Thursday, 19 December 2013

ADIZ LÀ GÌ ? (David A. Welch - Foreign Affairs)




David A. Welch

Neofob chuyển ngữ
Thứ Năm, 19/12/2013

Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Trung Quốc hiểu sai nó ra sao

Tuyên bố gần đây về Vùng Nhận Dạng Phòng Không [0] [ADIZ-ND] của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đã tạo ra nhiều mơ hồ và lo sợ. Phần lớn chuyện đó là do thực tế là chẳng mấy ai hiểu ADIZ là gì---nó có mục đích gì và tại sao nó quan trọng---kể cả chính phủ và quân đội Trung Quốc.

ADIZ được công bố khoanh định một vùng trải rộng ngoài biên giới lãnh thổ mà máy bay không nhận dạng sẽ bị thẩm vấn và ngăn chặn nếu cần để nhận dạng trước khi bay vào không phận thuộc chủ quyền. Khái niệm này là sản phẩm của Chiến Tranh Lạnh: vào thập niên 50 [1], Hoa Kỳ công bố vùng nhận dạng phòng không đầu tiên [2] nhằm giảm rủi ro của một cuộc tấn công bất ngờ từ Liên Xô.

Ngày nay, Hoa Kỳ có năm vùng (Bờ Đông, Bờ Tây, Alaska, Hawaii, và Guam) và có hai vùng chung với Canada. Những nước khác có ADIZ bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Pakistan, Nam Hàn, Đài Loan, và Vương quốc Anh.

Ngoài việc tăng cường an ninh, một ADIZ có thể giảm nguy cơ va chạm trên không, đương đầu với vận chuyển ma túy, hỗ trợ những hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, và giảm thiểu nhu cầu có những phi vụ của chiến đấu cơ để kiểm tra bằng mắt. Điều sau cùng là quan trọng nhất: ADIZ có thể tăng tính minh bạch, sự tiên liệu, và sự ổn định chiến lược bằng việc giảm tính bất ổn cho cả hai bên về thời điểm, nơi chốn, và việc đánh chặn trên không có thể diễn ra sao. Ví dụ vào năm 1960, Liên Xô không có vùng nhận dạng phòng không và quy trình rõ ràng nào. Do đó sự mơ hồ dẫn đến một máy bay do thám bị bắn hạ [3] ngoài hải phận quốc tế.

Không có thỏa thuận quốc tế [4] kiểm soát bất cứ vấn đề nào của một ADIZ. Các quốc gia chẳng được hiển nhiên cấp phép thiết lập chúng cũng như bị cấm làm vậy. ADIZ thường chồng lấn vào vùng mọi người biết là không phận quốc tế hay vào vùng của những nước bảo vệ chúng và chẳng cần đếm xỉa đến chủ quyền nào. Lấy ví dụ ngoài khơi phía nam California, một vùng ADIZ trải rộng hơn 400 dặm ngoài biển. Vì các quốc gia có quyền quản lý không lưu thuộc chủ quyền [5] thôi, các quốc gia không phải tuân thủ quy định ADIZ của những nước khác ở không phận quốc tế nhưng họ có khuynh hướng làm theo vì các lợi ích an ninh và an toàn cho mọi bên. Một vùng nhận dạng phòng không là về chuyện an ninh và an toàn chứ không phải là về chính trị hay luật pháp.

Thế thì tại sao Trung Quốc lại thiết lập ADIZ ở vùng biển Hoa Đông?

Giảm thiểu nguy cơ bị tấn công bất ngờ không thể là một phần của tình hình bởi vì trước tiên chẳng có sự đe dọa hiển nhiên nào. Những căng thẳng trong vùng rõ ràng là cao vào lúc này thế nhưng đây không phải là Chiến tranh Lạnh của những thế hệ trước. Chẳng nước nào muốn đánh vào tâm điểm của kinh tế toàn cầu. Nguy cơ của tấn công bất ngờ là cao nhất khi có ít nhất một bên xem việc chiến tranh xảy ra là không tránh khỏi và cho rằng đánh trước sẽ dành lợi thế quân sự. Trong một chừng mực, ADIZ của Trung Quốc đã làm tăng nỗi lo sợ trong vùng [6]; về những toan tính lâu dài của Trung Quốc thì nó thật sự đã gia tăng nguy cơ.

Ngoài ra cũng thật đáng ngờ là Trung Quốc tìm cách giảm thiểu buôn lậu ma túy ở biển Hoa Đông vì nó không phải là con đường buôn lậu ma túy đáng chú ý. Và có nhiều tuyến giao thông hàng hải và tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực cho nên không thiếu các bên sẵn sàng cho tìm kiếm và cứu hộ. Không có gì ngạc nhiên là chẳng có lý do nào được nêu trên trong bản tuyên bố của bộ quốc phòng Trung Quốc [0] thiết lập vùng nhận dạng phòng không.

Mong muốn giảm thiểu va chạm trên không là một giải thích khó nghe. Vấn đề ở đây là không phải là không lưu thương mại vốn dĩ đã được điều phối tốt ở biển Hoa Đông (bất cứ ai với truy cập Internet có thể theo dõi trực tuyến [7]). Nói đúng hơn, đó là những chuyến bay quân sự. Sự việc được chứng minh vào năm 2001 khi mà một chiếc EP-3 của Hải quân Hoa Kỳ va chạm [8] với một chiến đấu cơ F-8 của Hải quân Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa.

