Wednesday, 4 December 2013

"ÁN OAN" NGUYỄN THANH CHẤN : "CÓ VẤN ĐỀ" RỒI (Võ Văn Tạo, Ls Trần Hồng Phong)




Ls Trần Hồng Phong
04-12-2013

Thông tin trên báo chí về việc chiều ngày 4-12-2013, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho hay công an tỉnh này đã thừa nhận có sai sót trong quá trình tổ chức điều tra, có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến oan” với ông Nguyễn Thanh Chấn tuy không bất ngờ, nhưng rõ ràng đã làm cho những người quan tâm đến vụ án này cảm thấy an tâm hơn cho số phận anh Chấn. Mặc dù cho tới giờ phút này theo quan điểm của TANDTC, về mặt pháp lý anh Chấn vẫn đang là bị cáo, bị truy tố về tội giết người. Chưa oan!

Công an nhận sai tuy không bất ngờ, nhưng điều bất ngờ chính là sự thay đổi trong “lời khai” của họ. Bởi ban đầu, họ đều đã khẳng định quá trình điều tra, hỏi cung anh Chấn hoàn toàn không có chuyện ép cung, nhục hình. Tóm lại là đúng, là bình thường.

Thế mà chỉ sau khoảng nửa tháng, họ đã bất ngờ thay đổi “lời khai” đến 180 độ, nhận sai. (Tất nhiên là với điều kiện lãnh đạo tỉnh đưa thông tin chính xác).

Việc những điều tra viên trong vụ án anh Chấn nhận sai trong bối cảnh hoàn toàn tự do về thân thể và quyền công dân (không bị khởi tố bị can, không bị tạm giam, không bị hỏi cung …vv) cho thấy nhiều khi một người không cần bị ai ép cung vẫn có thể thay đổi ý kiến, lời khai của mình, thì việc một bị can bị “đàn áp” về mặt tinh thần, giữa bốn bức tường bê tông – sẽ phải chịu áp lực lớn đến mức nào. Và việc họ đôi khi phải “nhận tội” dù không có tội là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, pháp luật mới có quy định tuyệt đối không được ép cung, dùng nhục hình. Tuyệt đối không được lấy lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm căn cứ duy nhất để kết tội. 

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là các điều tra viên nhận sai là do họ tự nguyện (có thể so sánh với việc “tự nhận tội”) hay là họ bị “ai đó” hăm dọa, ép họ phải nhận? Và nếu họ nhận sai, và nếu pháp luật được thực thi, thì liệu sau này khi bị truy tố ra tòa án họ có “kêu oan” như anh Chấn hay không?

Vì nếu thật sự sai, họ chắc chắn sẽ bị khởi tố hình sự về một trong các tội danh như: tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội làm sai lệc hồ sơ vụ án (theo các điều 298, 299, 300 Bộ luật hình sự). Họ sẽ phải trả giá rất lớn, sẽ mất rất nhiều: từ công danh sự nghiệp, cho đến uy tín, nhân thân, thậm chí ảnh hưởng đến gia đình, người thân. Nói khác đi, không dễ mà họ nhận sai.

Mặc dù theo nguyên tắc “cặp phạm trù” của chủ nghĩa mác – lê, thì trong cuộc sống luôn có quy luật nhân - quả. Tức là nếu anh Chấn oan, thì công an phải sai. Nhưng ở xứ Việt Nam mình nhiều khi không hẳn là vậy. Đã từng có những vụ án có người bị kết tội đưa hối lộ (do khai nhận) nhưng lại không có người nhận hối lộ. Hay như chuyện quản lý tài sản nhà nước dù ai cũng thấy thất thoát sai phạm khắp nơi, nhưng cuối cùng không có ai sai, mọi thứ đều “đúng quy trình”!

Cá nhân tôi cho rằng mỗi người luôn cần phải linh động, chuyển biến về mặt nhận thức (đây cũng chính là một quy luật của chủ nghĩa mác – lê). Cái gì có lợi cho bản thân và cũng có lợi cho người dân, đất nước thì nên làm, mà không cần cứ phải “kiên định con đường”. Như chuyện bà thủ tướng Thái Lan mới đây đã đột ngột thay đổi thái độ với những người biểu tình. Hay ông Enxin đang là bí thư thành ủy thủ đô Moskva (Liên Xô) đã thay đổi lý tưởng, rời bỏ đảng cộng sản, đưa nước Nga đi vào con đường dân chủ, đa đảng. Hay như vua Bảo Đại tự nguyện thoái vị, tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng phe cách mạng …vv - chẳng phải là đáng cho nhiều người phải học hỏi hay chí ít là suy ngẫm hay sao?

