Posted by diendanxahoidansu on 12/12/2013
Đôi lời: Trong không khí tưng bừng mừng phong trào … bỏ đảng, xin được “bàn
ngang” một chút, điều không dễ, nhưng rất cần.
Liên quan với bình luận này, là 4 bài viết:
2. Tuyên bố về
việc ra khỏi Hội Cựu chiến binh – của Blogger Nhà văn Nguyễn Tường Thụy;
3. “Tôi đang muốn
vào Đảng cộng sản” của cựu tù chính
trị cộng sản Lê Thăng Long;
4. Đơn xin ra đảng của TS Phạm Chí Dũng, và 3 tuyên
bố ra khỏi đảng, đoàn của 1. Nhà văn Phạm Đình Trọng,
2. Blogger Nguyễn Chí Đức, 3.
Phương Uyên.
Trước hết, cần nhìn nhận rằng
những nhân vật này và nhiều người đã bỏ đảng hay đang suy tính để đi tới quyết
định đó, họ đang đấu tranh chính trị thông qua ngòi bút – bàn phím của mình. Mà
đấu tranh chính trị thì rất cần những toan tính, thủ thuật khôn khéo, thứ mà
CSVN có thừa, từ học hỏi rất nhiều bài bản ở các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc,
cho đến kinh nghiệm hơn 80 năm qua.
Trước một “đối thủ” hùng mạnh
như vậy, những người tranh đấu không thể quá “thật thà”, hành động đơn lẻ và
chỉ theo tình cảm tự nhiên của mình, rồi “đánh trống bỏ dùi”.
Như mấy năm trước, Nhà văn Phạm
Đình Trọng đã bỏ đảng, thế nhưng ông khá đơn độc, có lẽ không “gặp thời”, quá
thật, nên đã bị đảng giở chiêu “khai trừ” sau đó hòng hạ thấp hiệu quả tuyên
truyền từ hành động bỏ đảng của ông. Blogger Chí Đức bài bản hơn, đưa ra cả lời
kêu gọi thành lập CLB Huynh đệ Lầm đường Lạc
lối, nhưng ông vẫn chỉ dừng lại ở lá Đơn xin ra khỏi đảng của mình sau
khi chưa được đảng hồi âm, mà không tính tới việc phải tiếp tục “truy kích”,
đòi đảng phải trả lời nghiêm túc.
Ngoài “luật rừng”, mà “các thế
lực thù địch” vẫn tố đảng đã áp dụng tràn lan trên đất nước này, thì đảng cũng
có thứ luật riêng của mình, là Điều lệ và những thứ Chỉ thị, Nghị quyết, …
Những người bỏ/ muốn bỏ đảng đã nghiên cứu kỹ các văn bản đó để tính toán cho
các đường đi nước bước của mình trước khi hành động hay không? Hay họ chỉ cần
hiệu quả tức thì, nhất thời, rồi rơi vào im lặng qua cú “tự sát chính trị”, tựa
như hành động tự thiêu của các tu sĩ Tây Tạng, mà thôi?
Tiếp theo Nguyễn Chí Đức,
trường hợp TS Phạm Chí Dũng cũng đang chờ hồi âm – “hướng dẫn thủ tục” từ đảng
sau 1 tuần gửi đơn. Đảng sẽ tiếp tục giở chiêu cùn im lặng? Nếu vậy thì bước đi
tiếp của “nguyên đơn” sẽ là gì, cũng lại … chờ hay sẽ tấn công tiếp bằng nhiều
cách (điều này xin được đưa ra trong một bài bình luận khác)? Còn nếu đảng chơi
trò kỷ luật, khai trừ như với Nhà văn Phạm Đình Trọng thì phải đối phó ra sao
(có không ít cách xử trí)? Với Phương Uyên, không làm đơn “xin ra”, hỏi “thủ
tục” mà tuyên bố bỏ đoàn; rồi sẽ có quyết định khai trừ đoàn (?), cũng là một
kinh nghiệm mới mẻ cần suy ngẫm.
(Bổ sung, 11h, 12/12/2013:
sau khi đọc bài này, Blogger Chí Đức đã gửi bổ sung 2 văn bản, Quyết định cho
ra khỏi đảng và biên bản bàn giao thẻ đảng. Chúng tôi đã cập nhật vào “hồ sơ bỏ đảng” của ông).
Cho đến hôm nay, sau hơn 1 tuần
từ khi Luật gia Lê Hiếu Đằng nổ phát pháo đầu tiên tuyên bố bỏ đảng, kế đến là
TS Phạm Chí Dũng, BS Nguyễn Đắc Diên, bộ
máy tuyên truyền của đảng vẫn im lặng. Có lẽ theo họ, tuyên bố lập đảng trước
đó của ông Lê Hiếu Đằng thì cần công khai chỉ trích, đe dọa, còn vụ “bỏ đảng”
này thì … nguy hiểm hơn nhiều, là bôi mặt đảng, là khơi lên phong trào khó dùng
bạo lực trấn áp được, thôi thì “xấu chàng hổ ai”, cứ tạm nín lặng đã?
Quay sang khía cạnh khác, đó là
nếu như chưa bỏ đảng, bỏ hội … thì những “đảng viên nhưng mà tốt” có thể tiếp
tục tranh đấu khôn khéo ngay trong lòng tổ chức được không? Công luận có cần
khích lệ, vinh danh họ, hay cứ kêu gọi tất thẩy họ hãy bỏ đảng, ai chưa ra là
hèn, vụ lợi và đang chống lại nhân dân? Gợi ý cho những câu hỏi này là những
trường hợp như Võ Văn Kiệt – nếu như có thể, thì
bỏ đảng khi đương chức liệu có ích nước lợi dân hơn không, hay Trần
Độ – sớm tuyên bố công khai bỏ đảng có hơn là để cho đảng chủ động khai
trừ?
Blogger Nguyễn Tường Thụy dường
như đã đi được bước ban đầu, đó là đấu tranh ngay trong lòng tổ chức cuội của
đảng, thế nhưng ông đã vội ngưng để tham gia vào “trận” mới của phong
trào bỏ đảng.
Còn cựu tù chính trị Lê Thăng
Long thì ngược lại, muốn “chui sâu leo cao” vào tim đảng để tranh đấu, có điều
ông làm như chưa hiểu chút gì về những cơ cấu, nguyên tắc, thiết chế trong
đảng, nên đặt ra mục tiêu quá lớn, tới mức hoang đường.
BT
—
(Về việc nguyên công an quản giáo trại giam làm chi hội
trưởng CCB)
Kính gửi Ban Chấp hành TW Hội
Cựu chiến binh Việt Nam.
Tôi, Nguyễn Tường Thụy, sinh
hoạt tại chi hội 56 thuộc Hội Cựu chiến binh xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Tp
Hà Nội.
Tôi vào Hội cựu chiến bình từ
thời bắt đầu vận động thành lập hội.
Tôi viết thư này có mấy ý kiến
với BCH về công tác tổ chức:
Ngày 7/12/2012, tôi gửi đơn đến
Ban chấp hành Hội cựu chiến binh các cấp, trước hết gửi cho cấp xã và cấp
huyện.
Nội dung phản ánh về việc bà
Phùng Thị Phấn, trước khi nghỉ hưu công tác trong ngành công an, cụ thể là làm
cán bộ trại giam và không có thời kỳ nào công tác thuộc 9 đối tượng xét kết nạp
theo điều lệ 2007 của Hội.
Sau khi kết nạp, bà Phấn nhanh
chóng được đưa lên làm chi hội trưởng chi hội tôi sinh hoạt.
Sau khi tôi phản ánh, cán bộ
của Hội xã đều thừa nhận phản ánh của tôi là đúng, thừa nhận bà Phấn không phải
là đối tượng kết nạp của Hội. Tuy vậy, họ chỉ nói là đã kết nạp rồi thì thôi,
bây giờ đưa ra khỏi Hội sao được.
Tôi bảo thế thì các anh cứ cho
ý kiến bằng văn bản.
Nhưng một thời gian dài sau đó,
tôi không nhận được sự trả lời.
Sau đó, tôi nhận được công văn
đề ngày 15/8/2013 của Hội CCB xã Thanh Liệt trả lời rằng, căn cứ vào hướng dẫn
thi hành điều lệ Hội thì bà Phấn vẫn là Hội viên.
Tôi được đưa cho xem bài phô tô
“Một số vấn đề cụ thể thi hành điều lệ Hội CCB VN” in trên TTCCB tháng 6/2013″
(không có trang cuối nên không biết ai ký). Qua đó được biết bản hướng dẫn này
được thông qua tại Hội ghị lần thứ 2 BCHTW Hội (khóa V) ngày 27/3/2013, tức là
gần 4 tháng sau khi tôi có đơn phản ánh. Theo đó, có đoạn:
“Nhưng người được kết nạp vào
Hội trong thời kỳ thực hiện qui định của Điều lệ Hội lâm thời dù không nằm
trong các đối tượng nêu trên vẫn là Hội viên của Hội, nếu họ không xin ra khỏi
Hội.”
Nếu văn bản hướng dẫn này là có
thực, tôi có ý kiến sau:
-Điều lệ hiện nay là Điều lệ
Hội CCB được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV HộiCBBVN thông
qua ngày 13 tháng 12 năm 2007, chứ không có “điều lệ lâm thời”
- Mọi sự hướng dẫn là để làm rõ
những gì chưa cụ thể chứ không được trái với điều lệ Hội. Vì vậy, nếu qui định
những ai đã “trót” kết nạp rồi thì cứ để nguyên là trái với điều lệ Hội. Nếu cứ
trót thì để, chẳng lẽ Hội CBB chấp nhận cả sinh viên, nông dân, công nhân, nhà
buôn, doanh nhân… (thuần túy) vào Hội hay sao?
- Mặt khác, bà Phấn được kết
nạp sau khi có điều lệ Hội 2007 nên BCH Hội địa phương không thể vận dụng bản
Hướng dẫn nói trên.
- Bất kỳ ai cũng hiểu, công an
không phải là cựu chiến binh. Vì vậy để các thành phần khác vào Hội sẽ làm cho
Hội thành một tổ chức bát nháo. Người Hội viên không thấy vinh dự, tự hào khi
đứng trong hàng ngũ của Hội. Về phần tôi, tôi không thể sinh hoạt ở một chi hội
mà chi hội trưởng là công an quản giáo trại giam.
Đây là một trong những lý do
khiến tôi sẽ tuyên bố ra khỏi hội ngay ngày hôm nay, 10/12/2013.
Trước khi ra khỏi Hội, tôi có
mấy góp ý cho BCH để công tác tổ chức của Hội được chặt chẽ hơn.
Ngày 10/12/2013
Nguyễn Tường Thụy
———-
Tôi, Nguyễn Tường Thụy, Hội
viên, sinh hoạt tại chi hội 56 thuộc Hội Cựu chiến binh xã Thanh Liệt, huyện
Thanh Trì, Hà Nội.
Là lứa hội viên đầu tiên khi
vận động thành lập Hội.
Nay tuyên bố ra khỏi Hội Cựu chiến binh.
Lý do:
- Hội thực chất là cánh tay nối
dài của Đảng CSVN, không có sự độc lập.
- Là một tổ chức lỏng lẻo, kết
nạp cả những thành phần không thuộc đối tượng qui định theo điều lệ, sinh hoạt
hình thức, không có tính chiến đấu, không biết bênh vực quyền lợi của hội viên.
Hội viên không thiết tha sinh hoạt.
- Tờ báo Cựu chiến binh của Hội
đã viết những bài xuyên tạc sự thật.
- Tôi cảm thấy xấu hổ khi mang
danh hội viên Hội Cựu chiến binh – mặc dù thực tế, tôi vẫn là chiến binh.
Ngày 10/12/2013
Chữ ký
Nguyễn Tường Thụy
———-
3. ‘Tôi đang muốn vào Đảng Cộng sản’ - Lê Thăng Long (trích)
…
Riêng tôi bây giờ lại muốn làm
ngược lại 180 độ với nhà báo yêu nước Phạm Chí Dũng.
Anh xin ra khỏi Đảng thì tôi
lại muốn xin vào.
Tôi muốn vào không phải là để
tìm kiếm danh lợi cho bản thân mà hoàn toàn là vì tôi muốn cống hiến cho dân
tộc Việt Nam.
Tôi muốn vào để giúp Đảng tiếp
tục cải cách. Từ khi Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cải cách kinh tế Việt Nam
năm 1986 đến nay công cuộc này vẫn còn nửa vời, thiếu triệt để, thiếu toàn
diện, mới chỉ ở phần ngọn.
Cải cách tư duy nhận thức mới
là cải cách ở phần gốc rễ.
Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn
diện xã hội Việt Nam và lấy hệ lý luận chủ nghĩa Cộng sản Mác – Lê Nin làm
nền tảng lý luận cơ bản chủ yếu để tư duy lãnh đạo.
Nhưng lý luận chủ nghĩa Cộng
sản Mác – Lê Nin lại sai lầm và thiếu sót rất nhiều.
Một số chúng tôi đã chắt lọc
toàn bộ tinh hoa của hệ lý luận chủ nghĩa Cộng sản Mác – Lê Nin và nhiều tinh
hoa của các chủ thuyết khác cùng với nhiều sự sáng tạo mới của chúng tôi để
viết ra một hệ lý luận mới có tên là hệ lý luận Chủ nghĩa Cộng đồng.
Tôi muốn trở thành Tổng bí thư
Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc trở thành cố vấn cải cách của Tổng bí thư Đảng
và tự nguyện làm việc không lương để phục vụ lợi ích cho nhân dân.
Nếu được làm Tổng bí thư Đảng
Cộng sản, trong 11 tháng tôi sẽ làm cho bộ mặt dân tộc Việt Nam thay đổi rất
nhiều.
Tôi xin được giới thiệu công
khai, rộng rãi kế hoạch cải cách Việt Nam của tôi cho toàn thể đảng viên cộng
sản, công chức chính quyền, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước cùng bè
bạn quốc tế tham gia phản biện tưng bừng.
Dù Đảng Cộng sản và chính
quyền quảng bá rầm rộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế nhưng từ năm 2011
Việt Nam có hơn 100 ngàn doanh nghiệp bị ngưng hoạt động, giải thể, phá sản,
nền kinh tế dần đi đến bế tắc và khủng hoảng lớn.
Nếu tôi được làm Tổng bí thư
thì chỉ trong vòng 11 tháng tôi sẽ tái cấu trúc xong toàn diện nền kinh tế Việt
Nam.
Tôi đã lập kế hoạch để chỉ trong
10 đến 20 năm Việt Nam sẽ trở thành một trong 50 quốc gia giàu nhất thế giới,
từ 20 đến 30 năm Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 quốc gia giàu nhất thế
giới. Hiện nay trên thế giới có gần 200 quốc gia, Việt Nam vẫn còn là một trong
50 quốc gia nghèo nhất thế giới.
Tôi muốn nói rất nhiều, viết ra
rất nhiều, cống hiến rất nhiều lợi ích cho dân tộc Việt Nam nhưng từ những năm
qua đến nay tôi bị chính quyền ngăn cản.
Họ đã bắt giam tù oan, xử án
oan tôi 5 năm tù giam và nay tôi ra tù nhưng vẫn bị quản chế ba năm.
Chỉ vì hoạt động vì quyền con
người cho nhân dân Việt Nam mà tôi bị đi tù.
Tôi mong toàn thể đồng bào
trong nước và ngoài nước cùng bè bạn quốc tế hãy cùng bảo vệ quyền con người
chính đáng của tôi, xin hãy tạo điều kiện cho tôi được cống hiến nhiều lợi ích
cho dân tộc Việt Nam.
Lời cuối bài viết này, tôi xin
kêu gọi toàn thể các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, công chức chính
quyền hãy học theo tấm gương đạo đức, dũng cảm của nhà báo yêu nước Phạm Chí
Dũng.
Những ai còn lương tâm, còn
lòng tự trọng hãy đừng đứng cùng hàng ngũ với những kẻ tham nhũng và phản bội
lại lợi ích của nhân dân Việt Nam.
Những ai không ra khỏi Đảng
Cộng sản như nhà báo Phạm Chí Dũng thì xin hãy làm cuộc cải cách triệt để,
toàn diện trong Đảng, trong bộ máy chính quyền để chống tham nhũng, lãng phí,
cản trở sự phát triển của dân tộc một cách mạnh mẽ, thẳng tay.
Đã đến lúc dân tộc Việt Nam cần
trỗi dậy để sớm trở thành cường quốc.
No comments:
Post a Comment