Posted by diendanxahoidansu on 19/12/2013
Đôi lời: Một văn bản pháp lý ở cấp chính phủ, với những khái niệm mơ hồ, mà cho
phép hành động có thể dẫn tới việc cướp đi mạng sống của con người, trên cả
Luật, Hiến pháp. Vụ này chắc phải cần tới những bình luận của giới chuyên môn
pháp luật.
Ngoài ra, có nghi ngờ cho là
văn bản này, cùng với quyết định vội vã lập 2 quận từ huyện Từ Liêm, Hà Nội bị
phát hiện đầy sai sót, thậm chí cả thông tin sắp thăng hàm cấp tướng cho 67
sĩ quan (trong đó chỉ có 16 là quân đội), là những cú “chạy Hiến pháp”, tức là
thực hiện trước khi Hiến pháp mới có hiệu lực, để tránh những quy định mới về
thẩm quyền trong đó.
BT
—
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
CHÍNH
PHỦ
——-
——-
Số: 208/2013/NĐ-CP
Hà Nội,
ngày 17 tháng 12 năm 2013
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, NGĂN
CHẶN VÀ XỬ LÝ
HÀNH VI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định
quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành
vi chống người thi hành công vụ,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về các
biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ;
điều kiện bảo đảm; chế độ, chính sách đối với người thi hành công vụ,
người trực tiếp tham gia ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ; trách
nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân
các cấp trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành
công vụ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối
với người thi hành công vụ; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt
Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này những từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người thi hành công vụ
là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ
trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm
phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
2. Hành vi chống người thi hành
công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành
hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác
nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc
người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 4. Nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi
chống người thi hành công vụ
1. Tuân thủ quy định của
pháp luật; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá
nhân.
2. Lấy phòng ngừa là
chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi
chống người thi hành công vụ.
3. Thận
trọng, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành
công vụ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ; hạn
chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và
tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Đối với người thi hành
công vụ:
a) Vi phạm trình tự, thủ
tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ;
b) Tham nhũng, tiêu cực,
hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thái độ, tác
phong, lời nói, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ;
c) Vi phạm các quy định
của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vi phạm
các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Xâm phạm tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và sự hoạt động bình thường
của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ;
đ) Lợi dụng việc thi hành công
vụ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoặc vì mục đích cá nhân khác;
e) Các hành vi vi phạm
khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với cơ quan, tổ
chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho người thi hành công vụ:
a) Giao nhiệm vụ cho người
thi hành công vụ không đúng thẩm quyền;
b) Yêu cầu người thi hành
công vụ thực hiện nhiệm vụ trái quy định của pháp luật;
c) Bao che, không xử lý
hoặc xử lý không nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi
phạm của người thi hành công vụ;
d) Các hành vi vi phạm
khác theo quy định của pháp luật.
3. Đối với tổ chức, cá
nhân khác:
a) Không chấp hành các quy
định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người
thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm
vụ;
b) Lợi dụng quyền tự do,
dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống
người thi hành công vụ;
c) Xâm phạm tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài
sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ;
d) Các hành vi khác nhằm
chống người thi hành công vụ.
Điều 6. Các điều kiện bảo đảm hoạt động phòng ngừa, ngăn
chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
1. Kinh phí phục vụ hoạt
động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ do
ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước theo quy
định hiện hành. Việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động phòng ngừa,
ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ thực hiện theo quy định
của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền chịu trách nhiệm trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết
bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật cho người thi hành công vụ để
thi hành nhiệm vụ.
Điều 7. Chế độ, chính sách đối với người thi hành công
vụ, người trực tiếp tham gia ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành
công vụ
1. Người thi hành công vụ,
người trực tiếp tham gia ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen
thưởng.
2. Trường hợp người thi
hành công vụ, người trực tiếp tham gia ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi
hành công vụ mà bị thương hoặc hy sinh thì được xem xét, công nhận
là thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh hoặc
được công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công
với cách mạng.
Chương 2.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA HÀNH VI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH
CÔNG VỤ
Điều 8. Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa, ngăn
chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
Cơ quan, tổ chức, chính quyền
các cấp có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của
công dân, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thực thi pháp luật
nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân và các thành
viên thuộc cơ quan, tổ chức, địa phương mình.
Điều 9. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, quy
trình, quy chế, kế hoạch công tác
1. Căn cứ vào chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức, lực lượng thi hành
công vụ có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, quy trình, quy
chế, kế hoạch công tác cụ thể đối với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng; các
phương án, quy trình, quy chế, kế hoạch công tác phải dự kiến các tình huống có
thể xảy ra và biện pháp, cách thức, trình tự giải quyết.
2. Trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ phải thực hiện đúng các phương án,
quy trình, quy chế, kế hoạch công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
giữ đúng lễ tiết, tác phong, kỷ luật công tác.
Điều 10. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề
nghiệp
Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của mình các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng và thực
hiện chương trình huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, phương pháp vận động, thuyết phục, kỹ năng sử
dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên
dụng và kỹ năng phòng vệ chính đáng, xử lý tình huống khi có hành vi chống
người thi hành công vụ; rèn luyện lễ tiết, tác phong, thái độ đúng mực của
người thi hành công vụ trong khi thực thi nhiệm vụ.
Điều 11. Tuần tra, kiểm soát, bảo vệ các khu vực,
địa bàn theo quy định của pháp luật
Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ của mình, các cơ quan, đơn vị Công an, Quân đội, Kiểm lâm, Hải quan và các
cơ quan, tổ chức, lực lượng thực thi công vụ khác có trách nhiệm tổ chức tuần
tra, kiểm soát trên phạm vi lĩnh vực, tuyến, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử
dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp pháp luật
có quy định khác; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 12. Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối
với người thi hành công vụ
Các cơ quan, tổ chức quản lý
người thi hành công vụ có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch,
biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi
phạm pháp luật của lực lượng thực thi công vụ. Thường xuyên kiểm tra, chấn
chỉnh việc thực thi nhiệm vụ và chấp hành pháp luật, kịp thời phát hiện và xử
lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ.
Điều 13. Thông báo về địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan,
tổ chức nơi người có hành vi chống người thi hành công vụ học tập, làm việc
Sau khi xử lý vi phạm đối với
người có hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan đã ra quyết định xử lý
vi phạm có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa
phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm học tập,
làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục. Văn bản thông báo của
cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi
hành công vụ phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người có hành vi
chống người thi hành công vụ; hành vi vi phạm, hình thức, biện pháp xử lý vi
phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Chương 3.
CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, XỬ LÝ HÀNH VI CHỐNG NGƯỜI THI
HÀNH CÔNG VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH
PHỦ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP
Điều 14. Các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người
thi hành công vụ
1. Giải thích cho người có
hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay
hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh nhân dân và các
giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra.
2. Cưỡng chế người có hành
vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh,
yêu cầu của người thi hành công vụ.
3. Bắt giữ người có hành
vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô
hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám
xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm
được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp tập trung
đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động,
thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết
phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm
trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô
lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.
5. Trong trường hợp cần
thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ
khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành
công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ
thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế,
bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng
trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22
Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
6. Việc xử lý người có
hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
Đối với các vụ án chống người
thi hành công vụ, đề nghị Tòa án có thẩm quyền tăng cường tổ chức xét xử lưu
động để góp phần phòng ngừa, giáo dục chung.
Điều 15. Phối hợp, hỗ trợ trong xử lý tình huống khi
có hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra
1. Trong trường hợp xảy ra
tình trạng tập trung đông người để chống người thi hành công vụ hoặc
trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của mình thì người thi hành công vụ đề
nghị các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ
chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
2. Các đơn vị thuộc lực
lượng vũ trang nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ người thi hành công vụ
để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định
của pháp luật.
Điều 16. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm:
1. Ban hành theo thẩm
quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các
văn bản quy phạm pháp luật về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người
thi hành công vụ trong lĩnh vực, địa bàn thuộc quyền quản lý.
2. Phổ biến, giáo dục pháp
luật, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện đúng đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra các
đơn vị thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định tại Nghị định này.
3. Phối hợp chặt chẽ với
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai và đôn đốc thực hiện các quy định
của pháp luật về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công
vụ.
4. Thực hiện
thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật;
phối hợp và hỗ trợ cơ quan, lực lượng thi hành công vụ trong việc phòng ngừa,
ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
5. Chỉ đạo các cơ
quan, đơn vị thuộc quyền xây dựng phương án, quy chế, quy trình, kế
hoạch và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi
hành công vụ trong lĩnh vực, địa bàn thuộc quyền quản lý.
6. Trang bị hoặc đề nghị
cơ quan có thẩm quyền trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện,
thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật cho các lực
lượng chức năng thuộc quyền quản lý để thi hành công vụ.
7. Bảo đảm kinh phí cho
công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an
chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Nghị định này./.
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
THỦ TƯỚNG
Nguyễn
Tấn Dũng
Nơi
nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).
----------------------------------------
No comments:
Post a Comment