chuyên về hàng lãnh đạo Bắc Hàn, ông Michael Madden. Ðể
chứng tỏ sự thay đổi đáng kể trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Hàn, ông Madden đã đưa
ra hai tấm hình chụp quang cảnh nghi lễ vào ngày 17 tháng 12, ngày giỗ của cố
lãnh tụ Kim Jong-Il.
Ông Madden nói mỗi năm hàng lãnh đạo Bắc Hàn tụ tập
ở Lăng Kumsusan để viếng hai cố lãnh tụ là ông Kim Jong-Il và người sáng lập ra
quốc gia này, ông Kim Il-Sung, người mà chúng ta thường biết dưới cái tên phiên
âm Hán việt Kim Nhật Thành. Năm nay cũng như năm ngoái họ đều làm vậy. Ðiều
khác biệt là với một hàng lãnh đạo khác nhiều so với năm ngoái.
Ðiều đầu tiên mà ông Madden chỉ ra ngay là số người
vắng mặt. Ngoài ông Jang Song-Thaek, ông dượng đã bị xử tử, thì bà cô Kim
Kyong-Hui cũng không thấy xuất hiện. Thực ra không mấy ai nghĩ là bà sẽ xuất
hiện nhưng sự vắng mặt của bà có thể diễn dịch là bà đã bị thất sủng nhưng cũng
có thể là chính bà đã có một vai trò trong cuộc thanh trừng.
Ông Madden còn chỉ thêm ra là tấm hình năm nay có
nhiều khuôn mặt mới ở hàng đầu và nhiều sĩ quan mặc quân phục hơn. Các sĩ quan
quân đội và an ninh đứng ở bên phải của ông Kim Jong-Un trong khi phe đảng đứng
ở bên trái. Việc này ngược hẳn năm ngoái. Một số nguồn tin từ những người hồi
chánh chạy xuống miền Nam nói là nếu đứng ở bên phải của lãnh tụ thì đó là vị
trí quan trọng hơn là nếu đứng ở bên trái. Tuy ông Madden nói là không biết lý
luận đó đúng hay sai nhưng quả là có vẻ như những kẻ đứng bên phải của siêu
lãnh tụ có nhiều quyền hơn.
Trong số những nhân vật mặc quân phục có một số mới
cho năm 2013. Hai ông tướng Ri Yong-Kil và Bộ Trưởng Quốc Phòng Jang
Jong-Nam là những nhân vật quan trọng cần theo dõi. Nhưng đặc biệt nhất một
ông tướng tên là Kim Won-Hong, ông ta cầm đầu mật vụ và năm nay là năm
đầu tiên ông xuất hiện, chứng tỏ là có lẽ ông đã đóng vai quan trọng trong cuộc
thanh trừng mới đây.
Dĩ nhiên phân tích chính trị của một quốc gia như
Bắc Hàn không phải chỉ qua mấy tấm hình. Bắc Hàn là một nơi mà chỉ thì thầm một
điều gì tiêu cực về lãnh tụ có thể bị khổ sai chung thân nếu không nói là tử
hình. Nhưng ngay cả với tiêu chuẩn của Bắc Hàn, sự hành quyết nhanh chóng và
tàn bạo ông dượng của lãnh tụ Kim Jong-Un, cũng là một chuyện bất bình thường.
Trước khi vụ này xảy ra, hầu hết các chuyên gia về Bắc Hàn đều nghĩ ông sẽ vĩnh
viễn là một thế lực đằng sau hậu trường.
Ðiều làm Giáo Sư Victor Cha, cựu thành viên của Hội
Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, băn khoăn là nay thì rõ ràng ông Kim trẻ đã chứng
tỏ sự độc lập đối với mọi thế lực, nhưng ông ta đã làm vậy dựa trên thế lực
nào. Vì ngay cả trong một chế độ như Bắc Hàn, lãnh tụ cũng phải có một phe phái
ủng hộ.
Hơn thế, mới tháng 7 năm ngoái, tham mưu trưởng liên
quân Tướng Ri Yong-Ho đã bị rút hết các chức vụ trong đảng, kể cả một
ghế trong Thường Vụ Bộ Chính Trị, thành viên Bộ Chính Trị, và chức phó chủ tịch
Quân Ủy Trung Ương, với lý do là ông bị bệnh. Ðiều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa
là việc cách chức của ông được nói là xảy ra trước sự hiện diện của toàn thể Bộ
Chính Trị, khiến bệnh tật khó có thể tin là lý do chính. Ðó là 16 tháng 7, đến
20 tháng 7, có tin không được xác nhận từ Bắc Hàn nói ông đã bị thiệt mạng hay
bị thương trong một cuộc chạm súng với binh sĩ trực thuộc Bộ Chính Trị.
Trong lịch sử của Bắc Hàn, ông Kim Il-Sung, lãnh tụ
khai sáng ra Bắc Hàn, chọn đảng thay vì quân đội để xây dựng chế độ dựa trên sự
sùng bái ông. Lãnh tụ thứ nhì, ông Kim Jong-Il, chọn quân đội thay vì đảng.
Nhưng cậu út, mới vừa 30 tuổi này, có vẻ như đã gây sự với cả hai định chế quan
trọng nhất nước, cũng như hệ thống đàn em khổng lồ vốn chạy theo nắm gấu áo của
những người như ông Jang hay Tướng Ri. Việc này hết sức táo bạo nhưng cũng đầy
nguy hiểm.
Ðiều ai cũng công nhận là vụ xử tử ông Jang là một
điều Bắc Hàn chưa từng thấy từ hơn nửa thế kỷ nay khi ông nội của ông Kim ngày
nay còn trẻ. Ông Kim Il-Sung, trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm, được chính Stalin
đích thân chọn lựa, đã nhẫn tâm hạ sát hết các bạn, người có triển vọng hay đã
là đối thủ cạnh tranh với ông ta. Phải chăng cậu Kim trẻ coi minh cũng đang
trong một cuộc chiến một mất một còn như ông nội mình.
Chính quyền đã tả ông Jang là tổ chức kháng chiến
bên trong nội bộ đảng với các quân nhân cùng lãnh đạo Ðoàn cũng như những ảnh
hưởng từ bên ngoài. Một số các quan sát viên đã tỏ ra ngạc nhiên trước sự việc
chế độ công nhận một ảnh hưởng ngoại lai vì chế độ tự hào là duy trì một biên
giới bất khả xâm phạm.
Cho đến nay Bắc Kinh đã giữ một thái độ vô cùng dè
dặt. Ông Jang rõ ràng là người của họ và là mối liên lạc giúp họ hiểu chuyện gì
đang xảy ra trong chế độ bí ẩn này. Thật vậy, khi sau lần thử nghiệm hạt nhân
lần thứ ba, Bắc Kinh đã có thể tách rời ra khỏi chế độ, vì họ có thể làm việc
được với ông Jang, không cần phải qua ông Kim.
Ðiều duy nhất chắc chắn về chế độ của ông Kim trẻ là
sự khó tiên đoán. Thực thế, đúng ngày ông Jang bị xử tử, Bắc Hàn tuyên bố sẵn
sàng nhóm họp với Nam Hàn để hợp tác về một khu kỹ nghệ đã lâu nay bị bỏ xó.
Cũng chỉ vài ngày trước đó, Bình Nhưỡng trả tự do cho một du khách Hoa Kỳ sau
khi giam giữ ông ta một tháng.
Và chúng ta sẽ phải chờ đợi những tin đáng sợ nhất.
Công khai xử tử các lãnh tụ hàng đầu sẽ không là sự ngạc nhiên đầu tiên mà
chúng ta thấy từ Bình Nhưỡng. Nếu sự thanh trừng ông Jang là một dấu hiệu của
cố gắng tuyệt vọng thay vì là biểu hiệu của quá tự tin của tân lãnh tụ trẻ
tuổi, thì chính trị cung đình của Bắc Hàn sẽ ngày càng lộn xộn, và cái chu kỳ
thách thức mà chúng ta thường xuyên thấy từ miền Bắc sẽ có lẽ rất hiền lành so
với đe dọa của một quốc gia đạo tặc đang lâm cảnh bất ổn mà lại là một quốc gia
sở hữu khả năng hạt nhân.
Ðáng sợ lắm thay.
No comments:
Post a Comment