Ngô Nhân
Dụng
Saturday, December 14, 2013 6:44:45 PM
Người đọc báo chắc không quan tâm đến cách làm sao người ta in ra tờ. Nhìn vào trang đầu báo Người Việt số 1, đề ngày 15 tháng 12 năm 1978 và số báo cùng ngày năm nay, 2013, đều thấy những hàng chữ mực đen in trên trang giấy trắng, với mấy cái tựa màu. Nhưng cách sản xuất ra những trang báo giấy đã thay đổi rất nhiều, người bên trong đã làm những việc khác nhau; có thể ví như từ việc dùng dao đào từng hố nhỏ để gieo hạt chuyển sang dùng máy bay không người lái mà gieo hạt vậy. Trong vòng một thế hệ, kỹ thuật thông tin đã tiến những bước dài, 35 năm trước không ai tưởng tượng nổi.
Lúc báo Người Việt in số đầu, chỉ có một cái máy
đánh chữ nhỏ, hiệu IBM. Còn mấy chữ lớn để làm tựa mỗi bài thì chịu thua. Các
nhà báo đã nghĩ ra một cách, là cắt những chữ lớn trên báo Mỹ ra rồi ghép lại;
hơn một năm sau mới có tiền mua được cái máy chuyên gõ ra chữ lớn, gọi là
headliner. Tất nhiên chữ Mỹ không có dấu, lại phải dùng bút bỏ dấu từng chữ,
từng câu. Công việc quan trọng nhất trong ngày là cắt dán. Trước hết, các bản
tin và bài vở được đánh máy thành từng “cột,” in ra riêng. Khi hoàn thành các
trang báo, phải cắt những cột báo này, dán ngay ngắn từng khúc nối nhau lên bản
chính của tờ báo sẽ làm mẫu khi đi in. Ghép các cột thành từng bài theo mẫu vẽ sẵn,
thường gọi là “ma két,” tiếng Pháp maquette quen dùng trong nghề báo ở Sài Gòn
từ đầu thế kỷ 20. Dán hết các trang báo rồi, đem tất cả giao cho nhà in. Nếu
dọc đường có dòng chữ nào, cột nào rớt mất thì đành chịu.
Cho tới năm 1995 khi tôi về làm báo Người Việt, mặc
dù anh em đã dùng máy vi tính (computer) để viết chữ Việt, cảnh dán giấy vẫn
diễn ra. Chỉ thấy một tiến bộ là thay vì bôi hồ lên lưng tờ giấy trước khi dán,
Người Việt văn minh hơn, in các cột báo trên những tờ giấy có hồ dính sẵn sau
lưng. Phải đợi 10 năm sau máy vi tính mới chấm dứt nghề cắt dán, cũng như máy
cày làm cho con trâu mất việc vậy. Trong thời gian đó một người chuyên cắt, dán
các cột báo giúp cho các bạn Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Ðồng là chú Nguyễn Tấn
Phát. Ðỗ Ngọc Yến nhiều lần nói nhỏ với tôi: Chú này nó rất thông minh, lúc đầu
vào chỉ làm những việc lặt vặt, nhưng sau đó thì cứ cần làm việc gì hắn cũng
học được hết. Chú Phát, quê vùng Bà Rịa, có tác phong một nông dân cần cù ít
nói, nhưng nói câu nào cũng đâu ra đấy. Thủa nhỏ chắc chú học đến bậc tiểu học
là cùng. Nhưng đụng tới chuyện gì cần làm và phải học, Phát học được ngay, và
học rất nhanh. Các con chú sau này học xong đại học phải biết óc thông minh đó
cũng nhờ gien di truyền của người cha. Trong thời gian tôi làm chủ bút, có lúc
đang cắt dán bên ngoài Phát chạy vào bảo tôi: Anh ra coi lại cái tin này, em sợ
không được! Chú nhìn cái tựa, đọc mấy đoạn là có thể cảm thấy một bản tin không
nên đăng. Thường Phát báo động rất đúng. Không biết làm cách nào trong lúc cắt
và dán giấy Phát chỉ đọc lướt qua mà biết một bản tin không nên đăng? Sau này
Phát làm cho báo Viễn Ðông, được Tống Hoàng chỉ cho cách dùng máy vi tính, chú
cũng bỏ nghề cắt dán để chuyên bấm nút chuột, cho tới khi bệnh nặng đưa chú về
cõi khác.
Máy vi tính giúp sắp xếp, trình bày tin tức và bài
vở rất nhanh. Chỉ cần xê dịch “con chuột” rồi bấm nút là xong. Máy có thể thay
đổi kiểu chữ, chọn cỡ chữ lớn hay nhỏ, cắt bớt các bản tin, thay đổi cả đoạn
văn, trong nháy mắt. Con chuột có thể cắt, kéo từng mảng chữ từ chỗ này đưa qua
chỗ khác, đặt đoạn sau lên trước hay ngược lại, thay đổi cả vị trí vào trang
nào cũng được. Lịch sử tiến bộ của nghề báo trong 35 năm qua có thể diễn tả qua
hình ảnh từ dán giấy chuyển sang bấm nút! Hay nói cách khác, kỹ thuật đã chuyển
từ “cắt, dán” bằng ngón tay trên tờ giấy, tiến lên cấp “cắt, dán” bằng con
chuột trên màn ảnh.
Nhưng trong 35 năm qua thay đổi lớn nhất nhất trong
đời sống ở báo Người Việt không phải là về mặt kỹ thuật. Chuyển biến quan trọng
nhất nằm trong tâm trạng người làm báo. Người làm báo cũng chỉ phản ảnh tâm
trạng người đọc. Bắt đầu từ các độc giả trong một khu vực tại tiểu bang
California, bây giờ tờ báo phục vụ người đọc khắp thế giới. Từ tâm trạng cố
thích ứng để vươn lên trong cuộc sống lưu vong đã chuyển sang một thái độ chủ
động và tích cực khi nghĩ đến quê hương. Bây giờ người làm báo nào cũng nghĩ
mình đang tham dự vào cuộc tranh đấu xây dựng dân chủ tự do cho đồng bào trong
nước. Mà đây cũng là tâm lý của tất cả các đồng bào tị nạn trong bao nhiêu đợt.
Biến chuyển này, hồi năm 1978, 79, cũng không ai đoán trước được.
Từ năm 1975 tới năm 1978, người Việt tị nạn thường
tự nhìn mình như những kẻ lưu vong. Sống xa quê hương chỉ là một lý do nhỏ, vì
khoảng cách xa đến mấy cũng có thể được lấp đầy qua những món quà gửi về tiếp
tế cho thân nhân; một gói thuốc Tây có thể nuôi được cả một gia đình hàng
tháng. Tâm trạng nặng nề nhất là cảm tưởng bất lực, không biết bao giờ đồng bào
trong nước mới thoát được cảnh sống tối tăm. Một “bức màn tre” đã bao phủ quê
hương, giống như bức màn sắt chia đôi Châu Âu từ năm 1945, không biết bao giờ
có thể xóa bỏ. Năm 1989 bức tường Berlin đổ, cảm tưởng vô vọng này tan biến,
chuyển thành hy vọng và tin tưởng. Sau cùng Thiện đã thắng Ác. Chế độ cộng sản
trước sau sẽ sụp đổ, dân tộc Việt Nam sẽ trở về với cuộc sống bình thường của
nhân loại.
Ngày nay, tâm trạng người tị nạn đã hoàn toàn thay
đổi so với 35 năm trước. Ðọc báo ở hải ngoại vào năm 2013, không mấy còn ai
nhắc đến hai chữ lưu vong nữa. Quý vị đến ngồi trước một quán phở ngon lâu đời
nhất trên phố Bolsa vẫn thấy một câu trên bức tranh treo ngoài cửa, diễn tả
đúng “tâm trạng lưu vong.” Trên bức tranh vẽ phong cảnh Việt Nam ngoài hành
lang trước cửa quán, lời quảng cáo xác định đây là nơi quây quần của “những
người nặng lòng với quê hương đã mất.” Câu này chắc được viết cùng thời gian
khi báo Người Việt ra đời. Bây giờ đã khác. Ðối với quê hương thì lòng lúc nào
cũng nặng. Nhưng không ai còn cảm thấy mất quê hương nữa. Quê hương vẫn có mặt
trong lòng mình; vì ai cũng đang nghe quê hương kêu gọi đến mình, ngay trên màn
ảnh máy vi tính của mình. Người ở nước ngoài có thể tham dự trực tiếp vào những
cuộc vận động dân chủ tự do ở quê nhà. Những phong trào tranh đấu xây dựng dân
chủ ở trong nước trông cậy đồng bào tị nạn yểm trợ. Trần Huỳnh Duy Thức, Lê
Quốc Quân, Ðinh Nguyên Kha ngồi trong nhà tù nhưng họ đều biết hàng triệu đồng
bào ở xa đang sẵn sàng hỗ trợ cha mẹ mình lên tiếng đòi tự do cho những tù nhân
vì lương tâm. Các bạn trẻ tập họp để tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
ở Hà Nội, Sài Gòn tuần trước, cũng biết hành động của họ và cảnh tượng đàn áp
của chế độ công an sẽ được thế giới nhìn thấy qua mạng lưới xã hội nối cả loài
người với nhau; không còn phân biệt ở trong nước hay ngoài nước. Một tin cô
sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị đuổi học được truyền khắp thế giới, trong vài
ngày đã có nhiều người bàn nhau trên mạng xem có thể xin cho cô vào học tại một
đại học nào, ở nước nào.
