Tuesday, 3 December 2013

TIỄN CHÚ KIẾN GIANG (Phạm Thị Hoài - procontra.asia)




Phạm Thị Hoài
Tháng 12 3, 2013

Những năm ấy, từ giữa tám mươi đến giữa chín mươi, nhiều khi cứ vài ngày tôi lại ghé nhà ông Kiến Giang. Ông thường say sưa nói về những đề tài đang nghiền ngẫm. Tôi thường ngồi đó, chia với ông những điếu thuốc quá đắt so với thu nhập của chúng tôi và thỉnh thoảng đưa ra một ý kiến có phần cực đoan. Tôi biết rằng ông biết tôi thích khiêu khích và cho tôi cơ hội ấy. Chúng tôi cùng biết điểm cọ xát: ông là một nhà cách mạng lão thành, đã “thể nghiệm chủ nghĩa cộng sản bằng trí tuệ và hành động” và đang vật lộn với niềm tin phải trả bằng một cái giá rất đắt của mình; tôi thì ưa tấn công niềm tin ấy, với tất cả ưu thế mà tôi tưởng mình có của một kẻ trẻ tuổi đứng ngoài. Tôi chờ đợi ở ông một cuộc vượt thoát, tốt nhất là ngay sáng hôm sau, không một lần tự hỏi mình có gì để đòi hỏi như thế. Nhưng ông không khước từ. Đôi khi tôi vốn không có khiếu mùi mẫn phải se lòng vì chú Kiến Giang, người cùng lứa với cha tôi, phải tìm lời dường như xin được cảm thông rằng thế hệ ông không thể lột xác qua một đêm ngủ dậy. Sau này, khi dùng lại khái niệm “phò chính thống” của ông trong một bài nói chuyện về trí thức Việt Nam, rồi khi tập hợp nhiều bài viết của ông để đăng trên trang talawas, tôi thấy mình một lần nữa leo lên căn phòng tối tăm bé xíu ở phố Tuệ Tĩnh của gia đình ông, hay sau này lách xe qua những hàng gồng gánh, những bếp than, ghế nhựa, trẻ con lê la và đường cống nham nhở trong Ngõ Lương Sử, để tới ngồi với chú Kiến Giang, trò chuyện đến mệt nhừ.

Song đó không phải là lí do duy nhất. Ông chẳng bao giờ biết rằng tôi cũng ngồi đó để ngắm ông, một trong số ít những người đàn ông đẹp trong một xứ sở mà ngoại hình của giới mày râu hiếm khi gây được ấn tượng. Chậm nhất từ ba mươi trở ra, người ta – nhất là đàn ông – phải chịu trách nhiệm cho dung mạo của mình. Mặt vuông chữ điền, lưỡng quyền hào phóng, miệng rộng, cằm mạnh mẽ, mày nổi và một vầng trán áp đảo, gương mặt đầy nam tính của ông toát lên một vẻ trí thức khắc khổ, một sự từng trải tử tế, một sự chịu đựng cương nghị, sáng bừng lên bằng nụ cười thật trẻ thơ và cặp mắt linh hoạt. Một gương mặt có lẽ sẽ tuyệt chủng. Ông từng là một cán bộ cao cấp lâu năm mà từ nét mặt đến cử chỉ và dáng dấp đều không còn một dấu vết cán bộ. Một điều phi thường. Chất cán bộ đã ngấm vào ai một ngày thường tẩy không ra nữa. Tôi cứ ngồi ngắm ông già cao lớn, hốc hác mà vững chãi, đẹp như một trang hảo hán trong tưởng tượng có lẽ rất cổ lỗ của tôi về những người đàn ông có chí khí. Hình thức chính là nội dung.


Và tôi còn ngồi đó vì một lí do khác, một lí do ích kỉ. Những số phận cay đắng thường có hấp lực đặc biệt đối với người viết văn. Phần mình, điều tôi say mê – nếu có thể dùng chữ này mà không làm tổn thương – thực ra không phải là bản thân những tai oan, bất hạnh mà là cách người ta sống với chúng và sau chúng. Những lần đi dạo với cụ Nguyễn Mạnh Tường quanh Vườn hoa Pasteur, tôi nhớ là hai bác cháu chẳng nói gì nhiều, song cái cách mà vị học giả lừng lẫy một thời ấy nghiêng đầu trên chiếc khăn mùa đông quấn cổ, ghé tai tôi nói nhỏ, lặp đi lặp lại, phải cẩn thận, phải cẩn thận, cháu nhé, cháu nhé, ám ảnh tôi ghê gớm. Ông Kiến Giang gần như không kể gì về những năm tháng tù đày, vụ án “Xét lại chống Đảng” mà ông bị coi là một trong những “đầu sỏ nguy hiểm” cũng ít khi được nhắc. Có chăng, chỉ qua những câu chuyện đã thành giai thoại. Giai thoại khiến cái hiện thực đằng sau được cách điệu, được nắn kênh, bớt gớm ghiếc kinh hoàng hơn. Như câu nói tương truyền của ông Lê Đức Thọ dành cho những nạn nhân của vụ án chính trị cho đến nay sau gần nửa thế kỉ còn chưa hề được giải mật ấy, rằng “đi tù cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước”. Nó bỉ ổi, nhưng người nghe có thể bật cười.  Tôi cứ ngồi đó, hình dung mình sẽ làm gì sau những hoạn nạn như thế. Có thể cười không?

Nhiều người ca ngợi và cũng nhiều người trách cái phương châm ẩn nhẫn giữ mình của ông Võ Nguyên Giáp suốt nửa cuối cuộc đời, sau thất sủng. Song Tướng Giáp không phải là ngoại lệ. Phần lớn các nạn nhân của những vụ trấn áp và thanh trừng trong nội bộ quyền lực ở tất cả các nước cộng sản trước đây và hiện tại đều chọn thái độ im lặng, hoặc để chờ một thế cờ mới, hoặc để mong một chữ bình an cho gia đình và bản thân. Không ít người từ địa ngục trở về lại sụp lạy dưới chân những chúa tể đã ném mình vào chỗ đó. Trong diễn từ nhan đề “Vì sao tôi bước xuống địa ngục” đọc tại buổi nhận Giải thưởng Hòa bình của Hiệp hội Sách Đức tháng Mười năm nay, nhà văn Bạch Nga, bà Svetlana Alexievich kể chuyện một đảng viên cộng sản dưới thời Stalin. Đầu tiên vợ ông đi xem kịch rồi vĩnh viễn không trở về nữa, như một triệu rưỡi người Nga khác khi Đảng triển khai chiến dịch Đại Thanh trừng. Rồi đến lượt ông bị bắt, bị tra tấn nát bét trong tù. Khi được thả, ông tìm mọi cách để được ra trận rồi trở về, trên ngực đầy huân chương. Chi bộ gọi ông lên, bảo rất tiếc là Đảng không trả vợ cho đồng chí được, nhưng bù vào đó thì trả cho đồng chí thẻ Đảng. Và ông đã vô cùng sung sướng lại được nâng niu tấm thẻ ấy trên tay. Bà kết luận, không thể dùng luật của luận lí để hiểu hiện tượng đó. Phải dùng tôn giáo, dùng luật của đức tin.

Ông Kiến Giang đã lần lượt li khai những giáo điều của quốc giáo Mác-Lê, các giáo chủ đã từ lâu loại bỏ ông như một kẻ dị giáo. Nhưng tôi tin rằng hôm qua, khi ra đi, ông vẫn mang theo phần lãng mạn nhất của lí tưởng cộng sản như một hành trang của định mệnh, dù nó thật đáng vứt đi trong những đoạn dài của hành trình cuộc đời ông mà tôi đã may mắn được ghé vào trong bối cảnh một thập niên đầy biến động.

© 2013 pro&contra



No comments:

Post a Comment

View My Stats