Sunday, 15 December 2013

CÂU CHUYỆN LÃNH TỤ (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, December 14, 2013 2:14:51 PM

Hồi năm 1997, tôi đã đến Nam Phi để làm một loạt phóng sự truyền thanh cho ban Việt ngữ đài BBC. Tôi đến Nam Phi, như dự án tôi viết ra để xin ngân khoản cho chuyến đi làm phóng sự ghi nhận, với một câu hỏi: Tại sao Nam Phi, một quốc gia đã trải qua một lịch sử đoạn trường của nửa thế kỷ cai trị bởi một thiểu số, đã đạt được đồng thuận để tạo một chính quyền dân chủ đa sắc tộc trong khi đất nước tôi, sau nửa thế kỷ nội chiến giữa những người cùng sắc tộc, cùng ngôn ngữ, lại kết thúc với hận thù để mấy triệu người phải bỏ nước ra đi?

Trong khi chuẩn bị, tôi gặp rất nhiều đồng nghiệp trong khu vực Phi Châu của Thế Giới Vụ. Họ đều thích thú vì lần đầu tiên có một người bên khu vực Á Châu muốn tìm hiểu Phi Châu. Họ còn lý thú hơn nữa khi biết tôi muốn tới miền Nam Phi Châu để tìm hiểu về tiến trình hòa giải của hai quốc gia mới trải qua nội chiến, Nam Phi và Mozambique. Và đều giải thích cho tôi nghe sự phức tạp và vấn đề mà Nam Phi và Mozambique phải đối diện.

Riêng Nam Phi, ai cũng bảo tôi, còn nhiều vấn đề lắm.

Mà quả thực vậy. Trước khi lên đường, ông bạn của công ty du lịch mà đài BBC thường sử dụng thuê cho tôi một khách sạn năm sao ở Johannesburg. Ngạc nhiên tôi hỏi như vậy có quá “tiêu chuẩn” không vì phóng viên có giới hạn tài chánh. Ông ta cười bảo đó là khách sạn rẻ tiền nhất mà bà không phải mặc áo giáp khi xuống phòng ăn!

Vừa đến Johannesburg, trên xe từ phi trường về khách sạn, chuyến xe ca nhỏ của khách sạn đón khách đang đi an lành tự nhiên ông tài xế khóa cửa tự động. Thấy một số chúng tôi có vẻ ngơ ngác, ông giải thích “car jack - ăn cướp xe hơi.” Sau đó tôi mới biết quanh những trục lộ chính của thành phố Johannesburg có những nơi xe hơi đi qua mà nơm nớp sợ vì không biết bị đánh cướp lúc nào.
Thành phố Johannesburg đẹp đẽ, được xây dựng trên tài nguyên khoáng sản của Nam Phi lúc đó đã điêu tàn sau nhiều năm cấm vận. Trụ sở của đảng African National Congress-ANC nằm ở trung tâm thành phố, vốn là trụ sở cũ của công ty dầu khí Shell. Thực ra đây là trụ sở mới của đảng, mua lại của Shell hồi năm 1991. Tòa nhà hẳn có thời sáng loáng đồ sộ nay trông tiêu điều. Và ở cái thời tiền 9-11 khi không mấy nơi có các máy dò kim loại, việc đầu tiên phải đi qua ở trụ sở của ANC là máy dò kim loại. Trong tòa nhà cao ốc rộng mênh mông, các văn phòng của ANC trông thật thô sơ.

Tôi đến gặp tổng thư ký của ANC người da trắng gốc Anh. Như những người bạn ở Ban Phi Châu Vụ đài BBC đã giải thích cho tôi, đa số những thành phần da trắng ủng hộ nồng nhiệt và chiến đấu sát cánh cạnh người da đen là những người gốc Anh. Lịch sử Nam Phi thời thuộc địa là một cuộc tranh quyền giữa người Anh và người gốc Hòa Lan, cho đến khi người gốc Hòa Lan đẩy lui dần ảnh hưởng người Anh để thành lập một quốc gia độc lập, từ bỏ nữ hoàng và thành lập một nước cộng hòa năm 1961 trong một cuộc trưng cầu dân ý chỉ người da trắng được bỏ phiếu. Những người gốc Hòa Lan này có thời gọi là Boer nhưng sau này tự nhận mình là Afrikaan.