Tất cả, cũng nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật thông
tin. Người Việt ở nước ngoài không còn lưu vong nữa. Tất cả cùng nằm trong lòng
một dân tộc Việt. Ðó là điều thay đổi lớn nhất đối với nhật báo Người Việt sau
35 năm làm báo.
Ngay cả công việc gọi là “làm báo” cũng thay đổi.
Hiện nay số người đọc báo Người Việt trên mạng đông hơn số người đọc tờ báo
giấy, có nhiều ngày đông gấp ba, bốn lần. Số người đọc ở khắp nơi khác trên thế
giới cộng lại đông hơn số người đọc ở nơi in tờ báo là nước Mỹ. Trước đây 35
năm cũng không ai tưởng tượng được tình trạng đó. Ngay cả những người viết
sách, viết báo, bây giờ không thể gọi họ là những “nhà cầm bút” nữa. Ðâu mấy ai
còn dùng bút viết? Không lẽ gọi họ là các “nhà gõ máy?”
Nhưng làm báo bây giờ cũng không chỉ có việc gõ máy
cho chạy ra các hàng chữ. Trên Người Việt Online chúng ta thấy những hình ảnh,
phim, chiếm “chỗ” (đếm bằng bit và byte) nhiều hơn các hàng chữ. Một cuộc phỏng
vấn trên Người Việt Ti Vi được nhiều người coi hơn một bài báo. Người ta coi ti
vi trên rất nhiều phương tiện khác nhau: màn ảnh máy vi tính, máy ti vi thường
ở nhà, coi trên các “bàn máy,” (dịch chữ tablet) như iPad; trên hàng triệu máy
điện thoại di động. Người ta không ngồi ghế cầm tờ báo đọc cả giờ trong khi
uống ly cà phê buổi sáng. Họ đọc báo Người Việt khi ngồi trong xe, trước cửa
nhà. Chỉ cần mở máy điện thoại ra năm, ba phút, trong lúc đang chờ vợ đang
trang điểm lần chót trước khi cùng đi ăn sáng. Ðến quán ăn, bà vợ cũng có thể
mở máy điện thoại ra đọc báo Người Việt trong lúc ông chồng xếp hàng vào nhà vệ
sinh. Sau ba bốn lần đọc nhanh trong những lúc rảnh rỗi ngắn ngủi, “quý vị độc
giả” có thể đã đọc hết mấy bài của Lê Diễn Ðức, của Song Chi, Lê Phan hay Trần
Tiến Dũng; các tác giả này, theo thứ tự, ở Ba Lan, Na Uy, Anh, và Việt Nam.
Chúng ta đã chứng kiến 35 năm đi qua với biết bao
nhiêu thay đổi. Kỹ thuật biến đổi thì đời sống và xã hội cũng biến đổi. Karl
Marx không phải là người đầu tiên khám phá ra điều này, nhưng ông là người làm
ồn ào về “định luật” đó mạnh nhất. Có những người nhắm mắt học ông Marx và các
đệ tử thuộc hạng ác nhất của ông, như Stalin, Mao Trạch Ðông; rồi đem về đè
người Việt Nam xuống nhét đầy tai những lý thuyết mà bây giờ ai cũng biết là
vừa vô bổ vừa tác hại. Rất may, bây giờ ngay những người bị nhồi nhét nhiều
nhất cũng tỉnh ra, nhìn thấy là chủ nghĩa cộng sản không những sai lầm mà còn
sinh ra bao nhiêu tai họa cho đất nước. Nhiều người đang công khai từ bỏ đảng
cộng sản. Nhờ đâu các đảng viên cộng sản đã mở mắt? Cũng nhờ các tiến bộ trong
kỹ thuật thông tin.
Kỷ niệm 35 năm làm báo Người Việt, chúng ta tin
tưởng rằng trong mấy năm tới đất nước Việt Nam sẽ thay đổi nhanh chóng hơn cả
35 năm qua. Chế độ độc tài đảng trị sẽ tan rã sớm để người Việt, ở trong nước
và ở ngoài, cùng nhau xây dựng một quốc gia dân chủ tự do đứng ngang hàng với
các nước tiến bộ trên thế giới.
Saturday, December 14, 2013 5:31:59 PM
No comments:
Post a Comment