Các anh công an trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn có lẽ cũng không cần phải kiên định mình luôn “trong sạch vững mạnh”, mình luôn luôn đúng. Các anh hãy hành xử cho đúng với lương tâm và trách nhiệm công dân của mình. Có thể các anh sẽ bị khai trừ khỏi đảng, nhưng chính là các anh sẽ trở về và hòa vào 87 triệu người dân Việt còn lại không phải là đảng viên. Các anh mất nhưng chính là được, trong sự mến yêu, tha thứ và chia sẻ của mọi người.

Nếu thật sự các anh đã tự nhận sai mà không bị ép cung, tôi xin gửi lời chia sẻ và bày tỏ lòng tôn trọng các anh.

---------------------------------------------------

Võ Văn Tạo 
04-12-2013

Liên quan oan án Nguyễn Thanh Chấn, trong bài “Sáu điều tra viên đều phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn”, báo Người Lao Động onlines (và vài báo onlines khác) ngày 10-11-2013 đăng tải thông tin: một lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, sáng cùng ngày, Tỉnh ủy đã họp để nghe Ban Giám đốc công an tỉnh báo cáo về vụ ông Chấn. Theo đại tá giám đốc Phạm Văn Minh chốt lại thì “không có vấn đề gì”(!?), 6 điều tra viên phải viết tường trình đều phủ nhận (!) việc đánh đập, ép cung, hướng dẫn ông Chấn khai vào bản cung.

Thái độ “nhơn nhơn” của Công an tỉnh Bắc Giang như đổ thêm dầu cho lửa công luận cả nước thêm bùng lên. Vì trước đó, các báo đều nhất loạt đăng tải thông tin ông Chấn thuật lại tường tận quá trình Công an, VKS, Tòa án tỉnh Bắc Giang điều tra, truy tố, xét xử với đầy đủ họ tên các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Bất cứ ai có đầu óc không bị “có vấn đề” đều chắc 100%  ông Chấn hoàn toàn trung thực. Với “kinh nghiệm” bị bắt giam, bị tra tấn, bị đe dọa giết hại, bị ngồi tù oan hơn 10 năm, ông Chấn chẳng “dại”, “giỡn mặt người nhà nước” mà mắc tội vu khống.

Chẳng như tuyên bố “tỉnh bơ” của đại tá Minh, ngày 4-12-2013, các báo onlines nhất loạt đưa tin Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh và Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Trần Đình Hồng đều thừa nhận “có sai sót chủ quan” gây oan sai trong vụ ông Chấn.

Có điều, hai vị trên đều dùng chữ “sai sót”, chứ không dùng chữ “có dấu hiệu phạm pháp” (mặc dù trong thâm tâm, các ông không quá “khờ” để không biết họ phạm pháp). Tất nhiên, ai cũng hiểu “sai sót” thì mức độ nhẹ hơn rất nhiều, thông thường là xử lý hành chính “nhẹ hều”. “Phạm pháp” thì gay go đấy, khó thoát vòng lao lý!

Trước diễn biến trên, có người biết chút ít triết học Mác - Lê bình luận: dường như trường hợp này đã được chương lý luận về nhận thức đúc kết: “nhận thức là một quá trình”(!!!). Và những người rành luật thì tiên đoán, sự thật vụ này sẽ được Cục Điều tra – VKSND Tối cao làm rõ.

Vì theo quy định hiện hành của pháp luật, chỉ có Cục Điều tra – VKS Tối cao mới có chức năng và thẩm quyền điều tra các loại tội phạm thuộc Chương XXII của Bộ luật Hình sự: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đây là nhóm tội mà người phạm pháp thuộc các ngành công an, VKS và tòa án, vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. 

Những người băn khoăn liệu những người gây oan sai cho ông Chấn có khai nhận? có thể tạm yên tâm. Vì không phải vụ án nào Hội đồng xét xử tuyên chinh xác bị cáo phạm tội, cũng có tình tiết bị cáo khai nhận. Hơn nữa, thành khẩn khai báo là tình tiết để được khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, có lẽ rốt cuộc những người gây oan sai trong vụ này cũng đủ tỉnh táo nhận ra thiệt hơn. 

Những ai băn khoăn liệu Cục Điều tra - VKSND Tối cao có làm sáng tỏ vụ oan sai? cũng có thể yên tâm, vì Bộ luật Hình sự có điều khoản về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” (điều 294, cũng trong Chương XXII). Hơn nữa, vụ việc tày đình, dư luận trong và ngoài nước đều đặc biệt chú ý, dõi theo từng diễn tiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn và báo cáo kết quả giải quyết, Cục Điều tra - VKS Tối cao đâu dễ cả gan “làm không rõ”, “xử lý không nghiêm”?

V.V.T.


----------------------------------

Vũ Lịch Nguyên
02/12/2013

Đỗ Thúy Hường
01/12/2013



No comments:

Post a Comment

View My Stats