Ông tổng thư ký của ANC quả là một người vô cùng hấp dẫn. Ông nói say mê về một tương lai xán lạn của một quốc gia cầu vồng. Ông nói đến những thành quả đã đạt được của ANC từ việc nới rộng mạng lưới an sinh xã hội đến giáo dục. Ông khoe việc cung cấp y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và các sản phụ. Ông khoe Luật Hoàn Trả Ruộng Ðất năm 1994 giúp hoàn trả đất đai cho nhiều chục ngàn người, và Luật Cải Tổ Ruộng Ðất năm 1996 giúp bảo vệ quyền lợi của nông dân làm thuê. Ông công nhận là an ninh và trật tự công cộng là vấn đề nhưng ông cũng nhắc nhở là chính phủ mới lên cầm quyền có ba năm.

Rời văn phòng ANC, tôi đến thăm văn phòng của một trong những đảng da đen quá khích lúc đó đang ồn ào chỉ trích ANC là đảng Azanian People's Organisation-AZAPO. Gặp tôi là phó chủ tịch của AZAPO, một người vừa ngoài 30, học thức, uyên bác và hùng hồn. Tự giới thiệu mình tốt nghiệp từ trường London School of Economics, ông ta bắt đầu chỉ trích chính sách của ANC nói là Mandela và ANC đã không có một sáng kiến nào cả, cắm đầu theo con đường cũ của đảng National, tiếp tục những chính sách chiều chuộng tư bản khiến người nghèo ngày càng nghèo thêm, người giàu ngày càng giàu hơn. Quay sang chính trị, ông chỉ trích ông Mandela là quá quỵ lụy đám người da trắng vì sợ họ bỏ đi khiến cho quyền lợi của đa số bị tước đoạt.

Ngày hôm sau tôi được một phó đảng trưởng của đảng National, đảng cầm quyền cũ thời còn chế độ Apartheid, mời đến nhà uống trà. Như những người Afrikaan khác, giọng nói tiếng Anh nhẹ nhàng, ông giữ đúng lễ độ, mời dùng trà, nói chuyện thời tiết, du lịch, khí hậu. Mãi đến khi trà bánh xong, ông mới bắt đầu quay sang chính trị. Ông chỉ trích bản Hiến Pháp năm 1996 mà ông F.W. De Klerk đã từ chức phó tổng thống trong chính phủ liên hiệp để phản đối. Ông chỉ trích chính sách ruộng đất của ANC gây thiệt hại cho các chủ điền da trắng. Ông chỉ ra là cả chục ngàn người da trắng đã bỏ đi vì tội phạm quá nhiều, tham nhũng tràn lan, và cảnh sát không còn tin cậy được nữa. Ông chỉ ra là mỗi người như vậy ra đi là Nam Phi mất đi một trong những người có đủ khả năng để giúp nền kinh tế hồi sinh, một việc mà chính Tổng Thống Mandela vốn rất e ngại.

Sau khi lấy taxi đi sang thủ đô Pretoria, một thành phố hành chánh nằm không xa đại đô thị Johannesburg. Vì gấp gáp tôi không kịp xin gặp Tổng Thống Nelson Mandela, mặc dầu các bạn trong văn phòng ở Johannesburg cả quyết là nếu biết trước được một tháng thì họ có thể thu xếp dễ dàng.
Nhưng họ bảo tôi cứ lên Pretoria, ngày nào “ổng” ấy cũng ra trước cửa dinh gặp gỡ mọi người. Mà quả vậy, tôi đã được bắt tay vị lãnh tụ đáng kính nể của Nam Phi ở ngay bậc thềm của dinh tổng thống. Ông niềm nở hỏi han khi tôi nói tôi là thuộc Ban Tiếng Việt của đài BBC. Ông bảo ông vẫn “thèm” được đi Việt Nam. Sau tôi, ông vui vẻ bắt tay chào một cặp người da trắng từ Cape Town lên thăm thủ đô. Ông chuyện trò với họ thật vui, hỏi thăm về một vùng mà ông đã sống ở đó trong hơn hai thập niên tuy rằng trong một nhà tù. Nghe ông nói chuyện, không ai nghĩ là cảm tưởng của ông về Cape Town là của một người cựu tù đã bị nhốt ở một trong những nhà tù hắc ám nhất của Nam Phi.

Trở về Johannesburg, tôi gặp đại diện của đảng Inkatha Freedom vốn thường được gọi tắt là Inkatha. Ðây là đảng của người Zulu, một “quốc gia” trong một quốc gia. Ðã có thời những vụ đổ máu thường nhật xảy ra giữa Inkatha và ANC. Giáng to lớn vạm vỡ, ông tiếp tôi ở nhà riêng vì văn phòng chính của Inkatha nằm ở Zululand cách năm sáu tiếng đồng hồ máy bay. Lúc tôi gặp thì mối hiềm khích và cuộc chiến “đen chống đen” giữa Inkatha và ANC đã lắng dịu nhờ tài khôn khéo của lãnh tụ Mandela. Nhưng Inkatha vẫn còn bất mãn. Ông đại diện chê là chính sách của chính phủ thiên bộ tộc của tổng thống. Ông chỉ trích chính sách của tổng thống đối với Zululand. Và nói chung ông không hài lòng vì ông nghĩ là ông Mandela, khi không còn cầm quyền nữa, phải trao quyền cho Chief Buthelezi chứ không phải cho bất cứ một ai trong ANC.

Rời Johannesburg tôi bay tới Cape Town, thành phố xinh đẹp nằm gần giữa lằn ranh của hai đại dương và là nơi mà trong cái tổ chức kỳ lạ của Nam Phi nơi Quốc Hội nhóm họp. Tôi đến Cape để tìm gặp Ðức Tổng Giám Mục Desmond Tutu, người đã được trao cho Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải. Ðức tổng giám mục, trông phúc hậu như một ông Bụt, lúc nào cũng cười, vui vẻ trò chuyện với tôi về King's College của Viện Ðại Học Luân Ðôn, trường cũ của ông. Nghiêm chỉnh lại ông giải thích nguyên tắc của ủy hội rất đơn giản: “Sự thật cần phải được công khai. Sự công khai của sự thật sẽ giúp nạn nhân nguôi ngoai. Nó cũng sẽ giúp kẻ gây nên tội ác một cơ hội hối cải và ủy hội có quyền ân xá.” Vị phó chủ tịch, Tiến Sĩ Alex Boraine, một luật sư lão thành, đã giải thích thêm về khía cạnh pháp lý.

Sau cùng tôi đặt câu hỏi cho hai ông: “Tại sao bao nhiêu hận thù, bao nhiêu máu đổ mà có thể có được hòa giải và hòa hợp?” Hai ông nhìn nhau rồi đức tổng giám mục trả lời “Tổng Thống Mandela coi sự nghiệp chính của ông trong mấy năm còn lại của cuộc đời là làm sao giúp tạo nên hòa giải dân tộc. Ông hiểu rằng trả thù sẽ chỉ tạo nên hận thù. Ông hiểu rằng trả thù sẽ đuổi hết người da trắng ra khỏi Nam Phi, nhưng Nam Phi cần người da trắng vì nền kinh tế sẽ sụp đổ nếu không có người da trắng. Ông hiểu rằng phải giải hòa giữa ANC và Inkatha vì nếu không thì đen sẽ đánh đen.” Ngừng lại một chút, đức tổng giám mục nói tiếp, “Ðã có lần tôi hỏi Madiba bộ anh không tức giận với đám đã bỏ tù anh bao nhiêu năm sao? Anh ta trả lời ‘Tôi không tức giận. Trong chính trị tức giận làm người ta ngu xuẩn.’ Ðó là con người đã giúp Nam Phi thoát được thù hận của quá khứ.”




No comments:

Post a Comment

View My Stats