Thursday, 26 December 2013

CHUYỆN VÀO, RA & LÊ THĂNG LONG (Nguyễn Tường Thụy)




26/12/2013

Chuyện vào, ra…

Chuyện từ bỏ Đảng CSVN (và các Hội khác của Đảng) không chỉ tới Nguyễn Chí Đức, Bác Trần Hiếu Đằng, Nguyễn Chí Dũng mới có.

Trước đó đã có nhiều người tuyên bố ra khỏi Đảng. Cũng có nhiều người tự ý bỏ sinh hoạt một cách lặng lẽ, mãi rồi người ta không tính vào danh sách đảng viên nữa. Số này mới nhiều hơn, hầu như phường xã nào cũng có. Họ âm thầm bỏ Đảng vì họ sợ, không dám tuyên bố mạnh mẽ dứt khoát.
Bỏ Đảng vì người ta không còn thiết tha với tổ chức ấy nữa, bởi nó suy thoái, đánh mất lòng tin của họ. Cũng có khi chỉ vì lý do đơn giản: họ đã về hưu, chẳng còn phải dùng đến mác đảng viên để gắn với chức vụ, đồng nghĩa với đem lại nhiều bổng lộc. Bổng lộc là mục tiêu của họ, còn vào Đảng chỉ là phương tiện. (Mời xem lại bài Đánh đĩ chính trị)

Đối tượng này tuy rất nhiều nhưng không nhắc đến trong bài viết này nữa. Bây giờ, chỉ nói đến những người thất vọng về Đảng. Họ có hai cách chọn lựa:

- Họ từng theo đuổi lý tưởng cộng sản thật. Đến khi họ nhận ra họ không thể là đồng chí với những người cùng trong tổ chức, họ tuyên bố ra khỏi Đảng. Đó là một cách.

- Có ý kiến cho rằng, sao không chọn cách thứ hai: ở lại để đấu tranh, làm trong sạch Đảng để Đảng được như cái thuở ban đầu.

Mỗi người có một cách chọn lựa. Nhưng là tôi, tôi chọn cách thứ nhất, là rũ bỏ, để còn giữ được khí tiết.

Với cách thứ hai (ở lại để đấu tranh), tôi cho là vô vọng. Một cá nhân đảng viên, giỏi lắm thì có thể đấu tranh làm trong sạch một chi bộ. Vài chi bộ trong sạch làm sao chuyển biến được Đảng CSVN hiện nay, chứ chưa nói đến chuyện ai cho họ trong sạch? Đó là nói Đảng viên thường. Còn với đảng viên ở những vị trí cao nhất trong Đảng như BCHTWW, Bộ CT, cũng khó mà xoay chuyển được tình thế vì đơn thương độc mã. Chuyện Hội nghị TW 6 và “đồng chí X”, chắc hẳn nhiều người đã biết.

Lại còn chuyện này nữa, người rũ bỏ Đảng cũng không hề đơn giản. Anh tuyên bố ra khỏi Đảng rồi, người ta còn mang anh ra đấu tố rồi khai trừ. Nhà báo Phạm Chí Dũng và Nhà văn Nguyễn Đình Trọng là những ví dụ.

Chuyện này có vẻ vui vui. Nó gần giống như cô vợ, thấy anh chồng vũ phu, bê tha, vô tích sự, cô bỏ về nhà mẹ đẻ quyết không chung sống với chồng nữa. Anh chồng biết không thể nào hàn gắn, liền phát đơn ra Tòa, đơn phương ly dị. Anh ta muốn cho thiên hạ biết rằng, anh ta bỏ vợ chứ không chịu mang tiếng bị vợ bỏ.

Sự so sánh này có chút khập khiễng: Tuyên án của Tòa có giá trị pháp luật, còn chuyện vào ra Đảng lại không phải thế. Chẳng thể cưỡng chế được việc vào, ra Đảng. Họ không thích ở thì bỏ đi. Cớ sao lại kêu người ta quay lại để đấu tố khai trừ, trong khi thực tế, họ có còn là đảng viên nữa đâu. Nó chỉ giải quyết “khâu oai” “khâu sĩ diện”  đối với những người không hiểu mô tê gì mà thôi.

… và Lê Thăng Long

Lê Thăng Long, Phạm Chí Dũng và tác giả bài viết

Trong khi đang luận bàn nên bỏ Đảng hay ở lại đấu tranh trong nội bộ Đảng thì Lê Thăng Long “chơi” chẳng giống ai, lại còn có vẻ như ngược đời. Anh vừa tuyên bố ra khỏi phong trào Con đường Việt nam, vừa làm đơn xin gia nhập Đảng CSVN.

Chính cái sự không giống ai mà anh bị ném đá. Người ta cho rằng anh bị điên, mắc bệnh vĩ cuồng, thậm chí cho anh là cá chìm.

Tôi thì chẳng mấy bận tâm đến chuyện ấy.

Về ý kiến cho anh là cá chìm, trên thực tế, bất cứ cái gì cũng đều có thể. Trong số những người hàng ngày cùng tôi làm việc này việc nọ, cũng có nhiều người bị cho là an ninh. Có vài lần tôi nói với vài người: Họ nghi ngờ cậu là an ninh. Với tôi thì tôi không quan tâm. Những việc làm của tôi, những gì tôi nói, cậu có thể ghi âm, ghi hình. Tôi không quan tâm. Kể cả lúc này, có công an hay chính quyền ngòi đây, tôi vẫn nói thế.

Đó là nói về sự theo dõi, và về cá nhân tôi thôi. Chứ còn chuyện cá chìm, đâu phải không có tác dụng. Nó có thể làm chia rẽ, kìm hãm hay phá hoại cả một phong trào. Nhưng gán cho Lê Thăng Long thì tôi thấy không mấy thuyết phục.

Hồi mới ra tù, Lê Thăng Long lập tức khởi xướng Phong trào “Con đường Việt nam”. Nhờ sự nỗ lực của anh và cộng sự, tổ chức Con đường VN của anh đã tập hợp được lực lượng, nhanh chóng phát triển, tương lai rất khả quan.

Có điều, chắc hẳn ĐCSVN không bao giờ kết nạp anh vào Đảng, càng không thể bầu anh làm Tổng bí thư. Mà anh có làm TBt đi chăng nữa, liệu 1 mình anh có thể xoay chuyển được tình thế, đạt được các mục tiêu mà anh đã nêu ra.

Tôi không cho rằng, Lê Thăng Long tin vào những điều ấy là có thể. Nhưng nhất định anh phải có một mục đích nào đó mà không thể nói thay anh được, cho dù láng máng có nhận ra. Cái sự láng máng ấy, tôi cảm được khi đọc kỹ Tuyên bố cũng như Đơn xin vào ĐCSVN của anh.

Có nhiều việc, biết là không thể nhưng vẫn phải làm. Như Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, như những người Dân oan mấy chục năm ròng rã đi đòi công lý cho mình một cách tuyệt vọng…

Hồi Lê Thăng Long khởi xướng Con đường VN, anh bị “ném đá” khá mạnh. Nhiều người giãy nảy lên, tuyên bố không “dây” với anh. Khi đó, tôi giữ thái độ im lặng. Lần này cũng thế. Tôi không dám nói ra những gì mà mình chưa rõ.

Một số mục tiêu của anh nêu ra, quả thật là quá liều lĩnh như “trong 10 năm đến 20 năm Việt Nam sẽ trở thành một trong 50 quốc gia giàu nhất thế giới, từ 20 đến 30 năm Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 quốc gia giàu nhất thế giới“ hay “chậm nhất 11 tháng tệ nạn tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam sẽ giảm ít nhất 90%“.

Nhưng những điều đó, nó phải kèm theo điều kiện anh phải là Tổng bí thư, hoặc ở các vị trí mà anh toàn quyền phát huy khả năng của mình – điều mà ai cũng cho là không thể nên cũng không vội bàn.

Tôi định phê bình câu anh cho rằng anh “dư thừa khả năng, đức độ“. Nhưng chợt đọc tiếp mệnh đề “để đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư ĐCSVN“, thì tôi lại cho rằng nói thế không có gì quá.

Vì vậy, tôi chỉ biết im lặng và tìm hiểu xem, ẩn trong Tuyên bố và Đơn xin vào ĐCSVN của anh là cái gì? Có một điều thấy khá rõ là anh sẽ không thành đảng viên ĐCSVN, cũng chẳng còn là thành viên phong trào Con đường VN. Anh sẽ chọn lựa một hình thức hoạt động chính trị khác?

26/12/2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats