Phạm Chí
Dũng gửi RFA từ Việt Nam
2013-12-03
2013-12-03
Khúc
dạo đầu. . .
Người Pháp chầm chậm rời khỏi quán cà phê nhỏ trên
đường Đại Cồ Việt. Nền trời Hà Nội xâm xẩm mây mù đầu đông. Mắt ông ngỡ ngàng.
Ngay trên vỉa hè lớp nhớp trước mặt ông, một viên cảnh sát trật tự cấp hàm đại
úy đang hùng hổ vung tay chỉ đạo cấp dưới quẳng bàn ghế của quán cà phê lên
chiếc xe thùng nhỏ - vốn được dành riêng cho thể loại “sinh hoạt đường phố”
này. Những bóng người mờ nhạt loăng quăng trong tiếng quát tháo chói tai như
càn khoét vào làn sương cô tịch của Hà thành.
Màn sương trước khi diễn ra đại hội đảng lần thứ 12
vào năm 2016.
Quầng sáng cuối cùng của mặt trời cũng vừa tắt hẳn.
Gương mặt viên bí thư thứ nhất về chính trị của tòa đại sứ Pháp đầy vẻ u ám.
Ngán ngẩm và khinh bỉ, giọng Jean Philippe Gavois trầm đặc buồn bã hướng
đến chúng tôi: “Các bạn không cần phải
nói cho tôi về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nữa. Tôi đã nhìn thấy tất cả”.
Trước đó ít phút trong một quán cà phê khác, ông đã
vô tình lặp lại một cử chỉ đặc trưng cho nền văn hóa đối lập đương đại ở Hà
Nội: chụp ảnh những nhân viên an ninh trước một vòng rào máy quay phim chĩa vào
ông từ những người không mặc sắc phục.
Một trong hai người chúng tôi là Nguyễn Văn Đài -
một luật sư được chính quyền khoác cho bộ trang phục “tuyên truyền chống nhà
nước” và đã phải thụ án tù vì tội danh cao quý đó, đã không còn được ông chủ
quán cà phê quen thuộc nồng hậu đón tiếp, sau lời cảnh cáo đanh thép sẽ “đóng
cửa quán” từ những người đại diện cho pháp luật Việt Nam.
Thêm ít phút nữa, bà chủ của quán cà phê thứ hai mà
chúng tôi đặt chân vào ôm ngực hổn hển nói với Đài “Các anh mà không ra thì họ
đến đóng cửa quán của tôi mất”. Tròng mắt bà ngân ngấn một vẻ đồng cảm xót xa.
Hình như một cơn đau tim ngôn luận đang quấn siết ngực bà.
Thưa
các ông nhân quyền, Hà nội chúng tôi đây!
Câu chuyện
mặt đối mặt đậm sắc thái bất hòa ấy xảy ra vào ngày 28/11/2013, chỉ nửa tháng
sau khi giới cầm quyền Hà Nội lần đầu tiên được lọt qua cánh cửa của Hội đồng
nhân quyền Liên hiệp quốc.
Jean Philippe Gavois đã có được một kỷ niệm không
hiếm hoi: trước và sau tuyên thệ “Luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người”,
bản cương lĩnh đảng - vừa giành được tỷ lệ phiếu thuận ngất ngưởng đến 98%
thông qua hiến pháp mới nơi nghị trường quốc hội - đã ngay lập tức quay lưng
với bài học đáng quên trong lịch sử phong kiến về quyền tự do cá nhân của dân
chúng.
Một
ngày sau kỷ niệm không đáng nhớ trên, tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Thanh Giang
tại nhà ông. Cũng như luật sư Nguyễn Văn Đài, vị tiến sĩ địa vật
lý này được Công an Hà Nội đặc tả như một nhân vật chống đối và áp dụng chế độ
cách ly đặc biệt, cho dù những gì tôi biết về ông là tư chất ôn hòa, tuổi già
và những kiến nghị đau đáu cuối đời.
Vào lần này, kỷ niệm đầu đông Hà Nội thật nồng cháy.
Ngôi nhà cô tịch của Nguyễn Thanh Giang nằm trong một ngõ nhỏ đã bị đội ngũ dày
đặc nhân viên an ninh che kín từ hồi nào. Ngay cả lời mời tha thiết của chủ nhà
cũng không làm cho hàng rào cách ly lay động. Không vào nhà cùng tham dự cuộc
thăm hỏi theo lời đáp từ của nhà văn Nguyễn Thanh Giang, những viên chức an
ninh lạnh lùng còn lập tức xô đẩy các vị khách của ông ra khỏi cửa.
Dĩ nhiên tôi cũng nằm trong số khách bất hạnh đó.
Hà Nội những ngày lập đông như đóng băng trong dòng
người lặng cúi trên phố. Không may mắn như viên bí thư của Đại sứ quán Pháp,
tôi chẳng có cơ hội nào diện kiến người mà tôi muốn học hỏi những kiến thức cao
niên.
Thay vào đó, một thể tài kiến thức rất chuyên biệt
đang chờ tôi.
Bởi trong khi những vị khách khác chỉ bị “mời” về,
một chiếc xe hơi đã trờ tới cạnh tôi. Tôi hiểu, mình đã bị “đón lõng”.
Đồn công an Trung Mỗ thuộc huyện Từ Liêm cách nhà
ông Nguyễn Thanh Giang khoảng một cây số, nằm trong một khu vực nhà cao tầng
đang thi công, gạch vữa bặm trợn cùng những khuôn mặt cũng chẳng thiện cảm hơn.
Trong đồn, một kế hoạch đã được sắp đặt từ hồi nào để tiếp đón tôi.
Ngồi trên xe và áp tải tôi là Trung, một cán bộ của
A67 - Cục bảo vệ chính trị 7 thuộc Bộ Công an. Tuổi trung niên, Trung khá điển
trai và có lẽ không thiếu tham vọng. Trung hứa hẹn sẽ chỉ “trao đổi” với tôi
khoảng một tiếng đồng hồ.
Nhưng buổi lấy cung đã kéo dài gấp sáu lần so với
hứa hẹn ban đầu - một tỷ lệ khiến tôi liên tưởng đến hố phân hóa không tưởng về
nợ xấu ngân hàng trong báo cáo của cùng hai cơ quan nhà nước là Ủy ban giám sát
tài chính quốc gia - từ 35-37%, và từ Ngân hàng nhà nước - gần 6%.
Tỷ lệ 1/6
cũng là một đặc trưng hiếm có của thể chế độc trị ở Việt Nam: cứ 6 người dân
lại có một người trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lực lượng công an.
Có lẽ cũng vì nguyên do bội cung như thế mà buổi hỏi
cung tôi tập hợp đến hơn một chục nhân viên an ninh. Cùng với A67, cơ quan chủ
trì lấy cung là Phòng PA24 - Cơ quan an ninh điều tra của Công an Hà Nội,
chứ không phải PA83 về chính trị nội bộ hay một bộ phận an ninh nào khác. Hai
phiên hiệu A67 và PA24 lại chính là cơ chế phối hợp để bắt khẩn cấp và khởi tố
tôi về tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền” vào tháng 7/2012.
A67 cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời tôi. Thủ
trưởng cơ quan đặc biệt này là Hoàng Phước Thuận. Trước chiến dịch bắt giam tôi
vào năm ngoái, Hoàng Phước Thuận đóng lon đại tá. Sau đó, ông được thăng hàm
thiếu tướng.
Tôi
không bị bắt, các ông thấy đấy. . .
Không nhiều thời gian để người dân kiếm sống, nhưng
lại quá dư dả thời giờ cho công an quản lý họ.
Một hồ sơ chi tiết về tôi đã được Công an Hà Nội xác
lập. Lý lịch cá nhân. Gần 200 bài viết và trả lời phỏng vấn trên các báo quốc
tế VOA, BBC, RFA, RFI, ABC… và báo chí hải ngoại. Và tất nhiên cả mục đích
chuyến đi Hà Nội cùng các cuộc gặp gỡ vào tháng 11/2013 của tôi với nhiều “đối
tượng” như các ông bà Nguyễn Trọng Vĩnh, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ
Chi, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân…
Toàn bộ các vấn đề đều được nhân viên an ninh hỏi và
ghi chép một cách chu đáo, hoàn toàn không khác với những gì mà tôi đã trải
nghiệm trong trại tạm giam B34 ở Sài Gòn. Tất cả đều có thể làm cho bạn hình
dung ra một cuộc bắt giữ không chính thức.
Không chính thức vì đơn giản là không có bất cứ một
giấy tờ nào liên quan đến thủ tục giữ người mà phải được PA24 thông báo cho tôi
- âu cũng là một hiện tượng ngoài lề phổ biến trong hoạt động “bảo vệ an ninh
quốc gia” ở Việt Nam.
Không ngạc nhiên và hoàn toàn bình tâm, tôi thỏa mãn
cơ bản các câu hỏi của giới điều tra, bất chấp tính chất ngoài lề của họ. Kể cả
việc tôi sẵn lòng chịu đựng nếu họ bắt giam tôi thêm một lần nữa.
Điều an ủi duy nhất cho tôi là gương mặt đôn hậu,
trung thực và biểu cảm có văn hóa của người hỏi cung chính - một cán bộ thuộc
Cơ quan an ninh điều tra Hà Nội. Đức khoảng trên ba chục tuổi, thông minh và
mẫn cảm. Nếu không phải vì những cuộc hỏi cung đầy tính sách nhiễu và giáo điều
như thế này, những nhân viên an ninh như Đức sẽ không quá xa cách với những
người như tôi trong quán cà phê.
Đa số nhân viên an ninh bao quanh tôi cũng trẻ như
Đức. Không đề cập đến những bất đồng sắc cạnh xung quanh điều 4 hiến pháp, tôi
nhận ra vẻ ưu tư đầy đặn trong mắt họ, trong thần sắc của họ khi tôi nói về nạn
tham nhũng kinh hoàng, các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu, các bất công kinh tế
cùng bất ổn xã hội đang lên đến tột đỉnh. Đó cũng là những nội dung trong các
bài viết đăng công khai của tôi.
Ít nhất, tôi không nhận ra thái độ hoàn toàn vô cảm
của họ - những người làm công ăn lương như tôi. Tối thiểu, tôi nhận ra họ khác
với nhũng quan chức bệ vệ, giả dối và “ăn của dân không chừa thứ gì” như bà phó
chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng thốt lên. Và tuy vẫn giữ im lặng, cơ mặt họ
đã không tránh khỏi vài co giật bức xúc.
Diễn dịch theo người xưa, trong cái rủi lại có cái
may. Không phải tất cả những người có học vây quanh tôi đều thiếu văn hóa đến
mức có thể sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với dân oan đất đai hoặc giới
hoạt động nhân quyền. Lần đầu tiên từ khi rời trại giam, tôi được cọ xát với
giới chức an ninh Hà Nội.
Cũng theo cái cách mà họ hài hước là muốn “giao lưu”
với tôi.
Sau
16 năm, tôi vẫn không thể hiểu
Văn hóa là sự khởi đầu và cũng
là điểm kết thúc của loài người. Tôi đã nghe một người bạn kể lại chuyện anh bị
công an đọc lệnh bắt, và ngay sau đó anh quay lưng lại, cùng lúc vỗ vào… mông.
Nhưng cũng ngay sau cái vỗ mông như một tác phẩm
chưa từng có trong hồ sơ văn chương thế giới, tờ lệnh bắt anh đã được cho vào
ngăn kéo. Người ta quẳng đồ lại cho anh rồi đẩy anh ra ngoài đường.
Thật kinh khủng! Thật khó hình dung nổi vì sao có
những người dân Hà Nội lại chọn cách thức trình diễn như thế để đối sánh với
ngành công an.
Không thật tán đồng về cách hành xử của người bạn
đó, trong tôi vẫn chằn chặn dấu hỏi: vì cái gì và do ai mà khuynh hướng đối đầu giữa dân
chúng và công an ngày càng khẩn trương?
Cũng khẩn cấp đến mức bất đồng về ý thức hệ đã cùng
lúc hóa thân vào những xung đột cá nhân?
Bầu không khí Thủ đô đang đậm đặc tia kích nổ. Ở
khắp nơi, người ta công khai nói về những nhược điểm và sai lầm quá lớn của chế
độ và cá nhân lãnh đạo. Ở nhiều nơi, những đám đông tự phát có thể hiện ra,
bùng phát bất cứ lúc nào vì những lý do nhỏ nhặt, và càng ghê gớm nếu lý do
liên quan mật thiết đến nhân viên công lực. Dù rằng vẻ nín lặng đến mức kinh
ngạc của người Hà Nội vẫn làm cho nhà cầm quyền chưa bỏ được thói quen hoang
tưởng về quyền năng của mình, song cái âm ỉ trong dân chúng lại giống với hình
ảnh một thùng thuốc súng.
Sẽ ra sao nếu vào một ngày nào đó, con
sóng biểu tình sôi trào sẽ khiến không thể cứu vãn mối dây lỏng lẻo còn lại giữa
lực lượng an ninh với rất nhiều người dân bị thiệt thòi quyền lợi? Sẽ có bao
nhiêu nhân viên an ninh giữ được sự đồng cảm với chính những người đã sinh ra
họ hoặc là đồng bào của họ? Hoặc ở một thái cực quá trái ngược, họ sẽ nổ súng
vào đoàn biểu tình như quang cảnh đẫm máu đã loang tràn ở Romania dưới thời cai
trị độc tài của Ceaucescu?
Công
tác an ninh, xét cho cùng, là tư chất và hành động nhân văn. Từ trái tim đến
trái tim chứ không thể là cái gì khác. Nhân tâm phải là
trái tim để các mạch máu của chế độ và dân chúng chung hòa một mối. Nhân tâm
cũng là cứu cánh duy nhất trong thế cùng tắc biến cho một chính thể không còn
đủ lý do để tồn tại… Trong 16 năm là cán bộ nghiên cứu về chính sách an ninh,
tôi đã rút ra kết luận quý giá này. Giá trị của kết luận đó còn cao cả hơn rất
nhiều lần sự tồn tại của một nền chính trị.
Thế nhưng vì sao những người được xem là “bạn của
dân” lại đang bị không ít dân chúng coi là “côn đồ”?
Hà Nội làm
sao vậy? Trong tận cùng trái tim của Thủ đô, đất trời Hà Nội đang chao đảo bởi
một nền văn hóa cướp hoa, nền văn hóa giành giật bánh sushi và bây giờ đang
nhanh chóng tiến đến nền văn hóa đấm đá nhân quyền.
Trong tận cùng của nhân quyền lại là quyền lợi sinh
tồn của những dân oan đất đai - một đòi hỏi chính đáng và chính danh đến mức
không thể bị bất kỳ quan chức xảo ngôn nào đánh tráo khái niệm. Nhưng nhiều năm qua, nhiều nhân viên an ninh
đã rơi vào cái vòng xoáy tráo trở ấy, trở thành một thứ công cụ đặc thù và diệu
nghiệm để các nhóm lợi ích bất động sản trục lợi. “An ninh quốc gia” được trưng
ra như một thứ bùa được trả lương. Còn nếu cuộc đối đầu với dân oan rơi vào
thảm cảnh và đổ máu như vụ cưỡng chế gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, sẽ chỉ
có lực lượng công an và người dân bị thí chốt. Trong khi đó, những bóng ma nhóm
lợi ích và quan chức nhúng chàm đều biến mất…
Nhưng sau tất cả những suy tưởng mông lung, tôi lại
tự cật vấn mình rằng nếu tôi bị công an và dân phòng Hà Nội đánh bầm dập như họ
đã hành xử đối với Phương Uyên, Lê Quốc Quyết và một số blogger vào tháng 9/2013,
hay với Lê Thị Công Nhân và Trương Dũng vào tháng 11/2013, liệu tôi có giữ được
bình tâm để suy nghiệm về cái chân thiện mỹ trong con người cán bộ an ninh thời
nay?
Cuộc bắt giữ và câu lưu tôi đã thành công. Tôi không
còn thời gian để gặp nhà văn Nguyễn Thanh Giang. Tôi cũng chẳng thể đến nhà thờ
Thái Hà để thăm linh mục Nguyễn Nam Phong. Chỉ còn vừa đủ thời gian ra sân bay
Nội Bài để về Sài Gòn theo vé khứ hồi đã đặt.
Ngược lại, giới chức an ninh Hà Nội đã có dịp “giao
lưu” khá đầy đủ với tôi về những chủ đề thật nhạy cảm như quan điểm của tôi về
Diễn đàn xã hội dân sự, những tổ chức “chống đối” như Dân Làm Báo, Việt Tân…
Ngay cả những bài viết của tôi đã đăng trên báo chí quốc tế cũng được họ cẩn
thận đề nghị tôi lưu bút về “quyền tác giả” - một động tác không thừa nếu sau
này họ muốn bắt lại tôi.
Cuối cùng, sau khi đáp lại gợi ý của cán bộ A67 về
“ở chơi Hà Nội đến ngày mai” bằng lời chân thành nhất “tôi đã sẵn sàng nếu bị
bắt”, tôi được thông báo về một bản cảnh cáo viết tay, không đóng dấu, liên quan
đến việc tôi tiếp xúc với các “đối tượng” Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Đài,
Lê Thị Công Nhân. Tất nhiên, tôi không ngần ngại bút ký vào biên bản ấy nội
dung “Tôi không vi phạm pháp luật”.
Chỉ có lời tự vấn về phẩm chất và văn hóa an ninh
của tôi vẫn còn ở phía trước.
Và
những gì còn lại
Nhưng ngay trước cái phía trước ấy lại
là một kết quả gây ra sự ồn ào vào ngày 29/11/2013 mà những người chỉ đạo chiến
dịch “phân hóa” có lẽ đã không lường hết: vào cuối ngày, báo chí quốc tế
và giới truyền thông xã hội đồng loạt đưa tin và bình luận về vụ việc cách ly
ông Nguyễn Thanh Giang, tất nhiên không quên trường hợp bị cản trở hôm trước
của luật sư Nguyễn Văn Đài. Một người quen ở nước ngoài còn cho tôi biết đã có
sự lên tiếng trong giới nghị sĩ quốc hội Australia về câu chuyện đặc biệt này -
đặc biệt như một dẫn chứng hùng hồn cho 14 lời cam kết của Nhà nước Việt Nam
trước Chủ tịch đại hôi đồng Liên hiệp quốc, và như một minh họa không thể sinh
động hơn cho điều được xem là “thành tâm chính trị” của Nhà nước Việt Nam ngay
sau khi được chấp thuận vào Hội đồng nhân quyền.
Những người bạn của tôi trong giới truyền thông quốc
tế còn nêu lên những câu hỏi không thể lẩn tránh: Ai đã chỉ đạo “chiến dịch” sách nhiễu luật sư
Nguyễn Văn Đài, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và bắt câu lưu nhà báo Phạm Chí
Dũng? Phải chăng là Bộ Chính trị? Hoặc nếu không phải từ những cấp
lãnh đạo tối cao thì lẽ nào các cơ quan cấp dưới đã tự tung vận hành cái thói
quen trấn áp và đàn áp của thời phong kiến như thế?
Giới truyền thông cũng bình phẩm về một đặc trưng
không thể đặc biệt hơn trong nền chính trị đương đại Việt Nam: ngành công an
chính là những chuyên gia tạo event giỏi nhất. Ai và cái gì đã tạo nên khả
năng và kỹ năng tuyệt vời gây sự kiện, hơn nữa lại là sự kiện quốc tế, như thế?
Chỉ có điều,
mọi lý giải cho những câu hỏi trên có thể đều không còn cần thiết nữa. Trong
con mắt giới nhân quyền và các nhà nước dân chủ quốc tế, Nhà nước Việt Nam
vừa ghi thêm một điểm xấu về thành tích “bảo đảm quyền con người”.
Nếu không vì sứ mệnh ngoại giao bắt buộc, hẳn những
người như viên bí thư Jean Philippe Gavois đã lập tức xách vali rời khỏi đất
nước quá giả dối chính trị cộng thêm sự ghẻ lạnh tình người này.
Phạm
Chí Dũng, nhà văn.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
No comments:
Post a Comment