Trong trường hợp những chuyến bay quân sự, nguy cơ va chạm trên không chủ yếu là từ việc hiểu nhầm những quyền bay dọ thám. Hầu hết các quốc gia khẳng định rằng quân đội của họ có quyền tự do bay ở không phận quốc tế. Hoa Kỳ cho phép điều này ngay cả trong ADIZ của họ và nó có thể bị giám sát. Trái lại, Trung Quốc và một số nhỏ những nước có suy nghĩ tương tự, bao gồm Brazil [9], khẳng định rằng quốc gia có bờ biển có quyền qui định ít ra một số không lưu quân sự trong không phận trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ)---vùng biển trải rộng 200 dặm từ đất liền mà họ có quyền thăm dò và khai thác. Điểm khác biệt trong quan điểm này trực tiếp dẫn đến sự cố EP-3: phi công ngăn chặn máy bay Hoa Kỳ cho rằng sự hiện diện của nó ở trong vùng Đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và trong lúc dọa nó đã cắt cánh máy bay của nó. Do công bố một vùng ADIZ đặt nhiều áp lực lên Trung Quốc để ngăn chặn các chuyến bay quân sự nước ngoài, nó thật ra làm tăng nguy cơ những sự cố tương tự.

Đó là bằng chứng rõ ràng ADIZ của Trung Quốc chẳng có triển vọng củng cố thêm sự minh bạch, sự tiên liệu, hoặc sự ổn định chiến lược. Nó tạo ra sự mơ hồ cho các hãng hàng không [10] và những tập trận phô trương việc không công nhận của quân đội Hoa Kỳ, Nhật Bản [11], và Nam Hàn [12]. Do ADIZ của Trung Quốc chồng lấn với của Nhật Bản, có khả năng bây giờ là một máy bay trong vùng có thể nhận những chỉ thị trái ngược nhau và cùng lúc đối diện nghênh cản từ cả Trung Quốc và lẫn Nhật Bản. Từ góc độ an ninh và an toàn mà nói thì thông báo của Trung Quốc rõ ràng làm tình hình tồi tệ hơn chứ không tốt lành gì hơn.

Nhận thức chung, nếu không nói là ít ra ai cũng thấy, là Trung Quốc công bố ADIZ với niềm tin là nó sẽ giúp ích trong tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tin điều này với hai lý do: trước tiên họ tin rằng một vùng ADIZ đánh tiếng hay xác nhận chủ quyền; thứ hai hoặc là họ tin rằng tuyên bố một vùng ADIZ bao phủ quần đảo tranh chấp sẽ làm tăng lợi thế đàm phán. Điều thứ nhất được cho thấy là sai; vì nếu đây là điều họ tin thì họ nên sa thải ngay những luật sư về luật quốc tế của họ. Điều thứ hai chỉ có thể đúng nếu đàm phán đang diễn ra và nếu Washington và Tokyo có thể bị dọa nạt. Điều này cũng cho thấy là sai và nếu đây cái mà họ nghĩ thì họ nên sa thải những nhà phân tích chính trị.

Bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc đã tính toán lầm. Thế nhưng Trung Quốc không chỉ là quốc gia duy nhất bị thiệt thòi qua chuyện này. Đông Á đột nhiên trở thành một nơi nguy hiểm hơn.

Thật là không thực tế hòng mong đợi Trung Quốc đơn phương thối lui chuyện ADIZ. Điều đó sẽ là một sự bẽ mặt lớn cho cả quân đội Trung Quốc lẫn chính quyền vừa về đối ngoại lẫn đối nội. Nhưng chuyện lớn tiếng không công nhận cũng đem lại mất mặt cho Bắc Kinh. Nó cũng củng cố những quan niệm sai lầm của Trung Quốc về những diễn giải luật pháp của một ADIZ. Chuyện ăn miếng trả miếng của Nam Hàn về việc mở rộng vùng nhận dạng phòng không [13] cũng vậy. Nó chỉ làm tăng thêm những nguy cơ của đối đầu không chủ ý. Bằng cách kiên định lập trường các đối thủ của Trung Quốc đã đưa Bắc Kinh vào thế phải theo lao.

Đôi khi người ta làm chuyện gì xấu hổ nơi công cộng, điều khôn ngoan cần làm là trông như không để ý. Thú thật là đây là điều có phần không dễ; Seoul, Tokyo, và Washington đã phản ứng. Thế nhưng họ có thể không nhắc đến vấn đề công khai và bắt đầu dàn xếp một số quy tắc chung[14] với Bắc Kinh phía sau hậu trường để giữ thể diện và tiếp tục hiện trạng.

Trên giấy tờ mà nói thì Trung Quốc đã thiết lập một ADIZ ở biển Hoa Đông; Hoa Kỳ và đồng minh phản đối. Hãy để đối thoại công khai chấm dứt ở đó. Rút cục thì--xét về mặt chủ quyền mà nói---chẳng có gì mà phải bắng nhắng cả.

Nguồn: Foreign Affairs

Đường dẫn:

-------------------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats